Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Đuổi chuột 

458

Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Đuổi chuột 

fr.aleteia.org, Mathilde de Robien, 2018-09-29

Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Đuổi chuột  (6/6)

Mặc dù đã rời khỏi thành phố, các Giáo phụ sa mạc truyền lại giáo huấn của mình cho nhiều môn đệ khi họ đến thăm các ngài, đặc biệt thông qua các câu châm ngôn nổi tiếng của các ngài. Chiến lược truyền thông của các ngài? Các Giáo phụ sa mạc dùng ngôn ngữ đầy màu sắc, dễ tiếp cận và vẫn còn mang tính thời sự cho đến bây giờ.

Các Giáo phụ sa mạc là các tu sĩ của những ngày đầu kitô giáo, từ cuối thế kỷ thứ 3, họ sống tách biệt khỏi thế giới trong các sa mạc của Ai Cập, Palestina và Syria, họ sống một mình hoặc theo nhóm trong mục đích tìm kiếm ý nghĩa cho đời mình và bình an nội tâm bằng cách tu luyện khổ hạnh và cầu nguyện.

Họ để lại di sản các câu chuyện được gọi là các châm ngôn, được họ kể cho các môn đệ và các người đến thăm, mà theo lời Giáo phụ Antôn Cả, người đầu tiên đi vào sa mạc năm 270 là để “chữa lành và cứu rỗi linh hồn”.

Và đó là lời của Giáo phụ Antôn Cả đã truyền xuống cho chúng ta, ngài so sánh các suy nghĩ tiêu cực giống như các con chuột đục khoét tâm hồn.

Một Giáo phụ nói: “Các suy nghĩ xấu giống như các con chuột trong nhà. Nếu chúng ta giết từng con một ngay khi chúng vừa vào nhà thì không sao. Nhưng nếu chúng ta chờ cho đến khi cả nhà bị đàn chuột xâm chiếm thì khi đó sẽ rất khó đuổi chúng. Và nếu chúng ta có đuổi được thì căn nhà cũng đã bị tàn phá.”

“Chúng ở lại hay không ở lại trong tâm hồn là tùy một phần vào sức mạnh chúng ta”

Các suy nghĩ tiêu cực như tức giận, ghen tị, sợ hãi hoặc hận thù, len lỏi qua các kẽ hở của tâm hồn, và ở đó mãi nếu chúng ta không làm gì để ngăn chặn chúng. Các Giáo phụ sa mạc thích nhắc lại, việc xuất hiện các cảm xúc này không phụ thuộc vào chúng ta, nhưng  chúng ta có khả năng chống lại chúng.

Giáo phụ Jean Damascène viết trong Bài viết hữu ích cho tâm hồn: “Suy nghĩ có làm chúng ta giao động hay không, là một trong các điều không phụ thuộc vào chúng ta. Nhưng chúng có ở lại hay không trong tâm hồn, có khơi dậy đam mê hay không, là một phần trong khả năng của chúng ta”.

Vì thế cuộc săn chuột được mở ra. Ngài nhấn mạnh đến việc cần phải xua đuổi từng suy nghĩ tiêu cực ngay lập tức, không đợi chúng sinh sôi nảy nở và tàn phá tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải quan sát, phân định như người gác cổng tâm hồn, các cảm giác và cảm xúc dày xéo tâm hồn chúng ta, và chúng ta phải hành động.

Giáo phụ Evagrius nói: “Chúng ta hãy chú ý đến bản thân mình, hãy là người canh cổng cho quả tim và đừng để bất kỳ suy nghĩ nào xâm nhập vào tâm hồn mà không thắc mắc về nó.”

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để đuổi tức giận, ghen tị, sợ hãi hoặc hận thù đôi khi nổi lên trong lòng chúng ta? Đan sĩ Anselm Grun nhấn mạnh trong quyển sách Các câu chuyện của các đan tu để sống tốt (Histoires de moines pour vivre bien, nhà xuất bản Salvator): “Điều quan trọng là phải  đối đầu với nó. Chẳng hạn, chúng ta không thể giết chết căm ghét, nhưng chúng ta có thể chuyển hóa để nó không còn là một suy nghĩ tiêu cực nữa.” Ngài giải thích, đằng sau thù hận, thường có nhu cầu bảo vệ bản thân khỏi các kẻ thích xúc phạm, gây tổn thương. Như thế đuổi hận thù là tập trung vào việc xây thành lũy để bảo vệ bản thân. Vì vậy đuổi ghen tương tức giận đòi hỏi phải có một độ lùi, thực hiện con đường thanh lọc các suy nghĩ làm chúng ta giao động. Phần thưởng quan trọng là chúng ta có được trạng thái được gọi là hesychia, tâm hồn yên bình, thanh thản, một bình an nội tâm.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Cối xay bột

Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Con thuyền của sự sống

Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Bảo vệ tâm hồn

Ngôn ngữ đầy màu sắc của các Giáo phụ sa mạc: Các người đổi tiền