Đức Lêô XIV, “giáo hoàng toán học” nói lên sự thống nhất của đức tin và lý trí

133

Đức Lêô XIV, “giáo hoàng toán học” nói lên sự thống nhất của đức tin và lý trí

fr.aleteia.org, Theresa Civantos Barber, 2025-05-15

Là giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử có bằng cử nhân toán học, sự nghiệp học thuật của Đức Lêô cho thấy sự thống nhất giữa đức tin và lý trí. Ngài nhắc chúng ta việc xem khoa học thù nghịch với tôn giáo không phải quan điểm công giáo.

Có một chi tiết về “lý lịch” của Đức Lêô XIV mà nhiều nhà quan sát không để ý, nhưng đây là một trong những phát hiện có giá trị nhất. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử có bằng toán học. Sau khi học xong trung học ở tiểu chủng viện Dòng Âugustinô, ngài học toán học ở Đại học Công giáo Villanova, Pennsylvania năm 1977. Đây không phải là một thành tích nhỏ trong một thế giới hay chế giễu người có đạo là những người phản khoa học. Sự nghiệp học vấn của Đức Lêô là bằng chứng mạnh mẽ: quan niệm cho rằng khoa học và tôn giáo nghịch nhau không phải là quan niệm công giáo.

Với người Công giáo, đức tin và lý trí không nghịch nhau, nhưng là đồng minh gắn bó chặt chẽ trong hành trình đi tìm chân lý. Năm 1998 Đức Gioan Phaolô II đã viết Thông điệp Đức tin và Lý trí (Fides et Ratio): “Đức tin và lý trí giống như đôi cánh giúp tinh thần con người bay cao để chiêm nghiệm chân lý. Chính Thiên Chúa đã đặt vào trái tim con người khát khao biết chân lý và cuối cùng là biết chính mình để khi biết Ngài và yêu Ngài, con người có thể có được chân lý trọn vẹn về chính mình.”

Mối liên hệ giữa đức tin và lý trí

Giáo lý cốt lõi của đức tin công giáo nhấn mạnh khoa học và thần học không thể xung đột nhau. Sách Giáo lý Công giáo nêu rõ điều này khi đề cập đến đức tin và trí thông minh, cụ thể là quan hệ giữa đức tin và khoa học: “Dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ có bất đồng thực sự giữa đức tin và lý trí. Một Thiên Chúa, Đấng mặc khải các mầu nhiệm và truyền đức tin, đã mang ánh sáng của lý trí đến tâm trí con người, Thiên Chúa không bao giờ có thể phủ nhận chính mình và chân lý không bao giờ mâu thuẫn với chân lý” (Công đồng Vatican I: DS 3017). “Vì vậy, nghiên cứu có phương pháp trong mọi lãnh vực kiến thức, nếu được tiến hành theo cách thực sự khoa học và tuân theo các chuẩn mực luân lý, khoa học sẽ không bao giờ trái ngược với đức tin: thực tại thế tục và thực tại đức tin đều bắt nguồn từ cùng một Thiên Chúa. Hơn nữa, ai kiên trì và khiêm nhường cố gắng hiểu bí ẩn của sự vật, thì dù họ không ý thức được điều này, họ cũng được bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt, Ngài nâng đỡ mọi hữu thể và làm cho con người thật với chính mình” (GS 36, § 2).

Người công giáo nhìn thấy sự thống nhất giữa đức tin và lý trí trong lịch sử lâu dài và vững chắc của các nhân vật đã đóng góp cho khoa học và toán học. Vì thế Linh mục Georges Lemaỵtre đã là nhà cách mạng khi lần đầu tiên ngài đề xuất thuyết Vụ nổ lớn. Gregor Mendel, Dòng Thánh Augustinô  không chỉ nghiên cứu di truyền học mà còn đặt nền móng cho khoa này. Trong suốt lịch sử, người công giáo xem khoa học là cách để hiểu về sự sáng tạo của Chúa. Ngày nay Đức Lêô nhắc lại sự hiệp nhất này.

Phản ứng của các nhà toán học

Chắc chắn Đức Lêô không phải là Giáo hoàng đầu tiên có “tư duy khoa học”. Đức Phanxicô có bằng cử nhân hóa học, các Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài rất tôn trọng khoa học: Đức Gioan-Phaolô II với thông điệp Đức tin và Lý trí. Nhưng hành trình toán học của Đức Lêô mang đến điều gì đó mới mẻ. Trả lời phỏng vấn của trang Aleteia, Tiến sĩ Vladimir Piterbarg, người đứng đầu bộ phận phân tích định lượng tại ngân hàng đầu tư NatWest Markets cho rằng: “Trong một thế giới thường xuyên vạch ra ranh giới sai lầm giữa đức tin và lý trí, hành trình của Đức Lêô XIV là minh chứng mạnh mẽ cho sự hòa hợp của đức tin và lý trí. Cũng giống như khoa học gia Isaac Newton, ông xem việc điều tra khoa học của ông là cách để hiểu rõ hơn về sự sáng tạo của Chúa, và triết gia Blaise Pascal đã dùng cả lý trí và thần nghiệm để khám phá chân lý thiêng liêng, Đức Lêô nhắc chúng ta ngôn ngữ của các con số và sự huyền bí của đức tin không xung đột nhau, cả hai đều đưa chúng ta đến cùng một chân lý siêu việt: thứ trật, vẻ đẹp và tình yêu ở trung tâm vũ trụ của Chúa. Đức Lêô sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ tín hữu không sợ đi tìm Chúa với cả tâm hồn và tinh thần.”

Cũng vậy với nhà toán học tài chính người Mỹ Mark Bauer, ông phấn khích về tiến trình toán học của Đức Lêô có thể ảnh hưởng đến triều của ngài: “Toán học nghiên cứu cách vũ trụ thực sự hoạt động. Đó là ngành học bắt nguồn từ lý trí, được xây dựng trên tiêu chuẩn của thẩm mỹ, trật tự và cả trong những gì trừu tượng nhất. Sự hiểu biết của Đức Lêô về vẻ đẹp và tính đối xứng toán học có thể làm sâu sắc thêm trong sự trân trọng của ngài với trật tự thiêng liêng trong sáng tạo. Không quá khó để nghĩ rằng điều này sẽ giúp ngài nhìn thấy và chăm sóc tâm hồn của mỗi cá nhân được tạo ra một cách tuyệt đẹp theo hình ảnh của Chúa. Quan điểm này truyền cảm hứng để chúng ta nhận ra những người bị bỏ qua, bị lãng quên và trân trọng mọi con người vì họ là phản ánh của vẻ đẹp thiêng liêng.”

Một Chủ chăn có đầu óc toán học

Toán học dạy sự chính xác của tư duy, vẻ đẹp của cấu trúc logic và khiêm nhường trước sự phức tạp to lớn của thực tế. Có quá nhiều phẩm chất hữu ích cho người chăn dắt tâm hồn như Đức Lêô. Với năng khiếu toán học, một tài sản thực sự trong thế giới bị chia rẽ giữa chủ nghĩa duy vật khoa học và chủ nghĩa chính thống tôn giáo, Đức Lêô là hình ảnh của một chân lý thống nhất, nơi đức tin và lý trí làm phong phú cho nhau. Chúng ta hy vọng và cầu nguyện để “giáo hoàng toán học” đầu tiên trong lịch sử sẽ chữa lành sự chia rẽ này của nhân loại.

Marta An Nguyễn dịch

Hồng y Tagke: “Đức Lêô XIV là mục tử lãnh đạo bằng cách lắng nghe mọi người”

Huấn luyện viên Valerio Masella kể về việc tập thể dục thể thao cho Đức Lêô

Xin cho tôi biết Giáo hoàng Lêô nào ám ảnh bạn, tôi sẽ cho bạn biết bạn là Giáo hoàng nào!

Bài giảng đầu tiên của Đức Lêô XIV

Phụng vụ mới được Đức Lêô mong muốn cho lễ khai mạc triều của ngài

Tham nhũng, thiếu minh bạch, biển thủ: Thách thức của Đức Lêô về tình trạng tài chính của Vatican