international.la-croix.com, Massimo Faggioli, 2022-09-20
Hình ảnh chiếc máy bay của Đức Phanxicô được các chiến đấu cơ F16 hộ tống trong chuyến đi của ngài đến Kazakhstan có một thông điệp vừa chính xác vừa sai lầm một cách nghịch lý: giáo hoàng có thể tin vào sự ủng hộ của các quốc gia và các nhà lãnh đạo có quan hệ chính thức với Tòa thánh.
Trên thực tế, lúc này Đức Phanxicô đang bay một mình, không chỉ ở Vatican mà còn trên chính trường quốc tế.
Đức Phanxicô đã đến thủ đô Nur-Sultan để dự Đại hội lần thứ bảy các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền thống và thế giới, cũng như thăm cộng đồng công giáo nhỏ bé của Kazakhstan.
Và ngài lại xuất hiện như một nhà lãnh đạo Giáo hội, người đang cố gắng ngăn chặn sự phá vỡ trật tự toàn cầu, biểu hiện qua các cuộc chiến khu vực, để khỏi trở thành nguồn điện cho các xung đột hạt nhân – một nguy cơ mà cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã cho thấy cụ thể hơn.
Có một thông điệp ngôn sứ không nghi ngờ gì về quan điểm của một giáo hoàng luống tuổi về vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng một thế giới hòa bình hơn.
Nhưng đã qua lâu rồi thời mà các nhà lãnh đạo thế giới tung hô, ngay cả trong bài tập hùng biện, sự khôn ngoan của người đứng đầu Giáo hội công giáo.
Đó là giai đoạn sau Thế chiến II, trong Chiến tranh Lạnh, trong thời kỳ bắt đầu trỗi dậy các khuynh hướng tôn giáo cực đoan và sự phá vỡ trật tự quốc tế trong các triều giáo hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan-Phaolô II và Bênêđíctô XVI.
Hầu hết những lời tôn kính giáo hoàng giờ đây đã giảm – ở Mỹ với ông Trump và ở phần lớn thế giới.
Một mình trên chính trường thế giới
Những tuần những tháng vừa qua ở khu vực trọng yếu của cuộc hỗn loạn toàn cầu mới, giữa biển Địa Trung Hải và châu Á, đã cho thấy Đức Phanxicô và Tòa thánh hiện đang đơn độc như thế nào trên chính trường thế giới.
Khi ngài sắp rời Kazakhstan thì cuộc họp lần thứ 22 của Hội đồng các Nguyên thủ Quốc gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang tiến hành tại thành phố Samarkand, Kazakhstan.
Tham dự cuộc họp ngày 15 và 16 tháng 9 có lãnh đạo các quốc gia thành viên như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. Ngoài ra còn có các nhân vật chính từ các quốc gia quan sát như Afghanistan và Iran, từ các đối tác đối thoại như Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là sự kiện tôn vinh “sự trỗi dậy của phần còn lại” (thế giới), như nhà bình luận Fareed Zakaria đã cho đây là phát triển của các quốc gia khác trong một thế giới được xác định qua sự lan tỏa sức mạnh lớn hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh và các đế chế trước đó.
Điều này tạo ra một tình huống rất đặc biệt cho giáo hoàng và Tòa thánh, đại diện cho thẩm quyền đạo đức của Giáo hội công giáo làm việc trong bối cảnh toàn cầu vì hòa bình và đối thoại bằng cách dùng các công cụ đạo đức không vũ trang.
Thời điểm hiện tại là thời điểm căng thẳng gia tăng ở châu Âu (cuộc chiến ở Ukraine), châu Mỹ la-tinh (tình hình ở Nicaragua), Trung Đông, châu Phi và ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và những ảnh hưởng lan rộng đến châu Á nói chung) đặc biệt gây khó khăn cho Vatican không những về vấn đề quản trị mà còn về đối thoại và hợp tác.
Vatican có quan hệ phức tạp, đặc biệt là với nhiều quốc gia có đại diện tham dự cuộc họp ở Samarkand, do những giới hạn mà các nhà cai trị và độc tài của họ đặt ra với tự do tôn giáo và nhân quyền.
Đây là một trong những hậu quả của tình trạng bấp bênh của nền dân chủ và chủ nghĩa hợp hiến hiện đang được nhìn thấy trên khắp thế giới.
Liên kết với phương Tây không còn nữa
Đồng thời, dưới triều Đức Phanxicô, tầm nhìn của Vatican về mô hình xã hội và chính trị phương Tây chưa bao giờ đi xa như thế, đặc biệt hiện nay mô hình này đang gặp khủng hoảng và chiến tranh với chính nó, nhất là ở Hoa Kỳ.
Như ngài đã nói trong cuộc họp báo trên máy bay: “Phương Tây, nói chung, hiện nay không ở mức độ mẫu mực cao nhất. Không phải là em bé rước lễ lần đầu. Phương Tây đã đi sai đường; chúng ta nghĩ đến những bất công xã hội đang tồn tại trong chúng ta”.
Và cuộc tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày chúa nhật sắp tới ở Ý có thể mang lại kết quả, xác định lại mối quan hệ địa chính trị giữa quốc gia nơi đặt trụ sở của Vatican và phần còn lại của Tây Âu, khi cánh hữu Ý có một mô hình dân chủ phi tự do và độc đoán.
Giáo hoàng đã bỏ lại đằng sau ngài sự liên kết của Tòa thánh với phương Tây, nhưng ngài cũng không thể nào tin tưởng vào “phần còn lại” của thế giới. Sự xói mòn đức tin ở phương Tây tương ứng với việc Vatican thiếu những người đối thoại đáng tin cậy trong các cường quốc toàn cầu đang lên.
Dù giáo hoàng có nói gì trong cuộc họp báo trên máy bay về đối thoại cần có thời gian và kiên nhẫn, thì các quốc gia như Nga và Trung Quốc ngày càng bị cho là trái ngược với những nguyên lý cơ bản nhất của trật tự quốc tế mà Tòa thánh đã giúp hình thành trong nửa thế kỷ qua.
Khó khăn địa chính trị và mật nghị tiếp theo
Đức Phanxicô và hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, thường xuyên kêu gọi sự cần thiết phải có “một tinh thần Helsinki mới”.
Nhưng điều này sẽ đòi hỏi một khuôn khổ thể chế, giống như khuôn khổ của Hội nghị An ninh và Hợp tác ở châu Âu cách đây 50 năm, cũng như một bố trí cơ bản để các nhà lãnh đạo thế giới có thể tham gia đối thoại. Hiện tại không có điều nào trong các điều trên tồn tại.
Những khó khăn địa chính trị mà Tòa thánh phải định hướng trong tình hình bất ổn hiện nay cũng phải được nhìn thấy trong bối cảnh không chắc chắn của tương lai triều giáo hoàng.
Cuộc họp của tất cả các hồng y tại Rôma ngày 29-30 tháng 8 vừa qua cho thấy việc dự đoán ai sẽ kế vị Thánh Phêrô thậm chí còn khó hơn bình thường. Đây là một đặc điểm, không phải là một lỗi của Hồng y đoàn hiện tại do Đức Phanxicô định hình.
Hiện tại, có các hồng y từ mọi châu lục và 86 quốc gia. Sáu mươi tám quốc gia trong số đó sẽ có ít nhất một cử tri vào cuối năm 2022.
Sáu mươi năm sau khi Công đồng Vatican II khai mạc (1962-65), có một số quốc gia từng là quan trọng trong lịch sử công giáo – như Ireland – bây giờ không có hồng y cử tri. Và cả những quốc gia quan trọng với tương lai của Giáo hội, như Úc và Trung Quốc. Nhưng New Zealand, Papua New Guinea và Tonga, mỗi nước có một hồng y có thể bỏ phiếu trong mật nghị sắp tới.
Tất cả điều này có nghĩa, không thể giả định nhiều về cách giáo hoàng tiếp theo sẽ tiếp cận các mối quan hệ quốc tế của Vatican như thế nào. Và đây là điều mà các trung tâm quyền lực chính trị, ngoại giao và quân sự – cả ở phương Tây và các nước còn lại – đều biết rất rõ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ở Kazakhstan, chính sách ngoại giao của Đức Phanxicô thách thức Nga và Trung Quốc