Các linh mục giáo phận Blois đứng trước thách thức sống cô đơn một mình
la-croix.com, Youna Rivallain, 2024-12-01
Ngày chúa nhật 1 tháng 12, Giám mục Francis Bestion được bổ nhiệm ở giáo phận Blois để kế vị Giám mục Jean-Pierre Batut. Qua việc bổ nhiệm này, nhật báo La Croix xem lại vấn đề để giúp các linh mục sống một mình, một vấn đề lớn của Giáo hội Pháp ngày nay.
Nhà thờ Saint-Louis, giáo phận Blois có khoảng 60 linh mục cho một khu vực tương đương với diện tích sáu mươi lần Paris. GILLES TARGAT / Photo12 via AFP
Khi còn làm mục vụ ở giáo phận Yopougon (Bờ Biển Ngà) quê hương của linh mục Yves Magloire Olloué, cha đã biết tình trạng này khi nghe các anh em linh mục trở về sau chuyến đi truyền giáo ở giáo phận Blois: “Họ nói ở đó họ sống một mình trong những ngôi nhà rất lớn, thật khó khăn để sống một mình như vậy. Tôi rất sợ. Ở Bờ Biển Ngà, chúng tôi luôn sống với ba hoặc bốn linh mục. Vì vậy khi năm 2021, giám mục đề nghị tôi đi Loir-et-Cher, tôi xin một điều kiện: không sống một mình.”
Khi được bổ nhiệm làm một trong các linh mục của nhóm mục vụ Lamotte-Beuvron và Salbris ở Sologne, lúc đầu cha dự định sống ở nhà xứ Salbris, cách Lamotte 20 cây số cùng với Cha Marc Ekressin, người cùng giáo phận Bờ Biển Ngà. Nhưng sau đó cha cho biết: “Thực tế lại khác. Chúng tôi sợ nếu chúng tôi sống với nhau ở một nơi, giáo dân của giáo xứ kia sẽ không biết linh mục của họ ở đâu, họ sẽ bỏ nhà thờ.” Cuối cùng hai linh mục quyết định mỗi người sống ở nhà xứ của mình. Cha Ekressin nói: “Đúng là khó chấp nhận để sống một mình trong một ngôi nhà lớn. Tôi sợ. Ở Châu Phi, chúng tôi phải mời giáo dân về để được nghỉ ngơi!”
Trong giáo phận Blois, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, đa số các linh mục sống một mình trong nhà xứ. Giám mục Francis Bestion sẽ về đây ngày 1 tháng 12, và đó là vấn đề ưu tiên ngài phải giải quyết, ngài dự định dành một ngày cuối tuần để thăm một nhà xứ, gặp từng linh mục và các cộng đồng giáo xứ.
Cô đơn nhưng không cô lập
Linh mục Paul Boulle, giáo xứ Mondoubleau và Droué ở phía bắc giáo phận đang sốt ruột chờ Giám mục Bestion. Linh mục rất tự hào về nhà xứ của mình, trang hoàng đẹp đẽ và vừa được sửa lại mười năm nay. Cách đây chín năm, linh mục về thị trấn nhỏ này, đây là lần đầu tiên linh mục sống một mình. Linh mục cho biết: “Bạn có thể đơn độc nhưng không bị cô lập. Chúng ta có thể sống trong một cộng đồng và cảm thấy rất cô đơn.” Linh mục phải khéo léo dàn xếp với lời mời ăn tối của giáo dân, với các cuộc gặp buổi tối và thời gian ở một mình “để thở”. Linh mục đã quen với tình trạng cô đơn và không bận tâm đến chuyện này: “Là linh mục, đó là một phần trong lựa chọn cuộc sống của chúng tôi.”
Một trong những ưu tiên của tân giám mục Francis Bestion, giáo phận Blois là giúp các linh mục đang sống trong tình trạng cô đơn. / Giáo phận Tulle
Các linh mục có nhiều cách để qua thì giờ buổi tối. Linh mục Marc Ekressin giúp cháu gái 10 tuổi, ở Abidjan, Bờ Biển Ngà làm bài qua video. Linh mục Olloué ở giáo xứ Salbris thì các buổi tối có các trận bóng đá ở Bờ Biển Ngà, cha gọi điện thoại cho các bạn ở Lamotte-Beuvron để bình luận về sự kiện thể thao này. Cha Nicolas Pelat, giáo xứ Romorantin có cách của cha: làm thạch cao và chia cuộc sống giữa căn nhà riêng nơi cha có xưởng làm việc và nhà xứ, nơi cha có hai cha sở trẻ phụ giúp.
Tác hại của tình trạng cô đơn
Nhưng tình trạng cô đơn đôi khi ăn sâu và có những hậu quả tai hại. Tại viện dưỡng lão Charles-de-Blois, nơi có khoảng 15 linh mục, các nữ tu, các người thánh hiến sống, các nhân viên thấy các làm lâm vào tình trạng tiêu cực. Ông Thomas Guinamard, giám đốc nhà hưu dưỡng giải thích: “Một số linh mục lớn tuổi tự giam mình trong tình trạng cô độc. Sau nhiều năm sống một mình, các linh mục về đây, họ sống với cộng đoàn, họ bị mất thói quen.” Sống chung đôi khi đặt ra vấn đề về một số thói quen. Bà Marie Vimeux, y tá giải thích: “Đột nhiên, có người chăm sóc những gì mình ăn uống. Với một số người, đó cũng là vấn đề.”
Hầu hết các linh mục không nói ra những khó khăn của tình trạng cô đơn. Quá riêng tư. Linh mục Nicolas Petit giải thích: “Dù sao chúng tôi cũng không thảo luận vấn đề này với nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi mời nhau đi ăn tối, nhưng không can dự vào đời sống của nhau.”
Một giáo xứ đủ các vấn đề
Vấn đề hỗ trợ các linh mục trong giáo phận có các nhà xứ bị phân mảnh, cả về mặt địa lý và về mặt nhạy cảm: trong số sáu mươi linh mục, có khoảng ba mươi linh mục giáo phận, chín linh mục Fidei Donum (“từ nơi khác”), một số linh mục của Huynh đoàn Thomas-Becket, của cộng đồng Các Mối Phúc Thật và 12 linh mục của Cộng đồng Thánh Máctinô (có chủng viện nằm trong giáo phận từ năm 1993 đến năm 2014).
Hơn nữa, khi cựu giám mục rời đi vào tháng 6 năm 2023, linh mục Didier-Marie de Lovinfosse thuộc cộng đoàn Thánh Máctinô được các linh mục khác bầu làm quản trị viên, cha chú ý đến tình trạng các linh mục sống cô độc: “Vì tôi đã sống trong cộng đồng nên tôi đặc biệt nhạy cảm với vấn đề cô lập của một số linh mục.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch