Một giáo hoàng ngày nay là để làm gì? Phân tích của sử gia Christophe Dickès

104

Một giáo hoàng ngày nay là để làm gì? Phân tích của sử gia Christophe Dickès

lepelerin.com, Pierre Wolf-Mandroux, 2025-05-07

Các giáo hoàng của thế kỷ 20 và 21 có những điểm gì khác biệt so với các vị tiền nhiệm của các ngài trong lịch sử Giáo hội?

Trước năm 1870, Giáo hoàng vừa là nhà lãnh đạo Giáo hội, vừa là người đứng đầu các Quốc gia Giáo hoàng, giữ vai trò như các hoàng tử. Nhưng từ năm 1870, các ngài mất các vùng lãnh thổ này ngoài mong muốn của các ngài. Với tinh thần thực dụng và vì là Giáo hoàng thiên về đời sống thiêng liêng hơn là chính trị, Giáo hoàng Piô X (1903–1914) là người đầu tiên thừa nhận cần phải quên các “quốc gia” này.

Ở Paris các ngài bị đánh giá thấp vì lên án chủ nghĩa hiện đại, nhưng Đức Piô X là người đã đưa Giáo hoàng vào thế kỷ 20. Ngài là người cải cách luật Giáo hội, điều này thực sự hiện đại! Trước đó, trong Giáo hội tồn tại nhiều hệ thống luật riêng biệt. Giáo hoàng Piô X đã làm với luật Giáo hội những gì Napoleon đã làm với Bộ luật Dân sự. Nghịch lý thay, chính việc mất quyền lực thế tục đã giúp các ngài nhanh chóng lấy lại vị thế quan trọng trên trường quốc tế.

Vì lý do gì ?

Trong Thông điệp Tin Mừng và trong tinh thần giảng dạy đạo đức của Thánh Tôma, đầu thế kỷ 20, Giáo hoàng Lêô XIII (1978-1903) bắt đầu đề xuất “vai trò trung gian”, có nghĩa Giáo hoàng đóng vai trò trọng tài và hòa giải trong các xung đột. Mọi người sẵn lòng tìm đến Giáo hoàng vì ngài không còn lợi ích riêng như trước năm 1870.

Nhờ vậy, Giáo hoàng đã lấy lại được vị thế trên trường quốc tế suốt thế kỷ 20, vị thế mà các ngài đã mất từ Hiệp ước Westphalia năm 1648. Hiệp ước này phân chia lại biên giới châu Âu mà không có sự tham gia của Giáo hoàng. Với Giáo hoàng Lêô XIII, Giáo hoàng bắt đầu mở các tòa khâm sứ trên toàn thế giới. Các ngài tiếp tục hoạt động ngoại giao này suốt thế kỷ 20, đặc biệt dưới triều của Đức Phaolô VI và với Đức Gioan-Phaolô II cho đến ngày nay.

Liệu giáo hoàng có phải là hình ảnh gần gũi của dân chúng không?

Đúng vậy, mọi chuyện bắt đầu từ khi các lãnh thổ của Giáo hoàng bị mất. Từ đó, các ngài sống như “tù nhân” trong Vatican cho đến năm 1929. Chính hoàn cảnh này đã khơi dậy lòng trắc ẩn nơi tín hữu công giáo, họ cùng chia sẻ nỗi đau này.

“Trong suốt lịch sử Giáo hoàng, chưa bao giờ Giáo hoàng lại dễ tiếp cận với nhiều người như vậy.” –  Christophe Dickès

Giáo hoàng Phanxicô khác với các vị tiền nhiệm khi ngài giảm tính trung tâm hóa của Giáo hội. Ngài tìm cách trao quyền cho các giám mục địa phương. Việc trao quyền cho các giám mục là trọng tâm trong phản ứng của ngài với các vụ bê bối lạm dụng tình dục nghiêm trọng gần đây.

Tuy nhiên, thần học Giáo hội nhắc nhở từ xưa đến nay, Giáo hoàng có trách nhiệm phân xử các xung đột ý thức hệ trong Giáo hội. Năm 451, trong Công đồng Chalcedon, Giáo hoàng Lêô Cả đã phân xử một xung đột chia rẽ Đế quốc Đông phương. Lúc đó giáo dân đã nói: “Phêrô đã nói qua miệng của Lêô.” Vì vậy, từ hàng thế kỷ nay, Rôma đóng vai trò trọng tài trong các xung đột: Giáo hoàng trở thành cơ quan phúc thẩm.

Liệu phương tiện truyền thông hiện đại có giúp thay đổi nhận thức của chúng ta về giáo hoàng không?

Chắc chắn. Sự phát triển của truyền thông đại chúng từ sau Thế chiến thứ hai đã giúp mọi người tiếp cận ngay lập tức với lời nói và hình ảnh của Giáo hoàng: báo chí, truyền thanh, truyền hình, điện thoại thông minh… Trong suốt lịch sử Giáo hoàng, chưa bao giờ quần chúng lại dễ tiếp cận với Giáo hoàng như vậy. Chỉ vài cú nhập chuột, chúng ta có thể xem buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài trên mạng.

Về hình thức, Đức Phanxicô đã đổi mới so với các tiền nhiệm bằng sự tự nhiên của ngài. Ngài giao tiếp rất dễ dàng, đôi khi không cẩn thận, trong mong muốn xây dựng cầu nối giữa con người với nhau. Tuy nhiên, một số phát ngôn của ngài chưa được giải thích đầy đủ, bị các nhà báo xuyên tạc hoặc cắt xén.

Từ sau Giáo hoàng Gioan Phaolô II, các Giáo hoàng có phải là những người đi đây đi đó rất nhiều không?

Có và không. Giáo hoàng đầu tiên du hành chính là Thánh Phêrô, ngài đã đi bộ đến Rôma và đi thuyền đến Galilê! Vì mục đích chủ yếu là mục vụ, các Giáo hoàng luôn di chuyển. Năm 1095, Giáo hoàng Urbanô II đã đi giảng thập tự chinh từ Rôma đến Clermont, nước Pháp. Sau đó, một số Giáo hoàng đã sống ở Avignon vào thế kỷ 14… Điều thay đổi không phải các ngài mong muốn đi tông du, nhưng là tiến bộ kỹ thuật.

Ngày nay, một Giáo hoàng có thể đi tận cùng thế giới trong vài giờ. Đức Phaolô VI (1963-1978) là người đầu tiên đi cả năm châu lục. Đức Bênêđíctô XVI đã đi nhiều hơn Đức Gioan-Phaolô II ở cùng độ tuổi. Đức Phanxicô thì ngược lại, ngài chủ yếu đến thăm các vùng ngoại vi của thế giới phương Tây. Ngài nghĩ tương lai của công giáo chủ yếu nằm ở các quốc gia đang phát triển. Ngài cũng rất chú ý đến mối quan hệ Bắc-Nam.

Giáo hoàng có giữ lại đặc quyền về mặt thế tục không?

Bây giờ quyền lực thế tục của Giáo hoàng chỉ còn lại ở 44 hecta của Vatican. Khi Tổng thống Pháp đến thăm Đức Phanxicô ngày 26 tháng 6 năm 2018, ông không đến gặp “vua của Vatican”, ông đến gặp người đứng đầu Giáo hội hoàn vũ. Ngày nay, vai trò hàng đầu của Tòa Thánh là bảo vệ tín hữu kitô ở bất cứ nơi nào họ đang sống. Chính vì lý do đó, Đức Phanxicô đã muốn đàm phán với Trung Quốc.

Ngài mong người công giáo ở Trung Quốc có thể xây nhà thờ, mở trường học… Bên cạnh đó, ngài tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải. Tòa Thánh cũng đã góp phần vào tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ. Năm 1978, Giáo hoàng đã mất nhiều năm để đàm phán nhằm tránh một cuộc chiến giữa Chi-lê và Argentina.

Cuối cùng, Giáo hoàng có sứ mạng trở thành tiếng nói trong các cuộc tranh luận lớn về xã hội hiện nay, như hôn nhân đồng giới hay các vấn đề đạo đức sinh học. Thông thường, sức mạnh của một quốc gia được đo bằng quân đội. Còn Giáo hoàng, ngài chỉ có một điều để đo: lời nói. Đôi khi người ta lắng nghe ngài, đôi khi không.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Đức Lêô XIV và Giáo hội: “men nhỏ” của hiệp nhất và tình yêu

Hai trăm ngàn người tham dự thánh lễ nhậm chức của Đức Lêô