lefigaro.fr/vox, Vincent Tremolet de Villers, 2-Jan-2015
Bài phỏng vấn: Ông Jean-Marie Guénois, chuyên gia về tôn giáo của báo Figaro giải thích các cải cách mà Đức Phanxicô muốn tiến hành để đi đến chỗ tốt và các khác biệt từ hình thức đến nội dung của ngài với các vị tiền nhiệm của ngài.
Jean-Marie Guénois là chủ biên mục Các Tôn giáo của báo Figaro. Ông vừa xuất bản quyển: Đức Phanxicô sẽ đi đến đâu? Jusqu’où ira François, nhà xuất bản JC Lattes.
Bài diễn văn nói với Giáo triều cho thấy sự ngờ vực của Giáo hoàng đối với chế độ ở Tòa Thánh, việc ngài ở Nhà trọ Thánh Mácta cũng là và dĩ nhiên cho thấy uy quyền dứt khoát không so sánh được với uy quyền của các vị tiền nhiệm của ngài. Làm sao giải thích nghịch lý này?
Có một nghịch lý giữa bề ngoài có vẻ dân chủ của Giáo triều này và sức mạnh quả đấm của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô muốn các giám mục và các Hội đồng giám mục có nhiều quyền hơn, ngài không muốn tự cho mình là “giáo hoàng” mà thích được gọi là “giám mục địa phận Rôma,” nhưng nhiều người ở Giáo triều đã nói uy quyền của ngài đã tạo nên tính “độc đoán”… Một nghịch lý khác: giáo hoàng muốn có sự quản trị trong tinh thần đồng đội của Giáo hội Công giáo bằng cách biến Hội đồng Giám mục thành một Hội đồng thường trực tham khảo và lập hiến. Nhưng tất cả mọi cải cách của Giáo triều lại tập trung trong tay của quyền hành pháp – mà trước đây là thuộc vào phủ Quốc vụ khanh, tương đương chức thủ tướng – là trong bàn tay duy nhất của … giáo hoàng. Từ nay sự cải cách này coi như đã được chỉnh. Phải lùi lại rất xa trong lịch sử Giáo hội để tìm một cách tập trung như vậy.
Bây giờ người ta hiểu tại sao trong lần Mật nghị bầu chọn giáo hoàng năm 2005, hồng y Martini không ủng hộ đồng bạn cùng Dòng là hồng y Bergoglio, dù Bergoglio khó cự lại được hồng y Ratzinger. Họ cùng chia sẻ một chương trình cải cách, một loại hành động tiến bộ như Công Đồng Vatican III, nhưng tổng giám mục Buenos Aires không có tiếng tốt trong Cộng đoàn Dòng Tên. Ngài được biết như một người có tính ngờ vực và uy quyền đã làm cho ngài bị cách ly khi còn cai quản một tỉnh dòng của Dòng Tên ở Buenos Aires. Giáo hoàng này là một ông chủ. Ngài có cá tính. Thêm nữa, tầm mức giáo dân mến mộ ngài trên khắp toàn cầu đã làm cho ngài không sợ ai.
Ngoài Âu châu, các hội đồng Giám mục ở Ba Lan, Phi châu, Á châu, Mỹ đón nhận những cải cách sắp tới này như thế nào?
Phải thấy rõ điều này, nhất là ở Pháp, nhiều Hội đồng Giám mục chủ trương dấn thân hoạt động theo cánh tả trên bình diện tôn giáo và chính trị, đều rất vui mừng với những cải cách mà Đức Phanxicô đem đến. Vì thế, giám mục đầu tiên mà ngài phong là thần học gia ưng ý của ngài (cùng với hồng y Kasper) Đức ông Victor Manuel Fernandez, viện trưởng Viện đại học Công giáo ở Buenos Aires, mà vừa đây Đức ông thổ lộ trong một quyển sách phỏng vấn xuất bản ở Ý cho biết, khuynh hướng tiến bộ đã phải “âm thầm” chịu đựng lâu ngày dưới triều Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Nên thần học gia này đã ngạc nhiên khi thấy có một số người chống đối Đức Phanxicô. Giám mục Fernandez công khai cho họ là những người “cuồng tín”. Sự chống đối trong vòng thân cận trực tiếp này được thấy rõ trong Thượng Hội Đồng, đã tạo nên một phản ứng mà Đức Phanxicô không lường trước được: bị hồng y Kasper khinh thường một cách công khai, các giám mục Phi châu phản kháng; bị Đức Phanxicô dồn đến đường cùng, các giám mục Hoa Kỳ cũng phản kháng. Kết quả, các Hội đồng Giám mục Phi châu và Mỹ chọn các đại diện của mình cho lần họp Thượng Hội Đồng sắp tới là các đại diện chống đối một cách mãnh liệt các cải cách về gia đình. Các giám mục Ba Lan cũng vậy. Ngược lại, Hội đồng Giám mục Pháp – vẫn rất kín tiếng về việc bầu chọn các đại diện của mình ở Lộ Đức hồi tháng 11 vừa qua – đã đẩy lui các giám mục chống cải cách của Đức Phanxicô. Đức cũng vậy. Dù một vài Hội đồng chống lại cuộc cải cách gia đình của Đức Phanxicô, ván bài vẫn chưa ngã ngũ vì luồng gió tiến bộ nơi những người tóc bạc vẫn còn mạnh ở guồng máy quản trị Giáo hội Công giáo. Họ thường có các địa vị trọng yếu trong hàng giám mục. Đức ông Jean-Luc Brunin, giám mục địa phận Havre, được cho là người có hành động xã hội và tiến bộ về mặt giáo điều – đã không những được các đồng bạn của mình đưa vào Hội đồng giám mục lo về các vấn đề gia đình mà còn sẽ là một trong các Nghị phụ ở Rôma vào tháng 10 sang năm để quyết định cho tương lai của gia đình cho toàn Giáo hội Công giáo…
Nhưng Đức Phanxicô chưa hiểu một cách cụ thể tình trạng của những người Công giáo ở Âu châu và ở Mỹ. Ngài chưa nhận ra những gia đình đông đúc hơn bình thường này là những gia đình trưởng giả – và một vài gia đình trong số họ rất trưởng giả, họ không còn trưởng giả không phải vì họ bắt chước khuynh hướng xã hội nhưng họ hoán cãi sâu đậm theo tiếng gọi sống “thánh thiện” của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Các gia đình giàu có ở Buenos Aires thì ít hoán cãi hơn, đó là những gia đình có nhiều tài xế nếu không muốn nói là có cả phi công trực thăng cho gia đình!
Thế hệ của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI được xây dựng trên nền tảng nhân học mang tính đạo đức rất cao, thế hệ này có bị mất thăng bằng do sự chuyển hướng của Thượng Hội Đồng không?
Rõ ràng là thế hệ của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, trong hàng tu sĩ cũng như trong hàng giáo dân, đều bị rơi vào tình trạng bối rối sâu đậm. Bây giờ chắc chắn là có tình trạng bối rối này. Thế hệ này rất dấn thân, cùng chia sẻ với nhau tinh thần trung thực, họ trung tín với giáo hoàng, với đức tin Kitô hữu, gắn bó sâu đậm với Giáo hội Công giáo – người ta không thể nào nhấn mạnh cho đủ vì Giáo hội không phải là tổ chức của các cao trào chính trị nhưng là một tổ chức của những người có lòng tin và những dấn thân đích thực về mặt xã hội của họ. Người ta dễ dàng chế giễu những gia đình Công giáo đông con, với loại “công giáo-di động”, với bề ngoài kiểu cách của họ xứng đáng với kiểu hoạt họa đáng yêu của phim “cuộc sống là một dòng sông êm đềm”. Những người Công giáo này là những người đầu tiên đùa với chuyện này, họ tự trào và tự biếm.
Ở Âu châu hay ở Mỹ, các gia đình Công giáo gọi là thoải mái sẽ không còn thoải mái nếu họ có đông con. Rất nhiều giám mục, Pháp chẳng hạn, có vẻ như vì thuần ý thức hệ nên như mù khi đứng trước thực trạng xã hội này, trong khi kiểu chống gia đình Công giáo như thế này không có ở các hội đồng giám mục khác. Thay vì đối diện với thực trạng thì họ chỉ thấy diện mạo của những gia đình trưởng giả hoặc nghi ngờ sẽ tái sản xuất lại một hệ thống xã hội khác trong khi đây đích thực là sự quảng đại và một hy sinh rất lớn để mở ra với cuộc sống…
Như thế rất khó khăn đối với thế hệ của các gia đình Kitô nhận thấy rằng Giáo hội Công giáo phải chào đón và nâng đỡ họ – điều mà bao nhiêu linh mục và giám mục đã làm một cách đáng phục – thì lại không thừa nhận họ trong tình trạng thật của họ chứ không phải chỉ là tình trạng theo phác họa. Họ cảm thấy mình bị loại ra, bị đóng nhãn, như thử họ không phải là tín hữu Kitô “thật” vì họ sẽ không phải là các chiến hữu chiến đấu ưu tiên cho người nghèo…
Nghèo thì họ cũng là người nghèo, nếu tính chỉ một đầu lương cho số người họ phải nuôi… Mặt khác, các tổ chức nhân đạo Công giáo biết rất rõ đa số tiền đóng góp là từ những gia đình này. Có một sự dấn thân theo tinh thần Kitô đích thực trong những gia đình này, thêm nữa đây cũng là nguồn ơn gọi chính cho Giáo hội.
Không nên có một loại hình thức bất công về mặt ý thức hệ được thổi phồng một cách quá đáng bởi một vài nhân vật chủ chốt trong Giáo triều để tấn công các thế hệ của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, những thế hệ là sức mạnh sống động của Giáo hội Pháp và nhất là họ không cần phải bị nản chí lúc này.
Các tin đồn từ chức và thậm chí tin đồn ám sát có căn cứ không?
Các tin đồn ám sát thì luôn luôn có thể có đối với một người của dân chúng như giáo hoàng. Và giống như tất cả giáo hoàng khác, Đức Phanxicô cũng bị những người mất thăng bằng tâm lý chú ý tới. Và cũng như mọi tin đồn, nó lúc nào cũng có và không bao giờ được kiểm chứng. Vậy mà năm 2013 một ông tòa Ý, chuyên gia về mafia đã loan tin đồn Đức giáo hoàng là mục tiêu của mafia, thật ra ông này loan tin đồn này để cổ động cho quyển sách mới ra của mình! Chính ông tung tin để bán sách, ông dựa trên trí tưởng tượng của mình để tung tin chứ thật ra mafia hay nhóm mafia không quan tâm đến việc hạ giáo hoàng. Ông tòa này lại còn cho rằng, cải cách Ngân hàng Vatican có thể nguy hại đến lợi ích của mafia, chuyện này phi lý vì chính Đức Bênêđictô XVI mới là người làm công việc to lớn này! Cái mà người ta gọi là dựng đứng là cái mà người Ý rất thích. Hấp dẫn nhưng sai. Phi lý khi người ta biết các chi tiết và vấn đề còn chưa giải quyết, cuộc cải cách ngân hàng phức tạp và gần như đã xong trong nghĩa là theo chiều hướng minh bạch triệt để.
Ngược lại, từ khi được bầu chọn, chính Đức Phanxicô đã ba lần cho biết ngài sẽ noi gương Đức Bênêđictô XVI. Như thế tôi tin chắc ngài sẽ từ nhiệm trong một tương lai tương đối gần vì ngài vừa 78 tuổi, nhưng không phải là không thành tựu các cải cách nền tảng mà ngài muốn làm cho Giáo hội Công giáo vì ngài cảm thấy đây như một sứ mệnh. Chắc chắn tôi là một trong rất hiếm ký giả đã để ba người đầu tiên hôm trước ngày bầu chọn ngài nhưng cuộc bầu chọn này không lường trước được, như tôi đã giải thích trong quyển sách của tôi.
Có thể nào nói các bổ nhiệm của Đức Phanxicô là để chuẩn bị cho việc kế nhiệm của ngài không?
Tất cả sẽ thấy trong lần Công nghị tháng hai sắp tới khi Đức Phanxicô bổ nhiệm thêm 15 hồng y. Đây cũng là Công nghị đích thực đầu tiên của ngài. Các bổ nhiệm hồng y đầu tiên của chính ngài. Chúng ta sẽ biết trong hai tuần sắp tới. Phải nhận ra bài diễn văn ngày 22 tháng 12 vừa qua là để chuẩn bị tinh thần cho việc này. Giáo hoàng này không còn muốn bị bắt buộc phải bổ nhiệm hồng y vào chức lãnh đạo của các ban bộ Rôma (các bộ trưởng của Vatican). Thời gian đã qua và Công nghị này phải chứng tỏ nó có sức thuyết phục. Ngài đã làm ở Mỹ khi ngài bổ nhiệm giám mục tiến bộ nhất trong các giám mục Mỹ vào ghế danh dự của địa phận Chicago, khi giám mục này còn ở trong một địa phận nhỏ, ngài đi tìm các giám mục chủ chăn đích thực chứ không đi tìm các hoàng tử. Và đó sẽ là hệ quả cho sự kế nhiệm ngài và cho Giáo hội. Trừ phi lọ thuốc ngài bơm cho Giáo hội quá mạnh mà cơ thể hồng y không còn theo được nữa…
Chúng ta sắp kỷ niệm hai năm Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, triều giáo hoàng của ngài còn lại được gì?
Đây là một câu hỏi rất khó để trả lời vì ai là người có khả năng để nhận định được việc này? Đó cũng là chủ đề tôi đã triển khai trong tác phẩm của tôi, nói theo con mắt người phàm thì Đức Bênêđictô XVI đã “hỏng” trong việc thừa kế của mình. Tôi biết chữ này sẽ gây sốc, chữ đó tầm thường, người ta có thể nói ngài không thành công trong việc này. Nhưng tôi vẫn giữ chữ này, không phải vì tôi thiếu kính trọng đối với ngài nhưng vì trên thực tế việc bầu chọn Đức Phanxicô là một sự kiện không thể tưởng tượng được của Hội thánh. Đức Bênêđictô XVI một nhà thiêng liêng và trí thức, nhưng chưa bao giờ là một chính trị gia, một ông chủ như Đức Phanxicô. Ngài suy nghĩ chín chắn về việc từ nhiệm của mình nhưng đã để lại – và đó là trọn danh dự của ngài – việc kế nhiệm mình trong bàn tay của “Đấng Quan Phòng”. Đấng Quan Phòng vẫn tồn tại trong đức tin Công giáo nhưng cũng được phù trợ qua bàn tay của các hồng y.
Nhưng rõ ràng nhóm tiến bộ đã không thành công vào lần bầu chọn năm 2005 thì đã hoàn toàn thành công năm 2013; năm 2005 không thành công là vì hồng y Martini đã không ủng hộ hồng y Bergoglio và vì hồng y Lopez Trujillo đã tổ chức từ trên một tinh thần nhất trí cao cho nhóm bảo thủ chung quanh hồng y Ratzinger. Nói một cách đơn giản, luồng bảo thủ đã được dùng. Nhóm tiến bộ, các hồng y Hummes và Danneels đứng đầu, người ta dùng lại kịch bản Bergoglio năm 2005. Hồng y Schola, tổng giám mục địa phận Milan mà Đức Bênêđictô XVI dành ưu tiên đã không có được sự đồng ý của tất cả các bạn hồng y Ý. Vụ bê bối Vatileaks đã làm cho các hồng y nước ngoài không muốn có một ứng viên người Ý. Vì thế con đường được mở ra cho Bergoglio. Với ba ưu điểm: ngài lớn tuổi, ngài có tầm mức để thco cuộc cải cách Giáo triều và có sức thổi truyền giáo cho việc Phúc Âm hóa.
Nhưng chương trình cho Giáo hội của ngài thì ít được biết. Bây giờ thì đã được tất cả mọi người biết. Thách thức đó là ý nghĩa của việc áp dụng Cộng đồng Vatican II. Nó xuất hiện trong những điểm mà Đức Phanxicô chống đối, gần như từng điểm một, ưu tiên về mặt nhân loại học và đạo đức học của triều giáo hoàng Gioan-Phaolô II, tái khẳng định giáo điều, cải cách phụng vụ, chế độ tập trung vào La Mã, tái khẳng định chức giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI. Giống như sau Công đồng Vatican II, hai giáo hoàng làm việc trong chiều hướng đi tìm lại văn tự Công đồng Vatican II và một giáo hoàng thứ ba đến xóa những chuyện này để tìm lại “tinh thần Công đồng” mà hai giáo hoàng tiền nhiệm đã dày công chiến đấu…
Khuynh hướng của nhiệm kỳ giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI và Đức Gioan-Phaolô II được sinh hoa trái không thể tưởng tượng, họ đã gieo không biết bao nhiêu mầm trong tâm hồn tín hữu Công giáo và ngày nay những tâm hồn này đã cương quyết dấn thân. Nhưng họ sẽ phải đối diện với một bầu khí hội thánh có những nét chiến đấu kiểu những năm 1970 mà họ tưởng đã tắt. Nếu làm một cuộc phân tích thuần túy về mặt chính trị thì người ta có thể nói có một cuộc đan phiên hoàn toàn, vì chỉ cần nhìn các cố vấn và những người ở chung quanh Giáo hoàng Phanxicô thì sẽ thấy, sự chống đối triều giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI bây giờ đang nắm chính quyền! Thật là quá lớn mà nhiều người không tin được, nhưng sự thật là vậy. Ai nói chương trình hoạch định của “Đấng Quan Phòng” là không dò tìm được…
Nguyễn Tùng Lâm dịch