Báo cáo McCarrick, Giám mục Viganò bị gậy ông đập lưng ông
cath.ch, Maurice Page, 2020-11-11
Bản báo cáo chi tiết của Vatican về cựu hồng y Théodore E. McCarrick giống như gậy ông đập lưng ông cho Giám mục Carlo Maria Viganò. Tài liệu dài 445 trang được Rôma công bố ngày 10 tháng 11 tiết lộ một số yếu tố quan trọng làm suy yếu “lời chứng” của cựu Sứ thần Viganò. Đặc biệt, cựu Sứ thần đã không điều tra về cựu hồng y khi Tòa thánh Vatican ra lệnh cho cựu Sứ thần điều tra năm 2012.
Cựu Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến năm 2016, tháng 8 năm 2018, Giám mục Viganò đã viết thư đòi Đức Phanxicô từ chức, cho rằng giáo hoàng đã biết về hành vi sai trái tình dục của McCarrick và nới lỏng các hạn chế về chức vụ và việc đi lại của cựu hồng y.
Ngày 10 tháng 11, một giám chức ở Vatican cho biết, dù đã được thông báo một bản báo cáo về McCarrick đang được soạn thảo, nhưng Giám mục Viganò chưa bao giờ xuất hiện để được phỏng vấn hay làm chứng.
Các vụ lạm dụng đã được báo cáo cho Sứ thần từ năm 2012
Trước hết bản báo cáo cho biết, vào tháng 6 năm 2012, Sứ thần nhận một thư của một giáo dân ở Maryland cho biết cựu hồng y McCarrick là “kẻ săn mồi”. Dù đã nhận các cáo buộc này, “nhưng không có gì trong hồ sơ cho thấy Giám mục Viganò đã liên lạc với người gởi thư, với cựu hồng y McCarrick, tòa giám mục hay Tòa thánh”.
Cũng theo bản báo cáo, vào tháng 8 năm 2012, Giám mục Viganò cũng đã nhận một bức thư của “Linh mục thứ ba” nói về việc lạm dụng tình dục mà ông đã phải chịu dưới bàn tay của McCarrick. Cơ quan Tin tức Công giáo (CNS) cho biết, một tuần sau, Giám mục Viganò báo cáo trường hợp này với Hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám mục, và yêu cầu hướng dẫn về cách tiến hành.
Tháng 9 năm 2012, Hồng Y Ouellet trả lời và yêu cầu sứ thần điều tra các lời buộc tội này, trước hết bằng cách xác minh nhân cách và độ tin cậy của “Linh mục thứ ba”, hỏi linh mục tổng đại diện và linh mục phụ trách giáo sĩ của giáo phận Metuchen. Cựu sứ thần phải trả lời cho “Linh mục thứ ba” và xin linh mục làm rõ các lời buộc tội của mình chống lại các giáo sĩ được đề cập, và để xác định sự thật của họ.
Bản báo cáo nói rằng họ đã phỏng vấn linh mục tổng đại diện và linh mục lo các giáo sĩ của giáo phận Metuchen, cũng như “Linh mục 3.” Cả ba đều làm chứng, họ chưa bao giờ được sứ thần liên lạc. “Linh mục thứ ba” nói rõ, ông đã thất vọng vì không nhận phản hồi từ Giám mục Viganò, ông có cảm giác sứ thần không quan tâm đến các lời của ông.
Trong thư “lời chứng” tháng 8 năm 2018, cựu Sứ thần Viganò khẳng định một số giám chức Giáo triều, kể cả Hồng y Ouellet đã biết về các “lệnh trừng phạt” mà Đức Bênêđictô XVI áp đặt với McCarrick. Tuy nhiên, ngài chưa bao giờ đề cập đến yêu cầu tiến hành cuộc điều tra mà ngài xin Hồng y Ouellet năm 2012.
Các lệnh trừng phạt bị Giám mục Vigano phớt lờ
Theo các “trừng phạt” Đức Bênêđictô XVI đưa ra, McCarrick phải rời khỏi chủng viện nơi ông sống, ông bị cấm dâng lễ nơi công cộng, tham dự các cuộc họp công cộng, thuyết trình và đi du lịch. Ông phải có đời sống cầu nguyện và đền tội.
Báo cáo của Vatican tiết lộ một số thông điệp và thư từ giữa cựu Sứ thần Viganó và Hồng y McCarrick, cho thấy dù biết các hạn chế này, nhưng cựu sứ thần đã tham dự và ngay cả mời McCarrick đến tham dự một số sự kiện.
Trong thư gởi Giám mục Viganò năm 2011, McCarrick viết: “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới ngài vì lòng tốt của ngài, khi ngài mời tôi và thư ký của tôi đến dự bữa tiệc huy hoàng mà chúng tôi rất trân trọng ở Tòa Sứ thần”. Bản báo cáo cũng cho biết cựu hồng y McCarrick thường xuyên thông báo cho Giám mục Viganò về các hoạt động của mình.
Không có tố cáo rõ ràng
Ngoài ra bản báo cáo cũng cho biết Đức Phanxicô đã được hỏi về lời tuyên bố của Giám mục Viganò, theo đó vào tháng 6 năm 2013, Giám mục Viganò đã nói với với Đức Phanxicô về các cáo buộc chống McCarrick. Theo bản báo cáo, Đức Phanxicô không nhớ nội dung của cuộc gặp này. Tuy nhiên, vì McCarrick là một hồng y mà ngài biết rõ nên ngài sẽ nhớ nếu Giám mục Viganò nói “mạnh hay rõ ràng.”
Hụt hẫng cá nhân
Bản báo cáo cuối cùng đưa ra tổn thương tự ái của Giám mục Viganò. Một số nhân chứng, trong đó có một linh mục “biết rõ về Viganò” kể lại, cựu Sứ thần tuyên bố rất hài lòng với cuộc bầu chọn Đức Phanxicô, tin rằng ngài sẽ đáp ứng nhu cầu cải cách kinh tế của Tòa Thánh.
Linh mục giải thích: “Giám mục Viganò đã nhiệt tình nói chuyện về Đức Phanxicô mà ngài xem như đồng minh, đến mức tôi có cảm tưởng ngài sẽ được gọi về Rôma để giúp cải cách.” Và điều này rõ ràng đã không xảy ra.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Báo cáo McCarrick: Những gì các giáo hoàng đã biết
Báo cáo McCarrick: Giáo hội công giáo “suýt thất bại trong trách vụ của mình”