Emmanuel Macron, Đức Phanxicô, Riccardi và các nhà trí thức công giáo

71
Emmanuel Macron, Đức Phanxicô, Riccardi và các nhà trí thức công giáo
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2022-10-21
Tin tức Vatican dưới con mắt của phóng viên báo La Vie ở Rôma. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tham dự cuộc họp với cộng đồng Sant’Egidio, một cộng đồng do nhà sử học Andrea Riccardi thành lập ở Rôma. Một dịp để xem lại mối quan hệ của ông với các nhà trí thức kitô giáo.
Chúng ta sẽ giữ lại gì trong lần gặp thứ ba của Đức Phanxicô với tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày thứ hai 24 tháng 10 sắp tới? Lần đầu tiên là tháng 6 năm 2018, được ghi nhớ qua thời gian kỷ lục hai người gặp nhau, 57 phút, kết thúc bằng vòng ôm chân thành và câu nói đùa của Tổng thống, người đã làm tốn nhiều giấy mực về nguồn gốc vùng Breton của bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian vào thời đó.
Người vùng Breton giống như linh mục Jean Landousies, thông dịch viên trong cuộc gặp của giáo hoàng và tổng thống, lúc đó linh mục Jean làm việc tại văn phòng tiếng Pháp của Phủ Quốc vụ khanh và là bạn của bộ trưởng Pháp. Tổng thống  Emmanuel Macron nói đùa với giáo hoàng: “Người Breton là mafia của Pháp.”
Lần gặp thứ hai vào tháng 11 năm 2021, sau đại dịch và những tranh cãi về lệnh cấm cử hành thánh lễ nơi công cộng để tránh tụ tập, Tổng thống đã làm mọi người ngạc nhiên khi ông xưng hô thân mật với giáo hoàng và giáo hoàng cũng xưng hô thân mật lại với ông. Một sáng kiến đã không chỉ khơi dậy những bình luận tích cực trong giới các nhà vatican học, nơi người Pháp đôi khi bị cho là kiêu hãnh. Lần này các cá cược được mở ra.
Đức Phanxicô và Tổng thống Macron trong lần gặp thứ nhì ngày 26 tháng 11-2021
Làm sao Tổng thống Macron (lại một lần nữa) có được một buổi tiếp kiến với giáo hoàng
Các căng thẳng quốc tế trong chương trình
Bối cảnh bây giờ rất khác. Vì bây giờ không còn đùa được nữa, bây giờ đang chiến tranh. Và trước tình trạng leo thang chiến tranh ở Ukraine, hai người sẽ nói chuyện khi tình hình quốc tế đang căng thẳng trầm trọng. Và các chủ đề sẽ lặp đi lặp lại, không thể tránh khỏi như môi sinh, châu Âu và bất bình đẳng Bắc – Nam. Nhưng chủ đề cuối đời, chủ đề tạo rắc rối khi cuộc tranh luận sẽ mở ra ở Pháp, ông sẽ đề cập khi gặp giáo hoàng ở dinh tông tòa không?
Đây là điều mà tổng giám mục Pierre d’Ornellas, giáo phận Rennes, người đứng đầu nhóm làm việc về “đạo đức sinh học” của các giám mục Pháp muốn đề cập đến, ngài đã có thể chào Đức Phanxicô ở buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 19 tháng 10, trong chuyến hành hương Rôma với một nhóm giáo dân của giáo phận của ngài.
Trong một phỏng vấn với báo La Vie, ngài giải thích: “Tôi mơ Đức Phanxicô và Tổng thống Emmanuel Macron dành thời gian để thảo luận về chủ đề này. Tôi mơ giáo hoàng mời Tổng thống ở một ngày tại phòng chăm sóc giảm nhẹ để ông có thể lắng nghe lâu nhóm chăm sóc, nắm tay những người ở giai đoạn cuối đời. Và ông sẽ thấy sự phong phú của nhân loại, không chỉ đơn thuần qua những việc như khởi nghiệp start-up, nhưng thấy ở đây là cả một kho tàng trí tuệ.” Và để dẫn chứng như một ví dụ về hành trình tri thức của triết gia Paul Ricœur, người đỡ đầu cho tổng thống Emmanuel Macron thời trẻ, người, sau nhiều năm suy ngẫm, cuối cùng đã có quan điểm chống hợp pháp hoá an tử.
“Tôi đã gặp Paul Ricœur, ông đã dạy triết lý lại cho tôi”
Tiếp phái đoàn gồm các nhân vật quần chúng giáo phận Cambrai ngày 21 tháng 10, giáo hoàng đưa ra lời kêu gọi ủng hộ việc chăm sóc giảm nhẹ: “Các bác sĩ, với bản chất là ơn gọi để điều trị và làm giảm đau, họ không phải lúc nào cũng có thể chữa lành, nhưng chúng ta không thể nào xin các bác sĩ giết bệnh nhân của họ, điều này hơi giống như văn hóa vứt bỏ: vứt bỏ, không sử dụng, dùng xong là bỏ. Nếu chúng ta giết người với lý do chính đáng, thì càng ngày chúng ta càng giết nhiều người hơn.”
Nhưng có lẽ cuộc gặp với Đức Phanxicô lần này sẽ không thu hút được sự chú ý của giới truyền thông. Một mặt vì đây là lần thứ ba, và các câu chuyện của các nguyên thủ quốc gia thường nói sau cánh cửa đóng kín. Thêm nữa, vì tổng thống Emmanuel Macron sẽ bắt đầu chuyến đi Rôma với bài phát biểu tại cuộc họp hàng năm của cộng đồng Sant’Egidio, năm nay có tên “Tiếng kêu cho hòa bình”, tập hợp các nhân vật của giới chính trị và tôn giáo.
Những người tham gia cuộc họp
Tổng thống Emmanuel Macron sẽ giữ một vị trí danh dự, ông phát biểu sau nhà sử học Andrea Riccardi, người sáng lập cộng đồng Sant’Egidio. Sau bài phát biểu của ông sẽ là bài phát biểu của Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, “quốc gia chủ chốt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến cực đoan và quá cảnh của người di cư trong một thời điểm quan trọng của đối thoại Phi-Âu”, ngoài ra còn có nhiều tiếng nói quan trọng khác trong giới tôn giáo như tiếng nói của hồng y Matteo Maria Zuppi, có chân trong cộng đồng Sant’Egidio, tổng giám mục giáo phận Bologna và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, giáo sĩ Pháp Haïm Korsia, thư ký của Liên minh Thế giới Hồi giáo, Al-Issa, và các nhân chứng trẻ của cuộc chiến Ukraine. Đức Phanxicô cũng tham dự cuộc họp này, nhưng ngài dự hôm sau trong lễ bế mạc. Do đó, việc lên tiếng trong cuộc họp này sẽ tạo nên âm hưởng của chuyến đi.                               Nhà sử học Andrea Riccardi
Sáng kiến này, mang tinh thần châu Âu, là một phần trong chương trình nghị sự của tổng thống giữa cuộc họp đầu tiên của Cộng đồng Chính trị châu Âu được tổ chức tại Praha và trước Diễn đàn Hòa bình Paris vào tháng 11. Nếu tổng thống Emmanuel Macron đến đây, đó là để đáp lại lời mời của cộng đồng Sant’Egidio, một phong trào ông luôn giữ mối quan hệ liên tục, được cổ động qua các cuộc họp chung quanh vấn đề hành lang nhân đạo, châu Phi và châu Âu. Đó cũng vì một nối kết trí tuệ mạnh mẽ với người sáng lập cộng đồng, nhà sử học Andrea Riccardi, người cũng như ông và Đức Phanxicô đã nhận giải thưởng Charlemagne để củng cố cho sự thống nhất Âu châu.
Trong quyển Giáo hội bùng cháy, L’Église brûle, quyển sách do nhà xuất bản Cerf ấn hành, ông Andrea Riccardi đã có những trang rất đặc biệt cho tổng thống Pháp, người mà ông phân tích bài diễn văn của tổng thống tại Viện Bernardins năm 2018. Ông đặc biệt ấn tượng với lời phát biểu của tổng thống Macron: “Nếu người công giáo muốn phục vụ và muốn làm cho nước Pháp phát triển, nếu họ chấp nhận chết, thì không phải họ chỉ nhân danh cho những lý tưởng nhân văn. Không phải chỉ nhân danh đạo đức kitô-do thái thế tục hóa. Nhưng cũng vì họ mang trong lòng đức tin vào Chúa và việc giữ đạo của họ.”
Nhà sử học Andrea Riccardi xem đó là một “thái độ chưa từng có”: “Bàn tay dang rộng của Macron – cách diễn đạt được ông Maurice Thorez, bí thư Đảng Cộng sản Pháp nói với người công giáo năm 1936 – rất có ý nghĩa với thời đại chúng ta bây giờ. Một nguyên thủ quốc gia cần các nguồn lực tinh thần, trái ngược với thế kỷ 20, khi quyền lực dân sự xem sự hiện diện công giáo là xâm lấn và đe dọa. Từ đó, vấn đề được đặt ra là hạn chế ảnh hưởng của Giáo hội bằng các luật chống giáo sĩ và giáo dân như luật năm 1905 ở Pháp, hoặc bằng các luật mà ở Ý, đã sát nhập bất động sản của Giáo hội và giảm các dòng tu đáng kể; đó chỉ là những ví dụ. Châu Âu thế kỷ 20 lo sợ “quyền lực” của Giáo hội với dân chúng, với gia đình, với phụ nữ, với thanh niên. Ngày nay, ngược lại, chúng ta lo sợ sự vắng mặt của Giáo hội. Chính khi những khoảng trống mở toang ra, chúng ta mới nhận ra giá trị của những hiện diện đã mất. Mối quan tâm đến sinh thái nhân văn và thiêng liêng của Âu châu. Đây không phải là vấn đề của riêng gì người tín hữu kitô nhưng là vấn đề chung. Nhà thờ Đức Bà bị cháy không chỉ nói lên khủng hoảng của Giáo hội, mà khủng hoảng của xã hội nói chung.”
Nhà sử học lập luận, sau bài phát biểu này tại Viện Bernardins, Điện Élysée chờ phản ứng và thấy một số người trong vòng nhiệm kỳ tổng thống có chút thất vọng về phản ứng của Giáo hội. Thất vọng, không phải vì phản ứng tiêu cực, mà vì Giáo hội không muốn dự vào một tiếng nói không chắc chắn, phần nào hơi xa với sứ mệnh thông thường của mình vào thời điểm mà nhiệm kỳ tổng thống Macron bị mong manh và không được ưa chuộng, và khi Giáo hội Pháp với 98 giáo phận quan tâm đến sự sống còn của mình hơn là bị cuốn hút vào một dự án với những đường biên không chắc chắn lắm.
Trả lời câu hỏi của báo La Vie, ông Andrea Riccardi xác định nếu bài phát biểu của tổng thống quan trọng, thì đó không phải là vì ông muốn tạo một trục giữa Giáo hội và nước Pháp nhưng vì nó đề xuất một bầu khí cộng tác mới và văn hóa mới. Một bối cảnh mà vấn đề đặt ra là phải xem xét lại mối quan hệ của người công giáo, trong một thiểu số, với quyền lực chính trị.
Vì thế khi mời tổng thống Macron, có vẻ như ông Andrea Riccardi chủ động nắm lấy bàn tay dang rộng này, trong một bối cảnh tình hình quốc tế khẩn cấp. Về phần mình, như chúng ta đã biết, từ tình bạn với triết gia tin lành Paul Ricœur, Emmanuel Macron rất nhạy cảm với các tư tưởng gia kitô giáo vĩ đại, một thể loại mà ông Andrea Riccardi là một trong những đại diện thiết yếu của thế giới đương đại. Tổng thống sẽ giữ lại điều gì từ các cuộc đối thoại thượng đỉnh này? Đó là toàn bộ câu hỏi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Vatican đánh giá cao chuyến đi của Tổng thống Emmanuel Macron