Các Giáo phụ sa mạc đáp ứng cho việc đi tìm ý nghĩa của ngày nay

287

Các Giáo phụ sa mạc đáp ứng cho việc đi tìm ý nghĩa của ngày nay

la-croix.com, Anne-Bénédicte Hoffner, 2018-12-31

Được Linh mục Henri de Lubac và Linh mục Jean Daniélou thành lập năm 1942 tại Lyon, cuối năm 2018 bộ sách “Các Nguồn gốc Kitô giáo” (Sources Chrétiennes) xuất bản tập thứ 600: quyển sách đầu tiên của Giáo phụ Cyril, tòa Giáo phụ Alexandria chú giải Tin Mừng Thánh Gioan, được giáo sư thần học Bernard Meunier biên tập và thông dịch.

Giám đốc Guillaume Bady, Viện Các Nguồn Gốc Kitô giáo

Nhà nghiên cứu Guillaume Bady, phụ trách nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS và là giám đốc của Viện Các Nguồn Gốc Kitô giáo diễn tả sự quan tâm tài liệu văn học này của các thế kỷ đầu tiên của kitô giáo.

Báo La Croix: Viện Các Nguồn Gốc Kitô giáo mà ông điều khiển vừa xuất bản tập thứ 600: đây là chú giải phần đầu Tin Mừng Thánh Gioan của Giáo phụ Cyril, tòa Giáo phụ Alexandria vào thế kỷ thứ năm. Ông đã hoàn thành xong việc biên tập tất cả các tác phẩm của các Giáo phụ chưa?

 

Guillaume Bady: Di sản do các Giáo phụ sa mạc để lại là khổng lồ! Kể từ khi được thành lập cách đây 75 năm, bộ sách “Các Nguồn gốc Kitô giáo” đã tập hợp được 600 tác phẩm. Tôi đã tính, nếu tiếp tục làm việc theo nhịp độ này, chúng ta sẽ phải mất 300 năm nữa mới xuất bản được các tác phẩm của các tác giả kitô giáo ban đầu này ra tiếng Pháp.

Hầu hết các tài liệu này được viết bằng tiếng Hy Lạp, La-tinh, Syria hoặc các ngôn ngữ cổ khác và chưa bao giờ được dịch sang tiếng Pháp, hoặc trong các bản dịch hiện nay hơi bị lỗi thời. Việc chỉnh sửa hoặc xuất bản lại các văn bản bằng tiếng Pháp giúp chúng ta khám phá lại các tài liệu này và đưa ra ánh sáng.

Người công giáo Pháp khám phá lại các Giáo phụ sa mạc

Một số sách thậm chí chưa bao giờ được xuất bản, như các bài giảng của Giáo phụ Origen gần đây được tìm thấy trong một thư viện ở Munich, Đức: bản thảo được mô tả là kém và không ai biết về nguồn gốc tồn tại của nó.

Công việc rất lớn vì văn học giáo phụ thậm chí còn rộng lớn hơn văn học cổ điển. Chúng ta biết một phần lớn tác phẩm của các giáo phụ là truyền miệng đã bị thất lạc, nhưng với tỷ lệ ít thất lạc hơn so với các tác giả vĩ đại của Hy Lạp hoặc La tinh, chẳng hạn các tu sĩ đã chép lại tác phẩm của Thánh Âugutinô  hay Giáo phụ Cyril nhiều hơn là của Tacitus hoặc của triết gia Plato.

Lợi ích của việc xuất bản loại văn học này là gì? Độc giả của ông  là ai?

Lợi ích là rất nhiều. Đọc các tác phẩm của các Giáo phụ trước hết giúp chúng ta hiểu hơn về hậu thế của văn học cổ điển, mà chúng là một yếu tố của chuỗi lưu truyền: được trích dẫn dễ dàng qua các “trưởng lão”, ngay cả đôi khi còn để phản bác.

Di sản này cũng là mối quan tâm của tất cả những ai nghiên cứu về nguồn gốc kitô giáo, về lịch sử tư tưởng. Tác phẩm của họ cũng hữu ích cho công cuộc đại kết, vì khi họ viết, Giáo hội đã thống nhất hoặc gần như thống nhất. Hơn nữa, điều này đã không ngăn cản nét đa dạng của các tiếng nói, cũng như các cuộc tranh luận rất sôi nổi, mà một số tranh luận đã dẫn đến ly giáo.

Giáo lý, các Giáo phụ và chúng ta

Độc giả của chúng tôi là sinh viên hoặc các nhà nghiên cứu trong giới tu sĩ kitô giáo, nhưng cũng có thể là các nhà sử học, các triết gia. Học viện của chúng tôi, có nền tảng là Dòng Tên, có hai linh mục Dòng Tên trong nhóm, có bảy nhà nghiên cứu hoặc kỹ sư của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS như tôi, tôi là nhà nghiên cứu tiếng Hy Lạp, được đào tạo và thuộc về Đơn vị Hỗn hợp Nghiên cứu của Viện Lịch sử và các Nguồn gốc thế giới cổ. Cuối cùng Viện Các Nguồn Gốc Kitô giáo là một ví dụ tiêu biểu cho thế tục hóa theo kiểu Pháp!

Các Giáo phụ sa mạc, các đan sĩ và đôi khi các ẩn sĩ đã vào sa mạc Ai Cập vào thế kỷ thứ 3 và thứ 4, đang là mốt ngày nay. Đây có phải là trường hợp của một số linh mục trong Giáo hội không?

Điều tuyệt vời trong các câu châm ngôn của các Giáo phụ sa mạc, các câu chuyện nho nhỏ truyền cho chúng ta ngày nay là nét hài hước và tính cách rất cụ thể của chúng. Các bài giảng của các Giáo phụ thường cũng là các bài giảng rất gần với mối quan tâm của chúng ta ngày nay.

Các giáo phụ không đưa ra các bài diễn văn uyên bác nhưng họ cố gắng phát triển một linh đạo phù hợp với độc giả của họ. Đó là trường hợp các bài giảng của Giáo phụ Gioan Chrysostome cũng như trường hợp của bài khảo luận Chống các dị giáo của Irénée, Lyon: tuy thuộc thể loại phản bác, nhưng được viết bằng một ngôn ngữ rất dễ tiếp cận.

Cuối cùng, bằng cách đóng góp cho một kiến thức tốt hơn về nguồn gốc chúng ta, các Giáo phụ đáp ứng việc đi tìm ý nghĩa ngày nay. Nhờ họ, chúng ta biết được chúng ta có thể trả lời một cách khác nhau cho các câu hỏi mà chúng ta tự hỏi ngày nay, hoặc bối cảnh nơi họ sống ngày xưa khó có thể đơn giản hơn…

75 năm lịch sử của Các Nguồn gốc Kitô giáo

Tháng 12 năm 1942, tại Lyon, Linh mục  Jean Daniélou và Linh mục Henri de Lubac, cả hai đều là Linh mục Dòng Tên thành lập Các Nguồn gốc Kitô giáo, bộ sách song ngữ lớn đầu tiên trên thế giới do nhà xuất bản Le Cerf ấn hành. Các bộ sách, ngoại trừ một số văn bản phương Đông, tất cả đều song ngữ: một bên là văn bản gốc cũ, bên kia là bản dịch tiếng Pháp có chú thích mới.

– Năm 1956, Hiệp hội Thân hữu của Các Nguồn gốc Kitô giáo được thành lập (bốn năm sau, hiệp hội được công nhận là có lợi ích công cộng), và năm 1976 một nhóm nghiên cứu liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Khoa học CNRS, và cuối cùng vào năm 2003, Đơn vị Nghiên cứu Hỗn hợp về Lịch sử và Nguồn của các thế giới cổ đại trong đó Các Nguồn gốc Kitô giáo là một phần.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Jean-Guilhem Xerri: “Tâm hồn chúng ta không thay đổi. Nhưng có chuyện làm nó rối loạn, có!” 

Các lời minh triết của các Giáo phụ sa mạc

Giản dị, một minh triết sống trở thành cấp thiết