Giáo hội khám phá lại bản chất Phúc âm của mình nhờ tính hiện đại

92

Giáo hội khám phá lại bản chất Phúc âm của mình nhờ tính hiện đại

Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, đường Via della Conciliazone, © Pierre Pistoletti

cath.ch, Davide Pesenti, 2022-01-19

Khác xa với ý tưởng của một cuộc đấu tranh khốc liệt mang tính hủy hoại, tính hiện đại đã giúp cho Giáo hội công giáo trở nên nhất quán hơn và kêu gọi thế giới cải cách. Đây là luận điểm ngược dòng được thần học gia người Mỹ George Weigel triển khai trong quyển sách mới Trớ trêu cho đạo công giáo hiện đại (The Irony of Modern Catholic History) ấn bản tiếng Pháp vừa được xuất bản.

Tác giả George Weigel lật ngược các ý tưởng về mối quan hệ giữa Giáo hội công giáo và hiện đại. Theo tác giả nổi tiếng người Mỹ, cuộc gặp gỡ với thời hiện đại, thay vì làm cho Giáo hội công giáo dần dần biến mất thì đã làm cho Giáo hội trung thành hơn với ơn gọi truyền giáo của mình.

Trong quyển sách mới, tác giả giải thích cách Giáo hội công giáo, sau khi bác bỏ tính hiện đại, đã khám phá, áp dụng, phê phán và cuối cùng đã hoán cải nó như thế nào. Đặc biệt, tác giả cho thấy, một phần lớn những gì cao quý nhất trong thời hiện đại, đó là nhờ công giáo. Một luận điểm táo bạo, được xây dựng như một vở kịch có năm hồi.

Ông vừa xuất bản quyển Trớ trêu cho đạo công giáo hiện đại. Ông nói đến “tình huống trớ trêu” này là gì?

George Weigel: “Điều trớ trêu” là trong cuộc đối đầu với hiện đại, vốn thường tìm cách tiêu diệt, thì đạo công giáo lại khám phá bản chất của mình như một cộng đồng tông đồ đang truyền giáo, một cộng đồng được Chúa Kitô trao quyền đi rao giảng Phúc âm cho toàn thế giới. Đồng thời, Giáo hội phát triển một học thuyết xã hội tạo nền tảng thực chất hơn cho những khát vọng hậu hiện đại mà tư tưởng hậu hiện đại không thể cung cấp: khát vọng tự do, đoàn kết và thịnh vượng. Vì vậy, điều trớ trêu được nhân gấp đôi.

George Weigel là hình ảnh nổi bật của đạo công giáo ở Hoa Kỳ | © Keystone / Everett

Theo ông, tính hiện đại đã cho phép Giáo hội công giáo tái khám phá “lý do tồn tại” của chính mình. Có phải cách tiếp cận của Đức Phanxicô là biểu hiện cụ thể của cuộc gặp này không?

Đúng, chắc chắn là vậy, ví dụ trong cách tiếp cận và hành động được Tông hiến Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium của ngài công bố năm 2013.

 

“Ý tưởng biên soạn lịch sử chiếm ưu thế, trong đó tính hiện đại hành động và đạo công giáo chỉ phản ứng là sai lầm.”

 

Luận án của ông đặt lại một phần lớn vấn đề biên soạn lịch sử về chủ đề này. Ông lấy ý tưởng ở đâu để thực hiện một phân tích như vậy?

Ý tưởng về quyển sách này đến với tôi trong lần tôi tham dự một hội nghị tại Đại học Boston do nhà xã hội học lỗi lạc về tôn giáo, Peter Berger chủ trì năm 2015. Văn bản tôi trình bày trong dịp này đưa ra năm giai đoạn của cuộc gặp giữa đạo công giáo và hiện đại – trở thành năm “hồi” trong quyển sách của tôi. Tôi ủng hộ ý kiến biên soạn lịch sử chiếm ưu thế, trong đó tính hiện đại hành động và đạo công giáo chỉ phản ứng là sai lầm. Các đồng nghiệp học thuật có mặt tại hội nghị – hầu hết là người không công giáo – nhận thấy đề xuất của tôi kích thích hiếu kỳ. Vì vậy, tôi quyết định phát triển phân tích này trong một quyển sách. Tôi cũng hy vọng giải thích cho người công giáo nào có liên quan đến một số nguồn gốc “xoáy lốc” mà Giáo hội công giáo đã trải qua trong những thập kỷ gần đây.

“Hầu hết người công giáo ít biết hoặc không biết gì về lịch sử Giáo hội hiện đại”

Qua quyển sách này, ông khơi lại cuộc tranh luận xung quanh mối quan hệ đôi khi gây tranh cãi giữa kitô giáo và thời hiện đại, nhằm mục đích đánh thức lương tâm người công giáo về lịch sử gần đây của họ.

Đúng, vì biên soạn lịch sử nổi trội còn sai lầm, hầu hết người công giáo ít biết hoặc không biết gì về lịch sử Giáo hội hiện đại. Để khôi phục thứ trật cho bộ môn biên soạn lịch sử này và để hiểu quy trình lịch sử công giáo hiện đại như một đường hướng qua đó Giáo hội tìm lại mục tiêu Phúc âm phải truyền cảm hứng cho mình: điều này sẽ giúp người công giáo quan tâm đến tương lai Giáo hội của họ.

Đạo công giáo thách thức hiện đại

Ông nhấn mạnh, đạo công giáo đi từ sự đối lập ban đầu với hiện đại chuyển sang vai trò dấn thân và biến đổi. Ông giải thích thế nào về sự thay đổi triệt để này trong cách tiếp cận?

Điều này không phải là mới: đã có những chuyển đổi tương tự như vậy trong quá khứ kitô giáo. Chẳng hạn khi Chúa Giêsu  bắt đầu tách ra khỏi trường phái do thái rabbi và “Giáo hội sơ khai” được hình thành. Nhưng chính “Giáo hội sơ khai” này qua cuộc gặp gỡ với văn hóa cổ điển, đã khai sinh ra trường phái giáo phụ kitô.

Chúng ta cũng nghĩ đến cuộc gặp gỡ của Giáo hội với “Tri thức mới” vào đầu thế kỷ thứ hai – đặc biệt là với sự phục hồi triết học Hy Lạp của Aristotle – đã khai sinh ra kitô giáo thời Trung cổ.

Hoặc khi đạo công giáo của thời Phản Cải cách được sinh ra qua Công đồng Trent và việc thực hiện gặp khó khăn sau sự rạn nứt của kitô giáo thời Trung cổ trong các cải cách khác nhau của đạo tin lành.

Những khoảnh khắc chuyển tiếp này trong lịch sử Giáo hội đã đánh dấu một trước, một sau. Còn ngày nay?

Ngày nay, trước những thách thức do đời sống tri thức, văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế hiện đại đặt ra, công giáo của thời Phản Cải cách nhường chỗ cho điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là Giáo hội Tân Phúc âm hóa. Trong mỗi chuyển đổi này, trong một môi trường văn hóa mới, Giáo Hội đáp ứng mệnh lệnh của Chúa: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28: 19).

Sự tiến hóa này là đường thẳng hay diễn ra theo từng giai đoạn?

Nói chung, chuyển động là đường thẳng. Nhưng trên đường đi, có những điểm dừng và những điểm khởi hành. Quả thực hiếm có những cuộc chuyển tiếp lịch sử lớn được diễn ra trong nhẹ nhàng.

Do đó trong những thập kỷ gần đây, Giáo hội công giáo đã đóng  vai trò chủ động hơn trong việc thách thức thế giới và tư tưởng đương đại.

Thách thức nền tảng Giáo hội công giáo đặt ra cho thế giới hậu hiện đại thế kỷ 21 là đào sâu sự hiểu biết về con người. Hậu hiện đại ở phương Tây có xu hướng xem con người như một tập hợp các ham muốn mà sự thỏa mãn làm cạn kiệt ý nghĩa của “quyền Con người”. Từ quan điểm này, công giáo mang lại một hiểu biết sâu sắc và phong phú hơn về con người: trí thông minh và ý chí tự do của chúng ta được “theo lệnh” của chân, thiện và mỹ, chứ không phải chỉ để thỏa mãn những ham muốn nhất thời.

Các Tông đồ canh giữ Giáo hội, Tượng ở Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican | © flickr / atrogu / CC BY-NC-ND 2.0

“Theo ông, điều này có áp dụng trong lãnh vực tình dục không?

Hậu hiện đại xem tình dục con người như một loại “thể thao tiếp xúc”. Đạo công giáo dạy tình yêu tình dục trong mối dây hôn nhân chung thủy và đơm hoa kết trái là biểu tượng của đời sống nội tâm của Chúa. Như thế đâu là quan niệm cao quý nhất và thuyết phục nhất về con người?

“Các phần suy tàn của Giáo hội thế giới đã hiểu sai Công đồng, xem như lời kêu gọi cho một loại ‘đạo Công giáo lỏng lẻo’”

Nếu ông phải nhớ một vài giai đoạn đánh dấu sự thay đổi của mối quan hệ này trong suốt 200 năm qua, ông thấy chúng là gì?

Cách mạng Pháp đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ đối đầu gay gắt giữa công giáo và hiện đại; cuộc đối đầu ở đỉnh cao vào thời giáo hoàng Piô IX. Nhưng việc bầu chọn Đức Lêô XIII năm 1878, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới: giai đoạn mà đạo công giáo đã khai phá hiện đại. Sau đó, Đức Piô XII đã thúc đẩy quá trình khai phá này và làm cho Công đồng Vatican II trở nên khả thi, Đức Gioan XXIII đã kêu gọi để biến đổi thế giới hiện đại. Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI đã làm cho Công đồng có một cách giải thích Phúc âm phù hợp, đặc biệt là qua Thượng hội đồng bất thường năm 1985 và định nghĩa Giáo hội như một hiệp thông của các môn đệ trong việc truyền giáo.

Ông xây dựng câu chuyện trong năm “hồi”. Hồi cuối sẽ như thế nào?

Các thành phần sinh động của Giáo hội thế giới là những thành phần đã hiểu – và đang hành động – theo cách giải thích của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI về Công đồng Vatican II, là lời kêu gọi trở thành Giáo hội trong sứ mệnh vĩnh viễn, một Giáo hội cống hiến cho thế giới trọn vẹn đức tin công giáo. Các phần suy tàn của Giáo hội thế giới đã hiểu sai Công đồng, xem như lời kêu gọi cho một loại ‘đạo Công giáo lỏng lẻo’: một Giáo hội đồng hóa với tinh thần của thời đại, thay vì tìm cách đối đầu, chữa lành và hoán cải nó. Do đó, tôi hy vọng mô hình này sẽ tiếp tục trong tương lai. Những gì Chúa Thánh Thần có trong tâm trí, tôi không nghĩ tôi biết.

George Weigel: Sự trớ trêu của công giáo hiện đại (L’ironie du catholicisme moderne, Paris, 2022, nxb. Desclée de Brouwer)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hồng y Jean-Claude Hollerich: “Để được nghe, Giáo hội phải thay đổi phương pháp của mình”