Tổng thống Emmanuel Macron và Đức Phanxicô đối đầu với tầm nhìn của họ về hòa bình

40

Tổng thống Emmanuel Macron và Đức Phanxicô đối đầu với tầm nhìn của họ về hòa bình

la-croix.com, Corinne Laurent và Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-10-24

 

Đức Phanxicô và tổng thống Emmanuel Macron trong buổi tiếp kiến ngày thứ hai 24 tháng 10-2022 tại Vatican

Ngày thứ hai 24 tháng 10, trong lần gặp Đức Phanxicô lần thứ ba, tổng thống Pháp đã tập trung thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và những hành động cần thực hiện để chấm dứt cuộc chiến.

Cuộc gặp kéo dài 55 phút để có một cái nhìn tổng quát quốc tế. Lần này hai người đã dành phần lớn cuộc gặp cho cuộc chiến ở Ukraine nhưng cũng cho tình hình ở Kavkaz, Trung Đông và châu Phi.

Tổng thống Emmanuel Macron được nhìn thấy ở Vatican như thế nào

Trong cuộc tiếp kiến kéo dài 55 phút – ngắn hơn năm phút so với lần gặp tháng 11 năm 2021, sau cuộc gặp, Điện Élysée cho biết Đức Phanxicô và tổng thống Macron đã chia sẻ một phân tích chung về “vai trò của Vatican và đối thoại giữa các quốc gia”.

Sau khi gặp Đức Phanxicô, tổng thống Macron gặp hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và giám mục Paul R. Gallagher, bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh trong vòng một giờ mười lăm phút.

Những điểm hội tụ

Trên các hình ảnh do Vatican công bố, người ta thấy hình ảnh hai người mỉm cười thoải mái, tổng thống Macron dùng cách xưng hô thân tình như ông đã dùng tháng 11 năm ngoái. Điện Élysée cho biết: “Tổng thống không trịnh trọng. Giáo hoàng cũng không trịnh trọng, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến các điểm hội tụ giữa Paris và Tòa thánh.”

Tuy nhiên về vấn đề giai đoạn cuối đời, đang là trung tâm các cuộc thảo luận ở Pháp thì phái đoàn tháp tùng nguyên thủ quốc gia không thể xác nhận chủ đề này có ở trong chương trình trao đổi của hai người không.

Theo tổng thống Emmanuel Macron, các tôn giáo có “nghĩa vụ kháng cự”

Rất ít chi tiết được chính thức công bố, hai người nói chuyện một mình, không có cố vấn bên cạnh, chỉ có một thông dịch. Mục đích chuyến đi của tổng thống Macron là dự cuộc họp với cộng đồng Sant’Egidio về hòa bình, một ngày trước cuộc gặp với Đức Phanxicô.

Chống bất cứ hình thức chính trị hóa tôn giáo nào

Ông cho rằng, hòa bình luôn phải chấp nhận rủi ro cho sự mất cân bằng. Quan niệm này phù hợp với quan điểm của Đức Phanxicô, từ bảy tháng nay ngài khuyến khích các nhân vật chính của cuộc chiến trở lại bàn thương thuyết để thiết lập một lệnh ngừng bắn càng nhanh càng tốt.

Tổng thống Macron và Đức Phanxicô, giữa hợp nhau về trí tuệ và đấu tranh chính trị

Ông cũng cho thấy sự hội tụ của ông với các ý tưởng của giáo hoàng trong lập trường chống lại việc chính trị hóa tôn giáo, đặc biệt là tố cáo chính thống giáo Nga đã bị quyền lực Nga thao túng – trước sự hiện diện của thượng phụ Antoine, nhân vật số hai của tòa thượng phụ Matxcova hiện diện ở các hàng đầu tiên của hội phòng cộng đồng Sant’Egidio. Những bình luận làm giới quan sát nhớ lại những lời chỉ trích của giáo hoàng với Thượng phụ Mátxcơva, ngài nói thượng phụ Kyrill không được làm “người giúp lễ trên bàn thờ của Putin”.

Hòa bình, theo điều kiện của Ukraine

Nhưng tổng thống Macron cũng mang đến Rôma một quan điểm khác với quan điểm của giáo hoàng. Ông đã làm như vậy khi lên tiếng chống lại bất kỳ sự trung lập nào, khi Tòa thánh áp dụng quan điểm không đứng bên nào khi cuộc xung đột bắt đầu. Tổng thống Macron khẳng định: “Gạt một bên suy nghĩ cho rằng có thể có một hình thức tương đương hoặc chúng ta có thể giữ trung lập, tôi nghĩ, đó là thừa nhận chúng ta có thể chấp nhận một trật tự quốc tế nơi luật mạnh nhất có thể trở thành luật chung.” Ông cũng cho rằng việc thực hiện hòa bình phải đáp ứng các điều kiện của người Ukraine: “Một hòa bình có thể có, đó là hòa bình duy nhất do họ quyết định, khi họ quyết định và sẽ tôn trọng quyền của họ với tư cách là một dân tộc có chủ quyền.”

Cộng đồng Sant’Egidio: những người công giáo này đối thoại với các chúa tể chiến tranh và các nguyên thủ quốc gia

Emmanuel Macron đã làm sâu sắc thêm nhận thức này trước các nhà lãnh đạo của cộng đồng Sant’Egidio trong bữa tiệc đặc biệt thiết đãi ông tại trụ sở của cộng đồng ở quận Trastevere của Rôma. Trong bữa ăn, kéo dài đến nửa khuya, các cuộc thảo luận tập trung vào hòa bình trên thế giới. Theo ông Andrea Riccardi, người sáng lập cộng đồng, họ đặc biệt đề cập đến Ukraine, Mozambique, Lebanon, nhưng cũng có Iraq, Armenia và Algeria. Và hai người đã đồng ý gặp lại nhau vào giữa tháng 12, khi ông Riccardi đến Paris.

Như thông lệ, vào cuối cuộc gặp tổng thống Pháp và Đức Phanxicô trao đổi quà tặng. Tổng thống Pháp tặng Đức Phanxicô quyển Hướng tới hòa bình vĩnh viễn, một tiểu luận của triết gia Emmanuel Kant xuất bản năm 1795.

Đức Phanxicô tặng tổng thống các ấn phẩm của ngài và một huy chương đồng đóng khung bằng đá cẩm thạch hình đền thờ Thánh Phêrô và hàng cột.

Và cũng theo thông lệ, cuối cuộc gặp khi nào Đức Phanxicô cũng xin khách cầu nguyện cho mình. Bà Brigitte Macron, vợ của nguyên thủ quốc gia trả lời: “Tôi cầu nguyện cho ngài, tôi cầu nguyện cho ngài mỗi ngày.”

 

 

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Ông Andrea Riccardi: “Bài phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron ở Viện Bernardins là bài phát biểu rất quan trọng”