Căng thẳng ở Hoa Kỳ, phụng vụ, thượng hội đồng… Những sự thật của tân hồng y Christophe Pierre

190

Căng thẳng ở Hoa Kỳ, phụng vụ, thượng hội đồng… Những sự thật của tân hồng y Christophe Pierre

Đức Phanxicô và tổng giám mục Christophe Pierre, sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, tại Vatican ngày 10 tháng 11 năm 2018. (Ảnh: CNS photo/Vatican Media.)

Ngày 30 tháng 9, tổng giám mục Christophe Pierre, 77 tuổi, sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, sẽ được Đức Phanxicô phong hồng y. Ngài trả lời phỏng vấn về những khó khăn trong sứ mệnh của ngài ở Mỹ và ý nghĩa của sứ mệnh hồng y mà Đức Phanxicô sẽ giao phó cho ngài.

famillechretienne.fr, I.Media, 2023-09-27

Cha là sứ thần tại Hoa Kỳ trong bầu khí căng thẳng. Cha đã làm việc như thế nào để xoa dịu mọi việc?

Hồng y Christophe Pierre. Chúng ta đừng đi quá nhanh khi nói về những căng thẳng, hoặc phân loại người bảo thủ và người cấp tiến. Tôi không nghĩ nó ở mức đó. Nếu có căng thẳng thì phải đặt nó vào bối cảnh của một thế giới căng thẳng ở mọi cấp độ.

Căng thẳng tự nó không phải là một chuyện xấu. Đức tin của chúng ta đặt chúng ta vào tình thế căng thẳng, trong thế giới thường loại bỏ Thiên Chúa khỏi quan điểm và không còn mang những giá trị được mọi người chia sẻ. Nguy cơ trong việc xử lý căng thẳng là biến đức tin thành một hệ thống các ý tưởng mà chúng ta sẽ bảo vệ chống lại các ý tưởng khác. Tôi biến người khác thành kẻ thù và tôi bước vào cuộc chiến văn hóa. Đó là điều xảy ra trong xã hội cũng như trong Giáo hội. Đôi khi chuyện này gần như không thể tránh khỏi, chẳng hạn ở Pháp, với dự luật về cái chết êm dịu. Nhưng thách thức của Giáo hội là phải biết cách bảo vệ sự sống, đồng thời nhạy cảm với các hoàn cảnh của con người, hỗ trợ họ trước đau khổ, trước cái chết. v.v. Điều này hơi giống những gì đang xảy ra ở Hoa Kỳ với vấn đề phá thai. Tôi hoàn toàn đồng ý với những người chống phá thai, nhưng chúng ta không chỉ là những người bảo vệ một ý tưởng, chúng ta còn là chứng nhân của việc tôn trọng sự sống, vì thế phải dấn thân để có thể vượt ra ngoài mong muốn phá thai.

Tóm lại, sự căng thẳng thể hiện sự khó khăn của việc là một tín hữu kitô trong một xã hội đã trở nên không còn tính người. Tình trạng vô nhân thấy ở khắp mọi nơi, trong sự xâm lược của Nga chống Ukraine, trong hành động phá thai, trong việc từ chối người di cư, trong việc thiếu nỗ lực giúp người nghèo, trong việc thiếu quan tâm đến sinh thái… nhưng chúng ta phải cẩn thận để không gây chiến nhân danh bảo vệ sự sống.

Đức Phanxicô có đúng khi ngài công kích sự “lạc hậu” của một số giám mục Hoa Kỳ, đặc biệt là về mặt phụng vụ?

Đúng là ở Hoa Kỳ có xu hướng tập trung vào các hình thức – quỳ gối, rước Mình Thánh bằng lưỡi chứ không bằng tay, v.v. Hình thức hay nội dung quan trọng hơn? Đức Phanxicô muốn giúp chúng ta tìm lại ý nghĩa. Khi nhìn chung chung các trang blog trên mạng, có hàng trăm blog ở Hoa Kỳ, tất cả đều phân cực về vấn đề này. Khi họ chỉ trích Đức Phanxicô, cuối cùng họ luôn nói về cải cách phụng vụ. Và họ không thoát ra được.

Chúng ta phải hiểu cơ chế phân chia phụng vụ này mà không dừng lại ở những hậu quả bề ngoài nhất. Tôi nhận xét, có rất nhiều người trẻ chán ngán việc phụng vụ bị làm một cách kém cỏi, họ thích phụng vụ ngày xưa. Chúng ta không phân tích đủ hoài niệm này. Sự bất mãn của họ có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Nó liên quan đến ý nghĩa của phụng vụ trong cuộc sống của họ và sự khó chịu của họ trong một xã hội không còn là kitô giáo nữa. Thường thì họ tìm kiếm điều gì đó khác mà không nhất thiết họ tìm thấy được trong phụng vụ cổ xưa. Đôi khi họ mong đợi những yếu tố bên ngoài đức tin như im lặng, thiền định, vẻ đẹp.

Nói rằng chúng ta “thích” phụng vụ cổ xưa, đó là chủ quan. Thánh lễ không phải là sở thích của chúng ta, thánh lễ được Giáo hội ban, là thành quả của một Giáo hội đang tiến về phía trước. Thánh lễ luôn luôn, đó là thánh lễ của ngày hôm nay. Chúng ta không thể bãi bỏ Giáo hội cho đến Đức Gioan XXIII.

Trong 10 năm triều Đức Phanxicô, ngài đã làm rung chuyển các cực lớn của Giáo hội Pháp. Trước đây, Paris và Lyon là phải có ghế hồng y. Ngày nay, là Marseille và Ajaccio. Cha sẽ giải thích như thế nào?

Đây là lịch sử Giáo Hội. Thời thế đã thay đổi và giáo hoàng là người có an-ten, được Chúa Thánh Thần soi dẫn, tôi tin điều này sâu xa. Việc chỉ trích giáo hoàng có vẻ hơi thời thượng. Tôi thấy không lành mạnh. Chúng ta có quyền tự mình suy nghĩ, nhưng khi chúng ta thuộc về Giáo hội, chúng ta tin Giáo hội có chiều kích siêu nhiên, được xây dựng trên Thánh Phêrô.

Ở một trong các nơi tôi làm việc, tôi đã đến New Zealand và gặp giám mục giáo phận Tonga. Tonga rất nhỏ bé, là một trong những vương quốc lâu đời nhất thế giới, về địa chính trị thế giới thì Tonga chẳng có gì là lớn. Nhưng Tonga có một hồng y! Đó là một phần trong tầm nhìn của Đức Phanxicô: chúng ta nhìn thế giới tốt hơn từ những vùng ngoại vi hơn là từ trung tâm.

Đây là những yếu tố phân tích. Tôi bị giáo hoàng này mê hoặc vì tôi nghĩ ngài có một tầm nhìn tán loạn, nhưng thật ra lại vô cùng phong phú, cực kỳ mạch lạc, nếu chúng ta hiểu rõ. Ở Hồng y đoàn, điều Đức Phanxicô mong chờ chúng tôi là chúng tôi có một tầm nhìn nào đó về thế giới, về xã hội, để chúng ta không thể tự nhốt mình vào một điều gì đó bị giới hạn, nhỏ bé.

Cha thấy Thượng hội đồng về tính đồng nghị như thế nào? Đây có phải đây là một cuộc cách mạng cho Giáo hội?

Ở đây cũng vậy, chúng ta đừng vội kết luận quá nhanh. Chúng ta cần biết tại sao ngài lại đưa ra ý tưởng về Thượng hội đồng. Cách đây 6 năm, tôi đã tổ chức một hội nghị tại một trường đại học công giáo ở Washington, về chủ đề tính đồng nghị nơi Đức  Phanxicô. Tôi không phát minh ra bất cứ điều gì, tôi chỉ nghiên cứu. Nếu đọc những gì đã được viết cách đây 6 năm, thì đây chính xác là những gì đang xảy ra ngày nay, từ mà chúng ta chưa từng nghe, đã có ở đó. Tôi thấy cần phải cùng nhau tiến về phía trước, học lại cách cùng ở bên nhau trong một thế giới bị chia cắt. Tính đồng nghị không có nghĩa là sáng tạo ra một thế giới không tồn tại, nhưng là có thể trải nghiệm một chiều kích cần thiết cho Giáo hội, trước hết bằng cách lắng nghe nhau.

Chúng tôi giải thích nó bằng cách xem xét các chương trình làm việc, luôn liên quan đến cùng một vấn đề: thiếu linh mục, chức phó tế cho phụ nữ. Nhưng nếu chúng ta tập trung vào một khía cạnh thì chúng ta không thể tiến về phía trước được nữa. Đức Phanxicô sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì. Tính đồng nghị là cùng nhau tìm cách truyền giáo trong bối cảnh mới.

Cha đã dự chuyến đi của hồng y Zuppi đến Washington với tư cách là đặc phái viên của giáo hoàng về sứ mệnh hòa bình cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Cha thấy việc chào đón ở Nhà Trắng như thế nào? Cha hình dung điều gì cho tương lai với chuyến hồng y Zuppi đi đến Trung Quốc?

Chúng tôi đã ở trong văn phòng tổng thống Joe Biden hai giờ. Đức Phanxicô chấp nhận có rủi ro trong đối thoại. Nó là liều thuốc giải độc cho chiến tranh vì nó là con đường gặp gỡ. Ngài đang nỗ lực tham dự vào một tiến trình hòa bình chưa tồn tại, ngài cử hồng y Zuppi đến Ukraine, đến Matxcova, đến Washington, đến Trung Quốc. Thật đáng kể khi đặc phái viên của giáo hoàng đến Bắc Kinh về chủ đề này khi hai bên còn rất nhiều tranh chấp. Chúng ta không nên chờ quá nhiều, nhưng dù sao cũng nên chờ một cái gì đó. Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh, chúng ta chưa ở cấp độ thương thuyết, chúng ta ở cấp độ cố gắng nói chuyện với nhau.

Tôi đã tham gia các cuộc họp chính trị trong suốt cuộc đời tôi, tôi đã làm việc ở 9 quốc gia, các quốc gia có chế độ độc tài, ở Cuba, ở Mozambique, ở Zimbabwe, ở Uganda, ở Haiti… trong đối thoại, chúng tôi biết rất rõ, chúng tôi không đi để mang về một mảnh nào đó, nhưng dù sao nó cũng hữu ích. Đối với một số người, Giáo hội không đáng tin cậy – đó là trò chơi chính trị – nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tiếp tục làm điều gì đó.

Liệu nền ngoại giao của Tòa Thánh có thể phát triển theo hướng cậy đến giáo dân thường xuyên hơn, dù điều này có nghĩa là mở Học viện Giáo hội cho những nhân vật mới chứ không còn dành riêng cho hàng giáo sĩ không?

Vì sao không. Phải nhìn xem đó là gì. Một sứ thần là gì? Công việc chính của chúng tôi là giúp các giáo hoàng phân định trong việc bổ nhiệm các giám mục. Ở đó có một vai trò khá cụ thể, đây là một trong những lý do vì sao khi là sứ thần, chúng tôi cũng được phong giám mục, để ở trong một thế giới của các giám mục.

Có những lãnh vực trong chính sách ngoại giao của giáo hoàng, như đa phương, chúng ta có thể hình dung một quan sát viên thường trực ở Geneva có thể là một giáo dân. Nhưng trong thế giới của các giám mục, có những điều mà theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta không thể, nếu đó là một giáo dân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Chân dung các tân hồng y cử tri năm 2023