Chiến tranh, đó là chọn “Ca-in”

131

Chiến tranh, đó là chọn “Ca-in”

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2022-04-16

Trong vòng 50 phút quay ở Nhà Thánh Marta, Đức Phanxicô trả lời các câu hỏi của nhà báo Ý Lorena Bianchetti về chiến tranh Ukraine, về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô.

Buổi phỏng vấn được phát hình trước khi ngài chủ sự nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô, ngài trích dẫn triết gia Pascal, “Chúa Kitô hấp hối cho đến tận thế nơi người nghèo, nơi người sống bên lề.”

Nhà báo Lorena Bianchetti, người dẫn chương trình “Trong hình ảnh của Ngài” (A Sua Immagine) của kênh truyền hình RAI 1 đã phỏng vấn Đức Phanxicô với tiêu đề: “Hy vọng bị phong tỏa” được phát sóng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 15 tháng 4. Bài phỏng vấn được Bộ Truyền Thông dịch ra tiếng Pháp.

Đức Phanxicô lấy làm tiếc, chiến tranh ở Ukraine là lựa chọn của “Ca-in”: thật khó để nói, nhưng thế giới đã chọn mô hình Ca-in và chiến tranh là để thực hiện chủ nghĩa ca-in, có nghĩa là chủ nghĩa anh giết em.

Tầm nhìn của Blaise Pascal

Nhà báo Ý nhắc đến cuộc chiến ở Ukraine, “hình ảnh những xác người trên đường phố, lò thiêu di động, những vụ hãm hiếp, những vụ tàn phá man rợ: Chuyện gì đang xảy ra cho nhân loại?”

Đức Phanxicô trả lời bằng cách trích dẫn triết gia Blaise Pascal: “Một nhà văn nói rằng ‘Chúa Giêsu Kitô đang hấp hối cho đến tận thế’, Ngài hấp hối với con cái mình, với anh em mình, đặc biệt là với người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, giữa những người nghèo không có gì để tự vệ. Còn với chúng ta lúc này ở Âu châu, cuộc chiến này làm chúng ta rúng động đến tâm can. Nhưng chúng ta nhìn xa hơn một chút. Thế giới đang chiến tranh, thế giới đang chiến tranh! Syria, Yemen, người hồi giáo Rohingya bị trục xuất, không có quê hương. Chiến tranh ở khắp mọi nơi. Cuộc diệt chủng ở Rwanda cách đây 25 năm. Vì thế giới đã chọn Ca-in, “thật khó để nói, nhưng thế giới đã chọn mô hình Ca-in và chiến tranh là để thực hiện chủ nghĩa ca-in, có nghĩa là chủ nghĩa anh giết em.”

Nhưng “làm thế nào để tìm ra hình thức hòa giải, các hình thức đối thoại với ai, hoặc trong bất kỳ trường hợp nào với những người chỉ muốn và chỉ đuổi theo áp bức?”

Khi tôi nói với quỷ, là không có đối thoại, bởi vì quỷ là sự dữ, không có cái gì tốt. Đó là cái ác tuyệt đối. Đó là người hoàn toàn nỗi loạn chống lại Chúa! Nhưng với những người có căn bệnh hận thù, họ là người bệnh, chúng ta nói chuyện, chúng ta đối thoại và Chúa Giêsu đã nói chuyện với nhiều tội nhân, cho đến người cuối cùng là Giuđa, “bạn”, luôn dịu dàng vì tất cả chúng ta luôn có tinh thần của Chúa, Ngài đã gieo một cái gì đó tốt đẹp trong lòng chúng ta. Và khi tôi đứng trước một người và tôi luôn – kể cả tất cả chúng ta, tôi nói điều này một cách cách khác – khi đứng trước một người, mình phải nghĩ về những gì mình muốn nói với họ: về khía cạnh xấu, khía cạnh ẩn giấu hay khía cạnh tốt hơn. Chúng ta tất cả đều có một cái gì đó tốt, tất cả mọi người! Đó chính là dấu ấn của Chúa trong chúng ta. chúng ta không bao giờ được nghĩ rằng cuộc đời chúng ta đã mất, không… đời kết thúc trong sự dữ, như thử “đó là người đã bị lên án”. Tôi nhớ người phụ nữ đi xưng tội với cha xứ Ars vì chồng bà nhảy xuống cầu tự tử. Cha xứ nghe bà xưng tội, bà khóc. “Điều gặm nhắm tâm hồn con là anh xuống hỏa ngục”. Cha xứ nói: “Ngừng lại. Giữa cây cầu và dòng sông có lòng thương xót Chúa.” Chúa luôn cố gắng cứu chúng ta cho đến phút cuối cùng, vì Người đã gieo vào chúng ta những điều tốt. Như Ngài đã gieo cho Ca-in, Aben và Ca-in, nhưng Ca-in đã làm chuyện bạo lực, và chính hành động này, cuộc chiến đã xảy ra.”

Quỷ ư? Một “thực tế”

Đức Phanxicô lấy làm tiếc: sự dữ ư, nó có một cái gì thật quyến rũ: “Trở lại với quỷ. Có người nói tôi nói quá nhiều về quỷ. Nhưng đó là một thực tế. Tôi tin điều đó, hen! Có người nói: “Không, đó là chuyện huyền thoại”. Tôi không đi tới với huyền thoại, tôi đi tới đàng trước với thực tế, tôi tin điều này. Nhưng quỷ là kẻ quyến rũ. Quyến rũ là luôn dấn tới, hứa hẹn một cái gì đó. Nếu tội lỗi là xấu, nếu nó không có một cái gì đó đẹp, thì không ai phạm tội. Quỷ giới thiệu cho chúng ta một cái gì đó đẹp trong tội lỗi và dẫn chúng ta đến tội lỗi. Ví dụ, những người gây chiến tranh, những người phá hủy cuộc sống của người khác, những người bóc lột người khác nơi làm việc. Hôm nọ, tôi nghe một gia đình nói người cha còn trẻ, họ mới cưới, anh phải làm việc như nhà nông, anh đi từ sáng đến tối mịt mới về, nhưng kiếm được ít tiền, anh bị một công ty tỷ phú khai thác. Đó cũng là chiến tranh. Vì nó hủy hoại, chứ không chỉ có xe tăng, đó cũng là để hủy. Quỷ luôn tìm cách tiêu diệt chúng ta. Vì sao? Vì chúng ta là hình ảnh của Chúa. Hãy trở lại lúc khởi đầu, lúc ba giờ chiều. Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, Ngài chết một mình. Hoàn toàn cô độc, ngài bị chính Chúa Cha bỏ rơi: “Lạy Cha, vì sao Cha bỏ con?”. Sự cô độc tuyệt đối, vì Chúa muốn xuống tận nơi khắc nghiệt nhất của cô độc trong lòng con người để giải thoát chúng ta khỏi cô độc. Ngài, về với Chúa Cha, nhưng Ngài đã xuống, xuống nơi từng người bị bị bóc lột, bị đau khổ vì chiến tranh, bị hủy diệt, đau khổ vì nạn buôn người. Có biết bao nhiêu phụ nữ là nô lệ trong kỷ nghệ buôn người, tại đây, tại Rôma và các thành phố lớn. Đó là việc của cái ác. Đó là chiến tranh.”

Thứ tư tuần trước, ngài trích dẫn Dostoyevsky và Anh em nhà Karamazov, những người mà ván bài ở trong lòng con người. Ngài nêu rõ: “Và đó là nơi ván bài chúng ta chơi. Vì thế chúng ta cần sự dịu dàng này, cần lòng khiêm tốn để nói với Chúa: “Con là kẻ có tội, xin Chúa cứu con, xin Chúa giúp con!”. Vì trong mỗi chúng ta đều có khả năng làm những gì để phá hủy, để bóc lột con người. Vì tội lỗi có thể là điểm yếu và cũng có thể là sự kiêu ngạo của chúng ta.”

Đứng trước đau khổ

Về những thảm kịch ở Ukraine, nhà báo đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể nói gì với những cha mẹ đang sống cảnh đau lòng này?”

Ngài trả lời: “Bạn biết đó. Trong cuộc sống, chúng ta phải học rất nhiều. Tôi đã phải học rất nhiều và tôi vẫn còn phải học vì tôi mong sống lâu hơn một chút, nhưng tôi phải học. Và một trong những điều tôi học được là đừng nói gì khi có ai đó đang đau khổ. Dù đó là người bệnh hay người đang đối diện với thảm kịch. Trong thinh lặng, tôi nắm tay họ. Khi bạn đau và có người đến nói với bạn. “Không, bạn ở đây không sao mà, nhưng Chúa…”. Xin im tiếng! Xin im tiếng! Đứng trước nỗi đau: xin im lặng. Và khóc. Khóc là ơn của Chúa, là ơn thì chúng ta phải xin: xin ơn khóc khi đứng trước yếu đuối của chúng ta, đứng trước những yếu đuối và thảm cảnh của thế giới này. Nhưng không có lời nào. Bà nói đến Dostoyevsky. Tập sách nhỏ hiện lên trong tâm trí tôi như một bản tóm tắt tất cả triết học, thần học, tất cả mọi thứ của ông: những kỷ niệm của tầng hầm. Và ở đây, khi có ai đó chết – đó là những người bị kết án, đó là những tù nhân đang nằm trong bệnh viện – có một người chết, họ đưa người đó đi. Và một người khác, từ một chiếc giường khác, nói, “Xin dừng lại, người này cũng có một bà mẹ.” Hình ảnh người phụ nữ, hình ảnh người mẹ trước thánh giá. Đó là thông điệp, thông điệp của Chúa Giêsu cho chúng ta, thông điệp về sự dịu dàng của người đó dành cho mẹ mình. Vào thời khắc đen tối nhất cuộc đời, Chúa Giêsu không xúc phạm.”

Mẹ của Giáo hội

Về vai trò của phụ nữ, “vai trò tích cực của phụ nữ trên bàn thương thuyết, cụ thể trong việc xây dựng hòa bình thì như thế nào?”

Đức Phanxicô trả lời: “Phụ nữ có khả năng cho sự sống ngay cả cho người chết”; đó là một cách nói. Phụ nữ ở ngã ba đường của những cái chết lớn nhất, họ ở đó, họ mạnh mẽ. Họ thật đáng phục. Chúa Giêsu là phu quân của Giáo hội và Giáo hội là phụ nữ, đó là lý do vì sao Mẹ Giáo hội rất mạnh. Tôi không nói về chủ nghĩa giáo quyền, những tội lỗi của Giáo hội. Không, Mẹ Giáo hội có nghĩa là người mẹ đứng dưới chân thập giá, nâng đỡ chúng ta, những kẻ tội lỗi. Đây là điều tạo ấn tượng mạnh cho tôi, làm tôi liên tưởng đến Mẹ Maria và những phụ nữ khác dưới chân thập tự giá. Khi còn ở Buenos Aires, thỉnh thoảng tôi phải đến một giáo xứ trong khu phố Villa Devoto, tôi đi xe buýt số 86, đi qua trước nhà tù và nhiều lần khi tôi đi ngang qua, có một hàng dài các bà mẹ tù nhân sắp hàng. Họ làm vì con họ, vì những người đi ngang qua đều nói: “Đó là mẹ của một người đang ở bên trong”. Và họ chấp nhận những kiểm tra nhục nhã nhất để thăm con họ. Sức mạnh của một phụ nữ, của một người mẹ đủ sức đi cùng với con đến cùng. Và đó là Mẹ Maria và những phụ nữ dưới chân thập giá, đồng hành cùng con họ, biết rằng có rất nhiều người nói: “Nhưng bà mẹ này nuôi dạy con như thế nào mà cuối cùng lại như thế?” Ngay lập tức là những chuyện ngồi lê. Nhưng các bà đừng lo lắng: khi là con mình, khi vấn đề là sự sống, các bà hãy đi tới. Chính vì vậy có người nói – giao những lúc khó khăn, những lúc hoạn nạn cho phụ nữ là rất quan trọng, rất quan trọng. Họ biết cuộc sống là gì, ý nghĩa của việc chuẩn bị cho cuộc sống và cái chết là gì, họ biết rõ điều đó. Họ nói ngôn ngữ này.”

Nhà báo nhắc, cũng có phụ nữ trong giới mafia.

Đức Phanxicô trả lời: “Việc bóc lột phụ nữ là cơm ăn hàng ngày của chúng ta. Bạo lực với phụ nữ là cơm ăn hàng ngày của chúng ta. Những phụ nữ bị đánh, bị bạo hành từ những người bạn đời, họ mang những chuyện này trong thinh lặng hoặc bỏ đi mà không nói lý do. Đàn ông chúng tôi luôn đúng: chúng tôi là những người hoàn hảo. Và đối với xã hội, phụ nữ bị buộc phải im lặng. “Không, đó là một bà điên, một bà tội lỗi.” Đó là lời người ta nói về bà Mađalêna. “Nhưng nhìn những gì bà làm, đó là người tội lỗi ư!” “Và bạn không phải là người có tội ư? Bạn có lầm không?”. Nhưng phụ nữ là nguồn dự trữ của nhân loại, tôi có thể nói như thế: tôi tin chắc điều này. Phụ nữ là sức mạnh. Và ở đó, dưới chân thập giá, các môn đệ chạy trốn, nhưng không phải các phụ nữ, những người đã đi theo Ngài suốt đời. Và Chúa Giêsu, trên đường lên đồi Canvê, đã dừng lại trước các bà đang khóc. Họ có khả năng khóc, còn đàn ông chúng tôi tệ hơn. Và Ngài ngừng lại nói: “Hãy khóc cho con cái các bà, cho con cháu các bà.”

 “Các tầng lớp” người tị nạn

Còn với người tị nạn do hậu quả chiến tranh, Đức Phanxicô kể kinh nghiệm gia đình của ngài: “Người tị nạn được chia thành nhiều loại. Hạng nhất, hạng nhì, màu da hoặc họ đến từ một nước phát triển hay chậm phát triển. Chúng ta là những người phân biệt chủng tộc. Và điều này thật tệ. Vấn đề tị nạn là một vấn đề mà ngay cả Chúa Giêsu cũng đã chịu, vì khi còn nhỏ, Ngài là người di cư và tị nạn ở Ai Cập để khỏi chết. Bao nhiêu người tị nạn đã phải chịu khổ để thoát chết! Có một hình ảnh về chuyến trốn ra khỏi đất Ai-cập do một họa sĩ người Piedmontes vẽ. Ông gởi cho tôi và tôi có  những bức ảnh nhỏ: đó là Thánh Giuse với em bé đi trốn. Không phải là Thánh Giuse với bộ râu, không. Thánh Giuse là người Syria thời buổi này đưa em bé đi trốn trong cuộc chiến ngày nay. Khuôn mặt đau khổ của những người này là khuôn mặt của Chúa Giêsu buộc phải đi trốn. Và Chúa Giêsu đã trải qua tất cả những điều này, nhưng Ngài ở đó. Trên thánh giá là hình ảnh người dân các nước Châu Phi có chiến tranh, Trung Đông có chiến tranh, châu Mỹ Latinh có chiến tranh, châu Á có chiến tranh. Một vài năm trước, tôi đã nói chúng ta đang sống trong Thế chiến thứ ba từng phần. Nhưng chúng ta đã không học. Tôi – tôi là thừa tác viên của Chúa và là kẻ có tội, là người được Chúa chọn – nhưng, là kẻ có tội, năm 2014 tôi đến đài tưởng niệm Thế chiến thứ nhất Redipuglia tại Ý để kỷ niệm một trăm năm Thế chiến, tôi đã thấy và tôi đã khóc. Tôi chỉ biết khóc. Tất cả những người trẻ, những chàng trai còn nhỏ. Rồi một ngày tôi đến nghĩa trang Anzio và tôi thấy những người trẻ này đã đến Anzio. Tất cả đều trẻ! Và một lần nữa, tôi đã khóc ở đó. Tôi khóc vì tất cả những điều này. Cách đây hai năm, tôi nghĩ có lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ Normandy, tôi đã thấy những người đứng đầu chính phủ, có một cuộc họp … họ đã tưởng nhớ điều đó. Nhưng tại sao chúng ta không tưởng niệm 30.000 binh sĩ đã ngã xuống trên các bãi biển của Normandy? Chiến tranh lớn lên với đời sống của các con chúng ta, các người trẻ của chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi nói chiến tranh là quỷ! Chúng ta hãy đến các nghĩa trang, đó là đời sống của chính lễ tưởng niệm này. Chúng ta hãy nghĩ về cảnh này đã được viết: những chiến thuyền đến Normandy, họ xuống tàu, họ nhảy, họ bắn, trẻ em và người Đức… 30.000, trên bãi biển.”

 “Chúng ta cần phụ nữ lên tiếng báo động”

Một chủ đề thiết thân khác của Đức Phanxicô là chủ đề giải trừ quân bị: “Tôi hiểu những kẻ cầm quyền mua vũ khí, tôi hiểu họ. Tôi không biện minh cho họ, nhưng tôi hiểu họ. Bởi vì chúng ta phải tự vệ, bởi vì đó là kế hoạch chiến tranh của chủ nghĩa ca-in. Đây không phải là kế hoạch hòa bình, vì sẽ không cần thiết. Nhưng chúng ta sống với kế hoạch ma quỷ này, giết nhau vì ham quyền lực, muốn được an ninh, muốn được rất nhiều thứ. Nhưng tôi nghĩ đến những cuộc chiến ẩn giấu, không ai nhìn thấy, ở rất xa chúng ta. Rất nhiều. Tại sao? Khai thác? Chúng ta đã quên ngôn ngữ của hòa bình: chúng ta đã quên. Chúng ta nói về hòa bình. Liên hợp quốc đã làm mọi thứ, nhưng không thành công. Tôi về lại với đồi Canvê. Ở đó, Chúa Giêsu đã làm tất cả. Ngài cố gắng làm với lòng thương xót, với lòng nhân từ, để thuyết phục các nhà lãnh đạo và nói không với chiến tranh! Nhưng họ muốn có chiến tranh để có an ninh. Thầy thượng phẩm nói: “Phải có một người nào chết cho dân thì tốt, nếu không người la-mã sẽ đến. Và chiến tranh.”

Với cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, Đức Phanxicô nhắc đến người vợ của quan Philatô trong Tin Mừng: “Có một phụ nữ trong Tin Mừng ít được nhắc đến – chúng ta sẽ nói một chút – đó là bà vợ của Philatô. Bà đã hiểu ra một điều gì đó. Bà nói với chồng: “Đừng can thiệp vào người chính trực này”. Nhưng Philatô không nghe “những chuyện của phụ nữ”. Nhưng người đàn bà này xuất hiện một cách bất ngờ, họ không có sức mạnh trong Tin Mừng, nhưng từ ngoài họ đã hiểu được thảm kịch này. Vì sao? Có thể bà đã là mẹ nên bà có linh tính phụ nữ. “Hãy cẩn thận để chúng không lừa bạn. Ai? Sức mạnh, quyền lực. Quyền lực có thể thay đổi ý kiến của mọi người từ chúa nhật đến thứ sáu. Hosanna ngày chúa nhật thành Đóng Đinh Nó ngày thứ sáu. Và đó là cơm ăn hàng ngày của chúng ta. Chúng ta cần phụ nữ để báo động.”

Lời cầu nguyện để xin chấm dứt đại dịch

Đức Phanxicô cũng trở lại với ngày 27 tháng 3 năm 2020, ngày cầu nguyện xin chấm dứt đại dịch: “Tôi đi tìm, tôi cảm nhận sự bi thảm của thời điểm này, của rất nhiều người. Nhưng bà nhấn mạnh đến sự cô đơn, đau khổ của thời điểm, của người lớn tuổi. Thật là kỳ lạ: luôn có người phải trả giá. Và người trẻ cũng bị, vì chúng ta đang phá vỡ hy vọng của họ. Chúng ta làm cho họ phải đi con đường của Turandot: “Hy vọng luôn làm thất vọng”. Không, hy vọng không làm thất vọng! Nhưng chính người trẻ và người lớn tuổi đều có trong tay, trong trái tim họ khả năng để phản ứng: đó là lý do vì sao tôi nhấn mạnh rất nhiều vào đối thoại giữa người trẻ và người già. Minh triết của người lớn tuổi kèm với nỗi cô đơn họ phải chịu đựng. Minh triết của người lớn tuổi thường bị xem thường và bị bỏ rơi trong nhà già. Tôi thích đến nhà hưu dưỡng ở Buenos Aires, có rất nhiều nhà hưu dưỡng ở các thành phố lớn. Tôi hỏi một bà: “Bà khỏe không? Bà có bao nhiêu người con? Bốn, vậy các con có đến thăm bà không?” “Chúng không để tôi một mình.” Cô y tá nghe và khi đi ra cửa cô nói: “Thưa cha, từ sáu tháng nay không có ai đến thăm”. Bỏ rơi người già, bỏ rơi minh triết, vì đôi khi chúng ta nghĩ mình là siêu nhân, cái gì cũng biết. Chúng ta không biết gì cả! Sự cô đơn của người già và việc dùng người trẻ vì người trẻ mà không có trí tuệ đến từ một dân tộc sẽ đi sai. Chúa Giêsu có tất cả điều này trong lòng vào lúc đó: tất cả chúng ta đều ở đó.”

Bà nhắc lại lời cầu nguyện Statio Orbis tháng 3, cách đây hai năm và bà cảm nhận được tất cả điều này. Nhưng tôi không biết quảng trường vắng, tôi không biết điều này. Tôi đến nơi và không có ai cả. Đúng, tôi biết trời mưa sẽ ít người, nhưng không có ai. Đó là một thông điệp của Chúa để hiểu hết sự cô đơn. Sự cô đơn của những người già, sự cô đơn của những người trẻ chúng ta để họ một mình. “Để họ tự do”. Không! Họ sẽ đơn độc, sẽ bị nô lệ. Đồng hành cùng họ! Đó là lý do vì sao họ phải lấy di sản của người lớn tuổi, phải lấy cờ hiệu món nợ của những người này. Sự cô đơn của người trẻ, người già. Nỗi cô đơn của những người đau khổ vì bị tâm lý ở viện dưỡng lão. Nỗi cô đơn của những người sống thảm kịch cá nhân hay gia đình. Nỗi cô đơn của phụ nữ bị chồng đánh đập, nhưng im lặng để cứu gia đình. Chúng ta có rất nhiều cô đơn. Bạn có cô đơn của bạn. Tôi có cô đơn của tôi: chắc chắn bạn có những cô đơn. Những cô đơn nhỏ bé, nhưng chính ở đó, trong những cô đơn nhỏ bé này, chúng ta có thể hiểu được sự cô đơn của Chúa, cô đơn của thập giá.”

Về câu hỏi cô đơn của giáo hoàng, ngài trả lời: “Không, Chúa đã tốt với tôi. Tôi không biết. Luôn luôn, nếu có một chuyện chẳng lành, Ngài luôn đặt một người nào đó giúp tôi! Ngài rất quảng đại. Có lẽ Ngài biết một mình tôi, tôi không làm được!”

 Sự tôn thờ thần tượng của thế gian

Sau đó, cuộc phỏng vấn trở nên nghiêm trọng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này: “Đâu là những vết thương mà Giáo hội tiếp tục gây ra cho Đấng bị đóng đinh ngày nay? Đức Phanxicô nhắc lại chủ đề bài giảng ngài giảng trong thánh lễ Truyền Dầu Thứ Năm Tuần Thánh, trong đó ngài tố cáo thần tượng của “thói thời thượng thế gian”: “Tôi nói rõ vì tôi tin chắc điều này. Thập giá khó khăn nhất mà Giáo hội gây ra cho Chúa ngày nay là tính thời thượng thế gian, tinh thần hướng về thế gian. Tinh thần thế gian hơi giống tinh thần quyền lực, nhưng không chỉ là quyền lực, không phải chỉ có quyền lực, – đó là tò mò – nuôi sống và lớn lên bằng tiền. Có một điều đáng quan tâm ở đây. Trong ba cám dỗ ma quỷ dùng để cám dỗ Chúa Giêsu, quỷ đưa ra những đề nghị thế gian. Đầu tiên là nổi tiếng, tất nhiên: đó là con người – nhưng sau đó là gì? Quyền lực, phù phiếm: những thứ thuộc về thế gian. Vì phương thức hấp dẫn và Giáo hội, khi rơi vào thế gian, vào tinh thần thời thượng thế gian, thì Giáo hội bị đánh bại. Tinh thần thế gian là điều làm tổn thương nhiều nhất ngày nay, nhưng nó luôn là như vậy. Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Hãy có một quyết định rõ ràng, ngươi không thể phục vụ hai chủ. Hoặc phục vụ Chúa – và tôi mong Ngài nói ‘hoặc phục vụ ma quỷ’ – nhưng Ngài không nói. “Hoặc phục vụ Chúa, hoặc phục vụ tiền bạc.” Dùng tiền để làm việc thiện, để nuôi sống gia đình là điều tốt. Nhưng hãy phục vụ! Và thế giới dừng lại rất nhiều ở đó… Mỗi thời, tính thời thượng có mỗi tên, nhưng luôn là thời thượng. Lời cầu nguyện của Thiên thần Tổng lãnh Micae tôi đọc mỗi buổi sáng. Mỗi ngày! Để giúp tôi thắng ma quỷ. Ai nghe tôi nói, họ sẽ hỏi: “Nhưng thưa cha, cha đã nghiên cứu, cha là giáo hoàng mà cha còn tin vào ma quỷ?” Còn. Tôi tin, bạn thân mến, tôi còn tin. Tôi sợ , đó là vì sao tôi phải bảo vệ tôi nhiều như vậy. Ma quỷ đã làm tất cả những trò tai quái này để Chúa Giêsu phải kết thúc như Ngài đã kết thúc trên thập giá. Quyền lực của bóng tối trên Chúa Giêsu: ‘Đó là giờ của ngươi,’ quyền lực của bóng tối.”

Không gây mê và ơn tha thứ

Sau đó là câu hỏi về Ukraine và những gì ngài cảm nhận: “Một nỗi đau. Đau đớn là điều chắc chắn, nó là cảm giác cướp đi mọi thứ của bạn. Khi ai đó cảm thấy đau đớn về thể xác sau một ca phẫu thuật, vết thương gây ra cho mình, họ xin được gây mê, một cái gì đó giúp mình chịu đựng. Nhưng với nỗi đau của con người, nỗi đau về đạo đức, không có thuốc mê. Chỉ có cầu nguyện và khóc. Tôi không tin ngày hôm nay chúng ta khóc đúng. Chúng ta quên khóc. Nếu tôi có thể đưa ra lời khuyên nào, cho chính tôi và cho người khác, thì đó là xin ơn nước mắt. Và chúng ta hãy khóc, khóc như Thánh Phêrô khóc sau khi phản bội Chúa Giêsu. Thánh Phêrô khóc, khóc khi đi trốn, khi chối Chúa. Ngài đã khóc. Nước mắt không phải là lối thoát, không. Đó là xấu hổ thể hiện qua thể chất và tôi nghĩ chúng ta thiếu xấu hổ. Rất nhiều lần chúng ta không biết xấu hổ – đó là một sỉ nhục mà ở quê hương tôi hay dùng, có nghĩa là vô liêm sỉ – nhưng khóc là một ơn. Có một lời cầu nguyện cao đẹp, có thánh lễ xin ơn nước mắt. Trong thánh lễ, có lời cầu nguyện tuyệt vời này: “Lạy Chúa, Chúa là Đấng đã mang nước ra khỏi đá, xin Chúa lấy nước mắt ra khỏi đá trái tim con”. Trái tim sắt đá, trái tim không biết rung động, không biết khóc. Tôi tự hỏi: có bao nhiêu người, trước hình ảnh của chiến tranh, của bất kỳ cuộc chiến nào, đã khóc được? Một số người khóc được, tôi chắc chắn, nhưng có nhiều người không khóc được. Họ bắt đầu biện minh hoặc họ tấn công. Không, điều đó (Đức Phanxicô chỉ vào trái tim): bạn phải chăm sóc nó. Và Chúa Giêsu chạm vào chúng ta ở đây. Hôm nay, Thứ Sáu Tuần Thánh, trước khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, chúng ta hãy để trái tim mình xúc động, để Ngài nói với chúng ta qua im lặng, qua nỗi đau của Ngài. Bạn đang nói chuyện với những người đang đau khổ trên thế giới này: họ đang đói, họ đang bị chiến tranh tàn phá, họ đang chịu nhiều bóc lột và tất cả những điều này. Hãy để Chúa Giêsu nói với họ và xin bạn đừng nói. Im lặng. Hãy để Ngài làm và bạn xin ơn để khóc.”

Nhà báo xin Đức Phanxicô nói một lời cho các giám mục chính thống giáo: “Chính thống giáo cũng đang chuẩn bị lễ Phục Sinh với chúng ta, nhưng trễ hơn một tuần – kể cả người công giáo đông phương – vì họ theo lịch Julian, không theo lịch Gregorian. Tôi nhân dịp này xin gởi lời chào trong tình huynh đệ tới tất cả anh em giám mục chính thống giáo của tôi, những người đang trải qua Lễ Phục Sinh này với cùng nỗi đau với chúng tôi, mà bản thân tôi và nhiều người công giáo đang trải qua. Thật không dễ dàng để là giám mục… và tạ ơn Chúa vì nó đã không dễ dàng! Đó là lý do vì sao tôi không hiểu có những người muốn hành giám mục! Họ không biết điều gì đang chờ đợi họ! Nhưng tôi xin nhân dịp này để chào tất cả các giám mục chính thống giáo, như là người anh em trong đức tin.”

Tiếp đó là câu hỏi về tha thứ: “Làm sao chúng ta có thể dễ thương và tha thứ cho tất cả những người đã làm tổn thương chúng ta, những người giết người vô tội, những người bị tổn thương không chỉ về thể xác mà còn về tâm lý?”

Đức Phanxicô tâm sự: “Tôi cho bà công thức của tôi. Nếu tôi không phạm tội ác này, đó là do bàn tay Ngài ngăn tôi lại, do lòng thương xót của Ngài. Tôi chắc chắn, nếu không tôi đã làm những chuyện như vậy, nhiều chuyện rất xấu. Và điều này, tôi là nhân chứng lòng thương xót Chúa. và vì thế tôi không thể lên án ai đến xin tha thứ. Tôi luôn phải tha thứ. Mỗi người trong chúng ta có thể tự nói điều này khi xét mình. Đúng là tôi có thể không ở mức độ cảm xúc: “Đến đây và hôn tôi”. Không, có lẽ tôi sẽ tức giận! Nhưng tôi nói, “Lạy Chúa, xin hãy cất đi cơn giận của con, con đã tha thứ, nhưng con không có cảm giác tha thứ. Con tha thứ. Lạy Chúa, xin Chúa dàn xếp để mang lại sự tha thứ này…”.

Tha thứ có phải là “thần thánh” không?

“Đúng vậy, cuối cùng thì tha thứ cũng là chuyện như vậy.”

 Hy vọng và lạc quan, phân định

Và đến vấn đề đau khổ: cô đơn, covid, thất nghiệp. “Cha muốn gởi đến các nạn nhân lời hy vọng nào?”

Đức Phanxicô trả lời: “Từ chính yếu mà bà vừa nói, đó là hy vọng. Hy vọng không phải là ve vuốt rồi nói: “À, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi, đừng lo lắng.” Hy vọng là một căng thẳng hướng về tương lai, hướng về Trời. Đó là lý do vì sao hình ảnh của hy vọng là chiếc neo: neo cắm vào đó, và tôi với sợi dây ở đó, để đến đó, để giải quyết các tình huống, nhưng luôn với sợi dây này. Hy vọng không bao giờ làm thất vọng, nhưng giúp chúng ta chờ. Hy vọng là người đầy tớ của đời sống công giáo, của đời sống kitô giáo. Đó thực sự là đức tính khiêm tốn nhất. Hy vọng ẫn giấu, nhưng nếu chúng ta không có nó trong tầm tay thì chúng ta sẽ không tìm ra con đường đúng. Hy vọng là điều giúp chúng ta tìm ra con đường đúng đắn. Có hy vọng không phải là có ảo tưởng: “Tôi sẽ… nhờ ai đó đọc chỉ tay cho tôi… mọi sự sẽ ổn thôi. Không, đó không phải là hy vọng. Hy vọng là xác quyết tôi giữ trong tay sợi dây của chiếc neo đó. Chúng ta thích nói về đức tin, về lòng bác ái: hãy nhìn vào nó! Hy vọng là một chút gì như một đức tính ẩn giấu, đức tính nhỏ, đức tính nhỏ của gia đình. Nhưng đó là đức tính mạnh nhất cho chúng ta.”

Một thông điệp dành cho người trẻ: “Đừng lầm hy vọng với lạc quan. Lạc quan chúng ta có thể mua ở tiệm. Chúng ta biết đó, lạc quan bán chạy! Nhưng hy vọng là một cái gì đó khác. Hy vọng là tin chắc chúng ta đi đến sự sống. Có một thi sĩ lớn Argentina có một câu, một bài thơ luôn làm tôi xúc động, ông định nghĩa cuộc sống: “Cuộc sống là cái chết đang xảy ra”. Không, cuộc sống không phải là cái chết đang xảy ra: cuộc sống, có lẽ, là cái chết để đến với sự sống! Niềm hy vọng vào điều này rất mạnh mẽ: đó là sợi dây neo này. Hy vọng không bao giờ thất vọng! Nhưng hy vọng là khiêm nhường, hy vọng đích thực là người phục vụ của đời sống Kitô hữu. Nhưng thường chính những người giúp việc lại đưa đời sống gia đình đi tới đàng trước.

 “Lời chúc của cha cho lễ Phục Sinh này là gì?

“Một niềm vui nội tâm. Có một bài thánh vịnh nói rằng, “Khi Chúa giải cứu chúng tôi khỏi Ba-by-lôn, chúng tôi cảm thấy như mình đang mơ.” Tiếng reo vui. Đó là niềm vui. Lời chúc của tôi là đừng để mất hy vọng, nhưng một hy vọng thực sự – một hy vọng không làm thất vọng – là xin ơn để khóc được, khóc vì vui, khóc vì được an ủi, khóc vì hy vọng. Tôi chắc chắn, tôi nhắc lại, chúng ta cần phải khóc nhiều hơn nữa. Chúng ta đã quên làm cách nào để khóc. Xin Thánh Phêrô dạy chúng ta khóc như ngài đã khóc. Và sau đó là sự im lặng của Thứ Sáu Tuần Thánh.”

Marta An Nguyễn dịch