Sống chung và sinh thái toàn diện tại Làng Phanxicô

56

Sống chung và sinh thái toàn diện tại Làng Phanxicô

Hai năm sau khi các tu sĩ ra đi, tu viện Mẹ Maria Sa mạc (Sainte-Marie du Désert) thành Làng Phanxicô đầu tiên. Ở đây, những người dễ bị tổn thương nhất ở bên cạnh các gia đình và tình nguyện viên, họ chung sống trong một dự án kết hợp kinh tế và sinh thái.

lavie.fr, Axel Puig, 2023-05-31

 

Tu viện gồm một mẫu đất nhà kính và cánh đồng. Mọi thứ đều được dùng tại chỗ hoặc đem ra chợ bán.  Guillaume Rivière / La Vie

Các bức tường còn mới nguyên, căn hộ chưa trang bị đầy đủ giường chiếu. Cửa sổ mở ra khung cảnh của một cánh đồng và rừng cây, bạn có thể nhìn thấy một vài con cừu, một nhà kính lớn và những ô trồng rau. Ngồi quanh chiếc bàn ở giữa phòng khách, Véronique, Wandrille và Vianney thảo luận công việc cho những chuẩn bị cuối cùng. Mười ngày nữa, bộ ba sẽ chào đón hai người khuyết tật đầu tiên đến ở chung: một người mắc chứng tự kỷ và một phụ nữ mắc chứng rối loạn thần kinh phức tạp. Cô Véronique làm trong ngành nắn xương gần Toulouse; anh Wandrille là thợ mộc, anh Vianney là người đã sống ở hiệp hội Arche sẵn sàng làm “nhân viên phụ tá cho cuộc sống chung”. Cả ba đều trong độ tuổi từ 20 đến 30. Cả ba đã chọn sống một thời gian tại Làng Phanxicô đầu tiên giữa vùng Gers và Haute-Garonne.

Kế hoạch này được ông Étienne Villemain lên chương trình, ông là  người sáng lập hiệp hội Ladarô, những căn hộ này tập hợp những người ở hè phố và những người trẻ tích cực lại với nhau, để tiến xa hơn trong việc đón nhận những người mà ông gọi là “những người mong manh”, những người bị sứt mẻ trong cuộc sống, những người khuyết tật, những người tuyệt vọng, những người ngoài đường phố. Ông muốn tạo một cấu trúc phá bỏ những rào cản xã hội dựng lên giữa họ. Ông giải thích: “Chúng ta thường đối xử để người di dư một bên, người hè phố một bên, người già một bên khác. Theo một cách nào đó, người di cư sống với người di cư khác, người khuyết tật sống với người khuyết tật khác, như thế tạo ra kỳ thị. Ở Làng Phanxicô, những người mong manh sống với những người bạn đồng hành của họ, những người này cũng có gia đình, các cặp vợ chồng hoặc những thanh niên trẻ.”

Các gia đình trong các bức tường tu viện

Hai năm trước, hiệp hội Làng Phanxicô đã tìm thấy ở Haute-Garonne bối cảnh lý tưởng để thực hiện ý tưởng này. Thành lập năm 1853, tu viện Xitô Đức Mẹ Maria Sa Mạc đưa ra thị trường bán với giá 4.5 triệu âu kim, tám tu sĩ Dòng Xitô sống trong tu viện rộng 8.000 mét vuông, chung quanh là 180 hếc-ta đất nông nghiệp hoặc rừng cây.

Nhờ một người bạn của ông Étienne Villemain, họ đã mua lại với giá 1,5 triệu âu kim. Ngày 3 tháng 10 năm 2020, một ngày trước ngày lễ Thánh Phanxicô, các tu sĩ cuối cùng ra đi. Sáu gia đình lên đường đến ở. Những dự án tình nguyện đầu tiên nối tiếp nhau. Gần 105 tấn gạch vụn được đem đi, khung cửa được thay để giảm 100.000 âu kim tiền dầu hàng năm, đường ray và tấm placo được bắt vít vào tường.

Vianney, Véronique và Wandrille đã chọn sống ở đây giữa vùng  Gers và Haute Garonne.  Guillaume Rivière / La Vie

Một ngôi làng, 60 cư dân, một hội đồng

Hôm nay, những căn hộ đầu tiên đã sẵn sàng. Khoảng sáu mươi người sống tại Tu viện. Trong số này có một số cô trước đây là gái mại dâm từ hiệp hội Magđala dọn về căn hộ lớn có cùng tầm nhìn ra vùng nông thôn Haut-Garonne. Cũng có những người từng là dân lang thang, những người trẻ đang hội nhập, những người có vấn đề tâm lý, những người nghiện ngập, những người lớn tuổi bị cô lập và những gia đình “cổ điển”, những tình nguyện viên chăm sóc những người mong manh.

Ông Étienne Villemain giải thích: “Chúng tôi đang trong tiến trình thành lập một dòng tu Bêganh (sống chung nhưng không khấn). Chúng tôi có kế hoạch đón nhận những người trẻ gặp khó khăn được hiệp hội Don Bosco theo dõi và những người ngoài đường phố của Hội dòng Malta. Trong thời gian thực hiện, chúng tôi làm việc rất nhiều về công tác quản trị, các quy định để tránh lạm dụng. Chúng tôi không thể đón nhận những người bị kết án về tội bạo lực và phạm tội trên các trẻ vị thành niên. Có những quy tắc nghiêm ngặt về tiền bạc, tình dục và quyền lực. Chẳng hạn, người lớn không được chạm vào những đứa trẻ không phải là con của mình. Chúng tôi buộc phải bảo vệ nhau.”

Ông Patrice Cail, cựu giám đốc kinh doanh ở Lyon, bây giờ là người quản trị hiệp hội giải thích tiếp: “Một người có trách nhiệm cho Làng và hai phụ tá sẽ được chọn. Ngoài ra còn có một hội đồng làng, có một hoặc hai người từ mỗi căn hộ chung sẽ có mặt trong hội đồng. Phải làm sao để mỗi người cảm thấy dễ chịu khi ở đây.”

Chuyển đổi sinh thái toàn diện

Ngoài việc cùng sống chung, Làng Phanxicô dựa trên hoạt động kinh tế. Trong khả năng của mình, mỗi cư dân đều tham gia vào công việc chung. Bên ngoài tòa nhà, đi ủng và mặc bộ đồ nông nghiệp, anh William chọn làm việc ngoài đồng. Hồi đó anh định đến đây một tháng. Hai năm rưỡi sau, anh trao đổi với người nuôi ong, cung cấp mật ong cho nhà, mấy con gà đang ở dưới chân anh. Anh đơn sơ nói: “Đây là nơi tôi trưởng thành. Tôi cảm thấy sẵn sàng.” Tổng cộng có tám người làm việc trong trang trại, chăm sóc 700 con gà mái đẻ hoặc trồng rau và trái cây trên gần một hếc-ta nhà kính và cánh đồng. Mọi thứ đều được tiêu thụ tại chỗ hoặc đem ra chợ bán.

Dịch vụ khách sạn là một hoạt động quan trọng khác, kế đó là dịch vụ tổ chức các khóa hội thảo, sản xuất mật ong hay công ty dọn dẹp nhà, ông Patrice Cail nói thêm: “Chúng tôi có kế hoạch thành lập một trung tâm tái chế đồ chơi, xưởng mộc và xưởng sản xuất xà phòng. Từ phòng đọc kinh sẽ thành nơi cùng làm việc chung.”

Hiện nay qua trung gian của các hiệp hội khác nhau, Làng Phanxicô  có 36 nhân viên. Hy vọng cuối năm 2023, Làng sẽ có 52 nhân viên.

Tại đây, những người “mong manh” sống với những người đồng hành với họ, nhưng cũng có các gia đình, các cặp vợ chồng hoặc các thanh niên trẻ.  Guillaume Rivière / La Vie

Tất cả các hoạt động cố gắng đáp ứng nguyên tắc sinh thái toàn diện. Nếu nông nghiệp là hữu cơ, nếu việc cách nhiệt của tu viện được thực hiện bằng quần jean tái chế, thì ngôi làng đang bắt đầu các hành động sinh thái theo đúng tiêu chuẩn chặt chẽ. Một mái nhà quang điện đang được nghiên cứu, cũng như một nồi hơi đốt củi. Nhưng ở đây, sinh thái trước hết được hiểu theo nghĩa xã hội. Ông Étienne Villemain nhấn mạnh: “Chúng tôi nghĩ đến việc chuyển đổi sinh thái con người. Chúng tôi cố gắng tạo một hệ sinh thái, một môi trường nơi mọi người có thể thể hiện bản thân mình.”

Tóm lại, một hệ sinh thái lắng nghe “cả tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo”, như Đức Phanxicô viết trong Thông điệp Laudato Si.

Mười làng trong mười năm

Làng Phanxicô đang xây dựng một mô hình kinh tế dựa trên việc tự trang trải chi phí điều hành bằng tiền cho thuê nhà và các hoạt động kinh tế. Ngược lại, với tất cả các khoản đầu tư, hiệp hội kêu gọi quyên góp. Đây là những điều cần thiết để tài trợ, ví dụ, cửa hàng của nhà sản xuất mới tại Tu viện Đức Mẹ Maria Sa mạc. Các dự án khác đang được triển khai: thành lập một trang trại giáo dục và thành lập một đội xe điện nhỏ để cư dân có thể ra làm việc bên ngoài. Ông Villemain nhận xét: “Chúng tôi muốn tạo những bức tường xốp giữa Làng Phanxicô và bên ngoài. Vì sao không giao vườn cho người dân trong vùng?”

Hiệp hội vừa có được một địa điểm thứ hai ở Pyrénées-Atlantiques và hy vọng sẽ mở mười ngôi làng trong mười năm. Trang web Làng Phanxicô https://levillagedefrancois.com/.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Étienne Villemain: ở chung với người ngoài đường