Quỹ bảo trợ ơn gọi: Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ

542

Quỹ bảo trợ ơn gọi: Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ

Ngày chúa nhật 28-6-2015, tôi dự lễ Thánh Phêrô và Phaolô ở Cộng đồng Giáo xứ Việt Nam vùng Montréal. Cùng đồng tế với cha Hồng hôm nay có cha André Gagnon, Dòng Tên, giám đốc Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ ở Canada. Trụ sở của Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ đặt tại Montréal.

Tổ chức Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ là một trong bốn quỹ của Quỹ Giáo hoàng Truyền giáo (OPM). Bốn quỹ của Quỹ Giáo hoàng Truyền giáo là:

  • Tổ chức Giáo hoàng Truyền bá Đức tin (OPPF), quỹ này tài trợ cho hơn 6000 dự án mỗi năm.
  • Tổ chức Giáo hoàng Thiếu Nhi Truyền giáo (OPEM). Câu châm ngôn của quỹ này là: “Trẻ em giúp trẻ em”.
  • Liên Hiệp Giáo hoàng Truyền giáo (UPM) góp phần đào tạo về mặt truyền giáo cho các linh mục, nam nữ tu sĩ và các Chuyên viên Mục vụ.
  • Tổ chức Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ (OPSPA) là quỹ giúp các chủng viện, chủng sinh và các tập sinh.

Theo yêu cầu của địa phận, để hỗ trợ cho việc đào tạo các chủng sinh khắp nơi trên thế giới, Cộng đồng Công giáo Việt Nam vùng Montréal tổ chức bữa ăn trưa nhỏ để đóng góp phần nhỏ bé của mình vào Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ, giúp đào tạo không những các chủng sinh ở quê nhà mà còn ở các nước khác trên thế giới. Đặc biệt có 16 Đại chủng viện hợp tác với Tổ chức Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ ở Canada trong đó có Đại chủng viện Huế.

Từ hơn 20 năm nay, mỗi năm Quỹ tự động giúp cho Đại chủng viện Huế 80.000$ nhưng đến năm 2012, Quỹ mời Đại chủng viện Huế hợp tác, có nghĩa là gởi hình các chủng sinh và chủng sinh nào được chọn phải viết thư cám ơn các ân nhân. Đây chỉ là một hình thức giúp Quỹ tìm thêm ân nhân, vì giúp vẫn là giúp chung cho Đại chủng viện, không giúp riêng cho một chủng sinh nào, nhưng các chủng sinh đại diện viết thư cám ơn ân nhân, vì đa số các ân nhân là người lớn tuổi, họ muốn biết “mặt mũi, chữ viết, mức học đến đâu” của người mình giúp.

Quỹ đã thường xuyên giúp cho các chủng viện ở Việt Nam từ 20 năm nay. Đặc biệt bảy năm nay, văn phòng Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ ở Montréal lần đầu tiên có một nhân viên người Việt, đó là chị Claire Vu nên chúng tôi được biết đến Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ nhiều hơn.

Sau Thánh lễ có buổi ăn gây quỹ cho Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ. Trong những buổi gây quỹ như thế này, giáo xứ chúng tôi vui như ngày hội, lễ xong nhà nhà kéo nhau xuống hội trường ăn trưa, đây là một dịp để mọi người trò chuyện ăn uống vui vẻ bên nhau. Như thường lệ, công việc này cần rất nhiều thiện nguyện viên, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp, rửa chén, lo lắng… công sức các anh chị bỏ ra thì không thể cám ơn cho hết, nhưng sau khi dọn dẹp, lo lắng xong, nhìn thành quả của mình, tôi nghĩ các anh chị đã vui không ít về các công việc mình làm. Các anh chị đúng là anh hùng không biết mệt, nghỉ một đêm, hôm sau đã thấy có mặt ở nhà thờ mới St-Marc để dọn dẹp.

Công việc của các bà

Trong buổi ăn gây quỹ hôm nay, cộng đồng chúng tôi thu được 6020 đồng, một số tiền rất khích lệ cho các anh chị em thiện nguyện. Chúng tôi biết chúng tôi còn phải làm việc nhiều để noi gương hai mẹ con bà Bigard, những người sáng lập Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ.

Bà Jeanne Bigard
Bà Jeanne Bigard

Do liên lạc thường xuyên với các nhà truyền giáo ở các nơi nên bà Jeanne Bigard và mẹ là Stéphanie Bigard hiểu rằng, một cộng đoàn địa phương sẽ không bao giờ là một Giáo hội độc lập nếu không có giám mục, linh mục, tu sĩ người địa phương của mình vì ngoài họ ra, không ai có thể lượng định được nét phong phú trong truyền thống của mình, rao giảng Phúc Âm trong tinh thần văn hóa đặc biệt của mình, một cách có hiệu quả nhất và rốt ráo nhất.

Vì đã cho hết tất cả của cải của mình để đào tạo chủng sinh trong các nước thừa sai, và cũng đã cống hiến đời mình qua các việc làm hy sinh và cầu nguyện nên họ xin các người khác cũng giúp lời cầu nguyện và đóng góp tài chánh để đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người trẻ muốn làm linh mục. Bà Jeanne kiên trì mời gọi một số lớn người vào nhóm của bà để thực hiện các việc như đào tạo và giáo dục các linh mục và các tu sĩ; quảng đại đóng góp vào sự tăng trưởng của hàng tu sĩ địa phương; nới rộng mục đích này bằng cách hợp tác vào việc đào tạo các nam nữ tuyển sinh khao khát được làm linh mục, tu sĩ, nhất là đào tạo hàng ngũ tu sĩ địa phương.

Khỏi đi từ tấm lòng tha thiết muốn đào tạo các linh mục mà công việc của các bà đã được Tòa Thánh chấp nhận và bây giờ trở thành một Quỹ lớn mang tên “Quỹ Giáo hoàng Thánh Phêrô Tông đồ.”

Mang thiên chức làm mẹ trong lòng, các bà trong cộng đoàn chúng tôi ưu tư nhiều vấn đề, “song song với việc lo cho các cha già hưu dưỡng thì phải lo cho các cha trẻ,” các bà bàn với nhau. “Làm sao đào tạo các chủng sinh đa năng, đa hiệu, ‘đa đạo đức’ để xứng đáng là chủ chăn thế hệ Phanxicô. Bây giờ mình đã có một gương mẫu chủ chăn thì cứ thế mà bắt chước theo ngài,” và “làm sao các chủng sinh hiểu được tấm lòng yêu thương vô bờ của các bà Bigard thời nay đối với họ, lúc nào cũng thao thức ước mong họ là chủ chăn đạo đức để vực dậy lòng tin yếu ớt nơi người trẻ bây giờ, đừng để người trẻ xa Giáo hội chỉ vì chủ chăn ‘thiểu đạo đức,’” các bà nói với nhau.

Cha Andreé Gagnon, Dòng Tên, đồng tế với cha Hồng.
Cha André Gagnon, Dòng Tên, đồng tế với cha Pacômê Trần Văn Hồng .

Montréal, 29-6-2015

Marta An Nguyễn