Vụ bê bối McCarrick: Bài học từ lỗi hệ thống
lavie.fr, bài ghi lại và dịch từ tiếng Anh của bà Marie-Lucile Kubacki, nhà báo tại Rôma, 2020-11-11
Việc Vatican công bố một hồ sơ bùng nổ về một loạt các rối loạn điều hành đã cho phép hồng y Mỹ Theodore McCarrick tiếp tục sự nghiệp khi đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục đặt ra vấn đề về việc cải tổ Giáo hội. Bài phân tích của Massimo Faggioli, giáo sư thần học ở Đại học Villanova, Philadelphia, Hoa Kỳ.
Ngày 10 tháng 11, Đức Phanxicô đã cho phép công bố bản báo cáo cuộc điều tra của Vatican về vụ bê bối McCarrick, bản báo cáo lấy tên cựu hồng y người Mỹ bị truy tố vì nhiều vụ tấn công tình dục và lạm dụng quyền lực. AFP
Năm 2018, Đức Phanxicô đã có các biện pháp kỷ luật với cựu hồng y McCarrick, bị cáo buộc lạm dụng trẻ vị thành niên và chủng sinh trưởng thành: trước hết ngài loại cựu hồng y ra khỏi Hồng y đoàn, sau đó trục xuất khỏi hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, trong quá trình này, cựu sứ thần tại Mỹ, giám mục Carlo MariaViganò đã gây cơn địa chấn ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương bằng cách yêu cầu Đức giáo hoàng từ chức, khẳng định ngài đã khôi phục lại cho giám chức xấu xa này dù ngài hoàn toàn ý thức các ô nhục của cựu hồng y. Vào lúc đó, Đức Phanxicô đã chọn giữ im lặng.
Nhưng trong một hành vi lịch sử, ngày 10 tháng 11 ngài đã cho phép công bố bản báo cáo về cuộc điều tra của Vatican. Một bản quả bom dài 461 trang, có các lời chứng của các nạn nhân, các văn thư của các cơ quan, mô tả sự thất bại của một hệ thống.
Sự kiện nổi bật, năm 2000 khi cựu hồng y được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm Tổng Giám mục giáo phận Washington, thì ở Vatican và ở Hội đồng Giám mục Mỹ, cựu hồng y đã được biết đến là người chung giường với các chủng sinh – sự việc được cựu hồng y thừa nhận, nhưng phủ nhận đã có quan hệ tình dục với họ. Để nhận chìm các nghi ngờ, cựu hồng y lập luận các cáo buộc bắt đầu nổi lên chống là do mưu đồ chính trị. Và lập luận đã đánh đúng vào tâm lý Đức Gioan-Phaolô II, hằn trong đầu ngài là các âm mưu của chế độ Xô Viết nhằm làm cho Giáo hội công giáo bất ổn và rõ ràng là những người chung quanh ngài đã không cho ngài các thông tin đúng. Bản báo cáo đè nặng trên thể chế, nêu lên sự lỏng lẻo mong manh của quy trình bổ nhiệm giám mục và đặt ra vấn đề trách nhiệm của nhiều người có trách nhiệm trong Giáo hội như Hồng y Stanislaw Dziwisz, cựu thư ký và bạn của Đức Gioan-Phaolô II, về vấn đề này Hội đồng Giám mục Ba Lan đã ngay lập tức xin Vatican điều tra.
Hậu quả của bản báo cáo này sẽ như thế nào? Trả lời phỏng vấn báo La Vie, giáo sư thần học tại Hoa Kỳ Massimo Faggioli giải mã các câu hỏi.
Điều gì làm cho giáo sư ấn tượng nhất về bản báo cáo này?
Giáo sư Massimo Faggioli: Phương pháp: Đây là cách tiếp cận rất pháp lý và dựa trên nguồn thư liệu và các cuộc phỏng vấn. Điều còn thiếu trong bản báo cáo là nói đến lịch sử xã hội và văn hóa của hệ thống giám mục Hoa Kỳ, đó là một phần quan trọng của vấn đề. Nhiều người công giáo chức sắc và có quyền lực mạnh mẽ đã biết chuyện, chứ không phải chỉ các nạn nhân và cha mẹ của họ.
Làm thế nào để hiểu được sự thất bại to lớn của Giáo hội qua bao nhiêu năm trong vấn đề này?
Có rất nhiều nguyên nhân: giám mục được xem như một hệ thống nghề nghiệp, thiếu kiểm soát những người chung quanh giáo hoàng, cảm giác không có chuyện gì phải báo cáo trong Giáo hội, sự đồng lõa của nhiều người đã biết chuyện.
Bản báo cáo này sẽ chỉ có uy tín trong cộng đồng giáo hội nếu đây là giai đoạn đầu tiên để có các thay đổi cơ cấu.
Cho dù đây là chuyện của các thông tin không đầy đủ, cho dù có các phủ nhận, vậy ai là người chịu trách nhiệm: ai hay mọi người? Và đặc biệt, trách nhiệm của hàng giám mục Mỹ là ở đâu?
Chúng ta sẽ xem liệu sẽ có bất kỳ biện pháp trừng phạt nào không, bởi vì tất cả những người thất bại trong vấn đề này đều đã nghỉ hưu. Báo cáo này sẽ chỉ có uy tín trong cộng đồng giáo hội nếu đây là giai đoạn đầu tiên để có các thay đổi cơ cấu trong cách các giám mục được bổ nhiệm và thăng chức. Bởi vì còn có các câu chuyện khác tương tự như trường hợp của cựu hồng y McCarrick như chúng ta đã thấy trong các năm gần đây.
Bây giờ làm thế nào để chúng ta xem các quyết định của Đức Gioan-Phaolô II, người, sau khi ngăn chận sự thăng tiến của cựu hồng y McCarrick một thời gian, nhưng năm 2000, ngài đã thay đổi ý kiến và bổ nhiệm cựu hồng y làm Tổng Giám mục giúp Washington?
Tôi nghĩ vấn đề liên quan đến:
1- Khó khăn trong việc nói các sự thật khó nghe khi đến gần giáo hoàng vì sợ mất quyền đến với ngài;
2- Khó khăn trong việc xin giải thích báo cáo nơi các người thân cận với giáo hoàng, và vì thế phải đi ra khỏi một nền văn hóa gia đình trị nào đó, một tinh thần kế thừa của triều đình có từ thời Phục hưng … Một điều còn thiếu trong báo cáo này và đó là điều quan trọng trong cái mà ngôn ngữ tiếng Anh chúng tôi gọi là “đi theo tiền.” Lần theo con đường tiền bạc thường cho chúng ta các chìa khóa để nhìn sự việc một cách thú vị!
Giáo sư nghĩ gì về thái độ của các giáo hoàng kế nhiệm: Đức Bênêđictô XVI rồi sau đó là Đức Phanxicô?
Viên gạch lát những Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô về vụ McCarrick là cựu sứ thần Viganò cũng như các hồng y của Giáo triều, những người biết câu chuyện này. Họ không nói cho Đức Phanxicô nên có thể nói ngài không biết về hành động của McCarrick.
Báo cáo có làm suy yếu các cáo buộc của Viganò chống Đức Phanxicô không?
Có, dứt khoát có, các cáo buộc này bây giờ trở thành yếu hơn. Điều này làm cho sự việc còn nặng hơn vì cựu sứ thần Viganò đã về hưu, nên không phải đối diện với bất kỳ hình phạt nào vì đã không có khả năng hành động, ngay cả trước khi cựu sứ thần buộc tội Đức Phanxicô. Cựu sứ thần Viganò khi ở Mỹ đã phục vụ theo con đường cựu hữu và kéo theo các hệ quả từ đó. Có một điều đáng quan tâm, gần đây ông bắt đầu tấn công Hội đồng Giám mục Mỹ mà chỉ cách đây vài năm ông hoàn toàn nhân từ với họ. Viganò là một hiện tượng không nên xem nhẹ.
Các cuộc phỏng vấn và các thư khác nhau của Viganò có một vai trò trên địa hình của thuyết âm mưu, một xu hướng toàn cầu trong xã hội – được nhân lên bởi mạng xã hội. Theo giáo sư, có một đặc thù nào của thuyết âm mưu trong Giáo hội công giáo không?
Thuyết âm mưu này cho thấy một cái gì đó như “một làn gió mới” – nơi ẩn náu cuối cùng chống những gì được xem là cuộc cách mạng nội bộ công giáo cho đức tin chính thống, một cuộc chiến trong đó mọi phương tiện có thể được dùng để chống kẻ thù. Nó là hỗn hợp các thuyết âm mưu hậu hiện đại và hoài niệm của một thời ngày xưa, được xem là sự đảm bảo cho tính nghiêm túc về văn hóa và thần học trong công giáo bảo thủ. Nhưng bản báo cáo McCarrick đã tước đi vũ khí ý thức hệ hóa cuộc khủng hoảng các lạm dụng chống những người tự do tiến bộ.
Đâu là hệ quả của bản báo cáo này trong Giáo hội, ở Mỹ và trong toàn Giáo hội hoàn vũ?
Chúng ta sẽ thấy khi các giám mục Mỹ nói trong cuộc họp của Hội đồng giám mục. Hội đồng Giám mục Mỹ dường như bị tê liệt trên nhiều vấn đề. Chắc chắn là Giáo hội công giáo Mỹ đã xét mình tỉ mỉ mà không một, hoặc rất ít các Giáo hội khác đã làm.
Bằng cách nào việc lựa chọn giám mục nên/có thể bao gồm các đối lực của quyền lực không? Việc công bố bản báo cáo McCarrick có mở ra một kỷ nguyên mới về tính minh bạch và trách nhiệm trong Giáo hội không?
Theo luận án của tôi, đã từ nhiều năm tôi nghiên cứu quy trình bổ nhiệm các giám mục trong các tạp chí sứ thần ở thế kỷ 17. Báo cáo này có thể được xem như một nghiên cứu về việc bổ nhiệm giám mục hậu-Công đồng Trent. Và có ít chuyện thay đổi từ thế kỷ 17. Tất cả vấn đề hệ thống cần có giải pháp hệ thống. Đây là trường hợp bổ nhiệm các giám mục.
Báo cáo này đưa ra vấn đề lớn về cải cách thể chế mà chỉ có Đức Phanxicô mới có thể khởi xướng.
Trong nghĩa nào?
Trong cách mà chức vụ giám mục đã trở thành một hệ thống nghề nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử và bây giờ đang ở trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Hệ thống phẩm trật giám mục, với tư cách là hệ thống nghề nghiệp, có một lịch sử rất phức tạp, không thể tách rời với lịch sử của thành phần ưu tú trong xã hội và kinh tế trong một Giáo hội đã được định hình hệ thống sự nghiệp của mình theo cách không tách được với lịch sử của các thành phần ưu tú xã hội và kinh tế ở Châu Âu. Ngay cả bây giờ, tiền và ảnh hưởng đóng một vai trò quan trọng, nhiều hơn những gì bản báo cáo thừa nhận.
Bằng cách nào, tiền và ảnh hưởng đóng vai trò chủ chốt?
Mục đích của mạng lưới không phải và không chỉ để thâu tóm quyền lực mà còn để thực thi quyền lực: cho dù đó là giáo hoàng, hồng y, và bây giờ là giám mục. Bản chất của các mạng lưới thiết yếu là để tạo sự nghiệp trong Giáo hội, ở đây gần như chỉ trong hàng giáo sĩ, không có sự hiện diện của giáo dân. Nhưng trong Giáo hội, bây giờ cũng như từ bao nhiêu thế kỷ, tiền của đến từ giáo dân. Việc tạo ra và nhận “phép lành của giáo hội” là cần thiết để biến các lợi tức giáo hội thành của cải thế tục. Đó là một yếu tố bây giờ đã bị phai nhạt, so với thời của thế kỷ 16 và 17, nhưng vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Hệ thống đã phát triển: chẳng hạn, không còn việc đem của cải của các giáo hội ngoại vi về các giám chức ở Rôma như vào đầu thời hiện đại; nhưng tiền bạc luôn đại diện cho một thực dụng xã hội sâu đậm hơn, không phiến diện, không mặc nhiên có trong giới giáo hội: đây là một trong các lý do tại sao rất khó tìm thấy “khẩu súng còn mùi thuốc súng” trong trường hợp của một vụ bê bối lạm dụng, giữa các giấy tờ trong kho lưu trữ.
Bài học kinh nghiệm nào có thể rút ra cho công cuộc cải cách hiện nay?
Chúng ta đang đối diện với một hệ thống thể chế mà xương sống của nó vẫn còn và thậm chí còn hơn trước, đó là giám mục, lãnh vực mà giáo hoàng chịu trách nhiệm còn hơn trước đây với tư cách là người quyết định cuối cùng trong việc bổ nhiệm các giám mục. Đây là lý do tại sao, mặc dù báo cáo này miễn lỗi cho Đức Phanxicô, nhưng nó lại đặt ra một vấn đề lớn về cải cách thể chế, đặc biệt là về việc bổ nhiệm các giám mục, và đó là điều mà chỉ có Đức Phanxicô mới có thể khởi xướng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Báo cáo McCarrick, Giám mục Viganò bị gậy ông đập lưng ông
Năm điểm hàng đầu trong bản báo cáo McCarrick
Báo cáo McCarrick: Những gì các giáo hoàng đã biết
Báo cáo McCarrick: Giáo hội công giáo “suýt thất bại trong trách vụ của mình”
Liên kết của bản báo cáo tiếng Anh: http://www.vatican.va/resources/resources_rapporto-card-mccarrick_20201110_en.pdf..