Linh mục François Cassingena-Trévedy: “Chúng ta được kêu gọi để sống tinh thần huynh đệ của sa mạc”

114

Linh mục François Cassingena-Trévedy: “Chúng ta được kêu gọi để sống tinh thần huynh đệ của sa mạc”

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2020-03-23

Linh mục dòng Biển Đức François Cassingena-Trévedy của Tu viện Ligugé, (Vienna) là chuyên gia phụng vụ, am tường về các Giáo phụ, cha là nghệ sĩ và nhà thơ. Linh mục cho chúng ta biết quan điểm của cha về tình hình hiện tại liên quan đến đại dịch do coronavirus, cụ thể về tình trạng cách ly trong thời gian qua. Chúng ta được kêu gọi để sống tinh thần huynh đệ của các Giáo phụ sa mạc.

Ở nhà, hạn chế đi lại, hạn chế giao tiếp… Chúng ta có cảm giác sống “như các đan sĩ ”. Cha nghĩ như thế nào?

Đúng vậy, tình trạng ngày nay có nhiều nét chung với đời sống tu sĩ, khác biệt là các tu sĩ tự nguyện cách ly, còn những gì xã hội đang trải qua là bị áp đặt, vì thế là hoàn toàn khác…  Thực chất, những điểm giống nhau là về mặt vật chất! Khi chúng ta bước vào tu viện, chúng ta không cảm thấy mình bị cách ly, nhưng bị chắn bởi khu vực chắn. Khu vực chắn là khoảng không gian tự do, chứ không phải nơi giam cầm. Hơn nữa, các tu viện hiện nay cũng bị cách ly, đây là trường hợp không bình thường vì dù sao cũng có một mức độ uyển chuyển đi lại trong hầu hết cộng đoàn…

Làm thế nào để chúng ta thuận với cách ly “phải chịu” này?

Chúng ta không có lựa chọn! Đây là điều cần thiết tuyệt đối, một nghĩa vụ công dân và nhân đạo nghiêm ngặt, để không liều lĩng làm tăng rủi ro. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều bình đẳng khi đối diện với tình huống này, vì với một số người, tình trạng cách ly đau thương và khó khăn hơn so với người khác: tôi nghĩ đến những người sống đông đúc trong các căn phòng nhỏ ở thành phố. Khi tôi nghĩ đến chị tôi với bốn đứa con, tôi thấy không đúng khi so sánh tình trạng cách ly của các tu sĩ với một số người cùng thời của chúng ta đang sống. Tại tu viện, chúng tôi có khu vườn rộng lớn và chúng tôi có cuộc sống xã hội. Thêm nữa, các tu sĩ đôi khi cư xử như những đứa bé vô tư so với các gia đình phải đối diện với các hoàn cảnh sống khắt khe hơn nhiều. Không phải lúc nào họ cũng là người gương mẫu và kinh nghiệm hiện tại có thể làm cho họ lớn hơn, trưởng thành hơn!

Tuy nhiên cũng có các nguồn sinh lực trong kinh nghiệm đan tu chúng ta có thể rút tỉa để sống tốt hơn trong thời điểm này, dù chúng ta là người tin hay không tin không?

Triết gia Pháp Blaise Pascal đã viết: “Không có gì làm cho con người không thể chịu đựng cho bằng khi nó nghỉ ngơi hoàn toàn, không say mê một cái gì, không việc làm, không giải trí, không gắn vào. Khi đó con người cảm thấy hư vô, bỏ rơi, thiếu thốn, phụ thuộc, bất lực, trống rỗng của mình. Ngay lập tức, từ sâu thẳm tâm hồn, họ cảm thấy chán nản, tăm tối, buồn bã, sầu nảo, bực mình, tuyệt vọng… Thỉnh thoảng, khi tôi quan sát các khích động khác nhau của con người và các nỗi đau, nỗi buồn họ diễn tả (…), tôi nhận ra tất cả bất hạnh của họ đến từ một điều duy nhất, đó là họ không biết cách nào để ngồi yên trong một căn phòng ”. Còn tu sĩ chúng tôi, chúng tôi được thừa hưởng di sản của minh triết và thăng bằng, với sự lành mạnh tự nhiên của thời gian (đọc sách, giờ phụng vụ, giờ làm việc tay chân, học tập, giờ trao đổi). Trong lúc này, khi mọi người phải ở trong một không gian mà họ chưa quen, phục vụ xã hội mà đời sống đan tu có thể mang lại là một cái gì sâu đậm bên trong hơn, chiêm niệm hơn và thiết yếu hơn.

Trong giây phút bi thảm của lịch sử, bên cạnh các đau khổ của mình, con người đứng dậy, đó là cái gì đẹp nhất, bất ngờ nhất.

Nhưng liệu chúng ta có thể làm được gì khi chúng ta chưa học cách đặt tầm quan trọng của đời sống nội tâm và đời sống thiêng liêng lên hàng đầu trong các mối quan tâm của chúng ta không?

Trong các hoàn cảnh đặc biệt, cũng hơi giống như động vật hay thực vật, con người có thể phát triển các khả năng thích ứng mà chính mình không biết. Vì thế có một số người sẽ nhận ra sức bền bỉ mà họ không nghi ngờ, một cuộc sống nội tâm, một ham thích văn hóa, khám phá những chuyện họ chưa hề biết nơi người khác và ở cả chính họ. Các bó buộc hiện nay không phải là chuyện không tránh được nhưng là lời mời gọi để chúng ta có sáng tạo, một công cụ để làm việc.

Trong các điều kiện khắt khe này, chúng ta có thể phát triển một không gian tự do của nội tâm, của thơ ca, của điều kỳ diệu… Từ trong nhà tù, thi sĩ Verlaine đã viết: “Bầu trời, trên mái nhà / Thật xanh, thật êm đềm!” Chúng ta cũng sẽ tìm ra bầu trời trên mái nhà, trong chúng ta, nơi người khác, giữa chúng ta.

Không có chuyện nhường bước trước thảm họa, ma thuật, tự lừa với các công thức phép lạ (nhất là khi không thuộc lãnh vực tôn giáo): nguồn sinh lực sẽ đến từ sâu thẳm lòng chúng ta. Trong giây phút bi thảm của lịch sử, bên cạnh các đau khổ của mình, con người đứng dậy, đó là cái gì đẹp nhất, bất ngờ nhất. Chúng ta được trả lại phẩm giá của mình, đó là tầm cao duy nhất làm người của chúng ta. Điều này tạo nên những điều choáng ngợp và cao siêu, như âm nhạc một người dân Ý hát trên ban công của họ.

Nhiều người bị cách ly, vợ chồng cũng như gia đình, trong hoàn cảnh tốt nhất cũng như xấu nhất. Đời sống đan tu cũng vậy, đôi khi các tu sĩ trong thanh chắn với các anh em họ không thể chịu đựng được. Làm thế nào để hóa giải tốt nhất các căng thẳng?

Không dễ… phương thuốc hay nhất là chúng ta vẫn có thể nhìn, nói chuyện, mỉm cười và hài hước. Trong các gia đình không có thói quen đối thoại,đây là dịp để tìm lại lời nói có thể chữa lành. Có hai điều nên làm: phải có các quan hệ hàn gắn và phải hàn gắn các quan hệ cần hàn gắn. Trong đời sống tu sĩ, các nhiệm vụ và công việc chia sẻ đóng vai trò cơ bản: phải mang tính khách quan, hiện thực, tinh thần tích cực trong công việc cụ thể, âm thầm để giúp chúng ta thoát khỏi cái bẫy của trí tưởng tượng. Dù trong lúc này mỗi người phải cố gắng một chút để mình không làm cho người khác chịu không nổi! Đối diện với điều không chịu nổi, với sự khó chịu, chúng ta sẽ thực hành ‘cách ly tinh thần’ với điểm tế nhị này, chúng ta sẽ thiết lập một hệ thống phân cấp hợp lý của mọi thứ, tránh bị ám ảnh. Hoàn cảnh bất thường chúng ta đang sống là dịp để dọn dẹp một chút trong đời sống chúng ta.

Lời nói có tác dụng chữa lành, nhưng đôi khi, lời nói cũng gây đau đớn và gây tử vong nhất là khi đóng kín!

Khi đóng kín, có thể có nguy cơ trống trải, tuyệt vọng, cô đơn và căng thẳng thái quá. Điều cần thiết là chúng ta có thể nói ra, thổ lộ cho nhau nỗi thống khổ của mình, chúng ta nên thay thế các lời nói suông bằng các lời sinh động, để chúng ta có được sự mến thương trong hoàn cảnh nặng nề này. Điều cấp thiết là chúng ta phải tìm ra, bên trong hay bên ngoài, các mối liên kết bổ ích và lời nói sâu sắc: điện thoại và e-mail là công cụ hữu hiệu trong thời gian này, là dấu chỉ của sự sống và của sự dịu dàng trao đổi với nhau khi cách ly! Không có bằng chứng nào tốt hơn là quan tâm đến nhau: cách ly có thể và phải nhân lên kỹ năng quan hệ của chúng ta, vì chính mối quan hệ làm cho chúng ta thành con người.

Nhưng không phải ai cũng không có việc làm. Một số người còn tràn ngập công việc trực tuyến, lo bài vở cho con cái, lo việc nhà… không thể có thời gian nghỉ ngơi cho tâm linh! Làm thế nào để làm thời khóa biểu?

Hoàn cảnh hiện tại là dịp để chúng ta thấy lại các lợi ích của một tập tục chúng ta đã đánh mất, nhưng lại rất tốt cho chúng ta trong một xã hội bùng ra, thay đổi như chong chóng. Vì hài hước cũng cần thời khóa biểu! Đây là dịp kết nối với đời sống cộng đoàn hơn, chia sẻ hơn, bằng cách học cách phân chia nhiệm vụ, cấu trúc lại các sinh hoạt và các ưu tiên. Mỗi người có thể tìm thấy thú vui của mình: đọc sách, đam mê, hiếu kỳ, làm việc thủ công, làm việc trí tuệ. Và chúng ta cũng phải để cho thời gian làm việc của nó, thời gian là phép mầu. Thời gian không chỉ là những gì chúng ta làm với nó: chúng ta phải biết đón nhận nhịp điệu của nó, để nó làm việc qua chúng ta, để nó mang chúng ta đến nơi chúng ta không hình dung được.

Có lẽ, cũng nhờ đó chúng ta học để rình rập các dấu chỉ của hy vọng…

Dĩ nhiên điều này rồi cũng sẽ kết thúc. Có lẽ chúng ta phải ‘kiêng ăn’ để tốt cho sức khỏe tinh thần, với lượng thông tin thừa mứa, khó tiêu, siêu nhanh: dành cả ngày để nghe những gì đang xảy ra, để dò kỹ các số liệu lây nhiễm và tử vong có thể xảy ra để rồi cực kỳ lo lắng. Trong các tu viện, chúng tôi thường có một hạn chế nào đó đối với trào lưu bừa bãi không phân định này. Giữ cái đầu lạnh là điều bắt buộc: tối thiểu chúng ta biết kỷ luật cách ly thực sự đã mang lại kết quả như thế nào. Chúng ta đã thấy kết quả ở Trung quốc và ở Ý. Có một dữ liệu khách quan buộc chúng ta phải có trách nhiệm. Bằng cách tôn trọng những gì được yêu cầu, chúng ta làm việc hiệu quả cho một cái gì đó. Sự cách ly này không phải là phi lý, nó là một bổn phận mà mỗi người phải có với toàn nhân loại, dù nó có hạn hẹp, tối nghĩa đi nữa.

Chúng ta đang trải qua một sự lật đổ văn minh. Những gì đang xảy ra với chúng ta không phải là sự trừng phạt thần thánh, mà là lời cảnh báo lịch sử.

Trong thời gian này, làm thế nào để đối phó với nỗi lo lắng của thế giới bên ngoài?

Đây là câu hỏi rất nghiêm túc. Thách thức là chúng ta phải vượt lên nỗi sợ xưa cổ, thú tính và vì thế chúng ta cần đến thuốc giải độc cực mạnh. Các tài sản quý báu của tình bạn, của chân lý, chúng ta có thể tìm được nơi đồng loại của mình. Ngoài ra còn có vẻ đẹp, có sự trung thành thầm lặng của thiên nhiên, dù con người khi nào cũng muốn làm đao phủ của chính mình. Chúng ta phải cự lại với lối la hét báo ngày tận thế, và giữ lại mạch nước hòa bình trong lòng: vẻ đẹp mà chúng ta có khả năng thực hiện là khởi đầu của sự chiến thắng. Ẩn giấu trong thử thách này, Thiên Chúa không mong chờ ở chúng ta các thủ thuật tôn giáo kỳ quái và điên cuồng, nhưng Ngài mong chờ chúng ta hoàn thành trách vụ của mình.

Về mặt tâm linh, làm sao để không rơi vào tình trạng uể oải biếng nhác?

Uể oải biếng nhác là danh từ nhà tu để nói đến tình trạng suy thoái tinh thần mà trên thực tế con người thế nào cũng gặp phải trong suốt cuộc đời, chúng ta còn gặp thường xuyên hơn mình nghĩ. Trong trường hợp các tu sĩ thì họ chẳng còn thích thú gì với đời sống tu hành. Họ không còn lòng dạ nào… Đó là đi qua sa mạc vắng bóng đam mê, không thích làm gì, không ánh sáng… Nhưng trái ngược với sự khô cằn này là tinh thần huynh đệ của đời sống trong sa mạc, của thử thách, của nỗi đau và của hy vọng chung. Dân của Chúa hay  Dân thường đều phải đi qua. Trong giai đoạn khó khăn này, chúng ta được mời gọi để có tinh thần huynh đệ như trong đời sống sa mạc, liền vai sát cánh, từ trái tim này qua trái tim kia, từng bước một, người tin cũng như người không tin, trong danh chung là toàn nhân loại được chia sẻ.

Chúng ta phải xem lại các ưu tiên của mình. Thanh đạm trong mọi lĩnh vực sẽ là một trong các yếu tố chính của thế giới sắp tới.

Theo cha, hệ quả cá nhân và tập thể của tình trạng cách ly chung này sẽ như thế nào?

Chúng sẽ vô cùng to lớn. Chúng ta đang trải qua một sự lật đổ văn minh. Những gì đang xảy ra với chúng ta không phải là sự trừng phạt thần thánh, mà là lời cảnh báo lịch sử. Về mặt kinh tế và nhân bản, cuộc khủng hoảng sức khỏe này là hồi chuông cảnh tỉnh và là một động lực. Chỉ trong vòng 15 ngày, bộ mặt thế giới đã thay đổi một cách ấn tượng. Chúng ta hy vọng từ những chuyện này sẽ nảy sinh những gì là người hơn vì chúng ta thực sự phải khẩn cấp tìm ra điều gì là thiết yếu. Bị nỗi sợ chết xâm chiếm, chúng ta nhận thức được sự mong manh vô cùng của mình, trong khi chúng ta nghĩ mình là siêu nhân…

Chúng ta sẽ phải xem lại các ưu tiên của mình trong lãnh vực y tế, sinh thái, kinh tế, văn hóa và cả đời tu, chúng ta sẽ phải giảm các mặt buồm, hay đúng hơn là thay đổi cánh buồm. Thanh đạm trong mọi lĩnh vực sẽ là một trong các yếu tố chính của thế giới sắp tới. Cho đến bây giờ chúng ta mới chỉ là những người tiêu thụ cuộc sống: những gì chưa từng thấy trong cuộc sống sẽ làm chúng ta kinh ngạc và sẽ mời gọi các nụ hôn vẫn còn đầy nước mắt của chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Khám phá đời sống nội tâm với các Giáo phụ sa mạc