“Nếu có bằng chứng về sự tồn tại của Chúa, tất cả các nhà khoa học sẽ là những người có đức tin”

473

“Nếu có bằng chứng về sự tồn tại của Chúa, tất cả các nhà khoa học sẽ là những người có đức tin”

lemonde.fr, Gaetan Supertino, 2023-03-05

Nhà sử học khoa học và thần học Jacques Arnould khẳng định: “Nghi ngờ vốn có trong sức sống của con người”, theo ông “đức tin là một sự hiếu kỳ vô cùng”. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Le Monde, ông cho rằng những người theo chủ nghĩa chính thống tôn giáo và các chiến sĩ khoa học giáo điều không ai đồng ý với ai.

Là cựu tu sĩ Đa Minh, sử gia về khoa học và thần học gia công giáo, từ ba mươi năm nay đã đối đầu với đức tin “trên địa bàn”, đặc biệt là với các nhà thiên văn học, vật lý gia và các kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (CNES), nơi ông làm việc trong trách nhiệm của một sứ mệnh đạo đức.

Ông vừa xuất bản quyển Chúa không cần “bằng chứng” (Dieu n’a pas besoin de “preuves”, nxb. Albin Michel), một “tuyên ngôn” ca ngợi sự nghi ngờ và bí ẩn cả trong khoa học và tôn giáo. Trong một phỏng vấn với báo Le Monde, ông cảnh báo chống lại những tuyên bố của khoa học cũng như tôn giáo, đã nhầm lẫn bằng chứng với hành động đức tin.

Quyển sách của ông là quyển mới nhất trong loạt sách gần đây về chủ đề quan hệ giữa khoa học và đức tin, bắt đầu từ tháng 10 năm 2021 với việc phát hành quyển sách bán chạy gây tranh cãi Chúa. Khoa học. Các bằng chứng. Bình minh của một cuộc cách mạng (Dieu. La science. Les preuves. L’aube d’une révolution, Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies, nxb. Guy Trédaniel). Ông định viết thêm gì nữa? 

Jacques Arnould. Quyển sách của tôi không phải là câu trả lời trực tiếp cho những tác phẩm này. Nhưng thành công của họ cho thấy loạt sách này thu hút sự quan tâm của người đương thời với chúng ta và nó chưa khép lại. Tôi muốn tham dự vào các phản hồi này trong tư cách là một nhân vật đã quan tâm đến những vấn đề này từ ba mươi năm nay khi tôi tiếp xúc với các nhà khoa học.

Vì đã tham gia vào mối tương quan giữa khoa học và tôn giáo, tôi nhận đủ loại chỉ trích. Một mặt, một số tín hữu trách tôi quá “dán mắt” vào các nhà khoa học, cho rằng tôi “bán chính nghĩa cho họ”, rằng tôi không còn ủng hộ phụng vụ hay Chúa nữa.

Mặt khác, có những nhà khoa học xem tôi là con chuột chũi của Vatican, chất vấn tôi vì sao tôi còn đi lễ ngày chúa nhật, v.v. Ngoài trường hợp cá nhân tôi, đây là những lập trường mà chúng ta thường nghe khi nói đến tương quan giữa đức tin và lý trí. Tôi muốn làm cho họ nghe có một tiếng chuông khác.

Quyển sách của ông gởi đến cả hai bên, không bên nào chấp nhận bên nào, bên theo trào lưu chính thống tôn giáo là những người theo thuyết tạo dựng đi xa đến mức phủ nhận bất kỳ thuyết tiến hóa nào, bên các nhà khoa học nhất định không tiếp nhận bất kỳ ý tưởng nào về tôn giáo hoặc đức tin. Chúng ta thực sự có thể đặt tất cả trên cùng một mặt bằng không?

Trên thực tế, nơi những người theo thuyết sáng tạo, có những tư thế rất không trung thực, nơi những người phủ nhận tiến bộ khoa học thì không thể chối cãi. Nhưng cũng có những nhà khoa học có lập trường hiếu chiến và giáo điều, và những người đổ thêm dầu vào lửa. Tôi muốn nói đến Richard Dawkins, tác giả cuốn Ảo tưởng về Chúa, The God Delusion (xuất bản bằng tiếng Pháp với tựa đề Để chấm dứt với Chúa, Pour en fin avec Dieu, nxb. Perrin, 2018).

Nhà di truyền học nổi tiếng đã dùng ngòi bút của ông để mổ xẻ khá chính xác tất cả những sai lầm của các tôn giáo và những ngõ cụt mà chúng có thể dẫn đến trong lịch sử tư tưởng. Ông bắt đầu một cuộc thập tự chinh chống lại các tín hữu, thậm chí còn đi xa đến mức thành lập một hiệp hội để hỗ trợ các linh mục không còn đức tin.

“Đức tin là tinh thần hiếu kỳ và siêu việt bao la, mang lại sở thích cho cuộc sống”

 

Nhưng chừng nào sự chỉ trích các tôn giáo của ông được hiểu một cách hoàn hảo, được lập luận hóa, thì theo tôi, dường như là thái quá và rơi vào một chủ thuyết giáo điều nào đó khi ông đặt vấn đề về sự tồn tại của Chúa. Theo một cách nào đó, điều này góp phần thúc đẩy những phản ứng ngược lại của những người theo thuyết tạo dựng. Dawkins được biết đến nhiều nhất nhưng ông không phải là người duy nhất. Chẳng hạn vẫn còn một diễn từ trong sinh lý-xã hội học, nói rằng khoa học sẽ giải thích tất cả, rằng nó sẽ điều khiển thế giới, thay thế các tôn giáo, thậm chí cả triết học. Nhưng trên những lập luận nào một yêu cầu như vậy dựa lên? Hoàn toàn không có.

Khoa học vẫn không có khả năng phủ nhận cũng như chứng minh sự tồn tại của Chúa. Các nhà khoa học thuộc về thế giới, họ sẽ không bao giờ có thể thoát ra khỏi thế giới và có một độ lùi đủ để quan sát tất cả. Sẽ luôn có bí ẩn. Để nhắc lại William Blake (1757-1827), ông cho rằng không nhà khoa học nào có thể “nắm giữ vô hạn trong lòng bàn tay của họ” hoặc thấy được “thế giới trong một hạt cát” (Điềm báo của ngây thơ, Auguries of Innocence).

Quyển sách của ông là bài điếu văn thống thiết của nghi ngờ. Có phải xã hội chúng ta đã quên đi những đức tính của nó?

Sự vắng mặt của nghi ngờ mở ra cánh cửa cho các guru, cho những người theo chủ thuyết ý trời và lịch sử đã nhiều lần cho chúng ta thấy những thảm kịch như thế này đã có thể dẫn dắt chúng ta. Nghi ngờ là điều làm chúng ta xúc động, kể cả trong khoa học. Điều thúc đẩy một nhà khoa học là ý tưởng để trả lời cho câu hỏi: “Lý thuyết của tôi có đứng vững không?”. Theo tôi, đây gần như là động cơ chính cho tất cả các nghiên cứu.

Và nó cũng đúng với đức tin. Nghi ngờ vốn có trong sức sống con người, trí tuệ, tinh thần, ngay cả trong tâm lý chúng ta. Không nghi ngờ có nghĩa là ở trong một thứ trật hoàn hảo, bất động. Tôi chỉ biết có một trạng thái được làm như vậy: cái chết. Theo tôi, đức tin là một tinh thần hiếu kỳ vô cùng lớn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhận biết, chúng ta không biết mọi thứ. Và chúng ta sẽ không biết tất cả mọi thứ trong cuộc sống này.

Tôi chia sẻ sự khó chịu của một số người công giáo, những người tự hỏi xã hội chúng ta, thế giới chúng ta sẽ đi về đâu, những người cho rằng sự nghi ngờ đang thống trị một cách thái quá, rằng không còn bất kỳ sự chắc chắn hay tiêu chuẩn nào nữa. Nhưng liệu giải pháp có bao gồm việc hài lòng với sự “tái khẳng định các giáo điều và giữ lại chúng”, như đôi khi chúng ta có thể nghe thấy không? Theo tôi, đây là một quan điểm giáo điều chết người.

Giáo điều là ngọn hải đăng. Thật tốt khi có nó trong tầm nhìn, để hướng dẫn chúng ta. Nhưng chúng ta có thể thoát khỏi nó, đến gần nó hơn, ra đi rồi quay lại, khám phá và điều hướng. Tất nhiên vẫn có rủi ro là đôi khi chúng ta mất dấu ngọn hải đăng, đi ra khỏi vùng công giáo, thậm chí ra khỏi kitô giáo, không còn điểm quy chiếu khi đưa ra quyết định mạnh mẽ. Nhưng chúng ta không nên sợ dị giáo, cho chính mình cũng như cho người khác. Dù đáng tiếc là các phiên tòa và các kết án vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng không có gì buộc chúng ta phải bất động.

Theo tôi, thoát khỏi những xác quyết của mình để cho phép bản thân có khả năng bị chạm vào thứ gì đó mà chúng ta không kiểm soát được, thứ nằm ngoài chúng ta, chính là cốt lõi của ý tưởng về sự siêu việt. Và đó là những gì mang lại hương vị cho cuộc sống.

Dưới góc nhìn này, ông lên tiếng báo động chống lại sự nguy hiểm của “thuyết hòa hợp”, đưa ra ví dụ về một sai lầm nổi tiếng của Giáo hoàng Piô XII (1876-1958). Xin ông giải thích cho chúng tôi hiểu điều này là gì?

Cái mà tôi gọi là “thuyết hòa hợp” là cố gắng dung hòa các niềm tin của mình với chân lý khoa học. Sai lầm của Đức Piô XII là một trong những minh họa nổi tiếng nhất về điều này. Tháng 11 năm 1951, ngài tiếp một nhóm các nhà thiên văn tại Vatican. Trước mặt họ, ngài chúc  mừng các khám phá khoa học mới nhất về sự xuất hiện của vũ trụ và ngài nói đến Vụ nổ lớn. Ngài kết luận: “Đây là những gì chúng ta mong đợi từ khoa học.” Theo ngài, Vụ nổ lớn là chứng minh câu chuyện của Sáng thế ký, Fiat LuxHãy có ánh sáng” thần thánh.

Kinh sĩ công giáo Georges Lemaỵtre (1894-1966), nhà thiên văn học và cha đẻ của thuyết Vụ nổ lớn, đã cố gắng báo động với giáo hoàng nhưng vô vọng, rằng chúng ta không thể giải thích Vụ nổ lớn có thể xảy ra như thế nào, nó vẫn chỉ là một giả thuyết toán học, nhưng không giúp gì được: Đức Piô XII đã không rút lại lời nói của ngài.

Ngày nay chúng ta vẫn còn nghe loại diễn từ này. Tôi hiểu rõ, chúng ta có thể say mê, kinh ngạc trước vẻ đẹp của vũ trụ. Huyền thoại về Vụ nổ lớn là câu chuyện tuyệt vời. Nhưng đừng quên chúng ta không biết gì về thời gian zero của vũ trụ. Ngay cả chúng ta cũng không chắc thực sự có thời gian zero này. Đặt Chúa ở đó sẽ làm cho Ngài thành “người trám lỗ trống”, một Chúa của máy móc, deus ex machina để bù đắp cho sự thiếu hiểu biết của chúng ta.

Rằng ý tưởng về Vụ nổ lớn nuôi dưỡng đức tin của một tín hữu, người, bằng hành động đức tin, nhận ở đó như một hành động thiêng liêng là một chuyện. Nhưng muốn áp đặt lên người khác để làm bằng chứng cho sự tồn tại của Chúa lại là một chuyện khác. Nếu có bằng chứng về sự tồn tại của Chúa, tất cả các nhà khoa học sẽ là những người có đức tin. Hiện nay, chắc chắn có những nhà khoa học lỗi lạc có đức tin, nhưng cũng có nhiều người không.

Còn phép lạ thì sao? Những người tin vào phép lạ không xem phép lạ là bằng chứng cho sự tồn tại của thần thánh sao?

Nhiều bác sĩ nói với tôi, gần như ngày nào họ cũng gặp những trường hợp hồi phục không rõ lý do mà họ không cần can thiệp. Trong số họ, một số cho đây là may mắn, một số cho rằng có một lý do mà chúng ta chưa biết; vẫn còn những người cho rằng họ được lành nhờ Chúa, nhờ Đức Trinh Nữ hoặc nhờ sự can thiệp của thần thánh. Tôi không thấy điều này có gì hại: nếu điều này đến từ chính họ, thì sẽ giúp họ lớn lên trong đức tin, như thế lại càng tốt. Nhưng chúng ta không thể khẳng định điều này chứng minh Chúa tồn tại.

Thực chất, phép lạ là gì? Đó là điều khoa học không thể giải thích được trong những gì được biết hiện nay, theo một tiến trình tin tưởng. Tiến trình này mới thật sự quan trọng: chính hành động của đức tin đã làm nên phép lạ. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chữa lành cho mười người phong cùi. Nhưng chỉ có một người đi trở lại tạ ơn Chúa. Phép lạ chỉ là bằng chứng cho những ai thấy nó trong hành động thiêng liêng; đối với người khác, phép lạ chỉ là một sự kiện chưa được khoa học giải thích. 

Thần học-thần kinh mà ông đề cập đến trong quyển sách là gì?

Từ lâu các nhà sinh học thần kinh đã quan tâm đến tôn giáo, như cách não bộ phản ứng khi chúng ta cầu nguyện hoặc thiền. Họ phát hiện, khi cầu nguyện hay thiền chúng ta đắm chìm trong những trạng thái ý thức cụ thể, những ánh sáng rất cụ thể sẽ bật sáng vào những lúc này trong não.

 

“Bộ não của chúng ta thích nghi đáng kể với việc thực hành tôn giáo”

 

Một số người đã kết luận Chúa là phát minh của bộ não chúng ta. Những người ủng hộ thần học-thần kinh đưa ra một kết luận khác: theo họ, bộ não của chúng ta thích nghi một cách đáng kể với việc thực hành tôn giáo. Có những đường ống trong não đặc biệt thích hợp để tiếp cận mối quan hệ với Chúa và với siêu việt. Đó có phải là công việc của một trí thông minh cao hơn không?

Một lần nữa, theo quan điểm của tôi, đó là vấn đề của đức tin. Thần kinh học không thể chứng minh hay phủ nhận sự tồn tại của Chúa. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân mình, và điều đó đã rất đáng chú ý rồi!

Theo ông, tư tưởng của linh mục dòng Tên Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) rất có giá trị để suy nghĩ về mối liên hệ giữa khoa học và tôn giáo. Vì sao?

Linh mục De Chardin sống trong một thời kỳ quan trọng, nửa đầu thế kỷ 20, chứng kiến sự phát triển của nhiều lý thuyết khoa học mang tính quyết định: Vụ nổ lớn, di truyền học, tiến hóa, thời tiền sử, v.v. Bản thân linh mục, với tư cách là một nhà cổ sinh vật học, đã đóng góp vào sự phát triển của những ngành khoa học này, mà ngày nay, cho phép chúng ta có một ý tưởng rõ ràng hơn về nguồn gốc của loài người.

Nhưng ngài luôn là người có đức tin. Đứng trước thế giới mà ngày nay chúng ta biết là có tiềm năng vô tận, trong quá trình tiến hóa có từ hàng tỷ năm, đưa ra khả năng có những người ngoài trái đất và do đó đặt câu hỏi về nghĩa đen các câu chuyện trong Sáng thế ký, ngài không ngừng phát triển một câu trả lời của kitô giáo. Giống như Thánh Phaolô (sinh vào đầu thế kỷ thứ nhất và qua đời khoảng năm 67) hay các Giáo Phụ trước ngài, ngài tự hỏi: công việc của Thiên Chúa có những giới hạn nào? Ngài không thấy một giới hạn nào.

Ý tưởng của ngài là chúng ta đừng bao giờ giảm bớt hành động của Chúa thành những gì chúng ta cảm nhận được từ những vấn đề nhỏ bé của chúng ta trên trái đất ngày nay. Chúng ta là ai để nói Chúa có phương tiện để làm hay không? Rõ ràng là chúng ta không đáng kể trong con mắt của vũ trụ sao? Không rơi vào chủ nghĩa tín điều, vẫn ở trong tiến trình đức tin, chứ không ở trong tiến trình đi tìm bằng chứng, linh mục Pierre Teilhard de Chardin vẫn còn rất hữu ích để làm cho chúng ta hiểu, làm thế nào khoa học có thể đặt câu hỏi về truyền thống, mở ra những quan điểm mới hoặc khám phá lại những điều đã bị lãng quên.

Tác giả Jacques Arnould, thần học gia, kỹ sư nông nghiệp, tiến sĩ về lịch sử khoa học. Cựu tu sĩ Dòng Đa Minh, giám đốc dự án tại Trung tâm Nghiên cứu Không gian Quốc gia (Cnes), hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và kỹ sư về các vấn đề đạo đức.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Các bằng chứng về sự tồn tại của Chúa: “Nghi ngờ là cấu thành của khoa học cũng như của tôn giáo”