Đối với Yves Coppens, nhà khoa học danh tiếng đã khám phá ra vết tích Lucy thì khoa học và giáo huấn của Giáo hội không có gì ngược nhau.
Hội đồng Khoáng đại Viện Hàn Lâm giáo hoàng về Khoa học đã họp từ ngày 24 đến 28-10-2014 về đề tài sự “Tiến hóa các khái niệm về tự nhiên”. Sau khi đọc bài diễn văn rất được chờ đợi về lý thuyết tiến hóa, Đức Phanxicô đã trao huy chương cho các tân hội viên của Hội đồng vừa được bổ nhiệm vào ngày 18-10 vừa qua. Trong số các tân hội viên này có khoa học gia người Pháp Yves Coppens, khảo cổ gia, giáo sư danh dự của Collège de France. Năm 1974, chính ông là người đồng phám phá ra vết tích Lucy, một trong những tổ tiên lâu đời nhất của nhân loại ở Êthiopia.
Từ trụ sở của Viện Hàn lâm giáo hoàng, nhà khoa học gia đã trả lời cuộc phỏng vấn của Radio Vatican về buổi gặp gỡ thân tình với Đức giáo hoàng, một người mà ông rất kính trọng và ngưỡng phục: “Ngài nói với chúng tôi về trách nhiệm, điều hoàn toàn phù hợp với tôi vì sự biến đổi từ thể chất qua một dạng bất động, từ dạng bất động qua dạng sống động và từ dạng sống động qua dạng suy nghĩ. Và dạng suy nghĩ này là chúng ta. Có nghĩa chúng ta vừa có tự do vừa có trách nhiệm. Đó là điều ngài làm cho chúng tôi hiểu. Từ nay, định mệnh là ở trong tay chúng ta. Chúng tôi đã bắt tay nhau rất chặt và rất lâu, điều đó nói lên rất nhiều chuyện. Tôi đã kể cho ngài nghe, bà của tôi, người theo đạo Công giáo, bà đã nói với tôi: “Còn cháu, cháu của bà, cháu thì từ con khỉ, còn bà thì chưa chắc!” Đương nhiên là bà sai về mặt khoa học tự nhiên nhưng bà có lý trong nghĩa bà muốn giữ phẩm giá của con người. Khoa học và tôn giáo có thể cùng đi chung với nhau. Không phải vì con người xuất thân từ con vật mà nó mất đi phẩm giá, sự cao cả và tự do của nó.
Nhà khoa học gia này cũng là người của đời sống thiêng liêng, vì thế ông được bổ nhiệm vào Viện hàn lâm giáo hoàng Khoa học. Chính xác hơn nữa là trong ngành khảo cổ học của ông, ngành mà ông ‘lạnh lùng’ nghiên cứu các vấn đề nguồn gốc và tiến hóa của con người mà vẫn không loại bỏ tầm mức thiêng liêng của chúng, điều này đã lôi cuốn các bạn đồng nghiệp của ông.
Vậy, nếu tôi hiểu đúng, các khám phá khoa học của ông và giáo huấn của Giáo hội thật sự không đi ngược nhau?
Không ngược nhau chút nào! Tôi, tôi tin chắc, con người, ngay khi nó làm người, nó đã là con người của tôn giáo. Thật thích thú dường nào khi thấy thiên nhiên ‘cóc cần’ đến cá thể, tuyệt đối nó chỉ muốn bảo tồn giống loài và thích thú biết dường nào khi con người thành người lại có thể xuất hiện với sự cao cả của cá thể và trọn sự tôn trọng của con người. Tôi nghĩ sức mạnh của khoa học tự nhiên, đó là vừa thấy tính đứt đoạn này trong tính liên tục kia. Khi đi từ dạng bất động qua dạng sống động, bỗng chốc có một bước nhảy vọt. Và khi đi từ dạng sống động qua dạng suy nghĩ thì có một bước khác. Và rồi, tại sao lại không có các bước khác sẽ tới, và đương nhiên người ta không biết.
Khi ông nghiên cứu về quá khứ, ông nhìn về tương lai như thế nào?
Như thường lệ, tương lai là thuộc về hoàn cảnh. Và vì nó là hoàn cảnh nên nó dính với sự kiện… Thực chất, nó là sự việc. Như vậy người ta không thể nào dự đoán được. Cũng có thể đáng lo trong nghĩa là người máy sẽ nhân lên rất nhiều. Nhưng tôi nghĩ đừng sợ khoa học; khoa học luôn luôn có khía cạnh ngông cuồng và hơi đáng lo ngại. Đừng để cho nó tự do, nhất là không được thành lập những hội đồng các nhà hiền triết mà duy nhất chỉ có các nhà khoa học. Các khoa học gia muốn thành công, như thế họ có khả năng làm rất nhiều chuyện, kể cả những chuyện vô nghĩa lý. Tính chất vừa tự do vừa trách nhiệm thật là phi thường. Cùng lúc là có tự do rõ ràng nhưng lại thường xuyên được kiểm soát bằng tinh thần trách nhiệm, kể cả trách nhiệm trên tự do này. và đó là điều Đức Phanxicô nói: định mệnh ở trong tay chúng ta.
Vậy cuối cùng ông hoàn toàn tin tưởng.
Đúng vậy. May thay! Nhưng tôi vẫn dè chừng tất cả, kể cả con người; nhất là con người săn mồi và lại là người săn mồi của chính mình. Nhưng tôi không lên án nhân loại gì hết vì tôi đã thấy nhân loại được sinh ra, nếu tôi có thể nói, đó là công việc của tôi, và nhân loại này được sinh ra một cách hoàn toàn tự nhiên như các nhóm sinh vật sống khác. Nó chẳng làm gì để chống sự sống, nên không được ném đá nó mà phải để mắt trông nó. Tôi không thể nào nói gì hơn!
Về việc ông vừa được bổ nhiệm vào Viện Hàn Lâm Khoa học: ông mang lại gì cho Viện và ngược lại, điều gì Viện Hàn Lâm có thể mang lại cho ông?
Các đồng nghiệp của tôi nói, họ rất hài lòng khi có một nhà khảo cổ học nói cho họ nghe về con người, về nguồn gốc, sự tiến hóa theo thuật ngữ lạnh lùng và khoa học nhưng lại không bỏ qua khía cạnh thiêng liêng. Ngược lại, tôi biết Viện Hàn Lâm từ lâu vì tôi thường được mời tới đây. Viện Hàn Lâm này là một Viện Hàn Lâm lớn. Có rất nhiều Viện Hàn Lâm trên thế giới, tôi là hội viên của một số Viện trong các Viện này.
Viện Hàn Lâm giáo hoàng về Khoa Học rất có uy tín vì Viện rất cẩn thận trong việc lựa chọn hội viên. Không phải vì tôi mới được vào Viện mà tôi nói như vậy, nhưng Viện đều luôn luôn chọn với tinh thần rất thận trọng, khéo léo và suy tư. Viện đã gởi thư chính thức cho tôi từ ngày 15 tháng 7, đó là một hân hạnh lớn cho tôi. Và tôi hạnh phúc được ở trong căn nhà mà tôi đã biết từ lâu này nhưng tôi chỉ được biết ở địa vị khách mời.
Nguyễn Tùng Lâm dịch