Hồng y Christoph Schönborn: “Giáo hội chưa trút hơi thở cuối cùng!”

63

Hồng y Christoph Schönborn: “Giáo hội chưa trút hơi thở cuối cùng!”

Trước khi Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội họp phiên họp sắp tới vào tháng 10, Hồng y Christoph Schönborn đề cập đến những biến đổi của Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II và những thách thức hiện nay của Giáo hội. Là Tổng giám mục Vienna (nước Áo) trong ba mươi năm, ngài hiểu rất rõ Giáo hội Pháp.

famillechretienne.fr, Antoine-Marie Izoard, 2024-09-04

Hồng y Christoph Schönborn khẳng định: “Giáo hội phải nhớ Giáo hội là chuyên gia về nhân loại, chuyên gia về những bước ngoặt của cuộc sống nơi các bí tích được phát triển.” Ảnh © Adeline Keil

Xin cha cho biết quan điểm của cha về Giáo hội, đặc biệt Giáo hội ở Châu Âu? 

Hồng y Christoph Schönborn: Thời sinh viên tôi đã trải qua cuộc khủng hoảng nổi dậy ở Đức rất mạnh, sau đó là cuộc khủng hoảng năm 1968 ở Pháp (cuộc khủng hoảng ‘Cấm không được cấm’) với ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng này trong Giáo hội. Nhưng tôi nghĩ Giáo hội vẫn chưa trút hơi thở cuối cùng! Giáo hội vẫn sống và sẽ luôn sống, nhưng theo những cách khác nhau. Chúng ta phải chấp nhận sự suy thoái của châu Âu. Chúng ta có xu hướng nhìn vào cái rốn Giáo hội của mình nhưng đây là một phong trào lục địa không thể phủ nhận. Trong 20 năm nữa, dân số châu Âu sẽ không giống như ngày nay và cũng không giống như 50 năm trước. Đây là chuyện không thể tránh khỏi, trước hết là do tỷ lệ sinh sản ở Châu Âu giảm và cũng do tình trạng nhập cư với số lượng người hồi giáo ngày càng đông. Với kitô hữu chúng ta, vấn đề này đặt ra những yêu cầu mới. Nhưng chúng ta phải nhớ Chúa đang hoạt động trong Giáo hội của Ngài! Chúng ta đừng quên năm nay chúng ta có 12.000 người được rửa tội ở Pháp.

Những thách đố của Giáo hội là gì?

Từ năm 1968, chúng ta đã bỏ nhiều quy định quan trọng như buộc phải dâng thánh lễ ngày chúa nhật, ăn chay ngày thứ sáu, cấm hỏa thiêu… Đây là những đặc điểm bên ngoài, nhưng có ý nghĩa quan trọng với đời sống của người công giáo. Khi tôi học ở Pháp trong những năm 1970, một số người đã lo ngại về sự mất mát của các truyền thống này. Dù đã thế tục hóa, nhưng các vấn đề chính chúng ta phải đối diện ngày nay vẫn giống như trước: sinh sản, tăng trưởng, giáo dục, bệnh tật, các mối quan tâm về kinh tế. Kế đó là gia đình, hôn nhân… và cái chết. Chúng ta nói rất nhiều về những thay đổi nhưng lại chưa quan tâm đầy đủ đến những biến chuyển trong xã hội. Như Đức Phaolô VI đã nói, Giáo hội phải nhớ Giáo hội là chuyên gia về nhân loại, chuyên gia về những bước ngoặt của cuộc sống nơi các bí tích được khai triển. Giáo hội đã làm gì cho những giai đoạn phát triển khác nhau của con người? Còn tôi, tôi sẽ nói, với nhận thức đúng của mình, Giáo hội đã làm gì cho các giai đoạn của cuộc sống?”

Chúng ta nên có thái độ nào với đạo hồi ngày càng nhiều trong xã hội?

Hai tôn giáo của chúng ta có một ơn gọi tuyệt đối. Với tín hữu hồi giáo, Chúa đòi hỏi họ vâng phục Ngài và Kinh Coran. Với tín hữu kitô, Chúa cho chúng ta một sứ mệnh phổ quát: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” Vì thế không ai có thể từ bỏ sứ mạng của mình. Nhưng cách hành động của chúng ta khác cách hành động của người hồi giáo; chúng ta theo Chúa Kitô trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta không cầm vũ khí, chúng ta tin tưởng vào công việc của ân sủng! Cũng có nhiều người hồi giáo nhận được lời kêu gọi của Chúa Kitô để đi theo Ngài. Mối quan hệ của chúng ta với hồi giáo chỉ có thể là mối quan hệ của Tin Mừng. Đó là bài học của Thánh Charles de Foucauld, của Đức Phanxicô qua cách tiếp cận trong tình huynh đệ.

Cha nghĩ gì, có người cho rằng vì đạo hồi nên nước Pháp và Châu Âu không còn theo đạo?

Điều này thật vô lý. Tại các trường tiểu học ở Vienna hiện nay có nhiều học sinh theo đạo hồi nhiều hơn học sinh kitô giáo. Gần đây, thị trưởng xã hội chủ nghĩa của thành phố đã công khai đưa ra một giải pháp đơn giản cho những ai lo lắng về vấn đề này: cứ để người công giáo về với Giáo hội! Nếu người công giáo từ bỏ Giáo hội thì họ chỉ là thiểu số.

Cha đã thấy sự ra đời của các cộng đồng mới. Nhiều người đã trải qua cơn bão tố lạm dụng, đặc biệt là lạm dụng tình dục trong cộng đồng của họ, cha phản ứng như thế nào?

Tôi đã có kinh nghiệm nhiều với sự khởi đầu của một số cộng đồng. Tôi theo dõi sự sụp đổ của Giáo hội Pháp sau năm 1968, với sự kết thúc của ban Saulchoir Đa Minh của các cha Congar và Chenu, và dĩ nhiên sự sụp đổ lớn lao của các chủng viện Pháp. Các tu sĩ trẻ của dòng Đa Minh hoặc các dòng khác cảm thấy họ bị một số các giám mục, các nhà thần học bỏ rơi. Chúng tôi bị chỉ trích vì chúng tôi quay về với các Giáo phụ, với kitô giáo Đông phương. Chúng tôi bị cho là những người theo chủ nghĩa truyền thống dù chúng tôi không đồng ý với Đức Cha Lefebvre. Nhưng chúng tôi vui khi thấy phong trào Canh tân đặc sủng ra đời ở Pháp, đó là nguồn sống của nhiều người trẻ công giáo thời đó. Dĩ nhiên các cộng đồng mới này không phải là thiên đàng trên trái đất, nhưng ở đó chúng tôi có thể cầu nguyện, cử hành tốt đẹp các phụng vụ, tiếp nối truyền thống của Giáo hội và yêu mến Giáo hội. Sau đó chúng tôi được khuyến khích trở thành linh mục hoặc tu sĩ. Vì vậy, hôm nay tôi thực sự muốn nói với các giám mục Pháp: xin các giám mục đừng quên những điều tốt đẹp của các cộng đồng mới trong những năm 1970-1980. Đức Gioan-Phaolô II đã khuyến khích họ rất nhiều. 

Sự lạm dụng của một số người sáng lập các cộng đồng mới một phần là do thiếu sự theo dõi của Giáo hội?

Thông thường, ban đầu những người thành lập cộng đồng mới không muốn như vậy. Tuy nhiên, họ được khuyến khích làm vì thiếu những đề nghị khác cho những người muốn đi tu làm linh mục hay tu sĩ. Dĩ nhiên điều này không biện minh cho bất kỳ lạm dụng nào, nhưng đối diện với những thiếu sót trong Giáo hội vào thời điểm đó, đã có một cuộc đổi mới thực sự. Về mặt thần học, cũng cần phân biệt ân sủng thánh hóa và ân sủng đặc sủng như Thánh Tôma Aquinô đã phân biệt, ân sủng thánh hóa là ân sủng rửa tội, là các bí tích để thánh hóa con người. Ân sủng đặc sủng được ban không phải để thánh hóa con người mà để cho Giáo hội, cho người khác. Đáng tiếc đã có một số người không sống theo đòi hỏi thánh thiện cá nhân; như thế đặc sủng của họ không đích thực sao? Đó là sự phân biệt, không phải sự tách biệt, điều quan trọng là không nên đánh giá toàn bộ sự thành lập cộng đồng. Công việc tế nhị của các giám mục là phân định, không có áp lực bên ngoài, đâu là đặc sủng thực sự và phải đi kèm với lòng nhân hậu, và đâu là thất bại của người sáng lập liên quan đến đặc sủng họ nhận được.

Trong kỳ nghỉ mùa hè ở Normandy, Hồng y Christoph Schönborn trao đổi với báo Gia đình Kitô giáo. / Ảnh: Adeline Keil

Thượng Hội đồng về tương lai Giáo hội được một số người nhiệt tình ủng hộ, một số lo lắng, thậm chí thờ ơ. Cha nghĩ gì về chuyện này?

Tính đồng nghị là trọng tâm triều Đức Phanxicô, có sự tiếp nối với các thượng hội đồng trước đây xung quanh hiệp thông, tham gia và sứ mệnh. Chúng ta có thể thất vọng vì các chủ đề cụ thể vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng trước hết đây là một thượng hội đồng về phương thức hoạt động trong Giáo hội. Trong giáo phận của tôi, tôi đã có kinh nghiệm đồng nghị với các linh mục, với các nhóm nhỏ, chúng tôi cố gắng sống tinh thần này qua các cuộc trao đổi thiêng liêng. Mọi người đều đồng ý các cuộc trao đổi chưa bao giờ sâu sắc đến thế.

Bộ Giáo lý Đức tin công bố một văn bản cho phép chúc phúc “phi bí tích” cho các cặp đồng tính. Tuyên bố của Fiducia supplicans phản ứng ngược lại với công bố hai năm trước đó, đã làm cho nhiều người công giáo bối rối. Cha có kinh nghiệm về việc này như thế nào?

Tôi trải nghiệm vấn đề này như các vấn đề khác, một cách cụ thể. Nếu bạn bè cho tôi biết: ‘Con trai chúng tôi vừa cho chúng tôi biết nó đồng tính và đã tìm được người bạn đời”, tôi sẽ hỏi bạn tôi: ‘Nó vẫn là con của bạn chứ?’ Và thường thường, câu trả lời đến một cách tự nhiên! Tôi nghĩ với hai văn kiện liên tiếp của Rôma, Giáo hội đã thất vọng trước vấn đề này. Nhưng theo tôi, các văn bản này hơi khập khiễng. Chúng ta đang phải đối diện với một câu hỏi không thể có câu trả lời đúng! Con đường Đức Phanxicô đưa ra cho chúng ta là con đường phân định, chúng ta cố gắng nhìn xem những gì Chúa chỉ cho chúng ta. Điều đáng tiếc của Thượng hội đồng Đức là họ muốn có những câu trả lời rõ ràng. Sự đồng nhất không có tác dụng trong cuộc sống cụ thể.

Việc Đức Phanxicô hạn chế thánh lễ truyền thống, sau khi Đức Bênêđíctô XVI xoa dịu, đã làm một số tín hữu bị tổn thương và ngạc nhiên. Cha hiểu quyết định này như thế nào?

Với tấm lòng của một người cha, Đức Bênêđíctô XVI tâm sự với chúng tôi ngài không thể không quan tâm mục vụ với một số lượng lớn tín hữu bị bỏ rơi. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Và các cựu chiến binh đang dần chết đi. Với người trẻ, Công đồng là thời tiền sử! Thế hệ của chúng ta phải hết sức tử tế khi nhìn thế hệ mới này, họ dễ dàng chuyển từ thánh lễ truyền thống sang các nhóm cầu nguyện Emmanuel. Nhưng như mọi khi, họ sẽ mất thời gian. Và mỗi giáo hoàng đều có sự nhạy cảm của mình. Đức Phaolô VI không phải là Đức Bênêđíctô XVI. Chúng ta phải chấp nhận Đức Phanxicô có lý do để đóng lại, ít nhất một phần các cánh cửa, cũng như chúng ta đã chấp nhận Đức Bênêđíctô XVI có lý do để mở chúng. Chúng ta phải tin tưởng Chúa dẫn dắt Giáo hội. Đây không phải là một cơn bão lớn!

Và sau Đức Phanxicô, sẽ có một giáo hoàng khác… Chân dung của ngài sẽ như thế nào?

Vào ngày đó, Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt Giáo hội. Chúng ta không phải lo chuyện này. Nếu phải là người Châu Phi thì ngài sẽ là người Châu Phi. Nếu phải là người Châu Á, hoặc Châu Âu cổ thì ngài sẽ là người Châu Á, Châu Âu cổ. Nhưng điều quan trọng là ngài có đức tin, ngài là tôi tớ Chúa Kitô và yêu mến Giáo hội. Như thế Giáo Hội sẽ tiến về phía trước.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch