“Người đi qua đời tôi”

1279

“Người đi qua đời tôi”Đọc các bài viết về cuộc gặp của Donald Trump và Đức Giáo hoàng, tôi không thể không nhớ đến lời của bài hát “Người đi qua đời tôi” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương:

Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao nguời,

mưa nào lên mấy vai, gió nào lên mấy trời.

Có lẽ “người đi qua đời tôi” về mặt tình cảm thì cũng nên quên bớt để nhẹ gánh trên đường đời, nhưng về mặt thiêng liêng thì nên “đọng lại một cái gì”, vì mặt thiêng liêng thì nhẹ thênh thang! Đọng lại ở Thánh Têrêxa Hài Đồng, ở Mẹ Têrêxa, ở Thánh Phanxicô thì có nặng gì đâu, họ chỉ khuyên mình vứt bỏ các phụ tùng không cần thiết để nhắm vào điều thiết yếu thôi mà!

Trước khi gặp Đức Phanxicô ba tuần thì phía Tòa Bạch Ốc còn đỏng đa đỏng đảnh: “Bề nào thì báo chí cũng nói xấu mình rồi, đi hay không đi thêm một tin xấu thì có chết…ai!” Nhưng các cố vấn ráo riết thuyết phục Donald Trump: “Các Tổng thống Mỹ trước ông, thế giá, vĩ đại biết chừng nào, ai lần đầu qua Ý cũng ghé triều yết Đức Giáo hoàng, mặc áo không thể nào không tròng qua đầu, ông phải đi, nếu không đây là một vết nhơ trong triều tổng thống của ông, vì ông cố ý không đi”.

Và ngày 24 tháng 5 đã đến!

Trong ba mươi phút gặp gỡ ngắn ngủi, không thể nào bàn và giải quyết hết các bất đồng, tương đồng. Nhưng có điều trước khi vào họp, cả hai có vẻ khá căng thẳng, Đức Giáo hoàng mặt trầm xuống như trong các lần gặp chính thống, ông Trump thì cố nở một nụ cười giả tạo, như có ai nhắc “cười lên, cười lên!” Vậy mà ba mươi phút sau khi cánh cửa mở ra, Đức Phanxicô vui vẻ nói đùa với bà Melania: “Bà có nấu bánh potica cho chồng ăn không?”, potica là loại bánh ngọt truyền thống của nước Slovenia của bà. Giữa tiếng động click click liên hồi của các máy ảnh, báo Ý cũng như báo quốc tế nghe Đức Phanxicô phát âm potica, đọc là potizza, tưởng là món pizza nổi danh của Ý, nhưng không phải, đó là bánh potica mà cô cháu María Inés Navajo của ngài khi lấy người chồng Slovenia đã làm bánh này cho ngài ăn. Từ đó mỗi khi ngài gặp người dân Slovenia là ngài nhắc bánh này, món tráng miệng ngài ưa thích.

Còn ông Trump khi rời Vatican thì nói “Đức Phanxicô đúng là “có một cái gì” và cuộc gặp thật “hào hứng”. Chắc chắn gặp nửa giờ thì không biết có thay đổi định mệnh của một người không… nhưng ít nhất ông “đã đến, đã thấy và đã thắng!” , thắng chớp nhoáng! (Veni, vidi, vici, “tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã chiến thắng”, câu nói được cho của Hoàng đế Jules Cesar tuyên bố sau khi thắng trận vào năm 47 trước Thiên Chúa giáng sinh). Bây giờ câu này được dùng để noi đến một cuộc chiến thắng nhanh chóng).

Vì “người đi qua đời tôi” phải để lại một cái gì, như ông tuyên bố sau khi gặp Đức Phanxicô “ngài có một cái gì”. Cái gì ở nơi Đức Phanxicô là “một người có đời sống đức tin sâu đậm, trong một tinh thần phúc âm tận gốc”, người đó sẽ lay chuyển người đối diện vì Charles de Foucauld đã có kinh nghiệm: “Những người mà đời sống phúc âm hiện rõ trong cuộc sống của họ thì cuộc gặp gỡ với họ sẽ khơi dậy được nơi người khác ước muốn được cứu rỗi và làm cho đức tin có cơ may phát triển”. Gần như các vụ trở lại đã được tạo nên, gây ra, thúc đẩy nhanh hơn bởi cú choáng đầu tiên, đó là ví dụ các trường hợp trở lại của các vị thời danh như Charles de Foucault, Gabriel Marcel, G.K. Chesterton, Ernest Psichari, Thomas Merton, Edith Stein, và còn nữa. Các trường hợp trở lại do đã gặp “người đi qua đời mình” .

Gabriel Marcel nói: “Các cuộc gặp gỡ đóng một vai trò thiết yếu trong đời sống của tôi. Tôi đã gặp những người mà qua họ tôi thấy Chúa Giêsu Kitô thật sự sống động và tôi không nghi ngờ gì nữa về sự hiện hữu của Người”.

Sau khi gặp Đức Phanxicô, bà Melania Trump vào nhà nguyện ở Bệnh viện nhi đồng Bambino Gesù cầu nguyện riêng, ông Donald Trump viết câu tweet: “Thật là vinh dự của một đời người được gặp Đức Thánh Cha! Tôi rời Vatican với quyết tâm xây dựng hòa bình cho thế giới của chúng ta hơn bao giờ hết”.

Như thế, “người đi qua đời ông bà” đã đọng lại một cái gì trong lòng ông bà, và thế là chuyến đi đã thành công… ngoài dự trù!

Marta An Nguyễn