Lạm dụng tình dục: các giám mục Thụy Sĩ có nguy cơ gặp rắc rối pháp lý không?

137

Lạm dụng tình dục: các giám mục Thụy Sĩ có nguy cơ gặp rắc rối pháp lý không?

cath.ch, 2023-09-21, Raphël Zbinden, 2023-09-21

Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ hỗn loạn sau hàng loạt tiết lộ về lạm dụng tình dục | Hình minh họa

Giáo hội Thụy Sĩ hiện đang bị chấn động với những tiết lộ liên quan đến lạm dụng tình dục. Nhưng xét về mặt pháp lý, điều gì có thể tạo ra hậu quả cho các nhà lãnh đạo hoặc tổ chức giáo hội?

Ở một số quốc gia, các linh mục bị tù vì phạm tội lạm dụng tình dục. Các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, đã làm cho nhiều giáo phận bị phá sản. Nước Thụy Sĩ không quen với điều này. Nhưng trước những tiết lộ, tố cáo và hàng loạt thủ tục điều tra gần đây, chúng ta có thể tự hỏi liệu tình hình có thay đổi hay không.

Nhất là, liệu có phải chờ các cáo buộc hàng loạt chống lại các đại diện của Giáo hội không? Bà Camille Perrier Depeursinge, giáo sư luật hình sự tại Đại học Lausanne thừa nhận: “Rất khó để trả lời chính xác câu hỏi này. Nhiều dữ kiện làm phức tạp việc phân tích. Đầu tiên là thời hiệu. Có khả năng là phần lớn các vụ được phát hiện qua cuộc điều tra của Đại học Zurich đều đã hết thời hiệu. Điều này không cho phép công lý can thiệp vào vấn đề này.”

Các trường hợp pháp lý phức tạp

Nhưng dù trong những việc không bị ảnh hưởng của thời hiệu thì tiến trình tố tụng không nhất thiết sẽ xảy ra. Nạn nhân phải tự chính mình đi khiếu nại, hoặc việc tố cáo phải do một người thứ ba thực hiện. Dĩ nhiên một số trường hợp sẽ bị truy tố nếu các trường hợp này được cơ quan có thẩm quyền chú ý (tòa án và cảnh sát, v.v.). Điều này đặc biệt liên quan đến hành vi tấn công tình dục với trẻ vị thành niên (hiện nay các hành vi tấn công trẻ em dưới 12 tuổi là không chấp nhận).

Bà Camille Perrier Depeursinge nêu rõ: “Nhưng việc mở thủ tục trong loại trường hợp này không diễn ra một cách tự động. Trên thực tế, cuộc thảo luận phải bắt đầu với người khiếu nại hoặc người tố cáo, và chúng tôi cố gắng xác định xem liệu việc mở thủ tục tố tụng hình sự có vì lợi ích của nạn nhân hay không, liệu cơ hội khẳng định quyền lợi của họ có đủ hay không.”

 “Việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông có thể làm cho một số người nhận thức được những gì họ thực sự đã trải qua” – Bà Camille Perrier Depeursinge

Giáo sư lưu ý: “Trong các trường hợp lạm dụng tình dục, những trở ngại với sự thật là rất lớn. Đôi khi nạn nhân không muốn tiến hành vụ kiện hình sự hoặc không tích cực hợp tác, thường là do cảm giác xấu hổ, sợ hãi hoặc thậm chí là mặc cảm tội lỗi. Sự thật cũng thường không rõ ràng và khó xác định. Nói chung, khi trường hợp trưng bằng chứng rất phức tạp, thì chính quyền sẽ hướng nạn nhân tới các giải pháp khác, chẳng hạn như yêu cầu bồi thường hoặc nhận hỗ trợ từ các tổ chức được thành lập vì mục đích này.

Chưa có “làn sóng” pháp lý

Vì thế bà Camille Perrier Depeursinge nghĩ rằng, sẽ không có chuyện xảy ra “một loạt” khiếu nại chống lại các đại diện của Giáo hội: “Hiện nay có thể việc đưa tin của các phương tiện truyền thông làm cho một số người nhận thức được những gì họ đã thực sự trải qua hoặc khuyến khích họ tiến một bước tới công lý. Nhưng chúng ta có thể nghĩ, nhiều người biết rất rõ những gì họ phải chịu đựng và nếu họ muốn kiện ra tòa thì họ đã làm.”

Trong chương trình phát sóng RTS Infrarouge ngày 20 tháng 9 năm 2023, bà Sylvie Perrinjaquet, chủ tịch Ủy ban Lắng nghe-Hòa giải-Trọng tài-Bồi thường (CECAR), bà đã giúp các nạn nhân lạm dụng tình dục trong bối cảnh giáo hội, tuy nhiên bà xác nhận trong tuần vừa qua, bà đã nhận được bảy hồ sơ mới về các vụ đã hết thời hiệu. Bà nói: “Đây là những trường hợp mới, với những người lạm dụng và nạn nhân không tham gia cuộc điều tra”.

Khó lên án những người che giấu

Nhưng còn các giám mục bị cho là đã không báo cáo vụ việc cho chính quyền dân sự thì sao? Vấn đề được đặc biệt làm rõ ở Pháp trong “phiên tòa xét xử Barbarin”. Cựu tổng giám mục Barbarin, giáo phận Lyon đã phải ra tòa vì đã không tố cáo linh mục ấu dâm Bernard Preynat. Tháng 3 năm 2019, ngài bị kết án 6 tháng tù treo vì tội này. Một bản án không được Tòa phúc thẩm Lyon xác nhận và tòa đã tuyên bố trắng án cho ngài năm 2020.

Tuy nhiên, loại xét xử này rất khó xảy ra ở Thụy Sĩ. Bà Camille Perrier Depeursinge lưu ý: “Không có bắt buộc chung nào trong việc tố cáo các hành động tội phạm của các cá nhân”. Nhưng bà lưu ý, theo một số luật của bang, đòi hỏi này có thể áp dụng với các nhân viên Nhà nước có tiếp xúc với trẻ em. Trên thực tế, họ có nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn và toàn vẹn cho trẻ vị thành niên dưới sự giám hộ của họ. Bà cảnh cáo: “Nhưng liệu chúng ta có thể tranh luận về tư thế này với một giám mục hoặc một người có trách nhiệm trong dòng tu để truy tố họ ra trước tòa không? Theo tôi, lý do như vậy có vẻ hơi xa vời và sẽ khó xây dựng một vụ án ở cấp độ hình sự.” 

Một tình huống phức tạp

 Giáo sư lưu ý, trong các trường hợp giám mục thuyên chuyển các linh mục lạm dụng, vì thế cho phép họ tiếp tục những hành vi sai trái “rõ ràng còn đáng trách hơn”. Bà cho biết, việc này liên quan đến việc tách biệt đạo đức ra khỏi mức độ tội phạm. Vì nếu trong trường hợp này, “trách nhiệm đạo đức là không thể nghi ngờ” thì trách nhiệm hình sự sẽ khó xác lập hơn.

Nhưng còn luật dân sự thì sao? Có thể có những yêu cầu bồi thường nhằm chống lại Giáo hội ở Thụy Sĩ, như đã có ở các quốc gia khác, đặc biệt ở Hoa Kỳ, nơi phải chi phí hàng triệu đô la không? Vấn đề này ở Thụy Sĩ có vẻ khá khác biệt. Dù đã nghiên cứu nhưng trang Công giáo Thụy Sĩ không có được câu trả lời dứt khoát về vấn đề này. Các chuyên gia được phỏng vấn chỉ có thể lưu ý đến tính phức tạp của tình hình, đặc biệt lưu ý đến các tình trạng khác nhau của Giáo hội ở từng bang. Việc Giáo hội công giáo được xem như một thể chế của luật công ở một số bang chứ không phải ở những bang khác là một trong những yếu tố quyết định các điều kiện của hành động đó.

Yêu cầu thành lập cơ quan độc lập

Rõ ràng là luật pháp Thụy Sĩ không được trang bị đặc biệt tốt trong lĩnh vực trấn áp và bồi thường cho hành vi lạm dụng tình dục. Có lẽ một ngày nào đó, quy tắc pháp chế sẽ lấp những khoảng trống này. Trong khi chờ đợi, các nạn nhân và hiệp hội gần như không được khuyến khích tìm đến chính quyền dân sự để đòi lại công lý.

Gần đây luật của Giáo hội đã bao gồm các điều khoản để giải quyết các trường hợp lạm dụng tình dục và các vụ che giấu. Về vấn đề bồi thường, Ủy ban Lắng nghe- Bồi thường- Hòa giải- Trọng tài- Bồi thường (CECAR) được thành lập vào tháng 1 năm 2016, theo sáng kiến của nhóm SAPEC (hỗ trợ những người bị lạm dụng trong mối quan hệ với thẩm quyền tôn giáo) và các tổ chức công giáo, với sự ủng hộ của các nghị sĩ Thụy Sĩ. CECAR đồng ý bồi thường lên tới 20.000 quan Thụy Sĩ. Nhưng một số người cho rằng số tiền này là không đủ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đối diện với các lạm dụng, Đức Phanxicô cổ vũ “văn hóa chú ý”

Giám mục Felix Gmür Thụy Sĩ kêu gọi chấm dứt luật độc thân bắt buộc