Phỏng vấn nữ tu Togo Mary Lembo, nhà trị liệu tâm lý và nhà huấn luyện cho các chủng viện và nhà dòng. Sơ vừa công bố luận án bảo vệ năm 2019, một nghiên cứu chưa từng có về các nữ tu bị lạm dụng ở châu Phi, phá vỡ một cấm kỵ dày đặc.
lavie.fr, Youna Rivallain, 2022-10-18
Sơ Mary Lembo, nữ tu Togo thuộc Dòng Nữ tu Thánh Catarina thành Alexandria.
Là nữ tu Dòng Thánh Catarina thành Alexandria, sơ Mary Lembo làm việc tại trung tâm bảo vệ trẻ vị thành niên tại Giáo hoàng Học viện Gregorian, Rôma. Và chính tại Học viện này năm 2019 sơ đã bảo vệ luận án về các nữ tu bị các linh mục lạm dụng. Luận án của sơ xoáy vào vết thương đang làm băng hoại Giáo hội châu Phi: Các nữ tu bị lạm dụng ở châu Phi, nói lên sự thật. Một nghiên cứu chưa từng xuất bản (Religieuses abusées en Afrique, faire la vérité. Une étude inédite. Mary Lembo. Nxb. Salvator).
Trước đây, luận án của sơ được xem là #MeToo của các nữ tu châu Phi. Sơ có nhận thấy sơ trong mô tả này không?
Sơ Mary Lembo: Không hẳn vậy. Hơn cả lời khẳng định của những người liên quan, công việc này xuất phát từ việc tôi quan sát tại hiện trường, với tư cách là nhà giáo, người huấn luyện cho các nữ tu và chủng sinh trong vấn đề trưởng thành tình cảm và tình dục, nhưng tôi cũng là nhà trị liệu tâm lý. Chính trong bối cảnh đào tạo, lắng nghe này, tôi có được những chứng từ làm cho tôi dần dần nhận ra, có điều gì đó không ổn ở đây. Các nữ tu tâm sự với tôi họ có mối quan hệ với một người đàn ông, nhưng đó không phải là điều họ muốn và họ không thể thoát ra khỏi tình trạng này.
Tôi cố gắng tìm hiểu lý do. Tôi nói với họ: “Nếu bạn là nữ tu, bạn nói không! Và nếu có lệch lạc, bạn phải chấm dứt tình trạng này, bạn đứng dậy và tiến về phía trước!” Nhưng tôi hiểu khó khăn của họ sâu xa hơn, họ là nạn nhân của các linh mục đã tấn công tình dục, hãm hiếp họ trong bối cảnh quan hệ mục vụ. Đây là điểm khởi đầu nghiên cứu của tôi.
Châu Phi gặp khó khăn trong việc báo cáo lạm dụng tình dục trong Giáo hội
Khi tôi được mời về Rôma làm việc tại trung tâm bảo vệ trẻ vị thành niên của Giáo hội, và khi được cấp học bổng để đào sâu nghiên cứu, tôi quyết định nghiên cứu trường hợp các phụ nữ thánh hiến bị các linh mục lạm dụng. Vấn đề này khá khác và ít được công nhận hơn so với vấn đề ấu dâm. Tôi muốn nghiên cứu vấn đề ở góc độ định tính, để hiểu các động lực làm cho những hành vi lạm dụng này có thể xảy ra để giúp đào tạo, đồng hành với các phụ nữ thánh hiến, giúp họ nhận ra những hành vi lạm dụng và không bị giam hãm trong mối quan hệ kiểm soát này.
Vì lạm dụng một phần có thể do thiếu hiểu biết, do các nữ tu ngây ngô, họ không bao giờ nghĩ họ bị một linh mục gạ gẫm khi họ làm mục vụ… và họ không đủ sức để nói ‘không’. Điều quan trọng là phải đào tạo để họ có thể nói ‘không’, cho họ khí cụ để họ tự vệ.
Sơ có bị sốc, bị bất ngờ trước một số tình huống nào đó không?
Cuộc phỏng vấn đầu tiên làm tôi mất ngủ. Đó là một phụ nữ tận hiến mà tôi gọi là Becky. Sơ đã trải qua những tình huống kinh hoàng không tên: bị một linh mục cộng tác hãm hiếp nhiều lần, ông ngăn sơ dùng biện pháp tránh thai và buộc sơ phải phá thai nhiều lần. Cuối cùng sơ rời cộng đoàn. Khi tôi nghe chứng từ này, tôi đang bắt đầu nghiên cứu và tôi do dự khi theo đuổi: Tôi lo sợ cho đời sống của tôi, cho cộng đoàn của tôi, tôi muốn làm dịu quan điểm của tôi. Nghe Becky nói, tôi nhận ra tôi không thể im lặng. Tôi phải tiếp tục.
Ở Phi châu, các nữ tu là nạn nhân của luật im lặng
Thật không dễ dàng để thu thập lời chứng của các nữ tu chấp nhận nói chuyện. Một số sợ bị trả thù, sợ cho gia đình, cho chính bản thân… Họ sợ họ sẽ bị buộc tội phản bội Giáo hội, đã dụ dỗ các linh mục… Việc làm chứng cho những vụ tấn công và hãm hiếp mà họ phải chịu là điều vô cùng khó khăn, vì trong đa số trường hợp, người ta không tin họ.
Sơ có một ý tưởng nào về tầm mức rộng lớn của hiện tượng các linh mục tấn công tình dục và hãm hiếp các nữ tu ở Phi châu không?
Thật rắc rối khi tự giới thiệu mình là nhà nghiên cứu, phải đi tìm số liệu với các nhóm lớn, các thống kê… Nghiên cứu mang tính định tính tôi chỉ tìm thấy ở Mỹ năm 1998. Tôi không có con số toàn cầu, vì đó không phải là mục đích của tôi: tôi muốn, từ những lời khai, tôi đi sâu hơn để hiểu cơ chế của lạm dụng, những tình huống mà các nữ tu vướng vào và vì sao họ khó thoát ra khỏi luôn trong mục đích cần thiết cho đào tạo.
Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: Bây giờ ít người nghĩ rằng vấn đề này không có ở Phi châu
Có một loại hành động của các linh mục lạm dụng không?
Thường thường khi một cô gái trẻ muốn tìm hiểu đời tu, họ thường xin một linh mục tháp tùng trên con đường thiêng liêng. Họ mở lòng ra với linh mục, tâm sự nỗi sợ, nỗi do dự, những cám dỗ và khó khăn của một con người, một phụ nữ. Họ tin tưởng hoàn toàn vào linh mục! Chúng ta nên biết các cô bước vào đời tu khi còn rất trẻ, có khi trước 18 tuổi, khi thể xác họ đã là phụ nữ.
Trong bối cảnh quan hệ mục vụ này, sau đó có thể có sự chuyển đổi của nữ tu hoặc của tập sinh sang linh mục họ ngưỡng mộ, người lắng nghe, hỗ trợ, nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn… Điều này đặt họ vào tình trạng mong manh. Vì nếu linh mục đi bước trước, câu trả lời của họ sẽ hoang mang. Theo chứng từ tôi thu thập được, chính những lúc này là lúc linh mục lợi dụng họ. Trong mối quan hệ không tương xứng này, có một hình thức lệ thuộc (lệ thuộc thiêng liêng, lệ thuộc vào tình huynh đệ, tình cảm và đôi khi lệ thuộc cả tài chính, vì cũng có thể có trường hợp linh mục cho tiền cho một số cô gái trẻ đang được đào tạo, khi đó sự đồng ý không có giá trị.
Tại sao lạm dụng tình dục hầu hết không được báo cáo ở Châu Phi
Lạm dụng cũng có thể xảy ra trong bối cảnh mục vụ, khi linh mục và nữ tu làm việc trong một chương trình chung như trong ban tuyên úy. Họ phụ thuộc vào linh mục để được giúp đỡ, tổ chức sinh hoạt, đi nhờ xe đến những nơi xa xôi nào đó… Người phụ nữ thánh hiến cảm thấy mình mắc nợ linh mục.
Trong một số chứng từ, có vẻ như linh mục có thói quen lạm dụng nữ tu, không có việc lật ngược lại. Sơ có cảm thấy như vậy không?
Tôi cũng cảm thấy như vậy… Đặc biệt là vì một số người làm chứng nói họ không phải là “người duy nhất”, linh mục này cũng lạm dụng một số nữ tu khác trong cùng cộng đoàn. Một số rất lo lắng cho những người trẻ được linh mục đào tạo, ông cũng sẽ làm như vậy với họ… Nhưng, nghiên cứu của tôi chỉ mang tính định tính trên khía cạnh hệ thống có thể có của nó, tôi không đủ tư cách để nói về tầm mức rộng lớn hiện tượng các nữ tu bị lạm dụng ở châu Phi. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu về số lượng, thống kê.
Sơ nói văn hóa tôn giáo ở châu Phi xem linh mục là nhân vật thánh, không thể sai lầm. Sơ có nghĩ điều này có thể làm dễ dàng cho việc lạm dụng không?
Một phần. Người Phi châu rất sùng đạo. Linh mục có một địa vị xã hội quyền lực, được đánh giá cao, được ngưỡng mộ, được xem là thánh thiện, không thể sai lầm. Lời của linh mục là lời của Chúa, không bao giờ sai, linh mục là Chúa Kitô trên Trái đất. Giáo dân khó thấy khía cạnh đen tối của linh mục. Trong tất cả những tình huống lạm dụng này, chỉ có một nữ tu được cộng đoàn của sơ hỗ trợ, những người khác phải tự đối diện với những câu hỏi của những người chung quanh về mối quan hệ: vì sao nữ tu đó lại thân thiết với linh mục? Nhưng không một ai, không một ai dám đối đầu với những kẻ tấn công mình.
Nhiều lần có một nữ tu nói rằng, linh mục nói với họ bậc sống độc thân chức thánh “chỉ” có nghĩa là không thể kết hôn, nhưng có thể có quan hệ tình dục. Sơ có nghĩ các linh mục này đã hiểu sai về đời sống độc thân của linh mục… Hay đó chỉ là do xấu hổ lương tâm và một hình thức thao túng nào đó không?
Tôi nghĩ đó là hình thức thao túng thì đúng hơn. Như thế cho thấy các đào tạo trong chủng viện là quá lý thuyết và không rõ ràng đủ. Đa số thanh niên vào chủng viện khi họ đậu xong tú tài ở tuổi 17 hoặc 18, nghĩa là trong giai đoạn trưởng thành đầy đủ về giới tính. Họ bị khép kín trong chủng viện chín tháng một năm, bị cấm tiếp xúc với phụ nữ…
Và sau đó họ đi thực tập ở giáo xứ, nơi họ tiếp xúc với phụ nữ mỗi ngày, khi đã ở vị trí có thẩm quyền, được giáo dân tôn trọng, họ được đặt trên bệ! Quản lý tất cả những chuyện này không dễ dàng với tôi. Đó là lý do tôi đòi hỏi phải được đào tạo thực tế hơn, hướng dẫn lành mạnh hơn cho đời sống giáo xứ. Ở Phi châu, chúng tôi rất thân tình, chúng tôi gọi nhau là anh, là chị, là em của nhau… Tôi gọi “cha” những người bằng tuổi cha tôi. Nhưng điều này có thể tạo tạo nhầm lẫn! Linh mục không phải là anh của bạn, cũng không phải là cha của bạn, linh mục là người đồng hành!
Mặt khác, tôi nhấn mạnh vào sự cần thiết phải đào tạo về mặt thần học cho các nữ tu tương lai ở Phi châu. Các chủng sinh học thần học tám năm, trong khi các nữ tu chỉ học những gì cơ bản về kinh thánh và thần học. Điều này duy trì chủ nghĩa giáo quyền nơi các nữ tu, họ đến với các linh mục, người được học nhiều hơn… và những gì linh mục nói thì chính xác hơn. Nhưng không đúng sự thật! Các nữ tu phải được phép phát triển tinh thần phản biện hơn.
Như thế theo sơ, sự non nớt về tình dục và tình cảm của linh mục là lý do lạm dụng của họ?
Nói chung sự chưa trưởng thành là một trong những yếu tố sâu xa. Những kẻ đi tấn công lợi dụng quyền mà theo lẽ, là linh mục họ phải dùng để phục vụ người khác. Đó là dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Thông thường, bạo lực tình dục của các tu sĩ không phát sinh trực tiếp từ mối quan hệ xung đột với tình dục, nhưng là một cách thống trị người khác, sử dụng người khác để thỏa mãn những nhu cầu mà họ không nhận thức đầy đủ.
Vụ giám mục Santier: im lặng là lạm dụng lòng tin
Sơ đã đọc các khuyến nghị của báo cáo Sauvé? Trong số 45 đề xuất, ủy ban đề cập đến hỗ trợ tâm lý cho các chủng sinh và nên đưa phụ nữ vào giảng dạy trong các chủng viện. Sơ nghĩ sao?
Tôi đã đọc. Nhưng có một khoảng cách giữa các khuyến nghị chúng ta muốn áp dụng và thực tế ở châu Phi. Ở châu Phi, đa số các chủng viện ở tầm vóc quốc gia. Trong chủng viện, 4, 5 hoặc 6 giáo sư dạy khoảng 100 đến 300 chủng sinh. Làm sao chúng ta có thế tháp tùng từng người? Phụ nữ, dù sống thế tục hay thánh hiến cũng nên được đào tạo để dạy trong các chủng viện. Nhưng họ rất ít và thường quá tải so với yêu cầu: một chủng viện không có đủ phương tiện để trả lương cho các giáo sư này.
Vấn đề các linh mục tấn công tình dục và hãm hiếp các nữ tu có được hệ thống giáo quyền công giáo châu Phi biết đến không?
Có, nhưng rất khó để đưa ra một câu trả lời rõ ràng vào thời điểm này. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu hành trình. Thực tế khi nói về nó, để hiểu được các động lực cơ bản, cho phép nhận thức về hệ thống cấp bậc, đặc biệt là về tín hữu nói chung. Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi lạm dụng.
Là phụ nữ, có đạo và đi tu, sơ trải nghiệm như thế nào khi làm việc với vấn đề này?
Đó là cuộc chiến và khi nào nó cũng là cuộc chiến. Chúa kêu gọi chúng tôi hiến đời mình cho người khác và trong công việc, dần dần tôi hiểu đó là lời kêu gọi tôi, với tư cách là người nghiên cứu, người có đạo và là phụ nữ thánh hiến. Tôi tin vào sự cộng tác của người nam, người nữ trong Giáo hội để phục vụ người khác. Đó là lý do vì sao tôi càng đau khổ hơn khi thấy những giá trị này bị hoen ố vì các phản chứng từ. Điều tra lạm dụng là một đấu tranh, rất khó, nhưng điều đó có nghĩa là tôi phải im lặng ư? Chúng ta phải nói về nó để thay đổi, để biến đổi, để tiến lên phía trước. Sự thật sẽ giải phóng chúng ta.
Các nữ tu bị lạm dụng ở châu Phi, nói lên sự thật. Một nghiên cứu chưa từng xuất bản (Religieuses abusées en Afrique, faire la vérité. Une étude inédite. Mary Lembo. Nxb. Salvator).
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Ở châu Phi, các nữ tu bị lạm dụng sống trong sợ hãi