Tân hồng y Christophe Pierre: một mục vụ cân bằng ở Hoa Kỳ
Tổng giám mục Christophe Pierre, sứ thần ở Hoa Kỳ sẽ được phong hồng y ngày thứ bảy 30 tháng 9. Một tấn phong dành cho nhà ngoại giao tài ba, người mang trọng trách đem tiếng nói của giáo hoàng đến hàng giám mục Mỹ đang rạn nứt.
la-croix.com, Alexis Buisson, phóng viên tại New York, Mỹ, 2023-09-29
Tổng giám mục Christophe Pierre (trái) tại Baltimore ngày 12 tháng 11-2018 sẽ được phong hồng y vào ngày 30 tháng 9. / Patrick Semansky/AP
Một tân hồng y trên đường rạn nứt. Nếu Đức Phanxicô ưu tiên bổ nhiệm các nhà lãnh đạo Giáo hội đang ở các nơi khủng hoảng như giám mục Stephen Chow của Hồng Kông hay tổng giám mục Ameyu Martin Mulla, của Juba, Nam Sudan, thì với tổng giám mục Christophe Pierre, 77 tuổi, ngài vinh danh một người ngài tin tưởng, đấu tranh với một Giáo hội Mỹ cực kỳ phân cực. Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ đã cố gắng khắc phục đường rạn nứt này kể từ khi ngài đến Mỹ năm 2016.
Các tân hồng y, những lựa chọn rất chiến lược của Đức Phanxicô
Được đánh giá cao ở Rôma, tổng giám mục Christophe Pierre đã mang lời của giáo hoàng đến trong thời kỳ hỗn loạn của Giáo hội Hoa Kỳ, đối đầu với sự chia rẽ về ý thức hệ của hàng giám mục trước đường lối của giáo hoàng và nhiệm kỳ của hai tổng thống, Donald Trump và Joe Biden. Ngài cũng phải đối diện với cú sốc về sự sụp đổ của cựu hồng y Theodore McCarrick, cựu tổng giám mục đầy quyền lực của Washington bị buộc tội tấn công tình dục trẻ vị thành niên và người lớn, cũng như cuộc khủng hoảng sức khỏe vì đại dịch, làm suy yếu một Giáo hội vốn đã bị suy yếu do việc đóng cửa các nơi thờ phượng và số lượng tín hữu mòn dần của mình.
Nhà sử học Massimo Faggioli, giáo sư tại Đại học Villanova, Pennsylvania, nhà viết chuyên luận trên báo La Croix cho biết: “Đó là một thời kỳ cực kỳ phức tạp nhưng ngài đã làm rất tốt.”
Trở nên chú ý hơn đến hoàn cảnh của người di cư
Trong gần 50 năm sự nghiệp, chịu chức linh mục tại Rennes, Pháp năm 1970, ngài đã làm công việc ngoại giao ở khoảng 10 quốc gia, hầu hết là các nước nghèo như Haiti và Uganda, ngài làm sứ thần ở đây từ năm 1995 đến năm 2007. Chín năm sứ mệnh ở Mexico từ năm 2007 đến năm 2016 đã đặc biệt đánh dấu ngài.
Ngài cũng đã làm công việc ở hội nghị Aparecida (Brazil), nhằm mục đích hồi sinh Giáo hội ở Châu Mỹ Latinh để tập thể tính và đối thoại nhiều hơn. Văn bản cuối cùng được soạn thảo dưới sự giám sát của hồng y Jorge Bergoglio, người sau đó đã biến văn bản này thành lộ trình cho triều giáo hoàng của ngài.
Tổng giám mục Pierre giải thích: “Aparecida đánh dấu một khởi đầu mới cho Giáo hội Châu Mỹ Latinh. Tôi đã thấy được tác động của việc thực hiện này khi tôi ở Mexico. Các cuộc thảo luận xung quanh văn bản làm tôi nhạy cảm hơn với câu hỏi về sự thích ứng của Giáo hội trước các thời đại thay đổi và tầm quan trọng của tính đồng nghị.”
Trải nghiệm ở Mexico cũng làm cho ngài chú ý hơn đến số phận của những người di cư từ Trung Mỹ. Tháng 10 năm 2016, vài tháng sau khi được Đức Phanxicô bổ nhiệm đến Hoa Kỳ, ngài đã cử hành thánh lễ tại thành phố xuyên biên giới Nogales để thu hút sự chú ý của người dân đến tình trạng của những người tị nạn và những người xin tị nạn. Một hành động mạnh vào thời điểm họ bị ông Donald Trump, khi đó là ứng cử viên tổng thống công kích.
“Có khả năng làm dịu vấn đề”
Tại tòa sứ thần Washington, tổng giám mục Christophe Pierre kế nhiệm tổng giám mục Carlo Maria Vigano, người phê bình Đức Phanxicô nổi tiếng. Năm 2015, ông đã tổ chức một cuộc gặp gây tranh cãi giữa Đức Phanxicô và Kim Davis, công chức bang Kentucky, người đã trở thành gương mặt đại diện cho phe cánh hữu sau khi từ chối – một cách bất hợp pháp – cấp giấy phép kết hôn cho các cặp đồng tính.
Ông Steven Millies, tác giả một tác phẩm về sự phân cực trong thế giới công giáo (1) phân tích: “Với sự việc này, giáo hoàng thấy mình đang ở giữa cuộc chiến văn hóa của Giáo hội Hoa Kỳ. Vụ việc chắc chắn làm cho ngài hiểu ngài cần tìm một người có thể xoa dịu vấn đề và cải thiện mối quan hệ với Vatican.”
Hai năm sau, cựu sứ thần Vigano đổ thêm dầu vào lửa khi ông viết thư ngỏ yêu cầu Đức Phanxicô từ chức với lý do là ngài đã được thông báo về hành động của cựu hồng y Theodore McCarrick ngay từ năm 2013. Cuộc tấn công trực diện này đã hội tụ sự phản đối của giới công giáo bảo thủ với giáo hoàng bị cho là “cộng sản” bên kia Đại Tây Dương. Năm 2019, khi được hỏi về Giáo hội Hoa Kỳ, Đức Phanxicô đã đi xa hơn khi ngài nói ngài “không sợ một cuộc ly giáo”, nhưng ngài cầu nguyện để một chia rẽ như vậy sẽ không xảy ra.
Tác giả Steven Millies nói: “Bảy năm sau khi nhậm chức ở Washington, thật khó để đánh giá tổng giám mục Christophe Pierre vì phần lớn công việc ngoại giao của ngài được thực hiện trong bóng tối.” Nhưng ông tin “phong cách Pierre” thể hiện trước công chúng đánh dấu “sự trở lại bình thường” tại tòa khâm sứ sau sự hỗn loạn của thời Vigano.
Ông trích dẫn bằng chứng về việc xử lý một cách khách quan các vấn đề tế nhị khác, như việc từ chức của giám mục Richard Stika, giáo phận Knoxville trước bối cảnh tranh cãi về việc xử lý các cáo buộc lạm dụng tình dục, và cách tổng giám mục Pierre tương tác với hàng giám mục. Tác giả Steven Millies nhận xét: “Trong những lần can thiệp trước Hội đồng Giám mục Mỹ, ngài có thói quen đưa ra cho họ những lời nhắc nhở rõ ràng nhưng đầy bác ái về những ưu tiên của Đức Phanxicô.”
“Cân nhắc khi ngài nói về các vấn đề và con người”
Vì vậy, nhiều lần ngài kêu gọi họ từ chối cám dỗ của ý thức hệ và hành động trong lắng nghe và đoàn kết. Một thông điệp ngài đặc biệt đưa ra trong cuộc tranh luận năm 2021 về “sự nhất quán Thánh Thể” và việc cho ông Joe Biden và các dân biểu công giáo “ủng hộ quyền lựa chọn” khác (ủng hộ việc hợp pháp hóa việc ‘phá thai) được rước lễ.
Giáo sư Massimo Faggioli cho biết “ngài là người có chừng mực khi nói về các vấn đề và con người, điều mà ngày nay khó tìm được. Ngài có tư cách thể chế và trách nhiệm hơn nhiều so với người tiền nhiệm Vigano. Đây phải là người của bất kỳ đại diện nào của Tòa thánh. Ngài là một người theo chủ nghĩa trung dung và hiểu rõ mức độ mà đạo công giáo Mỹ đã chuyển sang cánh hữu trong hai mươi năm qua. Ngài là nhà ngoại giao rất giỏi, ngài đã can đảm tố cáo bản chất ý thức hệ trong quan điểm của một số giám mục.”
Tổng thống Biden rước lễ ở Rôma trong bối cảnh tranh luận ở Hoa Kỳ
Giám mục Earl Fernandes, giáo phận Columbus (Ohio) đã từng làm việc tại tòa sứ thần đã tóm tắt phương pháp làm việc của tổng giám mục Pierre như sau: “Ngài luôn trả lời điện thoại của các giám mục có vấn đề, cố gắng giúp đỡ họ khi có thể, và ngài thách thức họ khi cần thiết. Theo nghĩa này, ngài là gương mẫu của sự kiên nhẫn. Điểm mạnh khác của ngài: ngài đi khắp đất nước để đại diện cho giáo hoàng với người công giáo, kể cả các nhóm thiểu số (người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, v.v.). Đức Phanxicô nói rằng chúng ta phải là một Giáo hội luôn tiến về phía trước. Tổng giám mục Pierre là hiện thân của điều này.”
Căng thẳng ở Hoa Kỳ, phụng vụ, thượng hội đồng… Những sự thật của tân hồng y Christophe Pierre
Khi được báo La Croix hỏi, các giám mục nổi tiếng vì công khai chỉ trích đường lối của Đức Phanxicô đều không muốn bình luận về công việc của sứ thần. Giám mục Earl Fernandes khẳng định: “Sự thật là tổng giám mục Christophe Pierre được các giám mục tôn trọng.” Về phần mình, giám mục Fernandes nhấn mạnh vào “mối quan hệ sâu sắc” được thiết lập với các nhà lãnh đạo của Giáo hội Hoa Kỳ kể từ khi ngài đến Washington.
Khi gần đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, hứa hẹn sẽ đặc biệt căng thẳng với cuộc đọ sức mới dự kiến giữa Joe Biden và Donald Trump, tân hồng y lo ngại những căng thẳng chính trị mới. Ngài nói: “Trong một xã hội, Giáo hội giống như ánh sáng. Giáo hội phải soi sáng lương tâm. Chúng tôi không phải là những phụ tá cho giai cấp chính trị.”
Một nhà ngoại giao người Breton tại Vatican
Tổng giám mục Christophe Pierre sinh ngày 30 tháng 1 năm 1946 tại Rennes (Ille-et-Vilaine), Pháp. Thời trẻ, gia đình ngài đến Madagascar. Ngài vào chủng viện ở Rennes lúc 17 tuổi, chịu chức tại giáo phận quê hương năm 1970.
Được đào tạo tại Học viện Giáo hội Giáo hoàng, ngài bắt đầu làm việc trong ngành ngoại giao Vatican đưa ngài đến New Zealand, Mozambique và Brazil.
Ngài được bổ nhiệm làm sứ thần Tòa Thánh lần đầu tiên năm 1995 tại Haiti (1995-1999), Uganda (1999-2007) rồi Mexico (2007-2016). Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm sứ thần tại Hoa Kỳ năm 2016 và công bố ngài làm hồng y ngày 9 tháng 7 năm 2023.
(1) Ý định tốt: Lịch sử con đường của cử tri công giáo từ Roe đến Trump (Good Intentions: A History of Catholic Voters’ Road from Roe to Trump, nxb. Liturgical Press, 2018)
Marta An Nguyễn dịch
Tân hồng y Argentina, Ángel Sixto Rossi: về công nghị, về thượng hội đồng, về phục vụ…
Đức Phanxicô để lại bản đồ quyền lực mới cho việc kế vị ngài: ngài phong 21 tân hồng y
Đức Phanxicô đội mũ đỏ cho tân hồng y Christophe Pierre trong công nghị ngày thứ bảy 30 tháng 9 tại Quảng trường Thánh Phêrô