Véronique Lévy, người tình của Chúa Kitô
Paris Match, Caroline Rochmann, 30-3-2015
Xuất thân từ một gia đình Do Thái giáo nhưng không đến nguyện đường, và sau tuổi thanh xuân đầy giao động, em gái của triết gia Bernard-Henri Lévy tìm thấy con đường của mình trong đạo Công giáo.
Paris Match:Theo truyền thống, tên của cô là tên của một trong mười hai chi tộc Israel. Nhưng cô lại quyết định theo đạo công giáo.
Véronique Lévy: Ông cố của tôi là giáo sĩ nhưng cha của tôi là giáo dân, rất thế tục, vì thế tôi không được học đạo. Đức tin của tôi sinh ra từ một trang giấy trắng tinh. Khi tôi lên ba, Chúa Kitô đã đến tìm tôi ở một bãi biển miền Nam nước Pháp, qua sự giới thiệu của Coralie, một cô bé gái, Coralie nói với tôi: “Nếu em không tin ở Chúa Giêsu thì em sẽ bị mấy con rôbô cuốn.” Coralie dạy cho tôi đọc “Kinh Lạy Cha” và “Kinh Kính Mừng”, về nhà tôi giấu cha mẹ để đọc.
Khi còn nhỏ, cô là loại em bé như thế nào?
Rất đơn độc và sợ hãi, nhưng cũng rất dũng cảm, tôi dám ngồi phao một mình đi rất xa bờ! Tôi mê các nơi hoang vắng, các nơi không ai lui tới. Những người vững chải. Hai nỗi ám ảnh của tôi là được yêu và tìm thuốc để chống cái chết.
Tương quan của cô như thế nào với hai anh lớn Bernard-Henri và Philippe?
Hai anh lớn hơn tôi hai mươi tuổi. Anh Philippe bị một tai nạn nặng nên mẹ tôi dành hết thì giờ cho anh. Mẹ tôi là người ít cảm xúc; còn tôi, tôi thiếu tình thương. Tôi rất gần với cha tôi, cha hay bồng tôi ngồi trên đùi và nói với tôi: “Con đừng quên con là công chúa. Con thuộc một dòng họ lâu đời nhất của Do Thái.” Còn tôi, tôi không thấy điều này nói lên gì. Ở trường, các bạn gọi tôi là “Pont-Levis”.
Trong gia đình cô, không ai nhắc đến chiến tranh và các bách hại mà người Do Thái phải gánh chịu sao?
Các anh tôi hay nói đến Cuộc Diệt Chủng người Do Thái, tôi rất bực mình. Tôi muốn đi đến phía có ánh sáng, phía có cuộc sống.
Thời gian trôi qua và cô trở thành một cô gái có quá trình khó khăn…
Ở tuổi vị thành viên, tôi nổi loạn. Ở trường tôi rất bướng bỉnh, tôi uống rượu, tôi đi theo chơi với mấy đứa du côn. Tôi thuộc loại cô gái siêu quyến rũ, tôi không bao giờ hài lòng mình. Tôi ở trong tình trạng nguy hiểm. Để bảo vệ cho chính tôi, cha mẹ gởi tôi vào nội trú.
Và khổ thay, cô không bao giờ tìm được bình an.
Tôi muốn làm y tá nhưng tôi rớt kỳ thi tuyển. Tôi tiếp tục phá phách, tôi sáng chế nữ trang cho Lolita Lempicka, nhưng tôi không thấy thoải mái chút nào. Tôi đi chơi đêm. Tôi qua tay hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, từ căn hộ này đến căn hộ khác. Tôi tìm sự tuyệt đối, tôi tìm cái thái cực. Tôi không vào các quan bar sang trọng, tôi vào các quán tồi tàn, bên cạnh ngục Bastille. Có lần tôi đem cô bạn gái say như chết về nhà cô và đặt cô lên giường ngủ. Tôi cảm thấy hợp với những người này. Giống như thử tôi phải chạm đến đáy rồi mới trồi lên tìm ánh sáng.
“Một ngày nọ, tôi vứt mấy đôi giày cao gót của tôi vào thùng rác và tôi nói: ‘Chúa Giêsu, con làm vậy là vì Chúa!’”
Cho đến một ngày cô có một giấc mộng lạ kỳ…
Tôi bị phủ bằng một khăn đen, tôi bị các ông bao vây ném tôi từ người này qua người kia, tôi bứt ra khỏi vòng vây và chạy đến trước nhà thờ chính tòa. Các cánh cửa mở ra. Tôi nghe nhịp đập của tim rung chuyển cả nhà thờ. Và tôi thấy Chúa Kitô trên thập giá, to lớn vô biên. Các nhịp tim càng mạnh hơn và tôi nghe tiếng nói: “Mong cho quả tim bằng đá của con thành quả tim bằng thịt.” Hai cánh tay của Chúa Kitô vươn ra ôm lấy tôi và từ hai bàn tay bị đâm của ngài thò ra hai lưỡi gươm đâm vào tim tôi. Đó là lần đầu tiên mà Chúa Kitô ngỏ ra với tôi. Tôi vừa bị khiếp sợ vừa thấy mình được tình yêu xâm chiếm. Tôi không bao giờ quên giấc mơ này và đương nhiên, tôi không nói với ai.
Cũng một sự kiện như vậy xảy ra khi đám tang của cha tôi.
Chúng tôi ở nhà quàn vào một buổi sáng trời lạnh ngắt, khi giáo sĩ đọc đoạn Thánh Vịnh 139: “Lạy Chúa (…) Hồn con đây, Chúa biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì (…) Con mới là bào thai, Ngài đã thấy.” Những lời này đã xé bung sương mù bao phủ và bỗng nhiên, một niềm vui bất ngờ và lạ lùng xâm chiếm tôi trong nhà quàn này.
Lúc nào thì cô quyết định trở lại?
Khi mẹ tôi chết vì ung thư ở bệnh viện, tôi tự nhủ, tôi phải trở lại để ngày tôi chết có khuôn mặt của linh mục cúi xuống trên tôi. Nhưng thật ra việc tôi trở lại là nhờ Indar, người yêu cuối cùng của tôi. Tôi gặp anh trong một hộp đêm. Đó là một người đàn ông tuyệt vời, có khuôn mặt như bức tượng. Và đây là lần đầu tiên tôi yêu một cách điên cuồng và tuyệt đối như vậy. Cũng giống như tôi, anh đang đi tìm một con đường thiêng liêng và anh khát khao điều tuyệt đối. Cũng giống như tôi, anh đi du lịch rất nhiều. Qua anh, Chúa Kitô đã gọi để tôi mở lòng ra.
Nhờ Indar mà cô biết được nhà thờ Saint-Gervais-Saint-Protais…
Đó là một cộng đoàn nhà tu ở ngay trung tâm Paris do linh mục Pierre-Marie Delfieux điều khiển, sau đó cha là cha linh hướng của tôi. Một nữ tu hỏi tôi đã rửa tội chưa. Tôi nói: “Không, nhưng tôi muốn lắm.” Và rồi một ngày, Indar bỏ tôi. Tôi suy sụp hoàn toàn. Mỗi sáng tôi đi lễ lúc 7 giờ. Tôi núp đàng sau các tu sĩ để đỡ cảm thấy đau đớn.
“Với Chúa Giêsu, người ta không bao giờ già. Người ta đi tới.”
Ở chừng mực nào mà Giáo hội đã biến đổi cô?
Trong nhiều năm, tôi sống với những chiếc mặt nạ, khi thì người đàn bà làm đàn ông say đắm, khi thì người đàn bà-trẻ con. Và cuối cùng thì tôi là người đàn bà thật, tôi không cần trang điểm, tôi không cần giả bộ. Giống như rất nhiều người đàn bà khác, tôi mặc những chiếc áo bó sát hấp dẫn, tôi sợ mình không được yêu. Bây giờ tôi biết, tôi có thể đi tới với khuôn mặt trần.
Cô có nói dự định của cô cho gia đình biết không?
Khi tôi báo cho anh Bernard-Henri biết là tôi sẽ trở lại đạo, anh tưởng tôi điên. Anh nói: “Chỉ là chuyện ngông cuồng nhất thời. Anh tin chắc là em sẽ đi qua và em sẽ về lại với Do Thái giáo.” Tôi trả lời: “Em về lại Do Thái giáo vì em là người Công giáo.” Tín hữu Kitô là người Do Thái trọn vẹn và trung thành. Tuy vậy anh tôi cũng đến dự lễ rửa tội và dự đêm canh thức Phục Sinh.
Tương quan của hai anh em như thế nào?
Khi còn tuổi vị thành niên tôi rất thương anh nhưng tôi hay chống anh. Tôi thích anh tỏ ra mong manh hơn vì tôi biết anh siêu nhạy cảm. Tôi thích hình ảnh của anh trong chốn thân tình hơn là hình ảnh của anh ngoài công chúng. Anh vẫn là người anh của lòng tôi nhưng bây giờ anh chị em máu mủ của tôi là anh chị em trong Giáo hội vì chúng tôi cùng có một giòng máu trong người, đó là giòng máu Chúa Kitô.
Khi nào thì cô trở lại?
Tôi được rửa tội ngày 7 tháng 4 năm 2012, đó là ngày đẹp nhất đời tôi. Tôi sống ngày này vừa như ngày đám cưới vừa như ngày tái sinh vì ngày hôm đó, tôi được nhập vào gia đình của Chúa. Tôi tìm được một gia đình thật trong Giáo hội. Tôi không còn lo gì. Bình thường, tôi sợ xanh mặt khi đi máy bay nhưng tôi đã đi Đất Thánh như chuyến đi của tuần trăng mật.
Điều gì cô đã thay đổi từ ngày cô được rửa tội?
Tôi không còn đi chơi đêm, tôi ngưng uống rượu, tôi vứt các đôi giày cao gót, vứt các đôi vớ bó chân, vứt những chiếc áo bó sát, tôi nói: “Chúa Giêsu, con làm tất cả những việc này vì Chúa.”
Cô còn chứng kiến sự kiện nào mà cô xem như phép lạ không?
Năm 2013, anh Philippe rơi từ cửa sổ tầng sáu xuống. Ở bệnh viện bác sĩ bó tay. Anh Bernard-Henri làm tôi ngạc nhiên khi tôi thấy anh đang đọc Phúc Âm Thánh Gioan bên giường anh Philippe. Anh nói với tôi: “Nhưng em sẽ điên! Anh Philippe đang ở trên giường chết.” Tôi trả lời: “Không, anh đang ở trên giường sống. Anh sẽ sống.” Lúc đó anh Bernard-Henri kêu tôi: “Vậy thì cầu nguyện đi. Nhưng cầu nguyện trong thinh lặng.” Và anh Philippe được cứu sống.
Và chính lúc đó là lúc cô muốn viết quyển sách “Chỉ cho con biết gương mặt của Chúa” (Montre-moi ton visage”, éd. du Cerf) phải không?
Sau cái chết của linh mục Pierre-Marie, cha linh hướng của tôi, sau tai nạn của anh Philippe, tôi đến nhà thờ Đức Bà Chiến Thắng (Notre-Dame-des-Victoires) ở Paris như đến nơi trú ẩn bên Đức Mẹ. Mẹ Maria đưa tôi đến Thánh Thể ở cuối tận nhà thờ. Và ở đó tôi bắt đầu viết trên tập vở. Tôi thấy trọn cuộc đời tôi như trải ra. Tôi viết quyển sách này để nhớ tất cả những giây phút này, những giây phút mà Chúa Giêsu đến với tôi.
Cô có thể còn yêu một người đàn ông nào nữa không?
Không, vì tôi đã lập gia đình với Thiên Chúa. Nếu tôi phải chia sẻ đời sống với một người đàn ông, thì đó là tương quan của một tình bạn, tình huynh đệ. Tôi đã yêu các ông. Tôi điệu đàng và quyến rũ nhưng bây giờ con người tôi thuộc về Chúa. Tôi sống một tình yêu điên cuồng với Ngài. Chúa Kitô không cần biết mình mập hay ốm. Với Chúa Giêsu, người ta không bao giờ già. Người ta đi tới.
Cô có nghĩ cô sẽ có cuộc sống hoàn toàn chiêm niệm, giống như các nữ tu Dòng Kín chẳng hạn?
Tôi vẫn hay nghĩ đến. Tôi vâng theo ý Chúa. Thánh Jeanne d’Arc đã nói: “Thiên Chúa vạch đường cho tôi.” Tôi nhận câu này làm câu của tôi.
Marta An Nguyễn chuyển dịch