Đức Hồng y Reinhard Marx: “Các giải pháp phải được tìm thấy với toàn thể Giáo hội, chứ không chỉ ở Rôma”

356

Đức Hồng y Reinhard Marx: “Các giải pháp phải được tìm thấy với toàn thể Giáo hội, chứ không chỉ ở Rôma”

la-croix.com, ban Tôn giáo, 2019-03-28

 

Đức Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục Munich, chụp tại báo La Croix ngày 27 tháng 3. Hình: Reece T. Williams

Nhân đến thăm báo La Croix trong dịp có hội nghị chuyên đề do các Hội đồng Giám mục Đức, Thụy Sĩ, Pháp tổ chức tại Paris về “Lợi ích chung ở châu Âu”, hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục giáo phận Munich và là thành viên hội đồng cố vấn của giáo hoàng nói về cuộc khủng hoảng Giáo hội đang trải qua hiện nay.

La Croix: Cha hiểu như thế nào về cuộc khủng hoảng mà Giáo hội công giáo đang trải qua hiện nay?

Hồng y Reinhard Marx: Từ Công đồng Vatican II, chúng tôi đã tự hỏi Giáo hội nên như thế nào trong xã hội hiện đại, đa nguyên, theo đó mọi người được tự do tin hay không tin Chúa Giêsu sống lại và họ có thể gặp Ngài hay không. Những gì chúng ta nên hình dung, không phải là một “Giáo hội mới” nhưng một Giáo hội ở “một cách khác”. Chính người công giáo cũng đã cho thấy họ thực sự muốn thay đổi. Nhưng đây là một tiến trình chậm và đau đớn, nhận thức không giống nhau ở mọi nơi và một số người muốn tìm an toàn trong quá khứ.

Bây giờ nó lại được củng cố vì sự mất uy tín do các vụ tai tiếng lạm dụng gây ra, nhưng cũng do thiếu minh bạch trong vấn đề tài chánh, do loại văn hóa bí mật… Cuộc khủng hoảng này thúc đẩy chúng ta phải tiếp tục công việc của mình đến cùng. Giáo hội không thể chỉ ở trong vai trò giảng dạy. Đức Phanxicô hiểu rõ vấn đề này: trong cách ngài nói chuyện với người công giáo, ngài tìm một cách thức mới để mời gọi giáo dân đến với đức tin.

Giáo hội Đức thường  đứng hàng đầu trong các đề nghị cải cách: Giáo hội Đức có đi trước trong việc hiểu các chuyển biến đang xảy ra không?

Nếu có một số thấy chúng tôi đi trước, thì cũng có một số cho chúng tôi là dị giáo! Đặc thù của chúng tôi là chúng tôi có rất nhiều giáo sư thần học, bao gồm cả phụ nữ, họ giảng dạy trong khoảng hai mươi phân khoa hay học viện thần học. Họ có thể viết, thảo luận, công bố và đưa ra các cuộc tranh luận.

Ngoài ra giáo dân rất được tổ chức, giáo dân có cơ cấu trong các giáo xứ, giáo phận, trong các phong trào tín hữu và cũng trong Ủy ban Trung ương công giáo Đức. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Ủy ban này gần với các giám mục nhưng họ cũng có một cái nhìn rất phê phán. Và cuối cùng, nước Đức là nước châu Âu duy nhất không phải chỉ có một Giáo hội nổi trội nhưng có hai: người tin lành cũng nhiều như người công giáo. Các nhà thần học tin lành cũng lên tiếng trên báo chí, trên đài truyền hình. Điều này tạo ra một tinh thần rất phấn khích.

Ở Đức, cha có các đề nghị cụ thể để “sửa chữa Giáo hội” không?

Chúng tôi không có “câu trả lời Đức” cho cuộc khủng hoảng! Con đường là cùng phải tìm với Giáo hội hoàn vũ chứ không phải chỉ ở Rôma. Chúng ta không thể suy nghĩ về Giáo hội hoàn vũ mà không có các Giáo hội địa phương, đây không phải là kim tự tháp. Chúng ta có thể học hỏi từ Giáo hội Đức nhưng cũng đừng quên, như tất cả các nước khác, chúng tôi cũng có những thất bại. Đâu đâu các Giáo hội chúng ta cũng mất tín hữu, đối với tôi, có lẽ ngoại trừ Giáo hội ở Nam Hàn. Vì sao? Bởi vì kitô giáo ở đó được xem như tôn giáo của tương lai.

Chúng ta cần phải được thuyết phục lại thêm một lần nữa, là có một sức mạnh của tiến bộ, một câu trả lời cho ngày hôm nay và ngày mai và vì thế, phải trở lại với Tin Mừng, với đức bái ái cho người nghèo. Đối với tín hữu kitô chúng ta, mọi người dù nam hay nữ, dù màu da, tôn giáo, dù khuynh hướng tình dục của họ có như thế nào, họ cũng là hình ảnh của Chúa. Chúng ta ở trong cùng một gia đình, và điều khẳng định này ở trong sự tận căn của nó đã làm cho chúng ta khác với các tôn giáo khác. Đó là thông điệp cần thiết nhất hiện nay! 

Điều này có nghĩa các cải cách cơ cấu là thứ yếu?

Chứng từ là ưu tiên hàng đầu. Nhưng tất nhiên, tôi cũng ủng hộ một tổ chức tốt hơn và nhất là một sự phân phối trách nhiệm tốt hơn. Tôi đã mất nhiều năm để nhận ra điều này, nhưng gần như tất nhiên theo tôi, chúng ta không còn có thể triệu tập thượng hội đồng các giám mục mà không mời giáo dân nam cũng như nữ tham dự. Đó là khẩn cấp. Một vấn đề khác đến từ sự nhầm lẫn giữa chức thánh và quyền lực: nhiệm vụ của chúng ta là phải phân biệt nhiều hơn và phải suy nghĩ nhiều hơn đến việc tiếp cận với quyền lực. Cũng phải tìm cách để phụ nữ tham dự vào guồng máy quản trị Giáo hội. Về thực chất, cần có một tư duy và tầm nhìn mới về quyền lực.

Cách đây hai tuần, trong cuộc Họp Khoáng đại của chúng tôi, các giám mục chúng tôi đã làm việc về đời sống các linh mục. Làm thế nào để đào tạo các linh mục có thể sống triển nở một cách trọn vẹn? Và làm thế nào để giúp họ sống? Có phong chức cho các chủng sinh chưa trưởng thành đủ về mặt tình cảm không? Theo tôi, bậc sống độc thân là có thể, nhưng cũng cần thiết hội nhập vào các khía cạnh của đời sống cộng đoàn. Cũng phải suy nghĩ đến vấn đề viri probati (phong chức cho các ông đã lập gia đình, ở tuổi chín chắn, có đức tin vững vàng, ghi chú của người viết).

Chúng ta cũng phải đề cập đến tất cả chủ đề này, cũng như một vài điểm về đạo đức tình dục của chúng ta, chẳng hạn vấn đề đồng tính, kể cả trong hàng giáo sĩ.

Cha trả lời như thế nào với những người sợ các thay đổi này đi quá xa, họ sợ đức tin công giáo bị đặt vấn đề?

Tôi nhận nhiều thư từ của những người nghi tôi muốn làm nhẹ giáo điều. Phải khó hơn, phải rõ ràng hơn. Dĩ nhiên đây không phải là trường hợp này: đức tin không phải là một gánh nặng nhưng là con đường. Lại càng không phải là mục tiêu như một số người sợ hãi, nhưng phải “thích nghi với thời đại”. Những gì Công đồng Vatican II đã yêu cầu chúng ta là “phải biết đọc dấu chỉ thời đại” dưới ánh sáng Tin Mừng, như thế còn đòi hỏi hơn.

Nếu chúng ta cùng nhau đọc Tin Mừng mỗi ngày chúa nhật, nếu chúng ta cùng nhau phục vụ người nghèo thì khi đó chúng ta sẽ tìm được con đường. Gây chia rẽ và làm mất lòng tin giữa nhau, đó là công việc của Quỷ. Cùng nhau chúng ta tìm kiếm những gì Chúa đang chờ chúng ta. Và chúng ta phải chấp nhận có nhiều con đường của đức tin.

Marta An Nguyễn dịch