Rồi Thiên Chúa lại tạo nên ánh sáng

173

Rồi Thiên Chúa lại tạo nên ánh sáng

Ronald Rolheiser, 2022-04-18

Chúng ta hình dung nguồn gốc vũ trụ theo cách khoa học là do vụ nổ Big Bang hay theo cách trình thuật Kinh Thánh, cũng không quan trọng. Cách nào cũng nói về một thời trước khi có ánh sáng. Vũ trụ tối tăm trước khi Thiên Chúa tạo ra ánh sáng. Tuy nhiên, cuối cùng vũ trụ lại tăm tối trở lại. Khi nào?

Các sách Phúc âm nói rằng khi Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, giữa giờ thứ sáu và giờ thứ chín, trời đất tăm tối và Chúa Giêsu kêu lên, “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” Vậy đã có chuyện gì?

Các sách Phúc âm muốn nói về cảnh trời tối lúc đầu giờ chiều, nhật thực, hay đang nói đến một sự tăm tối khác, tăm tối kiểu tâm linh? Lúc Chúa Giêsu hấp hối đã xảy ra nhật thực sao? Có lẽ có. Chúng ta không biết chắc, nhưng nó chỉ là điều thứ yếu. Cái mà các sách Phúc âm muốn nói đến chính là một dạng tăm tối lớn lên trong chúng ta mỗi khi điều quý báu với chúng ta bị thế gian sỉ nhục, bị xem là vô lực, bị chế nhạo, bị đánh bại và bị đóng đinh. Có bóng tối bủa vây chúng ta mỗi khi các thế lực của tình yêu dường như bị áp chế bởi các thế lực của thù hận. Ánh sáng bị dập tắt lúc đó là ánh sáng của hy vọng, nhưng có một sự tăm tối sâu xa hơn và đây là dạng tăm tối mà các sách Phúc âm nói, nó đã tạo nên một đám mây che phủ thế giới khi Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá.

Điều được ám chỉ ở đây là: trong cuộc khổ nạn đóng đinh của Chúa Giêsu, sự tạo dựng trở lại tình trạng hỗn mang nguyên thủy, như thời trước khi có ánh sáng. Nhưng nó còn ám chỉ rằng Thiên Chúa đã tạo ra ánh sáng một lần thứ hai, lần này bằng cách phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, và vì vậy, ánh sáng mới này là ánh sáng chói lòa nhất. Hơn nữa, không như ánh sáng ban đầu vốn chỉ là vật chất, ánh sáng này là ánh sáng vừa cho con mắt vừa cho tâm hồn.

Đối với con mắt, ánh sáng phục sinh còn là hiện tượng vật chất hoàn toàn mới. Trong cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, các nguyên tử của hành tinh bị rung động khỏi sự vận hành vật chất bình thường. Một xác chết từ trong mồ trỗi dậy và sẽ không bao giờ chết nữa. Chuyện đó chưa từng xảy ra trước đó. Hơn nữa, sự phục sinh của Chúa Giêsu cũng là ánh sáng mới triệt để cho tâm hồn, ánh sáng của hy vọng. Ánh sáng thứ hai này là gì?

Vào đầu thập niên 1970, Robbie Robertson sáng tác bài hát nổi tiếng bài The Night They Drove Old Dixie Down và ca sĩ Joan Baez hát bài này. Lời bài hát là tự thuật của một người tên Virgil Caine, một bài ai thán buồn bã về sự cùng quẫn của một gia đình da trắng ở miền Nam trong thời Nội chiến Mỹ. Mọi chuyện xấu ập đến với họ, con trai út bị tử trận. Tình cảnh của họ tối tăm, không có chút hy vọng nào. Trong bài hát, có đoạn người kể chuyện than van về cái chết của em mình:

 

Nó chỉ mới 18, tự hào và dũng cảm

Nhưng một tên lính đã tiễn nó xuống mộ

Tôi thề bằng máu dưới chân mình

Đâu thể cho Ca-in trỗi dậy khi đã bị đánh bại

Sự sống có thể trỗi dậy khi đã bị đánh bại không? Xác chết có thể ra khỏi mộ phần không? Cái xác tơi tả có thể nguyên vẹn lại không? Sự ngây thơ mất đi có thể phục hồi lại không? Một trái tim tan nát có thể lành lại không? Một hy vọng vỡ nát có thể nâng đỡ linh hồn lần nữa không? Bóng tối có dập tắt mọi ánh sáng không? Các môn đệ của Chúa Giêsu có hy vọng gì khi chứng kiến thầy mình bị sỉ nhục và chết trên thập giá? Khi chính sự thiện bị đóng đinh, thì còn căn cứ gì để hy vọng nữa?

Căn cứ gói gọn trong hai chữ, phục sinh. Khi bóng tối bao trùm trái đất lần thứ hai, Thiên Chúa đã tạo nên ánh sáng lần thứ hai, và ánh sáng đó, không như ánh sáng vật chất được tạo ra thuở khai thiên lập địa, ánh sáng này không thể bị dập tắt. Đó là sự khác biệt giữa sự sống lại của Lazarô và sự phục sinh của Chúa Giêsu, sự khác biệt giữa ánh sáng vật chất và ánh sáng của sự phục sinh. Lazarô đã được phục hồi thân xác như cũ, rồi thân xác đó phải chết lần nữa. Chúa Giêsu được ban một thân xác mới triệt để sẽ không bao giờ chết nữa.

Học giả kinh thánh lừng danh Raymond E. Brown nói rằng: bóng tối bủa vây thế giới khi Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá, sẽ không còn nếu chúng ta tin vào sự phục sinh. Nếu chúng ta chưa tin rằng Thiên Chúa có lời đáp ban sự sống cho mọi kẻ chết, nếu chúng ta chưa tin Thiên Chúa sẽ vần tảng đá che mọi ngôi mộ bất chấp sự thiện bị chôn sâu đến đâu dưới thù hận và bạo lực, nếu như thế thì bóng tối của Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ tiếp tục che phủ thế giới chúng ta.

 

Mohandas K. Gandhi từng nhận định rằng chúng ta có thể thấy chân lý của Thiên Chúa luôn tạo nên ánh sáng mới, chỉ cần nhìn vào lịch sử là thấy. “Khi tôi tuyệt vọng, tôi nhớ lại mọi chuyện đã trải qua suốt dòng lịch sử, chân lý và tình yêu luôn chiến thắng. Có những kẻ sát nhân và bạo chúa, và chúng bất khả chiến bại suốt một thời gian. Nhưng đến tận cùng, chúng luôn sụp đổ. Chúng ta cứ nghĩ như thế đi, luôn là thế”.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Cố gắng lắng nghe tiếng nói của Thứ Sáu Tuần Thánh