Giáo hoàng ở Iraq: một bài học về ngoại giao
fr.aleteia.org, Jean-Baptiste Noé, 2021-03-11
Chỉ có Tòa Thánh mới có khả năng gặp những người rất khác nhau, các nhóm tuân thủ và đôi khi các nhóm đối nghịch nhau, để kết hợp họ lại chung quanh Tòa Thánh. Trong chuyến tông du chủ yếu là tâm linh, Đức Giáo hoàng cũng mang đến một thông điệp chính trị, đó là hòa bình và hy vọng.
Từ nhiều năm tôi làm việc về ngoại giao Tòa thánh, nhiều người cũng hay hỏi tôi những câu hỏi tương tự đó: chính sách ngoại giao của Tòa Thánh dùng vào việc gì? Câu trả lời, đơn giản và cũng là to lớn, một lần nữa được trả lời qua chuyến đi của Đức Phanxicô đến Iraq: ngài đã làm điều mà không một nguyên thủ quốc gia nào khác có thể làm được. Ngài đã ở nơi không ai có thể đến, ngài đã gặp những người nói chung là không thể tiếp xúc được, ngài đã tập hợp những người mà thường họ phớt lờ nhau, ngài gieo những lời nói và thông điệp mà không ai gieo. Điều mà Đức Phanxicô đã làm được ở Iraq thì không ai khác có thể làm được. Trong đó có nét đặc biệt độc đáo của chính sách ngoại giao của Tòa thánh, trong đó có câu nói nổi tiếng “các binh đoàn của giáo hoàng” mà Stalin đã chế giễu.
Một cuộc hành hương vì hòa bình
Đức Phanxicô đã muốn đến Iraq ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, hoàn thành giấc mơ bất khả thi của Đức Gioan-Phaolô II năm 1999 và những hy vọng nản lòng của Đức Bênêđíctô XVI. Phải mất 8 năm để hoàn thành chuyến đi này, đó không chỉ là chuyến đi thị sát Bagdad hay chuyến thăm chớp nhoáng căn cứ quân sự Mỹ như các tổng thống Mỹ đã làm. Đây là một chuyến đi thực sự, kéo dài bốn ngày, được nhấn mạnh qua nhiều cuộc họp cá nhân và tập thể và đến thăm nhiều nơi. Ngày nay, không có nguyên thủ quốc gia nào khác có thể làm được những gì Đức Phanxicô đã làm được trong những này này, mà không có một vấn đề an ninh, các cuộc tấn công hoặc đánh bom nào. Nếu giáo hoàng có thể làm được điều này, đó là vì, không giống như các nguyên thủ quốc gia khác, ngài không bảo vệ bất kỳ lợi ích cụ thể nào, mà là lợi ích của toàn nhân loại, đó là hòa bình, công lý và tình huynh đệ.
Cùng đích của chuyến đi này, giống như tất cả các chuyến tông du của các giáo hoàng, trước hết là về mặt tâm linh và tôn giáo. Đức Phanxicô đã lặp lại điều này nhiều lần: ngài đến Iraq như một người hành hương. Đó là đi hành hương theo bước chân Tổ phụ Abraham, đến vùng đất Ur, và hành hương đến những nơi tử đạo, tới Mosul và Bagdad. Trước khi gặp các nhà chức trách chính trị của Iraq, người đại diện Chúa Kitô trước tiên đến gặp và hỗ trợ các tín hữu kitô bị bắt bớ của Giáo hội, giống như người mục tử đến thăm con chiên bị thương của mình. Ngài đã nhiều lần nhắc nhở, tín hữu kitô không phải là người thiểu số, mà là người Iraq theo đúng nghĩa, là công dân của cùng một quốc gia, như người sunni và người shi’a, và với danh nghĩa này, họ có quyền, họ được bình đẳng và có các quyền giống như những công dân khác. Người Iraq. Quốc gia phải trên oumma, cộng đồng các tín hữu. Một nhiệm vụ rất khó khăn, không thể nói là một ngày nào đó có thể xảy ra.
Một cuộc hành hương của gặp gỡ
Nếu giáo hoàng thích gặp đám đông, đặc biệt trong các buổi lễ tôn giáo, thì trước hết ngài đến Iraq để gặp mọi người. Dĩ nhiên với các tín hữu kitô, gia đình của họ, nơi họ sinh sống, nơi nhà thờ của họ bị phá hủy và đang được phục hồi. Nhưng ngài gặp cả các nhà chức trách chính trị và tôn giáo của Iraq. Cuộc gặp tại thành phố Najaf với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani vẫn là điểm mấu chốt của chuyến đi này. Trong triều giáo hoàng này, được các giáo hoàng đi trước chuẩn bị, các bức tường đã bị sụp đổ. Cuộc gặp ở Cuba với Thượng phụ Mátxcơva, ở Cairo với Viện hồi giáo Al-Azhar và bây giờ là ở Nadjaf với lãnh tụ tinh thần của người shi’a ở Iraq. Một cuộc gặp ghi dấu ấn sâu đậm trên ngài và trên chuyến bay về Rôma, ngài đã nhắc đến. Đại Giáo Trưởng Al-Sistani gần như không mấy khi xuất hiện trước công chúng và trên các phương tiện truyền thông. Ngài không gặp các nguyên thủ quốc gia hay các nhà lãnh đạo tinh thần, mặc dù quyền lực và ảnh hưởng của ngài ở Iraq là vô cùng lớn, thậm chí vượt cả ngoài cộng đồng người shi’a. Do đó, việc ngài đồng ý gặp Đức Phanxicô là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho hào quang của Giáo hội vượt xa giới hạn của thế giới công giáo. Không một lãnh đạo quốc gia nào có thể xin gặp Đại Giáo Trưởng. Cuộc gặp này là nền tảng cho tương lai của Iraq, sự gắn kết và bình định của các cộng đồng khác nhau và còn vượt ngoài Iraq, là sự bình định của thế giới hồi giáo.
Ai khác hơn người đứng đầu Giáo hội công giáo có thể tập hợp tất cả những nhóm thường chống đối, thậm chí là đối nghịch, trong một lời kêu gọi chung cho sự thuận ý và tình huynh đệ?
Cuộc gặp ở vùng đất Ur, nơi mà lần đầu tiên kể từ thời Áp-ra-ham, gần như tất cả con cháu của Tổ phụ đều tập trung lại để cầu nguyện ở cùng một nơi, xung quanh giáo hoàng, trong cùng một tấm lòng sốt sắng vì hòa bình, đó là lời phủ nhận nhức nhối cho những người còn nghĩ rằng các tôn giáo là nhân tố của chiến tranh. Ai khác hơn người đứng đầu Giáo hội công giáo có thể tập hợp tất cả những nhóm thường chống đối, thậm chí là đối nghịch, trong một lời kêu gọi chung cho sự thuận ý và tình huynh đệ?
Những viên đá đặt mốc cho thời gian
Dĩ nhiên tình hình ở Iraq sẽ không thay đổi một sớm một chiều do kết quả của chuyến đi này. Một khi cảm giác hưng khởi của chuyến đi trôi qua, ngày bình thường lại trở lại, với những khó khăn và thử thách mà tín hữu kitô cũng như các cộng đồng khác phải vượt qua. Nhưng những gì đã được gieo trong bốn ngày này sẽ không bị mất đi. Thành quả của những cuộc gặp gỡ, những củng cố cho tâm hồn và sự khích lệ, những bức tường hiểu lầm đã được phá bỏ, sự hợp tác đã có giữa các cộng đồng giúp cho sự thành công của chuyến đi này. Sự việc mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, không bạo lực, an ninh không có vấn đề đã là một chiến thắng và là nguồn tự hào cho tất cả người dân Iraq, tín hữu kiyo, tín hữu đạo hồi. Trong bốn ngày, ngài đã thành công trong việc tập hợp tất cả người dân Iraq vào một chương trình chung, tiếp giáo hoàng từ Rôma đến, mà chuyến đi là thông điệp cho Iraq, nhưng cũng cho toàn thế giới, vì thế mọi người có thể nhìn đất nước này theo một cách khác.
Hình ảnh chuyến đi Iraq của Đức Phanxicô từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 – 2021.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Hồi giáo, chiến lược chính trị của Đức Phanxicô
Ngôn ngữ của Đức Phanxicô ở Iraq