Cựu Linh mục Đa Minh Jacques Arnould: “Chúa luôn thoát khỏi”
Cựu Linh mục Đa Minh Jacques Arnould chiếm vị trí độc nhất trong giới chuyên gia đạo đức ở Cơ quan vũ trụ Pháp. Từ chối thói đạo đức giả của cuộc sống hai mặt, ông rời Dòng để sống với một phụ nữ nhưng không phủ nhận bất cứ một điều gì về đức tin đã luôn hướng dẫn cuộc đời của ông.
lavie.fr, Sistine Chartier, 2024-06-21
Cựu Linh mục Đa Minh Jacques Arnould – Hình ảnh / Emeric Fohlen – La Vie
Người ta nói nguồn gốc vẫn còn lảng tránh chúng ta. Thần học gia Teilhard de Chardin đã viết: “Nguồn gốc ẩn giấu trong làn sương mù lớn.” Giống như cuộc sống, đức tin là di sản tôi đã nhận được. Tôi không có kinh nghiệm con đường Damas. Đức tin của tôi được xây dựng trong một gia đình giữ đạo. Rồi với những người đàn ông, đàn bà tôi gặp trong cuộc sống đã thúc đẩy tôi phải tự vấn bản thân.
Mẹ tôi là người phụ nữ có đức tin mạnh mẽ, bà không bị suy nghĩ làm rối trí: bà tin vào hành động, vào đôi tay vào đôi bàn chân của bà. Bà đòi hỏi khắt khe với chính mình và với người khác, nhưng bà có một tự do to lớn. Đức tin được kế thừa này tiếp tục tiếp sức cho tôi. Tôi cũng bị thôi thúc của một tò mò lớn lao: Chúa là ai? Tôi luôn muốn đi xa hơn.
Trong một thời gian dài tôi thường lui tới các tu viện với mong muốn có một kinh nghiệm triệt để nào đó cho tôi. Đây có phải là nơi dành cho tôi không? Trong một lần tình cờ, tôi gặp bạn tôi là Nicolas-Bernard, tu sĩ Đa Minh ở Toulouse. Ở đó, tôi tìm thấy được những gì của đời sống tu viện – đời sống chung, phụng vụ – và sự dấn thân triệt để vào thế giới này.
Hình ảnh / Emeric Fohlen – La Vie
Khoa học và đức tin
Tôi được đào tạo tại Agro Paris Tech, tôi rất thích các câu hỏi khoa học nhưng tôi tập trung vào các ứng dụng kỹ thuật nhiều hơn. Trong thời gian tập sự ở Lille, đoạn cuối trong tiểu luận Cơ hội và Sự cần thiết của Jacques Monod (Hasard et la Nécessité) đã có tác động sâu đậm trong tôi: “Cuối cùng, con người biết mình đơn độc trong vũ trụ bao la thờ ơ, nơi nó xuất hiện một cách tình cờ. Không hơn số phận của mình, nhiệm vụ của nó không được viết ở bất cứ đâu. Con người phải chọn cho mình giữa Vương quốc và bóng tối.”
Nhận thức này có vẻ nghiêm khắc nhưng nó vẫn mở. Là tu sĩ trẻ, tôi tự hỏi làm thế nào đức tin kitô giáo có thể trả lời một cách trung thực cho Monod. Đó là động lực tôi mở tập tin “Khoa học và đức tin”. Nó tiếp tục có tác dụng với tôi vì khoa học tiếp tục làm phong phú tầm nhìn của chúng ta về thực tại, về bản thân chúng ta, về cái vô cùng lớn cũng như cái vô cùng nhỏ.
“Nếu có bằng chứng về sự tồn tại của Chúa, tất cả các nhà khoa học sẽ là những người có đức tin”
Cũng như mọi người, đức tin của tôi bị nghi ngờ, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ đức tin. Những câu hỏi lớn này đặc biệt đánh thức sự lười biếng, những hệ thống suy nghĩ nhỏ bé nhưng rất thực tế của chúng ta. Tôi phải nói gì khi nói Chúa là đấng sáng tạo? Tôi có thể thú nhận sự sáng tạo trước hết là mối quan hệ giữa người sáng tạo và thụ tạo không? Chúng ta cần trí thông minh để nói một cách đơn giản rằng một phần của những gì chúng ta tin sẽ luôn thoát khỏi tầm tay chúng ta.
Ai là Chúa? Tôi có thể nghĩ đến những ý nghĩ cao siêu nhất nhưng những chuyện này luôn thoát khỏi tôi. Khi chúng ta xem đức tin là ơn (Các tông đồ xin Chúa: “Xin cho con thêm đức tin!), chúng ta nhận ra chúng ta đang đứng trước một mầu nhiệm vĩ đại và điều đầu tiên là chúng ta phải thúc đẩy động lực hướng về Thiên Chúa.
Tôi thường nghe: “Bạn thật may mắn có đức tin.” Tôi không biết… Đôi khi nó thực sự cồng kềnh! Chắc chắn Darwin đã có một đức tin khá trung thực cho đến khi ông mất đứa con gái 10 tuổi. Ông không còn tin vào một Chúa đã cất con của ông ra khỏi tay ông. Nhưng với người khác, chính đức tin đã giúp họ tiếp tục sống. Bạn tôi Jérôme và Florence đã mất hai đứa con trong trận sóng thần năm 2004 ở Thái Lan. Đức tin của họ có một vai trò quan trọng trên con đường họ xây dựng lại. Chúng ta nghe tôn giáo là “thuốc phiện của nhân dân”. Vậy thì sao? Thuốc phiện là thuốc giảm đau trước khi là thuốc gây nghiện. Chúng ta cần giảm đau. Việc lạm dụng tôn giáo chắc chắn là rất nhiều, nhưng chúng ta có nên vứt bỏ mọi thứ nhân danh những chuyện này không?
Không gian, một lợi ích chung
Khi kết thúc chương trình học, để tiếp tục đào sâu những vấn đề này, tôi xin phép cấp trên có chân trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Chuyện này dẫn đến chuyện khác, sau khi làm “khách du lịch” trong phòng thí nghiệm sinh học tiến hóa ở Orsay, tôi đến cơ quan vũ trụ Pháp (Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia, Cnes). Và nhờ đó tôi là chuyên gia đầu tiên về đạo đức không gian trong lịch sử! Bây giờ tôi vẫn còn giữ chức vụ này.
Hình ảnh / Emeric Fohlen – La Vie
Việc này cung cấp cho các đồng nghiệp kỹ thuật của tôi “bằng chứng ngoại phạm” để suy nghĩ về các hoạt động họ thực hiện trong không gian. Để làm gì? Làm sao? Với những hậu quả nào? Chúng tôi phải áp dụng những câu hỏi này cho việc khám phá không gian và sử dụng các nguồn tài nguyên của nó. Chúng tôi phải làm mọi thứ để bảo đảm không gian phải là lợi ích chung.
Các bằng chứng về sự tồn tại của Chúa: “Nghi ngờ là cấu thành của khoa học cũng như của tôn giáo”
Rõ ràng, công việc của tôi tại Trung tâm Nghiên cứu Cnes, một tổ chức công cộng, không liên quan đến thần học! Tuy nhiên, cuối cùng các đồng nghiệp, độc giả, thính giả của tôi đều biết cam kết tôn giáo của tôi. Vì vậy, họ hỏi tôi: “Chúa sẽ ra sao nếu chúng ta phát hiện ra sự sống trên sao Hỏa?” Câu hỏi không điên rồ chút nào! Ngày nay, để suy nghĩ về Thiên Chúa trong một vũ trụ vô hạn, chúng ta phải xem lại thần học, phải nghiêm túc xem xét kitô học vũ trụ của các Giáo phụ, được thần học gia Teilhard de Chardin phát triển gần đây. Đức tin kitô giáo sẽ nói gì với con người rất khiêm hèn khi đối diện với chiều kích không gian và thời gian của vũ trụ! Có điều gì đó để suy nghĩ… hoặc để tin.
Những suy tư và công việc này chiếm phần lớn thì giờ của tôi. Nhưng tôi không quên Thánh Tôma Aquinô, vào cuối đời ngài đã nói về công việc của ngài: “Tất cả chỉ là rơm rạ”! Điều này cũng không sao vì rơm rạ cũng được dùng để đốt lửa. Nhưng khi chúng ta đối diện với Chúa, tất cả những điều này dường như chỉ là thứ yếu với chúng ta. Chúng ta cần những viên đá, những nền tảng, một chút trí thông minh để tránh đi lạc lối… nhưng trước những nỗ lực suy đoán quá mức, tôi muốn tìm một hình thức đơn giản: chúng ta bỏ qua quá nhiều điều về Thiên Chúa và thế giới.
Đối với số đông
Tin Mừng không chỉ giới hạn ở một nhóm nhỏ những người có suy nghĩ đúng đắn. Đức tin dành cho tất cả mọi người. Trong phụng vụ thánh lễ, lúc truyền phép, rượu được thánh hiến “cho mọi người”, không chỉ dành cho những ai đi rước lễ. Sự cứu rỗi dành cho tất cả mọi người, ngay cả cho những người chúng ta không thể chịu nổi, những người hung bạo, độc ác… Tôi biết điều đó thật khó chấp nhận.
Trong 17 năm “làm mục vụ vỉa hè ”, mỗi tuần tôi ở một đêm ở đường Saint-Denis, một trong những địa điểm mại dâm chính ở Paris. Tôi là tình nguyện viên và tuyên úy quốc gia của Phong trào Tổ ấm; trong một thời gian dài tôi giúp các cô lang thang một mình. Bao nhiêu là gặp gỡ! Tôi nhớ người phụ nữ xin tôi làm phép cho căn phòng của cô. Tôi giải thích, trước hết tôi làm phép cho con người, vì thế tôi chúc lành cho cô và cho khách của cô. Một cô khác nói với tôi, cô xấu hổ khi vào nhà thờ, dù để đem hoa vào. Tôi đã làm mọi cách để họ thấy cái nhìn nhân từ của Chúa và đơn giản là cái nhìn tôi dành cho họ. Tôi biết Maria Mađalêna đã khuyên tôi!
Tôi có thể nói tôi là tu sĩ Đa Minh hạnh phúc, vì thế tôi không tìm cách tránh đời sống tu trì. Nhưng, những thay đổi bất thường trong cuộc sống đã cho tôi gặp Catherine trong một cuộc gặp hàng không mà tôi và một người bạn phi hành gia tổ chức hội thảo. Từ lần gặp này đến lần gặp khác, chúng tôi đã kết một mối quan hệ bền chặt, một mối quan hệ lãng mạn hoàn toàn mới mẻ với tôi.
Không muốn để tâm đến chuyện này nhiều quá, tôi thấy tôi đang sống hai cuộc đời mà tôi vô cùng hạnh phúc. Một, đã được thành lập và một, mới ra đời, với sự kỳ diệu, viên mãn gắn liền với nó. Tôi biết tôi không phải là người tu sĩ duy nhất trong cộng đoàn sống hai mặt; nhưng tình trạng bí mật, dối trá, đạo đức giả này đã làm cho tôi rất đau khổ: vì vậy tôi quyết định chọn một trong hai cuộc sống này.
Tôi xin rời Dòng để ra khỏi lời khấn. Tôi muốn tình trạng của tôi rõ ràng, với Giáo hội cũng như với Catherine. Hôm nay người ta giới thiệu tôi là cựu tu sĩ Đa Minh: điều này đúng về mặt pháp lý, nhưng tôi vẫn gắn bó với anh em dòng vì lòng biết ơn cho những gì họ đã cho tôi với tình huynh đệ. Tôi không muốn biện minh cho mình, tôi chỉ cố gắng tiếp tục thực hiện nền tảng của đời sống Đa Minh: sự thật và tình yêu.
Đứng trước cái chết
Hình ảnh / Emeric Fohlen – La Vie
Cha tôi đã tặng cho tôi hai món quà: sự sống và khoảnh khắc ông qua đời. Đó là 25 năm trước. Khoảnh khắc của một nét đẹp đáng kinh ngạc. Những giờ trước đó thật khủng khiếp. Ông nghẹt thở, từng chút một, ông thở lại. Như thể ông đã đi xa. Ông xin hỏa táng; chưa bao giờ có ai trong gia đình chúng tôi chọn cách này, nó phổ biến ở các nước phía bắc hơn ở Pháp, đặc biệt vào thời điểm đó. Giáo hội không cấm, vì thế chúng tôi làm theo nguyện vọng của ông và rải tro cốt của ông ở rừng Meuse yêu quý của ông. Mẹ tôi, vợ chồng anh tôi và tôi đã leo lên những ngọn đồi ở Meuse, gần nơi của ông Alain-Fournier. Cha tôi, người đàn ông ôn hòa muốn ở cùng với các quân nhân của cuộc Đại chiến. Khi mẹ tôi qua đời cách đây năm năm, chúng tôi cũng đã làm như vậy. Lần này có hai đứa con của anh tôi và Catherine đi cùng chúng tôi. Tôi để chiếc bình trong túi ba-lô… Việc chôn cha mẹ là thật đau lòng; nhưng cha mẹ tôi đã cho tôi cơ hội được sống trong hòa bình, được mời gọi hy vọng. Tôi thấy thật đáng tiếc là chúng ta thường tìm cách trốn tránh cái chết, không nói về nó, không trông chừng những người đã khuất. Tôi không ủng hộ bất kỳ thái độ bệnh hoạn nào; tôi nghĩ rằng trong những khoảnh khắc này, chúng ta trải nghiệm một phần thiết yếu của nhân loại. Chúng ta đừng bỏ lỡ nó.
Cuộc đời của cựu linh mục Jacques Arnould
1961 Sinh ra ở Metz (Moselle).
1985 Tốt nghiệp trường Agro Paris Tech.
1986 Vào Dòng Đa Minh.
1996 Luận án thần học.
1999 Luận án về lịch sử khoa học.
2001 Chịu trách nhiệm về các vấn đề đạo đức tại Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (Cnes).
2010 Ra Dòng.
Cựu linh mục Jacques Arnould được biết đến với nhiều bài tiểu luận về cuộc chinh phục không gian và mối quan hệ biến động giữa khoa học và đức tin. Trong hơn 15 năm, cựu linh mục đã đưa kiến thức chung của mình về truyền thống kitô giáo và những thách thức do những tiến bộ khoa học đặt ra để phục vụ công chúng. Là tác giả nổi tiếng, năm nay linh mục sẽ phát hành hai quyển sách với nội dung khác nhau: một với chủ đề không gian: Des colonies dans l’espace, nxb. Odile Jacob, quyển kia rất cá nhân, kể tiến trình cá nhân, rời Dòng vì tình yêu cho một phụ nữ. Quyển sách phỏng vấn viết với nhà báo Théo Moy kể giai đoạn ông rời Dòng Đa Minh giải thích một cách đơn giản và tế nhị quan điểm của ông về những vấn đề chính đang kích động Giáo hội hiện nay.
Marta An Nguyễn dịch