Cộng đồng Sant’Egidio: những người công giáo này đối thoại với các chúa tể chiến tranh và các nguyên thủ quốc gia

81

Cộng đồng Sant’Egidio: những người công giáo này đối thoại với các chúa tể chiến tranh và các nguyên thủ quốc gia

lemonde.fr, Bénédicte Lutaud, 2022-10-22

Khi Đức Phanxicô và tổng thống Emmanuel Macron sẽ trong số các khách mời của Cộng đồng Sant’Egidio trong hội nghị thượng đỉnh liên tôn cổ động cho hòa bình được tổ chức trong hai ngày, chúa nhật 23 tháng 10 và ngày thứ hai 24 tháng 10 tại Rôma, làm nổi bật lịch sử cộng đồng công giáo kín đáo này, họ là những người được tiếng là người hòa giải trong các cuộc xung đột quốc tế.

Trong sân của một tu viện Rôma cũ, dưới các tàng cây chuối, các thủ lãnh của du kích châu Phi đang uống cà phê. Trên tường, một tấm biển nói lên mục tiêu chung của họ: đường Hòa bình. Chúng ta đang ở vào tháng 7 năm 1990, và các cuộc đàm phán chưa từng có giữa những người nổi dậy Renamo (quân kháng chiến toàn quốc của Mozambique) và các thành viên của Frelimo (Mặt trận Giải phóng Mozambique), những người đã chiến đấu chống nhau trong mười ba năm, vừa bắt đầu.

Khung cảnh yên bình này là trụ sở của Sant’Egidio: một hiệp hội huynh đệ của giáo dân công giáo mà cả hai bên đã chọn để làm trung gian cho các cuộc thương thuyết của họ. Ngày 4 tháng 10 năm 1992, họ đã ký một hiệp định hòa bình lịch sử tại Rôma. Từ đó trở đi, cộng đồng đã nhân rộng các sứ mệnh hòa giải trên khắp thế giới: Guatemala, Algeria, Balkans, Burundi, Liberia, v.v. Cộng đồng đôi khi có biệt danh là “Liên Hiệp Quốc của Trastevere”, tên của một quận ở Rôma nơi cộng đồng có trụ sở được các chúa tể chiến tranh và các nguyên thủ quốc gia nhờ đến.

Cộng đồng Sant’Egidio, từ khu ổ chuột đến quan hệ quốc tế

Danh tiếng này dựa trên cách làm chưa từng có trong ngoại giao, được gọi là “thủ công” (casareccio). Tại quảng trường Sant’Egidio, du khách không để ý đến các quân nhân đóng trước nhà thờ nhỏ của họ.

Đó là năm 1968, Andrea Riccardi con trai của một giám đốc ngân hàng và một nhóm sinh viên nhiệt huyết với Công đồng Vatican II đã thành lập cộng đồng Sant’Egidio, cộng đồng hiện nay có 60.000 thành viên. Sau khi bắt đầu làm việc tại các khu ổ chuột Rôma với người tị nạn, người khuyết tật và người lớn tuổi, các tình nguyện viên thành lập các chi nhánh quốc tế và dần dần họ trở thành những người “kiến tạo hòa bình”.

Ông Andrea Riccardi giải thích: “Chúng tôi không muốn đóng vai nhà ngoại giao, nhưng đối diện với sự kinh hoàng của chiến tranh, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải hành động.” Ông lặp đi lặp lại câu thần chú: “Chiến tranh là mẹ của mọi đói nghèo.” Cộng đồng Sant’Egidio đã biến điểm yếu của mình thành điểm mạnh: vì không phải là cường quốc vũ trang, kinh tế hay chính trị, nên cộng đồng không có lợi ích nào khác là hòa bình.

“Theo thời gian, đây là cách mà tổ chức Phi chính phủ có được sự tin tưởng của các đối tác của mình. Cộng đồng Sant’Egidio không có chương trình làm việc bí ẩn, không có nhân viên trả lương: theo cách này, các bên phải cam kết trọn vẹn”, ông Mario Giro, cựu bộ trưởng Ý nhấn mạnh, ông là người làm việc tại chỗ cho cộng đồng. Ngược với đường lối ngoại giao chính thức, thường bị áp lực của lịch làm việc chính trị hay truyền thông, một tổ chức Phi chính phủ có toàn thời gian của mình.

Dấn thân về mặt nhân đạo là một nguồn lực khác của cộng đồng Sant’Egidio

Khi một hòa giải viên áp đặt thời hạn cho một kế hoạch được dự trù trước, họ thường quy trách nhiệm cho các bên. Tháng 1 năm 2003, cộng đồng Sant’Egidio thấy được điểm này khi họ được mời làm quan sát viên trong cuộc thương thuyết khó khăn của Linas-Marcoussis để kết thúc cuộc nội chiến ở Đảo Ngà.

Ngay từ đầu, khi cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac tuyên bố tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại Paris, ông chỉ còn 9 ngày làm việc. Một số công dân Đảo Ngà nghĩ rằng nước Pháp đang muốn dụ dỗ cộng đồng quốc tế, thoái thác các bên thương thuyết. Cuối cùng một hiệp định hòa bình được ký tại Ouagadougou (Burkina Faso) ngày 4 tháng 3 năm 2007, với sự trung gian kín đáo của Tổng thống Burkina Faso và… của Sant’Egidio.

Đối thoại nhân đạo và liên tôn giáo

Cộng đồng vẫn tiếp tục hoạt động ở hậu trường để tháo gỡ những nút thắt ngoại giao. Từ năm 2013, cộng đồng quan tâm nhiều đến cuộc nội chiến mới ở Cộng hòa Trung Phi. Với đặc điểm đối thoại và lắng nghe, cộng đồng đã tổ chức một số cuộc họp tại Rôma và đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2015. Đồng thời, cộng đồng tạo cơ hội để Đức Phanxicô có chuyến đi tháng 11 cùng năm.

Dấn thân nhân đạo là một nguồn sức khác của cộng đồng Sant’Egidio: nó giúp có một kiến thức tốt hơn về lĩnh vực này và làm mạng hoạt động của cộng đồng thêm phong phú. Tại Mozambique, trong đợt hạn hán năm 1983, cộng đồng đã có các đoàn xe nhân đạo. Năm sau, ông Andrea Riccardi và linh mục Matteo Zuppi (hiện nay là hồng y tân chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý được Đức Phanxicô đề cử ngày 22 tháng 5 năm 2022) là những người hòa giải tương lai của cuộc xung đột, đã được ba bộ trưởng tiếp tại chỗ.

Với các nhà lãnh đạo của Frelimo, họ thiết lập các mối quan hệ cá nhân.Ông Mario Gero kể: “Một số mối quan hệ được vun trồng theo thời gian, giúp cộng đồng hiểu hơn vì sao người này người kia có ý định tham chiến. Các tổ chức chính thức khó có được các mối quan hệ cá nhân này.

Qua năm tháng, cộng đồng đã thành chuyên gia được công nhận trong đối thoại liên tôn giáo. Chẳng hạn, ở Cộng hòa Trung Phi, cộng đồng giúp xây dựng cầu nối giữa chính quyền hồi giáo và tổ chức hồi giáo Indonesia Muhammadiyah, một tổ chức cung cấp viện trợ nhân đạo cho người hồi giáo ở Bangui. Kể từ năm 1986, cộng đồng cũng thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ liên tôn, mời các vị lãnh đạo của các tôn giáo chính trên thế giới đến để đối thoại.

Cộng đồng Sant’Egidio không làm phép lạ

Nguyên tắc vàng cuối cùng: không bao giờ hành động một mình. Ông Bruno Joubert, cựu đại sứ Pháp tại Vatican, và là cựu cố vấn châu Phi cho Tổng thống Sarkozy, đã biết đến tổ chức phi chính phủ này từ lâu. Ông tham dự vào các cuộc trao đổi ở Cộng hòa Trung Phi: “Tôi đến để cho thấy nước Pháp không phải không quan tâm đến vấn đề này. Tôi đã cố gắng mang lại sự đảm bảo.” Theo ông, những người hòa giải của cộng đồng Sant’Egidio đã định hình, đồng hành với đối thoại liên tôn và thành công trong việc làm cho các chính trị gia tăm tiếng ký kết một loại hiến chương”.

Trong cuộc thương thuyết hòa bình ở Mozambique, cộng đồng Sant’Egidio nhận được hỗ trợ tài chính và ngoại giao của chính phủ Ý. Các nước Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Liên Hiệp Quốc cũng có mặt.

Cộng đồng Sant’Egidio không làm phép lạ. Trong những năm 1990, hòa giải ở Algeria vẫn là một thất bại: chế độ quân sự vẫn dứt khoát từ chối đề xuất hòa bình của cộng đồng, dù đã được 7 bên Algeria ký kết. Khó khăn hơn nữa là duy trì hòa bình lâu dài. Hiệp định hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi không kéo dài được lâu. Cuộc nổi dậy trước đây của Renamo (quân kháng chiến toàn quốc của Mozambique), một lần nữa đã kết thúc bằng vũ khí ở Mozambique.

Chúa nhật ngày 23 tháng 10 và thứ hai ngày 24 tháng 10 tại Rôma, với sự hiện diện của tổng thống Emmanuel Macron và Đức Phanxicô, một lần nữa, cộng đồng sẽ đưa ra lời kêu gọi hòa bình, trong bối cảnh chiến tranh Ukraine. Trong cuộc họp báo ngày 11 tháng 10, ông Marco Impagliazzo, chủ tịch cộng đồng tuyên bố: “Chúng tôi biết mục đích của cả Nga và Ukraine là chiến thắng. Đối với chúng tôi, chiến thắng thực sự là hòa bình. Chiến tranh là bi kịch, là khủng khiếp và kiến tạo hòa bình không biện minh cho bất kỳ một chính sách đế quốc nào, nhưng chỉ thể hiện khát vọng của các dân tộc muốn được sống trong hòa bình.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Emmanuel Macron, Đức Phanxicô, Riccardi và các nhà trí thức công giáo