Hồng y Bustillo: “Có sự ngưỡng mộ” giữa Tổng thống Macron và Đức Phanxicô

45

Hồng y Bustillo: “Có sự ngưỡng mộ” giữa Tổng thống Macron và Đức Phanxicô

Đức Phanxicô tiếp Tổng thống Emmanuel Macron ngày 26 tháng 11-2021

cath.ch, I.Media, 2024-12-01

Ngày 15 tháng 12, Hồng y François-Xavier Bustillo, Giám mục Ajaccio sẽ đón Đức Phanxicô tại giáo phận Ajaccio của ngài. Hai tuần trước sự kiện lịch sử, Hồng y nói về ý nghĩa chuyến đi và quan hệ của ngài với Đức Phanxicô. Ngài nhấn mạnh không có mâu thuẫn giữa chuyến đi này với việc mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà Paris diễn ra trước đó một tuần nhưng Đức Phanxicô không đến dự.

Đức Phanxicô sẽ đến Ajaccio ngày 15 tháng 12, đây là chuyến đi đầu tiên của một giáo hoàng đến Corsica. Vì sao ngài muốn dự Hội nghị về lòng mộ đạo bình dân ở Địa Trung Hải do Hồng y tổ chức?

Hồng y François-Xavier Bustillo: Đức Phanxicô rất nhạy cảm với chiều kích bình dân, với sự gần gũi của Giáo hội với lòng mộ đạo truyền thống. Việc nhấn mạnh Hội nghị này gắn liền với tầm nhìn và linh đạo của Giáo hội qua trái tim và cử chỉ chứ không qua trí tuệ. Cũng cần lưu ý về sự gần gũi địa lý, Corsica cách Rôma 300 cây số đường chim bay. Trước đây, các Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô đã đến Sardinia, Sicily, Malta, Cyprus… nhưng chưa bao giờ có Giáo hoàng nào đến Corsica. Corsica nằm ở trung tâm Địa Trung Hải nhưng lại là vùng ngoại vi: ngoại vi vì chúng tôi chỉ có 350.000 người dân, ít hơn nhiều so với các đô thị lớn. Và ngài lưu tâm đến hai chiều kích: ngoại vi và Địa Trung Hải.

Đức Phanxicô có biết về lòng mộ đạo bình dân ở Corsica không, chẳng hạn về Đức Mẹ Madunnuccia (Đức Mẹ của Lòng thương xót), bổn mạng của Corsica mà ngài sẽ thăm trong chuyến đi không?

Trong quá khứ tôi đã gặp ngài và chúng tôi đã nói chuyện này. Giống như mọi giám mục, tôi nói cho ngài nghe công việc mục vụ của tôi, tôi chia sẻ kinh nghiệm và kể cho ngài nghe các truyền thống ở đây để ngài hiểu mục vụ địa phương và có cái nhìn nhìn rộng và đầy đủ về những gì xảy ra ở một số nơi, trong trường hợp của tôi là ở Địa Trung Hải.

“Tôi vẫn cảm thấy mình như một người mới và sau một năm, tôi vẫn còn phải học hỏi”

Hồng y François Bustillo, Tổng Giám mục Ajaccio sẽ đón Đức Phanxicô đến Corsica | © I. de Carvalho/IMEDIA

Ngài biết lịch sử Đức Mẹ Madunnuccia vì chúng tôi được Tổng giám mục Edgar Pena Parra, phụ tá Quốc vụ khanh đến dự lễ bổn mạng của Ajaccio vào tháng ba, ngài đã thấy đám rước long trọng và giáo dân sốt sắng trong lễ hội này. Hàng năm người dân đảo kỷ niệm lịch sử của thành phố, cùng nhau chia sẻ những giây bên nhau. Tổng giám mục Parra đã có thể nói chuyện với Đức Phanxicô và kể cho ngài nghe những truyền thống tốt đẹp này, giáo dân đi kiệu đơn giản, vui vẻ, an bình, vinh danh tinh thần mộ đạo ở nơi công cộng.

Hồng y đã làm hồng y được một năm, cha nghĩ gì về sứ mệnh Đức Phanxicô giao phó?

Tôi vẫn cảm thấy mình như một người mới và sau một năm, tôi vẫn còn phải học hỏi. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là phải nêu bật khía cạnh địa phương và chiều kích phổ quát ơn gọi của tôi. Kể từ khi làm hồng y, tôi thường được mời đến các giáo phận ở Pháp, đi đây đi đó để tổ chức hội nghị, cử hành thánh lễ. Và cả ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn luôn là Giám mục của Corsica.

“Có một sự phát triển cực kỳ tích cực trong quan điểm phục vụ tất cả các Giáo hội”

Là hồng y là phải về Rôma thường xuyên. Cha chận thấy hoạt động của Giáo triều Rôma như thế nào và Đức Phanxicô gần đây đã cải cách để phục vụ Giáo hội có được tốt hơn không?

Giáo triều Rôma là cơ quan đặc biệt phục vụ các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Mỗi lần đi Rôma, tôi gặp các cơ quan, gặp những người có trách nhiệm. Thật tốt đẹp khi có những người luôn phục vụ Giáo hội. Tôi xin họ lời khuyên và xin được hướng dẫn. Tôi thấy có một sự phát triển cực kỳ tích cực trong quan điểm phục vụ các Giáo hội. Tôi được đón nhận, được khuyên bảo, đó là mong muốn của Đức Phanxicô, ngài muốn một Giáo triều sẵn sàng hơn, phục vụ nhiều hơn cho các Giáo hội địa phương.

Cha đã có dịp gặp Đức Phanxicô nhiều lần, điều gì ở ngài làm cha ấn tượng nhất?

Đó là sự tự do cao lớn của ngài. Điều này rất quan trọng, vì trong một thế giới mà chúng ta thường tính toán, dự định, đo lường những gì chúng ta nói, vì sao chúng ta nói, chúng ta nói như thế nào và với ai. Ngài hoàn toàn tự do. Ngài tự do vì ngài được sứ mệnh của ngài thúc đẩy. Đó là một trong những khía cạnh nhân cách của ngài mà tôi ngưỡng mộ nhất.

“Trong Giáo hội Công giáo, chúng tôi không phải là một giáo phái”

Một số giáo dân ở Corsica, ở Pháp hay ở những nơi khác trên thế giới đôi khi khó hiểu huấn quyền của Giáo hoàng. Cha đón nhận những chỉ trích này như thế nào?

Trong Giáo hội Công giáo, chúng tôi không phải là một giáo phái, chúng tôi không phải là những bản sao và giáo hoàng không có nhiệm vụ thuyết phục lương tâm và suy nghĩ. Khi ngài lên tiếng là ngài đi tìm sự tốt lành và hiệp nhất cho Giáo hội. Và khi ngài nói với một tỷ người Công giáo, có thể có người đồng ý, có người không đồng ý, chúng ta vẫn có tự do. Nhưng nếu chúng ta có thể thảo luận về giáo huấn của ngài thì điều quan trọng đầu tiên là phải đón nhận nó.

Vấn đề xảy ra khi chúng ta gieo nhầm lẫn và chia rẽ. Phúc âm rất rõ ràng: một vương quốc bị chia cắt sẽ phải diệt vong. Việc chúng ta có những ý tưởng khác nhau là chuyện bình thường, chúng ta có thể tự đặt câu hỏi cho mình. Nhưng phản đối có hệ thống với huấn quyền của Giáo hoàng là một điều gì đó nguy hiểm. Chúng ta nói đến giáo hội học, nghĩa là thừa tác vụ hiệp nhất của giáo hoàng. Vì thế khi phê bình, chúng ta phải cảnh giác. Không phải sợ hãi nhưng cảnh giác.

Chuyến đi Corsica của Đức Phanxicô cũng là dịp ngài gặp Tổng thống Emmanuel Macron. Cha đã gặp Tổng thống năm vừa qua, ngay trước hội nghị. Cha mô tả thế nào về mối quan hệ hiện tại của Giáo hội Công giáo với Tổng thống Pháp?

Tôi thấy đây là mối quan hệ tin cậy. Nhân chuyến đi của Đức Phanxicô, tôi đã liên lạc với Tổng thống Emmanuel Macron, với các quan chức chính phủ, với chính quyền địa phương Corsica, với quận, với tòa thị chính Ajaccio. Mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các cơ quan, đặc biệt là các cơ quan tổ chức và an ninh. Tinh thần giúp đỡ của họ rất cao và cuộc trao đổi diễn ra trong bầu khí thân mật. Ngay từ đầu, tôi cảm thấy không có trở ngại lớn nào trong việc tổ chức chuyến đi này.

“Việc mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà và chuyến đi Corsica là hai sự kiện của cả nước”

Trên một số phương tiện truyền thông, đặc biệt ở Ý, một số người phản đối Giáo hoàng với Tổng thống Pháp, họ cho là có xung đột. Tôi không hiểu tại sao, vì nó không tương ứng với thực tế. Ngược lại giữa hai người có sự tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau. Chúng ta phải tránh xa logic đối lập có hệ thống này. Chúng ta có quan hệ tốt, chúng ta văn minh và cùng nhau tìm những điều tốt đẹp cho người dân.

Cuối cùng, chúng ta không nên phản đối chuyến đi Corsica và việc mở lại Nhà thờ Đức Bà Paris như một số người đã làm, họ giải thích điều này đã làm cho Tổng thống và Giáo hoàng xa nhau. Không! Chúng ta phải nêu bật hai sự kiện tốt đẹp này trên bình diện chính trị và xã hội. Ở trung tâm Paris sẽ có lễ mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà, một sự kiện đặc biệt cho cả nước và cho cả thế giới. Và ở vùng ngoại vi, ở Corsica có Giáo hoàng đến thăm. Đây là hai sự kiện thống nhất, thống nhất để gắn kết mọi người lại với nhau và xoa dịu tâm hồn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hồng y François Bustillo: “Người dân đảo Corse rất vui khi họ được Đức Phanxicô đến thăm”