“Tôi đã gặp Paul Ricœur, ông đã dạy triết lý lại cho tôi”
le1hebdo.fr. Éric Fottorino, Laurent Greilsamer và Adèle Van Reeth, số 64 tháng 7-2015
Cựu sinh viên triết lý, cựu sinh viên hành chánh, thanh tra tài chánh tại Tổng cục Thanh tra Tài chánh Pháp, chuyên viên ngân hàng đầu tư tại ngân hàng Rothschild & Cie, Phó tổng thư ký văn phòng Thủ tướng từ tháng 5- 2012 đến tháng 6-2014. Emmanuel Macron làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật số trong chính phủ Manuel Valls từ tháng 8-2014 đến tháng 8-2016. Tháng 4 năm 2016, ông thành lập phong trào chính trị Lên đường! (En marche) của ông. Tháng 11-2016, ông tuyên bố tranh cử Tổng thống Pháp. Ông đắc cử Tổng thống Pháp ngày 7 tháng 5 và ngày 14 tháng 5 ông sẽ nhậm chức, trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử, ông sinh ngày 21 tháng 12-1977 (39 tuổi).
Người ta biết ông thích triết học. Bằng cách nào và từ khi nào ông có được sở thích này? Qua các cuộc gặp gỡ, qua sách vở?
Sở thích này không có nguồn gốc nhất định. Tôi nghĩ tôi thích những chuyện thuộc lãnh vực công trước khi thích triết lý. Tiếp xúc đầu tiên của tôi với triết học là qua sách vở. Trước hết tôi đi theo con đường bụi của Marcel Conche (triết gia sinh năm 1922), đó là các bài đọc đầu tiên của tôi; sau đó ở lớp dự bị, tôi học triết rất cổ điển.
Tôi thật sự đi vào triết học qua triết gia Kant, cùng với triết gia Aristote, đó là hai triết gia tôi chịu ảnh hưởng đầu tiên. Cũng không độc đáo lắm! Tôi nợ rất nhiều cho những khoảnh khắc cảm xúc triết học của tôi, cũng như tôi nợ Alexis Philonenko, nhà dịch thuật có những chú giải tuyệt vời tác phẩm của Kant. Tôi không biết bây giờ người ta còn đọc… Tôi đã dành nhiều thì giờ để đọc Kant, Aristote, Descartes. Nơi ẩn náu trí tuệ này, cơ hội để đại diện cho thế giới này, để cho thế giới một ý nghĩa qua một lăng kính khác cũng rất quan trọng. Sau đó tôi khám phá Hegel, với triết gia này tôi đã làm bài luận văn năm đầu tiến sĩ (DEA).
Một giáo sư nào đã có ảnh hưởng trên ông?
Người tạo cảm hứng rất nhiều cho tôi là giáo sư Étienne Balibar. Tôi học các lớp của ông, đó là những bài học triết lý khá độc đáo. Đúng là cái giếng hiểu biết, trong suốt hai giờ, ông mở ra một khái niệm. Giờ học sau, để có liên tục, ông thường trình bày phần dẫn nhập dài một giờ rưỡi để ôn lại giờ học trước. Tôi học với ông ba hay bốn năm, và dưới sự hướng dẫn của ông, tôi viết bài về Machiavel. Đó là lúc tôi bỏ siêu hình để qua triết lý chính trị.
Ông dự định một con đường sự nghiệp…
Hoàn toàn không! Chỉ vì tôi thích biết các chuyện, nó giúp tôi đặt quan hệ giữa lý thuyết triết lý và thực tế. Thực tế triết lý chính trị giúp đặt lại áp lực thực tế với các khái niệm, làm sáng tỏ thực tế nhờ ánh sáng của các khái niệm.
Thực tế?
Khi đọc Aristote, chúng ta hiểu rằng triết lý trước hết dựa trên tương quan với thực tế. Chúng ta thấy ở đó có phép phân loại, có thực vật học… Với Descartes cũng vậy. Luôn luôn có một tương quan với thực tế rất mạnh, kể cả nơi các triết gia siêu hình học. Chính Hegel nói đọc triết học là điều thiết yếu, giống như đọc báo mỗi buổi sáng.
Lời cầu nguyện của người hiện đại…
Đúng vậy! Sau đó tôi gặp triết gia Paul Ricœur (1913-2005), người đã dạy tôi lại về mặt triết học.
Dạy lại?
Đúng! Vì tôi đi lại từ số không… Lần đầu tiên tôi gặp ông là tôi chưa bao giờ đọc tác phẩm của ông. Tôi có được cái tự do của người ngu dốt nên tôi không rụt rè. Tôi nói chuyện với ông như nói chuyện với một người cùng thời, trong khi ông cảm thấy đau khổ chỉ vì cảm nhận mình bị đối xử như một hình tượng. Buổi gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi kéo dài nhiều giờ và cuối buổi gặp gỡ, ông đưa tôi một bản thảo năm mươi trang: bài diễn văn đầu tiên ông viết về Ký ức, Lịch sử, Lãng quên. Tôi gởi trở lại cho ông bài viết với các chú thích. Tôi hoàn toàn bất tài, nhưng ông xem như không có chuyện gì xảy ra: ông trả lời cho tôi. Chuyện là như thế, và mọi sự bắt đầu từ đó. Cùng với ông, tôi đọc hay đọc lại triết lý thời thượng cổ. Trên đề tài này, ông có một độ lùi phi thường, do ông đã nghiên cứu và giảng dạy hơn nửa thế kỷ. Sáng nào tôi cũng đến nhà ông ở đường Các Bức Tường Trắng (Murs Blancs) và chúng tôi cùng đọc chung với nhau. Ông đọc tất cả các buổi sáng bất cứ ở đâu, kể cả những lúc ông đi du lịch. Buổi chiều thì ông dành thì giờ để viết.
Với độ lùi, ông xác định thế nào về đóng góp của triết gia?
Nơi triết gia Ricœur có ba đóng góp về mặt khái niệm rất mạnh. Trước hết, một suy nghĩ về sự trình bày trong chính trị mà ông phân tích dưới mọi hình thức của nó. Kế đó, ông là một trong những người đã suy nghĩ một cách mạnh nhất về chủ đề bạo lực và sự dữ trong chính trị. Ông đã làm nổi bật trào lưu chống chế độ toàn trị. Chúng ta đã quá quên nó… Cuối cùng, ông là một trong các triết gia Âu châu nghĩ nhiều nhất đến triết lý biểu quyết. Ông đã suy nghĩ về một khả thể xây dựng một hành động không theo chiều dọc (có nghĩa là không xây dựng trong quan hệ quyền lực), nhưng một hành động cùng một lúc thoát ra khỏi việc quyết định lui quyết định tới hoài.
Sư suy tư toàn bộ này cắm sâu trong văn hóa tin lành của ông, vì ông đến với triết lý qua khoa chú giải văn bản cổ, qua đọc các văn bản tôn giáo và triết lý nên đã cho ông một tinh thần tự do vô cùng lớn lao. Ông cho thấy không cần phải là một chuyên gia để suy nghĩ về vấn đề này, vấn đề kia: chỉ cần biết đọc một bản văn. Đó là phương pháp của ông. Chính như thế mà ông đã viết một cách trong sáng về phân tâm học chẳng hạn. Đó là một trong những chuyện ông đã mang đến nhiều nhất cho tôi. Và đó cũng là một văn hóa chính trị.
Một văn hóa chính trị, thế là thế nào?
Điều này muốn nói: mọi yếu tố đưa vào các cuộc tranh luận công cộng đều có thể bị chỉ trích, nếu người ta tấn công nó đến thực chất. Paul Ricœur đã đưa ra một con đường song song với con đường của đời sống chính trị và triết lý chúng ta có từ ba mươi năm nay. Đó là con đường khác con đường 1968. Sau tháng Năm1968, có một phong trào giải cấu trúc liên quan đến thẩm quyền. Ông, người thường xuyên xem lại mọi chuyện bên lề của những người theo thuyết cấu trúc và những người theo phong trào 68, ông chỉ đặt liên quan trên các bản văn và trong một hình thức đi tìm sự thật trong chính trị. Chấp nhận ở đây có thể có một tình trạng đa dạng hay có nhiều cách chú giải.
Như thế có phải ‘đưa đám tang’ cho sự thật trong chính trị không?
Không, vì sự thật luôn là một sự tìm kiếm, một công việc đi tìm, và đó là nền tảng. Đó là điều cho phép chính trị có quyền biểu quyết thoát được tình trạng của thuyết hư vô và mọi hình thức xy-níc. Như thế để nói duy sự thật, với bạo lực mà nó bao gồm, không phải là con đường thoát. Nhưng có các công cuộc đi tìm sự thật và, chính như thế, một hình thức biểu quyết thường xuyên để ngăn trở việc lấy quyết định.
Mọi khó khăn chính trị ngày nay nằm trong nghịch lý này, giữa thường xuyên đòi biểu quyết, một tiến trình cần nhiều thời gian, và sự khẩn cấp phải có quyết định ngay. Cách duy nhất để đi ra khỏi tình trạng này là lập luận ở một chiều ngang rất minh bạch, cần thiết cho việc biểu quyết và cậy đến các quan hệ chiều dọc, rất cần để có quyết định. Nếu không, hoặc rơi vào chế độ toàn trị, hoặc rơi vào thế bất động chính trị.
Nếu không có một sự thật duy nhất trong chính trị theo Ricœur, tuy nhiên có một sự dữ, một sự dữ đặc biệt của chính trị và nó được cấu thành trong việc thực thi quyền lực.
Sự dữ này là hành động của con người với những gì nó không khắc phục được. Ricœur nghĩ chiều kích bi thảm của hành động chính trị đã được thấy rất rõ trong cuộc xung đột thứ nhì của thế giới. Theo ông, sự dữ là đối tượng của chính trị mà cũng là đối tượng của đạo đức học và siêu hình học. Trước hết phải nhận biết sự dữ này và những gì nó đề nghị làm, với khái niệm không tha thứ được. Tất cả khó khăn kế tiếp nằm ở việc quyết định xem sự dữ này là độc nhất, như sự dữ vụ diệt chủng người Do Thái, Shoah, hay nó có thể có nhiều bộ mặt khác.
Cá nhân tôi, tôi nghĩ có nhiều chuyện không tha thứ được. Thách thức là có thể xây dựng lại được sau khi sự dữ xuất hiện. Và đó là cả một công việc được làm ở Nam Phi sau thời phân biệt chủng tộc, với Ủy ban Sự thật và Hòa giải (CVR) Tổng Giám mục anh giáo Desmond Tutu đã làm. Đó là một công việc chính trị đích thực: chúng ta nhận diện sự dữ và chúng ta tha thứ. Đó cũng chính là nguyên tắc của ân xá: đến một lúc, người ta quyết định phải quên.
Ông vừa nêu ở trên sự quan trọng phải để một chỗ cho sự thật hay cho các sự thật và phải tránh thái độ xy-níc. Đó có phải là kim chỉ nam cho hành động của ông?
Đúng. Tôi tin ở một hệ tư tưởng chính trị. Hệ tư tưởng, đó là xây dựng tri thức, làm sáng tỏ thực tế và mang đến cho nó một ý nghĩa và như thế mang đến cho hành động của mình một hướng đi. Đó là công việc hình thức hóa của thực tế. Chính trị cần mang đến ý nghĩa cho hành động của mình. Hệ tư tưởng này phải được quyết định trong một loại kỹ thuật biểu quyết, chạm trán không ngừng với thực tế, với sự thích ứng, thường xuyên xem lại các nguyên tắc của mình. Tôi nghĩ hành động chính trị không thể xây dựng trong một sự thật duy nhất, cũng không trong một loại tuyệt đối theo thuyết tương đối, một thuyết theo xu hướng thời đại. Nhưng nó không đúng. Có nhiều sự thật, nhiều phản-sự thật, có nhiều chuyện mà chúng ta có thể đặt lại vấn đề. Tất cả mọi ý tưởng không có giá trị ngang nhau!
Có thể có mâu thuẫn giữa tư tưởng mình được rèn luyện và tư tưởng của đảng mà mình phải đồng ý không?
Sẽ có mâu thuẫn nếu các đảng có một tư tưởng. Các đảng không còn sống dựa trên một nền tảng tư tưởng. Họ sống trên một nền tảng thuộc về và trên sự tồn dư mạng lưới của một vài tư tưởng. “Cộng hòa” bây giờ có nghĩa là gì…, nghe kỳ cục phải không? Có thẻ, trả tiền đảng phí, gia nhập theo các nhân vật cũng vậy. Đồng ý với một hệ tư tưởng là bao gồm vô số ngộ nhận, trong thời điểm mà các tư tưởng thường bị các đảng phái chính trị bỏ gần hết. Điều này giải thích các đảng huy động được ít.
Đó là trường hợp khi ở tuổi 24 ông gia nhập Đảng xã hội?
Đúng là như vậy. Đó là trường hợp đã có từ hàng chục năm nay. Điều kỳ lạ ngày nay, đó là chỗ của tranh luận phê phán bị bỏ qua một bên. Các nhà trí thức co mình trong môi trường đại học và chuyên biệt trong lãnh vực của mình. Còn các chính trị gia thì họ tập trung vào các giá trị, có nghĩa là trên tương quan về mặt cảm xúc nhiều hơn và không còn theo đuôi ý kiến.
Ngày nay chính trị không còn tư duy?
Chúng ta khó mà nâng chính trị lên hàng tư duy. Thật đau lòng để thấy chúng ta sống trong một thời kỳ mà người ta ít nghĩ đến Quốc gia. Chúng ta vẫn còn ở trong một tiếp cận rất theo quyền nhà vua. Nhưng giảm xuống theo chiều kích theo quyền nhà vua thì không đủ. Phải mở rộng suy tư về vai trò Quốc gia phải có trong thời buổi này, trong đất đai của mình, trong điều hòa xã hội. Làm thế nào tái xây dựng lại sức hình dung chính trị và điều hòa xã hội của chúng ta theo ánh sáng của nền kinh tế và xã hội chúng ta? Trong lãnh vực này còn nhiều việc phải làm.
Ông thấy có một bất tương đồng giữa sách vở, suy tư và hành động chính trị để phải có một mức độ khẩn cấp nào đó để hành động không? Phải mời các triết gia vào chính quyền?
Về phần tôi, tôi không bao giờ tin vào sự áp dụng thực tiễn lý thuyết triết lý-vua. Nhưng tôi nghĩ cần trao đổi thêm, qua lại thêm, chuyển dịch giữa triết lý và chính trị. Hệ tư tưởng, chính xác là như vậy: một công việc chuyển dịch, phát sinh từ cần thiết phải trao đi và làm di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Như thế phải có các khái niệm của qua về. Công việc không bao giờ hoàn toàn. Như việc đọc một bản dịch tiếng Pháp từ tiếng Anh: sẽ không chính xác theo bản gốc, nhưng là một công việc trí tuệ được hoàn tất, giúp để hiểu và chạm vào một nơi chốn tưởng tượng và thẩm mỹ khác. Với chính trị cũng như vậy: nếu chúng ta để các triết gia và chính trị gia trong khuôn khổ của họ thì chúng ta thiếu tương tác giữa dịch thuật và tư tưởng. Đó là vai trò của các tạp chí, của các nhà trí thức để lo cho kẻ hở này. Công việc của họ phải được lan truyền. Nhưng vấn đề là trước hết phải biết trên khái niệm ý tưởng nào mà hành động chính trị phải xây dựng lại. Phải bước qua các giai đoạn, vạch các đường đi. Những người như triết gia Jürgen Habermas (triết gia Đức sinh năm 1929) hay triết gia Étienne Balibar phải giữ vai trò này!
Chính xác ông bỏ ra bao nhiêu thì giờ để đọc sách?
Tôi sẽ nói dối nếu tôi nói ngày nào tôi cũng đọc sách. Nhưng điều làm tôi yên tâm là không ngày nào mà tôi không thấy thiếu nó. Thì giờ tôi dành ra để đọc sách tùy thuộc theo thời sự, nhưng, cũng như viết lách và trao đổi, các việc này rất cần thiết. Không có những giây phút thoáng thở này, tôi sẽ kiệt sức rất nhanh. Thực chất hoạt động chính trị là một hoạt động tự đủ, giải trí theo kiểu Pascal: Một khi đã làm, là đã làm. Nhưng đó là một cuộc trốn chạy. Còn về lời thông tin đại chúng, đó là thực phẩm nuôi ăn một con quái vật không bao giờ biết no. Mới đầu nó xem lời này là thú vị. Rồi nó đòi thêm. Nó nhận những gì bạn cho, cho đến lúc nó vứt bạn, xem như nó đã nghe tất cả và bạn không còn gì để cho. Chính vì thế mà hoạt động chính trị cũng được xây dựng qua các thời kỳ giữa các dấu ngoặc, rút lui đối với hành động. Và những thời kỳ này cũng quan trọng. Chính vì thế tôi không tin cả vào sự minh bạch hoàn toàn, cũng như không tin vào sự xáo động tuyệt đối, là hai yếu tố bao gồm các điểm yếu lớn của thời điểm chính trị hiện nay.
Chính trị và tư tưởng chính trị được xây dựng trong các nếp gấp, đó là công thức của Gilles Deleuze (1925-1995). Các nếp gấp của cuộc sống là những thời điểm phải chịu của một loại bóng tối. Đó là điều tốt vì chúng ta có thể xây dựng trong bóng tối. Chúng ta có thể đọc, suy nghĩ, nghĩ đến một chuyện khác, có một độ lùi hơn, và đó là điều cần thiết. Cũng một cách đó, trong việc xây dựng một nhà trí thức, họ phải có những lúc cọ sát với thực tế, điều này có thể thực hiện được qua việc kết bạn với chính trị. Và triết gia Paul Ricœur đã tháp tùng Michel Rocard một thời gian. Phải dính khớp tư tưởng với hành động.
Làm sao làm được một cách cụ thể?
Trước hết là đọc. Tôi cố gắng theo dõi bài vở đăng về triết lý chính trị. Tôi cũng cố gắng viết. Và rồi là thảo luận, chính vì thế tôi hay nhờ các nhà trí thức nghĩ về những chuyện chung như ông Olivier Mongin (Chủ biên tạp chí Tinh thần, Esprit từ năm 1988 đến 2012). Họ đặt các chữ lên các chênh lệch giữa sự hợp pháp của chế độ dân chủ và khả năng thực tế, cảm nhận được và để xây dựng một hành động. Ở thời buổi này, tiến trình dân chủ bị đặt lại vấn đề.
Làm thế nào để có thể tái tạo lại?
Bằng cách đề nghị. Người dân kháng cự vì có một trống rỗng. Nền dân chủ luôn thực hiện một cách không hoàn hảo, vào các giây phút lịch sử, trong các hình thức ít nhiều mang tính bạo lực và đối kháng. Nước Cộng hòa Pháp là một hình thức thể hiện dân chủ với một nội dung, một hình ảnh biểu tượng và tưởng tượng tạo ra một sự gia nhập tập thể. Vì thế người ta có thể gia nhập vào Cộng hòa. Nhưng không ai gia nhập vào dân chủ. Trừ những người không có dân chủ. Khó khăn thật sự ngày nay là khái niệm bị trống rỗng, để chỗ cho những ngứa ngáy căn tính ngày luôn càng mạnh: Các Mũ Đỏ (Bonnets Rouges) ở Bretagne, các zadist ở Notre-Dame-des-Landes hay ở các nơi khác. Đó là các phong trào của căn tính.
Nền dân chủ có nhất thiết bị thất vọng không?
Nền dân chủ luôn có một hình thức không trọn đủ, vì tự chính nó đã không bao giờ tự đủ. Có một vắng thiếu trong tiến trình và trong hoạt động dân chủ. Trong nền chính trị Pháp, sự vắng thiếu này là hình ảnh của Vua, tôi nghĩ, một cách nền tảng, người dân Pháp không muốn cái chết. Sự Kinh Hoàng đã đào một lỗ hỗng trống rỗng về cảm xúc, về tưởng tượng và tập thể: Vua không còn đó nữa! Sau đó người ta tìm cách lấp lỗ hỗng này bằng cách đặt các hình ảnh khác vào: đó là các thời điểm của những người theo Napoléon, theo de Gaulle. Phần còn lại thời gian thì nền dân chủ Pháp không lấp được khoảng trống này. Chúng ta thấy rõ với việc chất vấn hoài về hình ảnh của một tổng thống, kể từ khi Đại tướng de Gaulle ra đi. Sau ông, sự bình thường hóa hình ảnh tổng thống đã được tái lập lại cho cái ghế trống trong lòng đời sống chính trị. Dù vậy, những gì người ta mong chờ ở Tổng thống nước Cộng hòa là ông đảm trách chức vụ này. Tất cả đã bị xây dựng trên sự ngộ nhận này.
Cái gì thiếu cho nền dân chủ chúng ta hiện nay?
Chúng ta sống trong một thời buổi dò dẫm chính trị. Hình thức chính trị thật sự tinh tuyền mang tính cách thủ tục trên bình diện lý thuyết mà nó mong muốn thể hiện ngay: nó phải chấp nhận các bất tuyền nếu nó muốn tìm được một hình thức cụ thể để tồn tại. Đó là khó khăn lớn lao. Chúng ta có một sự ưa thích cho các nguyên tắc và cho tiến trình dân chủ hơn là cho tinh thần lãnh đạo. Và một ưa thích cho tiến trình biểu quyết hậu hiện đại hơn là cho chạm trán giữa các ý tưởng và thực tế. Vậy mà, nếu chúng ta muốn quân bình đời sống chính trị và đi ra tình trạng loạn thần kinh hiện nay thì chúng ta phải giữ sự quân bình biểu quyết, chấp nhận thêm một chút thứ trật theo chiều dọc. Để làm được điều này, phải đề nghị các ý tưởng. Nếu chúng ta có khả năng làm, qua các đề nghị, thì chúng ta phải giải thích xã hội nào mà chúng ta muốn đi tới, có nghĩa là đi tới một Cộng hòa theo hợp đồng hơn và theo Âu châu hơn, ở trong tiến trình toàn cầu hóa với các hình thức điều hành vừa phù hợp với lịch sử của chúng ta, vừa phù hợp với mong ước của tập thể, lúc đó chúng ta mới huy động được.
Ngược lại, nếu chúng ta không đề nghị gì và chỉ bằng lòng phản ứng theo chiều nước, chúng ta sẽ ở trong tình trạng yếu đuối. Nếu chúng ta thiết đặt ý tưởng rằng tất cả các lời nói đều có giá trị ngang nhau, và nếu hành động chính trị chỉ xây dựng duy nhất trong các quân bằng tìm thấy giữa các lời này, thì lúc đó chúng ta giết một khả thể mang công dân chúng ta đến một đích đến có căn tính. Đó là theo chủ nghĩa bất động.
Và triết lý cần thiết cho hành động?
Nó giúp đỡ để xây dựng. Nó mang lại ý nghĩa cho những gì khác hơn là một khối hành động và lời nói. Đó là một tác động không có giá trị gì nếu không có chạm trán với thực tế. Và thực tế cũng không có giá trị gì nếu không không có khả năng đưa về khái niệm. Như vậy phải chấp nhận sống trong một vùng trung gian có những bất tuyền, nơi bạn không bao giờ là nhà tư tưởng gia khá tốt cho triết lý, và luôn bị xem là quá trừu tượng để đối diện với thực tế. Phải ở giữa hai nơi này. Tôi nghĩ đó là khoảng không gian của chính trị.
Đâu là các bài học ông rút tỉa từ Paul Ricœur trong trách vụ của ông?
Trước hết luôn giữ tự do với những gì đã được nói, được viết hay đã được khẳng định. Tự do để mỗi buổi sáng cầm lại cây viết của mình, nhìn lại trang viết của mình, và tự hỏi mình cách nào mình có thể sáng tạo lại những gì đã được viết, xem lại, nói lại một cách khác. Sự thường xuyên xem lại chuyện cũ như thế này đã giúp tôi rất nhiều. Tôi cũng học được ở triết gia Ricœur chiều sâu về các sự kiện của tháng Năm 68 mà ông đã sống khi là giáo sư ở Đại học Nanterre. Ông đã rất khổ về tất cả những gì ông đã không nói và không lấy quyết định trong thời gian này. Bài học mà tôi rút tỉa là có một nhu cầu cần phải nói, cần phải khẳng định sự việc và phải nghe theo nhu cầu này. Sai lầm của nhiều người là để mình rụt rè trước sự tàn bạo lúc đó, chấp nhận không nói và không hành động. Chính Ricœur đã thúc đẩy tôi phải làm chính trị vì chính ông, ông đã không làm.
Ông làm cho tôi hiểu, yêu cầu của cuộc sống hàng ngày, và cũng là yêu cầu của chính trị, là chấp nhận các cử chỉ không hoàn hảo. Phải nói để thăng tiến. Đó là một hình thức giải phóng đối với triết lý: bấp bênh trong thời gian chính trị, chấp nhận sự không hoàn hảo của giây phút hiện tại.
Marta An Nguyễn dịch