Chống vắc xin: cơ sở tôn giáo nào đằng sau sự ngờ vực này?
cath.ch, Anne-Sylvie Sprenger, 2021-01-24
Tiếng nói của những người chống vắc-xin đang được chú ý hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống Covid, chúng ta xem lại mối liên hệ giữa sự ngờ vực và các niềm tin tôn giáo hoặc tâm linh khác nhau này, từ trong quá khứ cho đến bây giờ.
Khi chiến dịch chích vắc-xin bắt đầu, những người chống chích ngừa xâm nhập trên diễn đàn công cộng, đặc biệt trên các trang mạng xã hội, với những phản bác khác nhau, đơn giản là những lời hoài nghi có nội dung độc hại, hoặc, thậm chí hoàn toàn lừa đảo.
Trong số các lập luận, trộn lẫn cả sự ngờ vực đối với các công ty dược phẩm và các tổ chức khác, có mối quan tâm của các nhà tự nhiên học nhưng cũng có sự cự lại về mặt đạo đức hoặc dứt khoát đó là tôn giáo. Nhưng phần thực sự là tôn giáo trong sự phản bác này là gì? Nó có phải là điều kiện tiên quyết không?
Một nhóm thiểu số chống đối
Theo nhà sử học Pháp Laurent-Henri Vignaud, đồng tác giả của tác phẩm Antivax. Lịch sử đề kháng vắc-xin từ thế kỷ 18 cho đến ngày nay (Antivax. Une histoire de la résistance aux vaccins du XVIIIe siècle à nos jours, Laurent-Henri Vignaud, Françoise Salvadori, nxb. Vendemiaire, 2019) thì sức nặng của tôn giáo trong việc cự lại với vắc-xin là hoàn toàn “nghịch lý”: “Một mặt, các động cơ tôn giáo của những người chống vắc-xin là thiểu số trong tất cả các tôn giáo. Mặt khác, vì hình thức giáo điều của họ, những lập luận này thuộc loại khắc nghiệt nhất.”
Chúng ta nhớ lại, mùa xuân năm 2019, dịch bệnh sởi đã làm thành phố New York hoảng loạn. Thêm nữa, cộng đồng do thái cực đoan chính thống của thành phố cực lực phản đối việc tiêm chủng. Tại Pháp, một số vụ dịch bệnh tương tự liên quan đến cộng đồng công giáo Huynh đệ Thánh Piô X (FSSPX) cũng gây tranh cãi trong những năm gần đây.
Bản báo cáo năm 2018 của Sứ mệnh Liên bộ cảnh giác và đấu tranh chống các lệch lạc tà phái (Miviludes) lưu ý, các dịch bệnh gần đây “thường lây lan trong các vùng dân chúng không chích ngừa vì xác tín tôn giáo hoặc triết lý của họ. Theo bà Lucie Guimier, chuyên gia địa chính trị và là người biên tập tài liệu, “những trường hợp này không biệt lệ, cho thấy khuynh hướng ý thức hệ chống vắc-xin”. Bà nhận xét, giờ đây họ tham gia vào với những người “từ chối và cự lại vắc-xin trong người dân nói chung”.
Việc cự lại vắc-xin có đặc biệt nhiều hơn ở một số tôn giáo nào không? Nhà sử học Vignaud cho biết: “Không có tôn giáo chính nào thoát được, nhưng ngày nay không một Giáo hội chính thức nào, trừ một hoặc hai tà phái cơ đốc giáo, chấp nhận một nội dung như vậy”. Ông giải thích: “Đó là những người bên lề, những người theo chủ nghĩa chính thống hoặc những người cực đoan của những tôn giáo rõ ràng chống việc chích ngừa. Phần lớn các nhà chức trách tôn giáo ủng hộ việc chích ngừa hoặc chỉ trích một cách ôn hòa”.
Chống lại ý Chúa
Nhưng như vậy thì một số tín hữu đặt vấn đề đạo đức nào? Ông Vignaud giải thích: “Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta nhận thấy có một ý tưởng theo thuyết định mệnh hoặc thuyết quan phòng: con người không thể đi ngược lại định mệnh mà Chúa đã muốn.”
Bà Irene Becci, nhà xã hội học của các tôn giáo ở Đại học Lausanne Thụy Sĩ giải thích: “Các tôn giáo nghi ngờ về sự hiện đại của công nghiệp, như một số cộng đồng anabaptist (một nhánh của Kháng Cách), như người Amish, họ có xu hướng cự lại hơn, cũng như các tôn giáo chủ trương các hình thức chữa bệnh phi khoa học, như một số cộng đoàn tôn giáo đặc sủng, từ mọi nơi dù là tôn giáo đơn thần, ngoại giáo hay toàn tính. Họ sợ làm thay đổi ý muốn thiêng liêng của tính tự nhiên nơi cơ thể con người, hoặc theo các tôn giáo, đó là sự sáng tạo thiêng liêng.”
Còn nhà luân lý tin lành Denis Müller thì giải thích: “Nơi một số người, có một số ý tưởng nào đó về ma quỷ trong khoa học nói chung và trong vắc xin nói riêng, những người này xem đây là sự xâm nhập không lành mạnh vào cơ thể con người của một thứ gì đó mà Chúa không muốn.” Đây là huyền thoại theo Faust: “Về cơ bản, trong loại thần học xấu xa này, nếu chọn khôn ngoan của các nhà tiêm chủng, thì như thế là chống lại ý muốn thần thánh. Vì vậy, phải lựa chọn. Nếu thực sự theo đạo, thì phải từ chối vắc-xin để chứng tỏ mình là một tín hữu.”
Nhà sử học Vignaud giải thích: “Với các nhóm thiểu số này, bệnh được hiểu, theo tập thể là sự trừng phạt, theo từng cá nhân là một thử thách. Ví dụ nơi một số người công giáo, họ lo việc chích ngừa các bệnh truyền nhiễm bằng đường tình dục (như viêm gan B hoặc vi rút papillomavirus) là thẻ thông hành cho các trẻ vị thành niên ăn chơi trác táng ngoài hôn nhân.”
Dùng bào thai bị phá?
Ngoài những cự lại vắc-xin do nguyên tắc, còn có sự cự lại do quá trình sản xuất vắc-xin. Trong một số trường hợp, việc sử dụng “tế bào bào thai” trong quá trình nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị – một việc làm bị chỉ trích mạnh mẽ trong một vài môi trường vì bị cho là hoàn toàn trái đạo đức.
Chính xác hơn, theo tài liệu của Viện Đạo đức Sinh học Châu Âu thì đó là “dòng tế bào, được tái tạo trong các phòng thí nghiệm từ hàng chục năm nay”, từ tế bào gốc của bào thai bị phá thai trong những năm 1960, 1970 và 1980. Đây là trường hợp ngày nay đối với các công ty AstraZeneca, Moderna và Pfizer, cũng như các nhóm khác đã dùng quy trình này trong quá trình phát triển vắc-xin chống lại Covid-19 của họ. Ở đây có lý do gì để bị tai tiếng không?
Giáo sư thần học Frank Mathwig, phụ trách các vấn đề thần học và đạo đức trong Giáo hội tin lành cải cách Thụy Sĩ (EERS) nhắc lại: “Tế bào phôi thai cũng đã được dùng để phát triển vắc-xin phòng bệnh sởi, bệnh ban và nhiều loại vi-rút khác – những phương pháp điều trị được xem là đương nhiên ngày nay – như trong nhiều loại thuốc rất công hiệu, đặc biệt là trong các thuốc trị ung thư”.
Trong một ghi nhận công bố ngày 21 tháng 12 – 2020, giáo hoàng cũng trấn an giáo dân về “đạo đức của việc dùng một số loại vắc-xin chống Covid-19”
Theo ngài, “việc từ chối chích ngừa dựa trên cơ sở sản xuất của nó là không hợp lý về mặt đạo đức, mâu thuẫn và thiển cận: làm thế nào để biện minh cho thực tế, đặt tầm quan trọng của thai nhi hơn tính mạng của những người mà không tiêm chủng có thể chết hoặc bệnh nặng với những hậu quả lâu dài không lường trước được?” Như giáo sư Mathwig đã nhắc: “Tiêm chủng không chỉ bảo vệ cuộc sống của chính mình mà còn bảo vệ mạng sống của những người không chích ngừa (phụ nữ mang thai, người bị bệnh kháng nghiễm, một số người dị ứng hoặc người khuyết tật), như thế họ được bảo vệ một cách gián tiếp.”
Kêu gọi đoàn kết
Về phía người công giáo, đứng trước sự lo ngại của một số giáo dân, ngày 21 tháng 12, chính Đức Phanxicô đã công bố một lưu ý về “đạo đức trong việc dùng một số vắc-xin chống Covid-19”. Ngài kêu gọi giáo dân nên chích vắc-xin và tuyên bố, tất cả các loại vắc-xin được sản xuất đều được chấp nhận về mặt đạo đức, kể cả các vắc-xin được sản xuất từ tế bào thai nhi.
Hội đồng Giáo hội Cải cách Tin lành của Thụy Sĩ cũng đang làm việc trên một tài liệu như vậy. Giáo sư Frank Mathwig giải thích: “Chúng tôi nhấn mạnh đến nghĩa vụ đoàn kết và nghĩa vụ trách nhiệm đối với sức khỏe của những người yếu đuối nhất và không có khả năng bảo vệ”, ông nhắc lại tấm gương của nhà cải cách, mục sư Ulrich Zwingli (1484-1531): “Khi dịch hạch bùng phát ở thành phố Zurich, khi đó ông đang ở ngoài thành phố, lập tức mục sư Zwingli về thành phố để giúp đỡ cộng đoàn và người dân, bất chấp rủi ro đi kèm. Mục sư đã sống sót sau khi bị nhiễm.”
Còn các cộng đồng do thái và hồi giáo đã bày tỏ lo ngại về việc dùng gelatin thịt heo trong các sản phẩm được dùng để ổn định vắc-xin chống Covid. Trong lễ Giáng Sinh, các phát ngôn viên của các công ty dược phẩm Pfizer, AstraZeneca và Moderna nói với hãng tin Associated Press, xác nhận vắc-xin mới của họ không có sản phẩm thịt heo vì thế chúng là “kosher” và “halal”, người do thái và hồi giáo có thể dùng an toàn.
Một giáo sĩ do thái người Israel đã trả lời với một hãng tin quốc tế, nếu một sản phẩm không phải là “kosher” được tiêm vào cơ thể và không được “ăn vào” thì nghi vấn về kosher, thực phẩm cho phép người do thái ăn, sẽ không được đặt ra. Còn với vắc-xin Trung Quốc của nhóm Sinovac, ngày 8 tháng 1, Hội đồng Ulemas của Indonesia, cơ quan hồi giáo cao nhất trong khu vực, đã chính thức tuyên bố nó phù hợp với nghi thức hồi giáo.
Chứng sợ công nghệ và hoài nghi về khoa học
Nhà sử học Laurent-Henri Vignaud nhấn mạnh: “Dù có mặt trong cuộc tranh cãi, nhưng chiều kích tôn giáo vẫn là thiểu số. Người ta tìm thấy danh Chúa ở đây, ở đó trên một số vùng, nhưng nó là tàn dư so với khối lượng của những người liên quan đến hai Behemoth (những sinh vật quái dị trong Kinh thánh) của chủ nghĩa chống vắc-xin đương đại: Big Brother và Big Pharma.” Ông nói thêm: “Nếu ngày nay có một tôn giáo nào còn duy trì chủ nghĩa chống vắc-xin, thì đó là tôn giáo thờ thiên nhiên và một dạng “sợ hãi kỹ thuật (Linky, 5G, v.v.).” Ông giải thích, trong một thời gian dài, những người chống vắc-xin đánh đồng việc tiêm chủng với ô nhiễm cơ thể.
Về phần mình, bà Irene Becci, nhà xã hội học về tôn giáo lưu ý “sự gia tăng những hoài nghi trong văn hóa về khả năng chữa bệnh của khoa học, được thấy qua “sự phong phú của các phương pháp tiếp cận tổng thể mới, một phần dựa trên tầm nhìn phương Đông về y khoa (các liệu pháp thay thế, bằng giọng nói, hơi thở, ánh sáng, thiền định, v.v.).” Một phản ứng đứng trước một số thất bại khoa học nào đó, nhà đạo đức học Denis Müller giải thích: “Người dân muốn khoa học, và đặc biệt là y học, có một chân lý tuyệt đối. Nhưng đây không phải là trường hợp này, khoa học nhất thiết luôn nằm trong lĩnh vực thực nghiệm.”
Phong trào chống vắc-xin và cực đoan hóa
Việc cự lại vắc-xin dường như đã gia tăng trong những năm gần đây. Hiện nay chúng ta có đang đối phó với một ngờ vực cụ thể không? Theo bà Irene Becci, nhà xã hội học thì “trên tất cả, nét mới nằm ở tầm ảnh hưởng rộng lớn của Thời đại Mới và chủ nghĩa toàn tiến”.
Nhà sử học Vignaud nói: “Không phải sự chống đối vắc-xin gia tăng quá nhiều, nhưng do chủ nghĩa cực đoan trong một số tôn giáo nào đó và sự giam hãm của cộng đồng”. “Để đương đầu với vấn đề này, một số bang ở Mỹ trước đây đã quy định điều khoản lương tâm tôn giáo, họ đã rút lại điều khoản này. Trong thời gian dịch bệnh, với những người do thái chính thống giáo của New York, phản ứng của thành phố là kiên quyết và buộc phải chích ngừa để dịch bệnh được thoái lui”.
Dựa trên đạo đức nào để chứng thực?
Theo nhà đạo đức học Denis Müller, chính thái độ của những người chống vắc xin đã đặt vấn đề đạo đức. Bằng cách từ chối tiêm chủng, “những người này tránh mọi rủi ro cho bản thân, nhưng qua miễn dịch cộng đồng, mặc cho người khác có nguy cơ tạo ra do vắc-xin.” Và ông cương quyết: “Những người chống vắc-xin, vì những lý do ích kỷ, từ chối mọi đạo lý của tinh thần đoàn kết và cam kết cho lợi ích chung, không có những điều này thì không xã hội nào có thể tồn tại được.”
Theo ông, sự cân bằng của những rủi ro nhanh chóng được thiết lập: “Tiêm chủng vẫn là đóng góp hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại vi rút. Hiện không ai biết về các tác dụng phụ từ trung hạn đến dài hạn. Nhưng điều chúng ta biết rõ hơn, chúng ta không muốn các hậu quả nghiêm trọng mà vi-rút đang gây ra ngày hôm nay.”
Marta An Nguyễn dịch