Đức tin, đó là niềm vui sống

263

www.laprovence.com, Philippe Larue, 20-4-2014

«Vị giáo hoàng đã làm cho những người quan tâm đến môi sinh được để ý đến và được tôn trọng hơn».

Trong mùa Phục Sinh này, triết gia Frédéric Lenoir nói về niềm vui sống lại của Giáo hội. Lặp lại lời của Đức Phanxicô, triết gia nói đến một đức tin được giải phóng, không phải đức tin bị «quan thuế cấm cửa khẩu không cho qua!» Không phải một tôn giáo bị chống bởi những nguyên tắc, luật lệ của nó, Đức Phanxicô rao giảng một Phúc Âm dâng mừng niềm vui sống của mình và của người khác.

Và chính vì vậy mà triết gia mến chuộng cuộc cách mạng có tính dấn thân mà Đức Thánh Cha dẫn dắt để tìm lại «ADN cho Giáo hội». Loại ADN không đặt đạo đức lên tuyến đầu nhưng ADN này giúp những người đang đau khổ và tuyệt vọng trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tác giả của quyển sách «Phanxicô, mùa xuân của Tin Mừng» (François, le printemps de l’Évangile) chỉ hy vọng với hành động đi theo lời nói yêu thương của ngài, đạo Công giáo sẽ thật sự mở ra với xã hội ngày nay.

Bây giờ Giáo hội có nhận thấy đây là một cuộc tái sinh thật sự không?

Frédéric Lenoir: Với Đức Phanxicô, Giáo hội không còn co rúm với các vấn đề xã hội mà tìm lại được tư thế của mình, sứ điệp Phúc Âm, một sứ điệp mời gọi giáo dân dấn thân hơn để gần với người nghèo, người yếu đuối, người lạ, những người sống trong cô đơn Đức Phanxicô đòi hỏi Giáo hội không được cứ thường xuyên co mình trong các chuẩn mực, trong các bản văn, các giáo luật của mình, ngài liên tục nhắc, Tin Mừng không phải là một chủ nghĩa đạo đức. Chúa Giêsu không giảng luân lý, Ngài giúp những người đang đau khổ dù họ ở ngoài tôn giáo. Sứ điệp tình thương mà Đức Phanxicô mang đến và nở hoa hôm nay mang tính cách mạng. Vì đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo tôn giáo khẳng định, thờ phượng Chúa, trước hết và trên hết là yêu tha nhân. Vậy mà, trong bao nhiêu thế kỷ nay, người ta đã quên đi phần nào điều thiết yếu n ày để tập trung vào phần ít thiết yếu hơn: các thủ tục pháp lý, đạo đức, thể chế.

Vậy thì cái gì là thiết yếu?

Tình yêu làm cho chúng ta lớn lên là thiết yếu. Tất cả chúng ta đều có một khát khao được lớn lên, một đà nhiệt huyết bên trong thúc đẩy chúng ta vượt lên, hoàn thiện thêm và  triển nở thêm. Đức Phanxicô đã lay động các đường dây khi ngài nói: «Tôi là ai mà phán xét những người đồng tính?» Tôi quen một cha xứ, ngài kể cho tôi nghe, ngài quen nhiều bạn đồng tính, họ nói họ rất xúc động khi nghe Đức Phanxicô nói như vậy.  Đức Phanxicô nói cho chúng ta biết, Giáo hội bị bệnh vì quá «tự quy chiếu về mình», cứ nhìn lỗ rún của mình, Giáo hội sẽ lành bệnh nếu bước ra ngoại biên, đến với những người ở xa mình.

Nhưng ngày nay, có phải có một «Giáo hội vô hình» mà chúng ta vừa khám phá lại, Giáo hội này luôn luôn hiện diện trong xã hội không?

Hai phần ba người Pháp có gốc rễ Công giáo nhưng đại đa số lại không giữ đạo. Trong khi những người giữ đạo tạo một hạt nhân huy động, hạt nhân này rất cứng để chống lại hôn nhân mở rộng ra cho tất cả, thì đa số những người không giữ đạo đặt các vấn đề về sự tiến triển của Giáo hội, tính cởi mở của nó đối với xã hội hiện đại, các vấn đề dục tính, ngừa thai, các đối xử với những người ly dị muốn tái hôn, vấn đề độc thân của các linh mục và chỗ đứng của phụ nữ trong thể chế… Bên cạnh vết nứt này, đa số Kitô hữu, những người giữ đạo cũng như không giữ đạo đều muốn hành động để tính nhân bản của xã hội được lớn mạnh lên. Họ hoạt động trong đời sống cộng đồng, quan tâm đến vấn đề nhân đạo, môi sinh và kinh tế. Tôi quen nhiều giám đốc hãng, họ làm theo đức tin của họ, họ quản lý công ty một cách nhân đạo, họ không theo luật lệ nghiêm khắc của chủ nghĩa siêu tự do kinh tế. Các cha xứ cũng không bỏ rơi các khu vực nghèo nàn nhất, các tỉnh, các giáo xứ ngoại biên, họ nâng đỡ những người nghèo, những người sống cô lập nhất. Chính khía cạnh nổi này của tảng băng mà Đức Phanxicô làm cho nó được thấy rõ hơn.

Thấy rõ là một chuyện, nhưng ngày nay người ta thấy Giáo hội chạy theo thời trang, chẳng hạn nữ tu Cristina lên thi trên «The Voice» hay linh mục Ái Nhĩ Lan hát «Hallelujah» của Léonard Cohen…

Thời trang hay không thời trang, nhưng nó mang đến một khía cạnh bắt mắt hơn cho đạo Công giáo, cũng như hình ảnh của Đức Phanxicô. Bạn có thể kể linh mục Michel-Marie Zanotti-Sorkine, cha xứ có đặc sủng Cải Cách ở Marseille, nhà thờ của ông khi nào cũng chật. Khi giáo dân gặp các linh mục có một đức tin mạnh làm lây lan, tổ chức những buổi cầu nguyện sốt sắng vui vẻ thì họ đến đông.

Nhưng giáo dân có cần những buổi lễ đông đúc hay họ chỉ cần một quan hệ mật thiết trong đức tin, dù có đi chăng nữa?

Không có gì là tương phản ở đây. Chúng bổ túc cho nhau. Những người có đạo muốn và cần sống đức tin của họ với người khác, sống một kinh nghiệm thiêng liêng tập thể. Và đây là nét tài tình của Đức Gioan-Phaolô II khi ngài thành lập Ngày Giới Trẻ Quốc tế JMJ. Đúng vậy, cũng có những lúc mình cần đi về với chính mình, những giây phút mình muốn đối thoại nội tâm. Những giây phút cầu nguyện, suy niệm hay chỉ đơn giản mặc định, giữ thinh lặng trong lòng. Chúng ta đi tìm những điều này để giúp mình sống tốt hơn, biến đổi mình và tạo ý nghĩa cho những việc mình làm.

Nhưng chúng ta cứ phân tán trên các trang mạng xã hội, cứ nối mạng ngày đêm, liệu chúng ta có sống được đối thoại nội tâm này không?

Tôi không nghĩ các mạng xã hội là một trở ngại. Nó giúp tiến bộ, giúp có những dấn thân mang tính kết hợp. Đơn giản là phải học cách cự lại với bước đi rất nhanh của nhịp sống xã hội này, nó chiếm hết tất cả thì giờ của chúng ta. Phải có những giây phút “không hành động” và gặp gỡ với chính mình, tìm hiểu tâm hồn mình, xa các quyến dụ bên ngoài. Tôi dành một nửa giờ ở nhà tôi: tôi có một góc dành cho việc này. Khi đi du lịch thì khó hơn!

Trong xã hội chúng ta, người Kitô hữu có một vai trò chủ chốt khi họ kêu gọi phải tôn trọng các giá trị xã hội không?

Chống tất cả mọi lệch lạc chủ nghĩa cá nhân của các xã hội phương Tây, chống lại tất cả các tác dụng đồi bại của việc toàn cầu hóa và chống lại sự tài chánh hóa hệ thống kinh tế làm đè bẹp cá nhân, người Công giáo có thể có một vai trò hữu ích khi kêu gọi phẩm cách cho mọi con người và dấn thân để giúp đỡ những ai đang đau khổ, những ai ở bên lề. Giống như cha Pierre đã nói: «Tôi không muốn hạnh phúc mà không có người khác». Nhưng điều này người vô thần cũng làm được. Thật ra tôi nghĩ, vết nứt không phải giữa người tin và người vô thần nhưng giữa những người tôn trọng người khác và những người không tôn trọng. Giữa những người quan tâm đến người khác và những người chỉ nghĩ đến mình, dù họ là người có đạo hay không có đạo.

Ngày nay Giáo hội Pháp bị chia rẽ giữa người theo truyền thống và người tiến bộ. Có thể nào nó thay đổi chiều sâu không?

Đúng là Đức Phanxicô đã làm cho các tu sĩ theo truyền thống hốt hoảng đôi chút, họ không chỉ trích các thái độ trước công chúng của ngài nên cũng giảm bớt tác động. Hàng tu sĩ bị giao động một chút. Bây giờ, tôi thật sự không biết Giáo hội sẽ tiến triển như thế nào.

Nhưng, để Giáo hội có thể tiến triển và cởi mở, Đức Phanxicô có thể nào chỉ làm bằng lời nói?

Không, hai thượng hội đồng giám mục sẽ tổ chức vào mùa thu này và sang năm 2015 sẽ là những buổi họp quan trọng  để qua hành động. Sau lời nói, sẽ đến lúc phải thay đổi một vài luật lệ. Các thượng hội đồng sẽ đề cập đến những vấn đề tế nhị: vấn đề người ly dị tái hôn, ngừa thai, độc thân của các linh mục, đồng tính, cha mẹ đồng giới… Đức Phanxicô đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến giáo dân, một cuộc thăm dò chưa bao giờ được làm. Một số câu hỏi đã được phát ra cho tất cả các giáo phận trên thế giới để giáo dân nói lên ý kiến của mình về vị trí của Giáo hội trong các vấn đề như dục tính, gia đình, hôn nhân đồng tính… Đây là lần đầu tiên và sẽ cho thấy hình ảnh của giáo hữu ngày nay, ước nguyện của họ trên các vấn đề tế nhị này.

francois_le_printemps-250x400Frédéric Lenoir, 52 tuổi, là tác giả của hơn bốn mươi tác phẩm đủ loại, khảo luận, tiểu thuyết, ngụ ngôn, chuyện cổ tích, tranh hoạt họa, không kể đến không biết bao nhiêu buổi thảo luận, các hoạt động xã hội của ông.

Nguyễn Tùng Lâm  dịch