Các cộng đồng tôn giáo ở Iraq: người Can-đê 4-7
cath.ch, Pascal Maguesyan, 2021-03-01
Hồng y Louis Raphael I Sako, Thượng phụ Babylon của người Can-đê, tháng 2 năm 2018 | © Pascal Maguesyan
Giáo hội Can-đê là Giáo hội công giáo hình thành từ thế kỷ 16 sau cuộc ly giáo trong Giáo hội phương Đông. Năm 1552, một số giám mục ở miền bắc Irak, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Iran (vào thế kỷ 16 là Đế chế Ottoman và Ba Tư) đã giành quyền kế vị cha truyền con nối của người công giáo Assyria.
Ở Mosul, họ đã bầu một giáo chủ khác, Yohannan Soulaqa, bề trên tu viện Rabban Hormizd của Alqosh, người đã đến Rôma để tuyên xưng đức tin công giáo. Tháng 4 năm 1553, giáo hoàng Julius III đã phong ông làm Thượng phụ Nhà thờ công giáo Can-đê.
Cho đến thế kỷ 19, cuộc ly giáo này càng trở nên đối đầu hơn khi một số lượng lớn tín hữu của Giáo hội Đông phương chọn hiệp thông với Rôma. Điều không thể chối cãi, trước Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, trong số 1,2 triệu kitô hữu ở Irak có 750.000 người Can-đê vào năm 1987 và 300.000 người Assyria.
Vào năm 2021, chỉ còn ít hơn 400.000 người Can-đê ở Iraq, họ ở rải rác giữa Baghdad, Kurdistan, đồng bằng Ninivê, Kirkuk, Sulaymaniyah và Basra.
Ngày nay, Giáo hội Can-đê là một cộng đồng người hải ngoại sống rải rác trên năm lục địa: ở Hoa Kỳ, ở Châu Âu, ở Úc, ở Canada, ở New Zealand, ở Nga (Moscow, Rostov on the Don), Ukraine, Georgia (Tbilisi) và Armenia (Yerevan).
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Mở một tương lai cho các nạn nhân người yaziđi của ISIS ở Irak
Các cộng đồng tôn giáo ở Irak: người Yaziđi 1-7