Giáo hội trong khủng hoảng

296

Giáo hội trong khủng hoảng

re-blog.it, Daniela Sala, 2021-06-05

Tổng Giám mục Georg Bätzing trong một lần tiếp kiến với Đức Phanxicô

Giữa hai lực đẩy đối lập, hồng y Reinhard Marx từ chức. Đức Tổng Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Teutonic Ardmediathek.

Hồng y Marx từ chức hôm qua, thứ sáu 4 tháng 6, cha có ngạc nhiên không?

Tổng Giám mục Georg Bätzing: Đó là một bất ngờ rất lớn, thậm chí là một cú sốc… Tôi bàng hoàng. Dĩ nhiên là tôi tôn trọng quyết định của ngài nhưng tôi cũng có đủ loại cảm xúc; xét cho cùng, một lúc nào đó ngài đã cho thấy một cái gì đó đã lên men, đã chín muồi trong ngài.”

Cha có nghĩ nhiều người sẽ thất vọng không?

Tôi nghĩ đó là cảm giác của nhiều người công giáo và người công giáo ở Đức: hồng y Marx đại diện cho việc xem xét nghiêm túc các câu hỏi đang đặt trên bàn, về những khủng hoảng mà Giáo hội đang đối diện; và đại diện cho nỗ lực đưa ra những câu trả lời mới. Tôi bàng hoàng vì ngài như động lực để thiết lập Con đường công nghị, thỉnh thoảng ngài đưa các yêu cầu của ngài đến Rôma và giữ liên lạc. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ không làm được nếu không có tiếng nói của ngài, sức mạnh của ngài, ngay cả sức mạnh trí tuệ của ngài. Và tôi hy vọng, chúng tôi sẽ không phải làm điều này, dù ngài không còn là giám mục của giáo phận Munich-Freising nữa”.

Hồng y Marx nói về những đại diện của Giáo hội, những người không muốn nhận đồng trách nhiệm và tội lỗi của thể chế liên quan đến bạo lực tình dục của các giáo sĩ với trẻ vị thành niên, và bác bỏ bất kỳ hình thức cải cách nào. Đó là cuộc tấn công trực diện với hồng y Woelki?

Đây là một quyết định có thẩm quyền, dũng cảm về mặt tinh thần và mạnh mẽ về mặt nhân bản. Còn với hồng y Rainer Maria Woelki, giáo phận Cologne, (ngài phải đối diện với những cáo buộc về việc xử lý các trường hợp tấn công tình dục và hiện đang bắt đầu chuyến thăm tông đồ của các đại diện Đức Phanxicô), khả năng về một quyết định tự do và có chủ quyền rõ ràng đã được thông qua. Hiện nay các luật khác nhau được áp dụng, cuộc viếng thăm tông đồ đang tiến hành. Thời gian đã qua”.

Bài đọc thêm: Giáo hội với thách thức của việc “đồng trách nhiệm”

Hồng y Woelki luôn phản đối Con đường công nghị. Bây giờ ngài có thể còn đóng vai trò lãnh đạo trong một Giáo hội đang cần đổi mới không?

Ngài phải tự quyết định, hiện nay đã có những chủ đề khác đang tác dụng, Đức Phanxicô đã làm việc. Rõ ràng tất cả những ai nghĩ Giáo hội có thể thoát ra khỏi cơn khủng hoảng vô cùng lớn này với một vài điều chỉnh thẩm mỹ, về bản chất bên ngoài, pháp lý, hành chính đều bị nhầm. Một thất bại có hệ thống như vậy đã được nhận thức trong Giáo hội thì chỉ có những đáp ứng mang tính hệ thống, và những đáp ứng này phải cơ bản. Hồng y Marx đã gởi cho chúng tôi thông điệp rất rõ ràng và củng cố chúng tôi trong việc thực hiện Con đường đồng nghị”.

Bài đọc thêm: Hồng y Woelki “đặt số phận mình” trong tay giáo hoàng

Cha ủng hộ các chủ đề của Con đường công nghị?

Chúng tôi đang đề cập đến vấn đề quyền lực và bạo lực, một quan hệ mới giữa Giáo hội và quyền lực, sự phân chia quyền lực. Có rất nhiều khả năng. Chẳng hạn, trong quá khứ quyền của giám mục có một cái gì đó mang tính chuyên chế. Bây giờ cần có sự kiểm soát ở tất cả các cấp với việc thực thi quyền trong Giáo hội công giáo. Tất nhiên, quyền lực phải có, nếu không thì không có khả năng sáng tạo, nhưng quyền lực này phải được kiểm soát. Sau đó đến chủ đề giáo quyền, vấn đề này cần đào sâu về quyền lực của hàng giáo sĩ, để kiềm chế, để phản ánh tốt, đây là vấn đề rất quan trọng. Và sau đó là vấn đề của phụ nữ trong Giáo hội: chúng ta phải tiến bộ trong sự bình đẳng về quyền của phụ nữ ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội, điều này không chỉ dừng ở biên giới là thừa tác viên bí tích. Tôi tin tưởng và hy vọng như vậy”.

Khi nào điều cấm kỵ về tình dục của các linh mục sẽ bắt đầu bị phá bỏ?

Đó không phải là điều cấm kỵ, chủ đề này có trong mọi tồn tại của cuộc sống và quyết định cá nhân, và đóng một vai trò trong việc đào tạo linh mục, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu lối sống độc thân của các linh mục công giáo có liên hệ với bạo lực tình dục hay không. Nghiên cứu cho thấy không có mối liên hệ trực tiếp nào, nhưng độc thân đặt linh mục vào một tình huống bất thường, thường liên quan đến vấn đề cô đơn và có thể dẫn đến những tình huống đưa đến bạo lực. Chúng tôi phải nói về điều này, và chúng tôi sẽ nói vì một trong những diễn đàn của Con đường công nghị sẽ dành cho vấn đề này”.

Cha có nghĩ chúng ta phải vượt qua bậc sống độc thân không?

Cá nhân tôi, tôi ủng hộ bậc sống độc thân như một cách sống của Chúa Giêsu. Một linh mục sống đời độc thân một cách đáng tin cậy, như một nhân chứng đáng tin cậy cho giáo dân, một ơn lành cho Giáo hội và cho nhân loại. Nhưng không phải ai cũng làm được, và đó là vấn đề chúng tôi phải đặt ra: “Bậc sống độc thân có nhất thiết phải liên hệ đến chức linh mục không? Nó không nhất thiết.  Ngay cả Giáo hội cũng biết điều này. Nhưng có những quyết định phải được thực hiện”.

Cha có đồng ý với khẳng định của hồng y Marx, rằng Giáo hội ngày nay đang ở “điểm mù” không?

Có. Ở đây hồng y Marx trích dẫn câu của linh mục Dòng Tên Đức Alfred Delp. Chúng ta ở trong thời điểm khủng hoảng cơ bản của các Giáo hội, khủng hoảng tín nhiệm, chúng ta đang giải quyết những vấn đề có tính cách hệ thống, mà vấn đề hệ thống phải được giải quyết ở mức độ hệ thống”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Linh mục Hans Zollner: “Việc hồng y Marx từ chức có thể đóng góp vào việc phòng ngừa lạm dụng, làm minh bạch và có trách nhiệm”

Lạm dụng tình dục và trách nhiệm của Giáo hội: điều mà việc từ chức của hồng y Marx cho thấy