Linh mục và dân Chúa: Trách nhiệm chung của những người đã được rửa tội

222

Linh mục và dân Chúa: Trách nhiệm chung của những người đã được rửa tội

Michelina Tenace, Hélène Ginabat, 2021-04-12

Bà Michelina Tenace, giáo sư thần học tại Giáo hoàng Học viện Gregorian giải thích, “có một trách nhiệm chung giữa cộng đoàn của những người đã được rửa tội và các linh mục” đặc biệt trong việc phân định và đào tạo ơn gọi.

Ngày thứ hai 12 tháng 4, trong bài tham luận ở Vatican trong buổi giới thiệu Hội nghị Thần học Quốc tế có tựa đề “Để có một thần học căn bản về chức thánh”.

Hội thảo chuyên đề sẽ được Bộ Giám mục tổ chức tại Rôma từ ngày 17 đến ngày 19 tháng 2 năm 2022.

Trong buổi giới thiệu này, hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục, và linh mục Vincent Siret, giám đốc Đại Chủng viện Pháp tại Rôma cũng có bài tham luận.

Theo nhà thần học Tenace, đó là một “sự thật rất đòi hỏi” mà Giáo hội đã khẳng định khi nói, “chức tư tế thừa tác vụ và chức tư tế chung của giáo dân đều quy về chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô.”

Như thế, “việc thiếu ơn gọi linh mục có nghĩa là cộng đồng tín hữu kitô đã trở nên nghèo đi: không cho cũng không nhận các linh mục.”

Bà nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc suy tư về mối liên hệ giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế chung của những người đã được rửa tội. Bà nói: “Tương quan phải được xem lại ở mỗi thời đại vì mỗi thời đại thể hiện sự hiểu biết khác nhau về mối quan hệ giữa các thành viên khác nhau trong cùng một cơ chế, mỗi thời đại phát triển một giáo hội học cập nhật về các yêu cầu của việc làm chứng trong lịch sử”.

Bài phát biểu của Bà Michelina Tenace

Một vấn đề quan trọng cho thời đại của chúng ta

Một hội nghị chuyên đề về chức tư tế có tiêu đề “Để có một thần học căn bản về chức thánh” không nhằm mang đến giải pháp cho các vấn đề, nhưng để làm sáng tỏ các gốc rễ của chức tư tế, để cây có thể thêm sinh lực cho hoa trái.

Hồng y Ouellet tuyên bố, “chức tư tế của Chúa Kitô và sự tham dự của Giáo hội vào chức tư tế này là vấn đề cốt yếu của thời đại chúng ta”. Dĩ nhiên, đây không phải là một chủ đề mới.

Ngày nay, chúng ta phải nghĩ đến nền tảng liên kết chức tư tế thừa tác với chức tư tế chung của những người đã được rửa tội. Mối quan hệ này phải được xem xét lại trong mỗi thời đại vì mỗi thời đại thể hiện sự hiểu biết khác nhau về mối quan hệ giữa các thành viên khác nhau trong cùng một cơ thể, mỗi thời đại phát triển một giáo hội học cập nhật về yêu cầu của việc làm chứng trong lịch sử.

Ngày nay, chúng ta thấy, ở nhiều nơi trên thế giới, các giám mục và linh mục khó nhọc để nhận ra những thay đổi cần thiết để một linh mục thực sự là người canh giữ Nước Chúa, một người được Thiên Chúa kêu gọi để thánh hóa thế giới nhờ ơn của các bí tích của Nước Trời.

Các thay đổi không thể quyết định dưới áp lực văn hóa, nhưng cũng không nên loại trừ rằng, trong các vấn đề thúc đẩy thay đổi, có lời kêu gọi giải phóng đức tin khỏi sức nặng của quá khứ.

Một vài vấn đề thần học

Một trong những mục tiêu của Hội nghị chuyên đề là phản ánh mối quan hệ giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế chung.

Trong phần giới thiệu của một quyển sách  về mục vụ, Đức Phanxicô đã viết, “dân thánh của Chúa được Thần Khí xức dầu hoàn toàn thuộc về tư tế trong mức độ khi họ tham gia vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô. Chỉ có một linh mục duy nhất, đó là Chúa Kitô.” Vì thế vấn đề được đặt ra một cách tự nhiên, là làm thế nào để hiểu chức tư tế thừa tác và chức tư tế chung của người được rửa tội trong mối quan hệ với chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô.

Do đó, điều quan trọng là hiểu vì sao một hội nghị chuyên đề về chức tư tế sẽ dẫn đến việc nói về phép rửa tội. Chúng ta cần nhớ lại, Giáo hội được sinh ra khi Chúa Thánh Thần ngự xuống. Chính nhờ phép rửa trong đó Chúa Thánh Thần ngự xuống mà một người trở thành một tín hữu kitô, họ dự phần vào đời sống thiêng liêng như con của Chúa Con.

Các sứ vụ viên truyền chức là không thể thiếu vì họ bảo vệ sự sống thiêng liêng qua các bí tích Thánh Thể và tha thứ tội lỗi; dân Chúa bảo vệ sự sống thiêng liêng trong việc xây dựng Giáo hội qua chứng tá của đức bác ái và tăng trưởng các đặc sủng. Không ai có thể nghĩ về mình mà không có người kia.

Khi chúng ta nói chức tư tế thừa tác và chức tư tế chung của tín hữu đề cập đến chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, chúng ta đang nói đến một sự thật rất đòi hỏi: Giáo hội đã khẳng định khi nói, chức tư tế thừa tác vụ và chức tư tế chung của giáo dân đều quy về vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô. Như thế, việc thiếu ơn gọi linh mục có nghĩa là cộng đồng tín hữu kitô đã trở nên nghèo đi: không cho cũng không nhận các linh mục.

Thần học về ơn gọi

Mỗi người đều có một ơn gọi. Đúng vậy, chính việc trao đổi các ơn và quan tâm đến ơn gọi của mỗi người mà Giáo hội của Chúa Kitô được xây dựng nên. Đây là ý tưởng chính của Hội nghị chuyên đề: đào sâu thần học về chức linh mục, để khẳng định lại những đặc điểm cốt yếu của truyền thống công giáo về căn tính của linh mục, có thể giải thoát họ khỏi một loại giáo sĩ hóa nào đó.

Việc giáo sĩ hóa là mối nguy hiểm đối với linh mục cũng như với tín hữu: nó xác định chức tư tế cầm quyền chứ không phải phục vụ, xem thay thế Chúa Kitô trên bàn thờ như một đặc ân chứ không phải như một trách nhiệm liên quan đến tất cả các tín hữu. Chủ nghĩa giáo sĩ bắt nguồn từ một quan điểm cô lập về linh mục, trên tất cả là người bị cô lập. Đức Phanxicô thường lưu ý về mối nguy hiểm này. Với cách tiếp cận sai lầm này, nguy cơ là thấy các linh mục bị vùi dập bởi lý tưởng hóa quyền toàn năng hoặc qua những đòi hỏi của tín hữu.

Nhìn độc thân dưới góc độ ơn gọi

Khi nói về vấn đề độc thân, chúng ta nên hiểu vấn đề thực sự là ơn gọi và công việc đào tạo: nếu người nào được Chúa gọi thì họ cũng nhận ơn để sống ơn gọi này, và qua việc đào tạo, các ơn này được nhận một cách có ý thức và biểu hiện. Nhưng việc đào tạo trong các chủng viện thường rất kém, chính xác về những gì liên quan đến phân định ơn gọi và đào tạo đời sống hiệp thông.

Vấn đề được đặt ra là chức năng linh mục không đòi hỏi phải sống độc thân, nhưng theo truyền thống la-tinh, độc thân được đòi hỏi vì chứng tá ngôn sứ của chức tư tế của Chúa Kitô liên quan đến đặc tính cánh chung của Giáo hội. Bậc sống độc thân là dấu hiệu ngôn sứ để linh mục trở thành nhân chứng tự do cho một điều mới lạ sẽ thể hiện trong cánh chung. Giáo hội cần các ngôn sứ chứ không chỉ cần các “quan chức” của các bí tích (x. Jacques Servais).

Mối quan hệ với vấn đề thiêng liêng

Trong kitô giáo, thần thánh và phàm tục, là những phạm trù lỗi thời vì với Đấng Kitô, sự hiện diện của Chúa ở giữa chúng ta, mô hình tôn giáo thiêng liêng của các tôn giáo cổ đại đã lỗi thời. Nhưng mầu nhiệm vẫn còn. Vì thế linh mục của Chúa Kitô phải nói lên mầu nhiệm và tính siêu việt của việc phụng vụ, chẳng hạn, không tầm thường hóa thiêng liêng, không bí tích hóa điều phàm tục. Thần học về bí tích và phụng vụ là một lĩnh vực phải được đề xuất lại cùng với thần học về chức tư tế.

Do đó, hội nghị chuyên đề này sẽ giúp chúng ta hiểu, cuộc khủng hoảng về căn tính của linh mục hay ơn gọi không chỉ là cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến những cá nhân cụ thể, nhưng là sự biến đổi đang diễn ra cho toàn Giáo hội như một thân thể được sinh động bởi nhựa sống của Thần Khí, một cơ thể sống trên nền tảng của đức tin tạo nên sự hòa hợp sâu đậm giữa các chi thể, đầu và các khớp xương, một sự hiệp thông mà từ thời đại này qua thời đại khác phải được tái khẳng định như một hình thái đầy đủ của Nước Trời.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Vatican chuẩn bị một hội nghị quốc tế về việc đào tạo các linh mục