Chuyến tông du Châu Á-Châu Đại Dương của Đức Phanxicô: ngài là Giáo hoàng của Châu Á

318

Chuyến tông du Châu Á-Châu Đại Dương của Đức Phanxicô: ngài là Giáo hoàng của Châu Á

cath.ch, I.Media, 2024-09-01

Từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024, Đức Phanxicô sẽ đi thăm bốn quốc gia ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương: Indonesia, Papua Tân Ghinê, Đông Timor và Singapore. Một chuyến hành hương mang trọn ý nghĩa tập trung vào lục địa này của ngài. Với chuyến đi này, tổng cộng ngài đi 22 quốc gia châu Á, bằng kỷ lục của Đức Gioan Phaolô II trong 27 năm.

Bích chương chào mừng Đức Phanxicô tại Đông Timor

Nhà báo công giáo Indonesia Ryan Dagur nhấn mạnh đến sự quan tâm lớn lao của ngài với lục địa cũng lớn lao này. Nếu so sánh các chuyến đi của ngài với các chuyến đi của Đức Bênêđíctô XVI ở vùng này, sự tương phản sẽ lớn vì Đức Bênêđíctô XVI chỉ đến Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Đất Thánh) trên lục địa châu Á.

Chủ đề: hành trình truyền giáo

Hồng y Luis Antonio Tagle nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chuyến đi Châu Á và Châu Đại Dương của Đức Phanxicô | © Truyền thông Vatican

Hồng y Luis Antonio Tagle, một trong những mục tử thân cận với Đức Phanxicô nhắc lại, Châu Á là một “thế giới được tạo thành từ những thế giới khác nhau” và vì thế thật khó để có cái nhìn tổng thể nhất quán trong chuyến đi dài ngày ở vùng đất bao la này. Dù đa dạng, nhưng tựu chung Đức Phanxicô muốn bước theo chân Thánh Phanxicô Xaviê như ngài hằng mong ước khi còn ở chủng viện Buenos Aires, ngài đã không đi được vì lý do sức khỏe. Ông Michel Chambon chuyên gia về công giáo ở châu Á cư trú ở Singapore nhấn mạnh: “Dù sao, chuyến đi này là chuyến đi truyền giáo của toàn Giáo hội, Giáo hội có một hướng chung nhìn về Châu Á, từ nhà truyền giáo Dòng Tên Matteo Ricci đến Trung Quốc vào thế kỷ 16 đến Công đồng Vatican II và bây giờ là Đức Phanxicô.”

Giấc mơ tuổi trẻ

Năm nay Đức Phanxicô đã 87, sức khỏe yếu dần nhưng ngài mong muốn thực hiện giấc mơ tuổi trẻ, ngài đi Indonesia, nơi Thánh Phanxicô Xaviê đã ở một thời gian dài. Nhưng quan tâm này không phải chỉ mang nét “lãng mạn”, bà Sylvia Kooh, người công giáo ở Singapore nhận xét: “Trong những năm gần đây ngài hướng nhiều về Châu Á. Tôi nghĩ ngài hiểu tương lai của Giáo hội nằm ở Châu Á. Ngài đã bổ nhiệm nhiều hồng y Á Châu. Năm 2022 ngài phong hồng y cho Tổng giám mục William Goh, lần đầu tiên Singapore có hồng y. Các giám mục ở Jakarta và Dili cũng được phong hồng y.” Thần học gia Michel Chambon nhận xét: “Tuy Châu Á có hai bộ trưởng ở Rôma nhưng Châu Á vẫn “thiếu đại diện” ở Rôma, có nhiều người Ai-len hơn người Indonesia ở Giáo triều, và người công giáo ở Indonesia đông và năng động hơn so với người Ai-len.

Âm thầm rao giảng Tin Mừng

Châu Á là nơi sinh sống của 11% giáo dân công giáo trên thế giới, theo thống kê năm 2021 Châu Á có 150 triệu tín hữu, tuy tăng chậm nhưng ổn định trong những năm gần đây. Đức tin đôi khi đã bén rễ một cách lạ lùng: trong chuyến đi này, Đức Phanxicô sẽ đến thăm Đông Timor, đất nước có số giáo dân đông nhất thế giới sau Vatican, 97% người dân là giáo dân công giáo. Nhưng người công giáo ở Châu Á chỉ chiếm 3,3% dân số lục địa, một giọt nước trong đại dương ở khu vực thế giới có 4,6 tỷ dân, nơi các tôn giáo hồi giáo và phật giáo đã bén rễ sâu. Người công giáo ở Châu Á sẽ giảm xuống 1% nếu Phi Luật Tân bị loại khỏi số liệu thống kê.

Cộng đồng kitô hữu là nhóm thiểu số ở các quốc gia này

Đức Phanxicô đến các quốc gia có số tín hữu kitô là thiểu số, ngài đến Mông Cổ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Myanmar, những nơi ngài là giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến. Nhà nhân chủng học Michel Chambon giải thích: “Truyền giáo không phải là mục đích của những chuyến đi này, vì Giáo hội không chủ trương bành trướng đạo. Giáo hội công giáo không thể không biết đến truyền thống rất kiên cường của châu Á về mặt tinh thần, chính trị và xã hội.” Hồng y Marengo nói trong lần Đức Phanxicô đi Mông Cổ tháng 9 năm 2023: “Đức Phanxicô chống lại việc chiêu mộ đạo, ngài bảo vệ một Giáo hội thì thầm Tin Mừng vào tai người Châu Á.” Nhà báo Dagur nghĩ rằng điều này liên quan đến việc đối thoại liên tôn, ngài là người bảo vệ nhiệt thành đối thoại liên tôn, đặt các quốc gia Châu Á lên hàng đầu do tính chất đa tôn giáo tại đây.

Những thành công ngoại giao của Tòa Thánh

Sự chú ý này thể hiện rõ ràng qua chính sách ngoại giao của Giáo hoàng ở châu Á, đặc biệt trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc và Việt Nam, hai cường quốc cộng sản khổng lồ trong kinh nghiệm lịch sử của Giáo hội công giáo. Dưới sự lãnh đạo của Đức Phanxicô, của Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, các nỗ lực đáng kể đã được thực hiện với việc ký kết thỏa thuận mục vụ trong việc bổ nhiệm giám mục Trung Quốc năm 2018 và bổ nhiệm đại diện thường trú tại Việt Nam năm 2023, bước cuối cùng trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Trung Quốc và Việt Nam trong tầm nhìn?

Về cơ bản, các phương pháp được dùng đều giống nhau: làm cho các chính phủ hiểu Giáo hội không phải là mối nguy hiểm cho đất nước, nhưng là cơ hội, mang một thông điệp hy vọng một ngày nào đó ngài sẽ đến thăm Trung Quốc và Việt Nam.

Nhưng quan tâm của Đức Phanxicô cũng mang tính chất thiêng liêng, ngài tránh một Giáo hội khép kín và tập trung vào quá khứ Châu Âu của mình. Bà Sylvia Kooh người Singapore nói: “Tôi nghĩ Đức Phanxicô hiểu tương lai của Giáo hội công giáo là ở Châu Á, nơi Giáo hội sống động và hội nhập tốt với văn hóa địa phương.”

Giáo hội cần phải cần giải tập trung

Tháng 3 năm 2023, Hồng y Hàn quốc Lazarus You Heung-sik, bộ trưởng Bộ Giáo sĩ  nói: “Chúng ta cần giải tập trung, thực hiện một chuyến đi phương Đông, nghiên cứu lối sống tâm linh của các giáo hội địa phương có thể phục hồi đức tin cho chúng ta.” Và không phải là không quan trọng khi Đức Phanxicô giao cho Hồng y Lazarus You Heung-sik và Hồng y Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle chịu trách nhiệm hai “bộ” hỗ trợ cho đại đa số các linh mục trên thế giới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Từ đường hầm chiến tranh đến đường hầm tình huynh đệ

Vì sao chuyến đi Châu Á và Châu Đại Dương lại đặc biệt như vậy?

Sáu thách thức lớn lao trong chuyến đi Châu Á và Châu Đại Dương của Đức Phanxicô