Năm điểm hàng đầu trong bản báo cáo McCarrick

614

Năm điểm hàng đầu trong bản báo cáo McCarrick

americamagazine.org, Colleen Dulle, 2020-11-10

Bức ảnh trong thư liệu ngày 24 tháng 4 năm 2002, Hồng y giáo phận Washington Theodore Edgar McCarrick, bên phải, đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân tại Vatican, Hồng y James Francis Stafford, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Vatican kết thúc cuộc họp hai ngày giữa Đức Gioan-Phaolô II và các hồng y Hoa Kỳ tại Vatican. (Ảnh AP / Santiago Lyon, hồ sơ)

Cựu hồng y Theodore McCarrick lạm dụng tình dục các chủng sinh và trẻ vị thành niên trong hàng chục năm và vẫn được thăng chức cao trong Giáo hội trong một thời gian nhanh đáng kể. Làm sao chuyện này lại có thể xảy ra?

Hai năm trước, cựu Sứ thần Tòa Thánh Carlo Maria Viganò  tại Mỹ  công bố bức thư đổ lỗi cho các giám chức Vatican – kể cả Đức Phanxicô – đã biết về việc cựu hồng y McCarrick lạm dụng nhưng vẫn bỏ qua và thăng chức cho cựu hồng y. Hôm nay, Vatican công bố một báo cáo chưa từng có, dài 445 trang về hành vi sai trái của McCarrick và làm thế nào cựu hồng y có thể thăng chức.

Sau đây là năm điều rút ra từ bản báo cáo.

1. Đức Gioan-Phaolô II biết hành vi sai trái của McCarrick nhưng vẫn thăng chức cho cựu hồng y.

Theo bản báo cáo, mãi cho đến năm 2000, không có ai phàn nàn với Vatican về McCarrick, cho đến thời buổi này, cựu hồng y là người gây quỹ thành công, từng là giám mục ở New York và New Jersey – sắp được thăng chức làm tổng giám mục giáo phận Washington, DC, và sau đó được phong làm hồng y.

Năm 2000, Hồng y John O’Connor của giáo phận New York, trong một thư gởi đến Rôma đã tóm tắt các cáo buộc chống lại McCarrick. Lời buộc tội nặng nhất là McCarrick đã lạm dụng tình dục trẻ em trong  những năm 1980, một cáo buộc được cho là đáng tin cậy vào năm 2018. Nhưng cáo buộc này đã không được điều tra vào thời điểm đó vì được đưa ra ẩn danh. Người ta không biết lời cáo buộc này có đến tai Đức Gioan-Phaolô II không.

Đơn kiện thứ hai là của một cựu linh mục cáo buộc ông đã chứng kiến McCarrick có “hành vi tình dục” với một linh mục khác và McCarrick cũng đã gạ gẫm tình dục với đương sự. Các lời cáo buộc bị cho là không đáng tin cậy vì linh mục này đã bị kết tội lạm dụng trẻ em.

Khiếu nại cuối cùng là McCarrick đã ngủ chung giường với các chủng sinh và “thanh niên trưởng thành” ở New Jersey. Đức Gioan-Phaolô II đã xin các giám mục ở New Jersey điều tra và họ kết luận rằng dù McCarrick ngủ chung giường với các người này nhưng họ không thể xác nhận cựu hồng y có “hành vi sai trái tình dục” không. Điều này đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của Đức Gioan-Phaolô II; nhưng báo cáo này cho biết,  ba trong số các giám mục, tất cả đã qua đời, đã cung cấp cho Đức Gioan-Phaolô II các thông tin không đầy đủ hoặc sai lạc.

Lời buộc tội nặng nhất là cáo buộc cựu hồng y  McCarrick đã lạm dụng tình dục trẻ em trong  những năm 1980, một tuyên bố được cho là đáng tin cậy vào năm 2018. Nhưng tuyên bố này đã không được điều tra vào thời điểm đó vì được đưa ra ẩn danh.

Đức Gioan-Phaolô II thăng chức cho cựu hồng y McCarrick vì ngài tin tưởng ở hồng y. Ngài đã có kinh nghiệm các linh mục bị tố cáo đủ điều dưới chế độ cộng sản. Vì thế khi cựu hồng y thề các cáo buộc này là sai thì Đức Gioan-Phaolô II tin.

2.Đức Bênêđictô XVI không bao giờ phạt cựu hồng y McCarrick.

Năm 2005 khi Đức Bênêđictô XVI được bầu, ngài không yêu cầu điều tra lại vụ McCarrick vì cho rằng Đức Gioan-Phaolô II đã xem xét các cáo buộc và ngài tin tưởng vào phán xét của vị tiền nhiệm của mình.

Khi có thêm chi tiết về việc McCarrick lạm dụng các chủng sinh trưởng thành, như báo cáo đầu tiên của linh mục bị lạm dụng, các giám chức tại Vatican dưới thời Đức Bênêđictô XVI  quyết định không điều tra, thay vào đó là yêu cầu McCarrick nghỉ sau Lễ Phục sinh năm 2006, điều mà cựu hồng y đã làm, và nên ẩn mặt, điều mà cựu hồng y không làm. Các chỉ dẫn nên ẩn mặt, gần với điều mà cựu Sứ thần Viganò cho rằng là “hình phạt” trong bức thư năm 2018, khi cựu Sứ thần cáo buộc các cấp cao nhất của Vatican đã che đậy tội ác của McCarrick. Nhưng bản báo cáo nói đây không phải là các biện pháp trừng phạt chính thức, và khác với những gì Giám mục Viganò tuyên bố, các chỉ thị không cấm McCarrick cử hành các thánh lễ công cộng. Chỉ dẫn chủ yếu là cựu hồng y đi du lịch ít  hơn và bớt các lần xuất hiện trước công chúng, điều này dường như cựu hồng y đã không làm.

Theo báo cáo, khi Đức Phanxicô được bầu, ngài đã biết các chỉ dẫn này nhưng không biết các lý do đằng sau. Ngài cho rằng lịch trình du lịch dày đặc mà McCarrick thích ứng với cách mà Đức Bênêđictô XVI muốn các đường hướng chỉ dẫn được áp dụng, nên ngài cho phép mọi thứ tiếp tục diễn ra theo cách đó.

3.Giám mục Viganò được lệnh điều tra nhưng ngài không làm.

Khi Giám mục Viganò còn ở Phủ Quốc Vụ Khanh Vatican, giám mục đã viết hai bản ghi nhận, năm 2006 và năm 2008, đề xuất một tiến trình giáo luật có thể được mở ra để xác định sự thật các cáo buộc và tin đồn về McCarrick. Nhưng cuộc điều tra này đã không bao giờ được thực hiện. Ngoài việc bác bỏ khẳng định của Giám mục Viganò cho rằng Đức Phanxicô đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt McCarrick, bản báo cáo trực tiếp cáo buộc Viganò đã không điều tra McCarrick khi được yêu cầu. Năm 2012, Giám mục Viganò đã nộp đơn tố cáo các sai trái của McCarrick với các chủng sinh lên Bộ Giám mục, Hồng y Bộ trưởng Ouellet yêu cầu Viganò điều tra cựu hồng y, nhưng cựu Sứ thần không làm. Hồng y Ouellet là người bị Giám Mục Viganò chỉ trích nặng nề.

4.Đức Phanxicô không biết cựu hồng y McCarrick đã lạm dụng trẻ em

Như tôi đã nói trước đây, báo cáo này của Vatican đi ngược lại tuyên bố của Giám mục Viganò cho  rằng Đức Phanxicô đã biết về các hành vi lạm dụng của McCarrick. Tuyên bố của Giám mục Viganò dựa trên cuộc nói chuyện của ông với Đức Phanxicô năm 2013, trong đó, ông nói, ông đã nói chuyện với Đức Phanxicô về cựu hồng y McCarrick. Báo cáo của Vatican cho biết không có tài liệu nào về cuộc trò chuyện này, và nếu có thì các chứng cớ “bị chia rẽ rõ rệt” về những gì đã nói.

Ngoài việc bác bỏ tuyên bố của Giám mục Viganò cho rằng Đức Phanxicô đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với McCarrick, bản báo cáo trực tiếp cáo buộc Viganò đã không điều tra về cựu hồng y McCarrick như đã được yêu cầu.

Bản báo cáo cũng cho biết, từ năm 2013 đến năm 2017, các hoạt động liên tục của McCarrick, cũng như thông tin nội bộ về các vụ lạm dụng đã thỉnh thoảng được nêu ra với Đức Phanxicô. Nhưng cho đến năm 2017, Đức Phanxicô không nghe cựu hồng y Carrick là đối tượng đang bị điều tra vì lạm dụng trẻ em. Ngay sau khi các cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ em được cho là đáng tin cậy qua cuộc điều tra của Tổng giáo phận New York, Đức Phanxicô đã loại McCarrick ra khỏi chức vụ và yêu cầu cựu hồng y từ chức khỏi Hồng y đoàn. Cựu hồng y là hồng y đầu tiên bị từ chức vì lạm dụng tình dục. Những gì Đức Phanxicô biết là cựu hồng y McCarrick ngủ và sách nhiễu các chủng sinh. Tin đồn về chuyện này đã lan truyền ở Vatican trong một thời gian dài – vì vậy chúng ta nên nói về các lý do nào những chuyện này bị xem như không có gi xảy ra. Một trong các nguyên nhân chính là do tình trạng xâm hại tình dục của người lớn không nghiêm trọng như xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ trong những năm gần đây, các biện pháp chống lạm dụng của Vatican mới bắt đầu xem “người lớn dễ bị tổn thương” cũng như trẻ em là các nạn nhân tiềm năng. Cũng chỉ trong những năm gần đây, Vatican mới bắt đầu tiến hành các biện pháp kỷ luật các giám mục lợi dụng chức vụ quyền hạn để lạm dụng tình dục người khác. Phần lớn các giám mục đã bị loại ngay khi có cuộc khủng hoảng lạm dụng năm 2002.

Mặc dù báo cáo này là một bước tiến quan trọng trong sự minh bạch của Vatican, nhưng nó vẫn để ngỏ vấn đề ai là người đã che đậy McCarrick hoặc những người không thực hiện cuộc điều tra sâu về vụ việc sau này sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt.

Một vấn đề khác là các cáo buộc McCarrick lạm dụng các linh mục và chủng sinh đã bị bác bỏ hoặc giảm thiểu dưới thời Đức Gioan-Phaolô II, do các báo cáo sai lệch của các giám mục, vì các cáo ẩn danh hoặc do các cá nhân được cho là không đáng tin cậy. Và, như chúng tôi đã nói, các nhà lãnh đạo tiếp theo dựa vào thất bại cơ bản này. Và bây giờ các chỉ thị của Vatican, kể từ năm ngoái, đòi hỏi các cáo buộc dù ẩn danh cũng phải được điều tra.

5.Bản báo cáo còn bỏ ngỏ các câu hỏi

Nhưng báo cáo này đã không giải quyết tất cả – vẫn còn xa. Câu hỏi mở lớn nhất là vấn đề trách nhiệm. Mặc dù báo cáo này là một bước tiến quan trọng trong sự minh bạch của Vatican, nhưng nó vẫn để ngỏ vấn đề ai là người đã che đậy McCarrick hoặc những người không thực hiện cuộc điều tra sâu về vụ việc sau này sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt. Nó cũng đặt ra câu hỏi liệu điều này có đặt ra một tiêu chuẩn mới về tính minh bạch hay không, hay liệu Vatican sẽ đơn giản trở lại phương thức hoạt động thông thường của mình. Từ cả hai bờ Đại Tây Dương, một số câu hỏi được đặt ra:

  • Liệu kết luận của báo cáo có giúp củng cố vững chắc các cải cách do Đức Phanxicô đưa ra nhằm loại bỏ chủ nghĩa giáo quyền và đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong Giáo hội, đặc biệt là việc bảo vệ trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương không?
  • Liệu nó có tìm ra cách tốt hơn để đối phó với các thông tin ẩn danh, như cẩm nang mới của Vatican để đối phó với các cáo buộc về các vụ lạm dụng lạm dụng tình dục không?
  • Liệu điều này có cải thiện cách xử lý thông tin kịp thời trong cuộc chiến chống lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương của các giáo sĩ không?
  • Liệu các giám mục có cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực theo yêu cầu của Sứ thần, cũng như khi điều tra và đánh giá các ứng viên được phong giám mục không?

Nếu có một điều mà chúng ta đã học được kể từ năm 2018 vừa qua, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội công giáo vẫn chưa kết thúc. Bản báo cáo của Vatican về việc thăng chức của cựu hồng y McCarrick đã trả lời một số câu hỏi – và nêu ra một số câu hỏi khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Báo cáo McCarrick: Những gì các giáo hoàng đã biết

Báo cáo McCarrick: Giáo hội công giáo “suýt thất bại trong trách vụ của mình”