Khoa học và đức tin, làm sao để khỏi chọn

331

Tranh: “Cổ nhân của Những Ngày” (L’Ancien des Jours, 1794). Họa sĩ và thi sĩ William Blake không thích khoa học. Nhưng Thiên Chúa vạm vỡ của ông lại tạo dựng vũ trụ nhờ một dụng cụ thông thái…

letemps.ch, Nic Ulmi, 27-9-2014

Giáo sư Andrew Briggs vừa là nhà vật lý gia lượng tử vừa là tín hữu đạo Công giáo sốt sắng, ông dạy môn vi-vật liệu ở Đại học Oxford, Anh quốc. Hai phạm trù cùng sống hòa hợp với nhau, tôn trọng nhau và đầy hứng thú.

Vật lý gia, người chúi mũi vào những điều cực kỳ khó hiểu của thực tại, chuyên gia về những vật liệu nhỏ li ti cho các máy điện tử lượng tử, tín hữu Kitô sốt sắng. Người ta tìm xem có sai lầm ở đâu đây không. Nhưng trong trường hợp của giáo sư Andrew Briggs thì tuyệt nhiên không thấy. Giáo sư tại chức môn vi-vật liệu của Đại học Oxford – có đức tin rất sâu và rất mạnh – ở một Chúa không ở trong các hố mà khoa học chưa  bít, cũng không ở trong chân lý mà các khám phá vật lý hay sinh học cứ nói ngược nhau, nhưng trong tất cả những gì mà nghiên cứu khoa học đem ra ánh sáng. Như vậy giữa khoa học và đức tin thì không cần phải chọn…

Báo Thời gian: Làm sao hai khuynh hướng này của giáo sư lại cùng thực hiện được?

Andrew Briggs: Từ khi còn nhỏ, tôi đã say mê tìm hiểu làm sao mọi sự lại vận hành được. Tôi nghĩ điều này là do mẹ tôi khuyến khích, bà là nhà toán học và cũng do một trong những  nhà khoa học ở Cambridge, bạn của cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi sống ở Cambridge. Mặt khác, tôi may mắn ở trong một gia đình có đạo: các anh chị em tôi và tôi được nuôi dưỡng, lớn lên trong sự hiểu biết Kinh Thánh và tình yêu của Chúa. Tôi học vậy lý ở Đại học Oxford và có bằng tiến sĩ ở phòng thí nghiệm Cavendish, Cambridge và tôi bắt đầu tự hỏi mình làm gì cho cuộc đời mình. Trong một thời gian, tôi nghĩ tôi có ơn gọi để làm mục sư trong Giáo hội Anh quốc, nên tôi đã học thần học ở Đại học Cambridge để chuẩn bị làm mục sư. Nhưng trong khi học các lớp thần học, tôi cảm thấy công việc này quá sức tôi. Đó là thời gian không mấy dễ chịu. Giáo sư của tôi ở phòng thí nghiệm Cavendish, ông là một người Do Thái rất mộ đạo, ông vừa hiểu bản chất của sự dấn thân trên con đường thiêng liêng và vừa hiểu sự dấn thân trên con đường khoa học, ông đã giúp tôi rất nhiều. Ông giúp tôi tái chuyển tiếp qua việc nghiên cứu khoa học.

Lãnh vực mà ông chọn có lưu ý đến thần học không?

Khi mô tả Chúa Giêsu, Phúc Âm thánh Gioan dùng chữ logos  (Lời) của Hy Lạp. Phải biết là thánh Gioan thích dùng những chữ có hai nghĩa. Vào thời đó, logos vừa làm cho người ta hiểu đây là khái niệm của người Do Thái về một Chúa truyền đạt với thế giới bằng lời và khái niệm của một nguyên tắc ngầm của vũ trụ. Khi thánh Gioan giải thích Chúa Giêsu là ai, thánh Gioan nói nơi Chúa Giêsu lời trở nên da thịt. Nói cách khác, đây là một khái niệm trừu tượng được nhập thể một cách thể lý. Điều này song song với những gì người ta làm trong lãnh vực lượng tử, nơi thông tin được xem như nhập thể một cách thể lý…

Ông nói công việc của các nhà khoa học là đưa ra ánh sáng “làm sao Chúa đã vận hành thế giới”. Một cách đơn giản, cái gì là điểm khác nhau trong việc đưa ra cho thấy làm sao thế giới vận hành?

Trên lối vào phòng thí nghiệm Cavendish, có ghi một câu trong Thánh Vịnh 111: “Việc Chúa làm quả thật lớn lao, người mộ mến ra công tìm hiểu.” Tôi mê câu mô tả này. Hiểu một chuyện chưa được hiểu, giải quyết một câu hỏi toán học chưa được giải quyết, làm vận hành một kinh nghiệm và có được các dữ liệu, đó mới là niềm vui thú đích thực, mà theo một số người, đó là niềm vui thú sâu đậm mà không có một vui thú nào trong kinh nghiệm của loài người có thể sánh được. Mọi nhà khoa học, dù tin hay không tin Chúa, họ đều có thể chứng thực được điều này. Nếu họ kết hiệp được với Chúa thì niềm vui này được nhân thêm, vui thú này đích xác là do có sự tiến hành trong khuôn khổ của một quan hệ: họ khám phá sự tạo dựng của đấng tạo hóa mà họ biết. Tôi xin đơn cử một phép loại suy: âm nhạc cho tôi một thú vui vô biên, tôi có thể tìm thú vui này khi nghe đĩa. Nhưng nếu tôi ở trong một gia đình nhạc sĩ: nghe nhạc của những người trong nhà làm cho tôi vui thêm vì công việc sáng tạo này nằm trong khuôn khổ của một giao tiếp.

Ngoài thú vui này, có sự khác biệt nào giữa chứng tỏ làm sao vũ trụ vận hành và “làm sao Chúa làm cho vũ trụ vận hành” không?

Tôi nghĩ gần như là một chuyện. Tôi không muốn đưa vào một sự khác biệt mà ở đó không có… Chẳng hạn ông James Clerk Maxwell, (một trong những nhà vật lý học quan trọng nhất của thế kỷ XIX, đã hợp nhất được trong một hệ thống phương trình tất cả hiện tượng điện từ, ghi chú của người dịch), là một người có đức tin Kitô sâu đậm. Nhưng rõ ràng nếu ông là người vô thần thì các phương trình của ông cũng chính xác như vậy. Sự khác biệt, vi tế nhưng quan trọng, nằm ở trong sự kiện sự hiểu biết khoa học bao gồm thêm một chỉ dẫn cho người có đức tin: đức tin không những nói cho chúng ta biết về một cái gì đó của thế giới nhưng còn cho chúng ta biết về tính cách của người tạo dựng nó.

Mô tả “công việc của Chúa” qua quan sát khoa học có khi nào gây ra mâu thuẫn với chuyện kể trong Kinh Thánh của cùng một việc này không?

Có những lãnh vực mà các mâu thuẫn như vậy có thể xảy ra. Điều lan rộng nhất là đối nghịch với một vài cách chú giải mô tả việc tạo dựng trong các quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh và lý thuyết về sự tiến hóa – một lý thuyết vẫn được chấp nhận bởi tất cả các nhà khoa học chân chính còn hoạt động trong các khoa học của sự sống. Những chống đối như vậy thì thật có hại. Nó thúc đẩy người tin vào khoa học từ bỏ đức tin và khổ thay, nó làm cho người có đức tin bác bỏ khoa học: điều đáng buồn nhất là khi sự từ bỏ khoa học này áp đặt lên trẻ con, những em bé chưa thể tự chọn đức tin cho chính mình. Trên thực tế, không có gì trong những chuyện này là cần thiết…

Là khoa học gia Kitô, làm sao ông hình dung được công việc hàng ngày của Chúa trong vũ trụ?

Đó là một trong những câu hỏi lớn không phải chỉ đặt ra cho tín hữu Kitô. Thứ bảy vừa qua, tôi ăn tối với bạn tôi là Nidhal Guessoum, ở Cambridge, ông là tác giả quyển sách có tựa đề “Vấn đề Lượng tử của Hồi giáo: Hòa giải Truyền thống Hồi giáo và Khoa học Hiện đại” (Islam’s Quantum Question: Reconciling Muslim Tradition and Modern Science.) Là người Hồi giáo, ông cũng nghĩ đó là câu hỏi lớn nhất trong tất cả các câu hỏi.. Có một bài học cần giữ lại về khoa học lượng tử. Trọng tâm của vật lý lượng tử là những câu hỏi nền tảng về những chuyện mà chúng không có một thỏa thuận chung. Cái gì thật sự xảy ra khi chúng ta thực hiện một tầm mức trong kinh nghiệm lượng tử? Đâu là tương quan giữa các luật của thế giới lượng tử và các luật, mà bề ngoài cho thấy là không tương hợp, của vật lý cổ điển quan sát trong kinh nghiệm về con người của chúng ta? Có phải chức năng của làn sóng chỉ đơn giản là một công thức, hay nó có thật? Vì không có đồng thuận giữa các nhà khoa học trong lãnh vực này nên không có câu trả lời cho các câu hỏi nền tảng, người ta sẽ cho rằng về mặt tri thức nó không nhất quán để tiếp tục dùng lý thuyết lượng tử. Nhưng lý thuyết này thì quá vững vàng, đã được thử nghiệm quá nhiều và quá hữu ích nên không thể bỏ được dù nó dựa trên những câu hỏi chưa được giải quyết. Ông có thấy có sự song song ở đây không? Người ta có thể sống trong đức tin suốt đời, trước khi câu trả lời trong lãnh vực này có được trong tầm tay…

Nếu Thiên Chúa đã tạo dựng ra vũ trụ và Ngài vẫn làm việc hàng ngày thì điều này có bao gồm các luật của vũ trụ có thể thay đổi theo ý muốn của Chúa không?

Đây sẽ là câu trả lời cho câu hỏi về các phép lạ. Tôi tôn trọng và tôi đã học rất nhiều ở những người hình thành câu trả lời này.. Nhưng về phần tôi, tôi không chắc là tôi tìm được câu trả lời thích đáng.

Là người có đức tin, giáo sư cho rằng có sự hiện hữu của Thiên Chúa, là nhà khoa học có khi nào giáo sư tự hỏi Chúa từ đâu đến không?

Tôi không tin có ngày tôi tìm được câu trả lời cho câu hỏi này, cũng như câu hỏi vũ trụ đến từ đâu – nhưng dù vậy, không phải vì thiếu các đề xuất… Chúa đến từ đâu thì câu trả lời đơn giản sẽ là: Ngài là điểm khởi đầu, Ngài có trước khi có thời gian. Nhưng tôi thấy câu trả lời này quá đơn giản cho một câu hỏi cần được suy nghĩ sâu đậm.

Cùng với họa sĩ Roger Wagner, ông chuẩn bị ra một quyển sách có tựa đề “Sự tò mò áp chót: Làm sao khoa họ bơi trong luồng các câu hỏi tối hậu” (The Penultimate Curiosity: How Science Swims in the Slipstream of Ultimate Questions). Sách nói về đề tài gì?

 Chúng tôi khởi đi từ lãnh vực tri thức đầu tiên, nơi đã có những dấu vết, nghệ thuật tranh trong các vách động và chúng tôi lần theo dấu vết lịch sử của sự “hiếu kỳ tối hậu” của con người đứng  trước thực tế. Và đến một lúc, một sự “hiếu kỳ áp chót” mà người ta gọi là “khoa học” trồi lên từ bên trong cuộc nghiên cứu tìm tòi này. Một phần trong sự thành công của nó đến từ sự việc nó tự cho mình các mục tiêu hạn chế nhất. Và sự hiếu kỳ này vô cùng thỏa mãn, vô cùng lợi và vô cùng phong phú. Nhưng còn hơn nữa. Nếu người ta ngừng ở cú “hiếu kỳ áp chót” thì người ta hụt cái tốt nhất.

 

Nguyễn Tùng Lâm dịch