Thượng Hội đồng: khi giáo dân và giám mục nói chuyện ngang hàng nhau  

92

Thượng Hội đồng: khi giáo dân và giám mục nói chuyện ngang hàng nhau

Ông Philippe Becquart giới thiệu phiên họp với phái đoàn Thụy Sĩ tại Thượng hội đồng ngày 30 tháng 4 năm 2024 | ©

cath.ch, Lucienne Bittar, 2024-04-30

Nhìn từ xa, Thượng hội đồng về tính đồng nghị trông giống như một “cỗ máy” lớn của Giáo hội. Nhưng với các đại biểu Thụy Sĩ, giám mục Felix Gmür, bà Helena Jeppesen, bà Claire Jonard, cuộc gặp gỡ ở Rôma trên hết là một kinh nghiệm tốt đẹp về tình huynh đệ, về tự do trao đổi. Ngày thứ ba 30 tháng 4, họ làm chứng tại Giáo xứ Thánh Giuse ở Lausanne.

Mở đầu, giám mục Félix Gmür, giáo phận Basel lên tiếng: “Ấn tượng đầu tiên tôi còn giữ lại trong lần họp Thượng hội đồng tháng 10 năm 2023 là một tháng chia sẻ, mọi người mặc y phục bình thường hàng ngày, vì đức tin được sống hàng ngày, không phải chỉ có ngày chúa nhật.” Một ý kiến được bà Helena Jeppesen, thuộc tổ chức Lent Action, và bà  Claire Jonard, điều phối viên của Trung tâm ơn gọi (CRV) chia sẻ.

Đến làm chứng theo lời mời của Giáo hội Công giáo ở bang Vaud trước khoảng năm mươi nhân viên mục vụ từ khắp vùng, mỗi người kể lại kinh nghiệm tốt đẹp của họ về Thượng hội đồng: một cuộc gặp quốc tế dựa trên lắng nghe và tình huynh đệ.

Quy trình làm việc bình đẳng

Giáo dân nam nữ, nữ tu và giám mục làm việc trong các nhóm nhỏ, trên cơ sở bình đẳng, áp dụng phương pháp làm việc đồng nghị. Bà Helena Jeppesen kể: “Tôi rất xúc động khi được chọn tham gia trong phái đoàn Thụy Sĩ… rồi tôi bị nghi ngờ. Giáo hội công giáo cực kỳ có tính thứ bậc, thường mang tính giáo sĩ và xa rời các quan tâm của thế giới bên ngoài. Tôi tự hỏi liệu Giáo hội có thực sự biến hình hay không. Sau đó, tôi nghĩ, không có nơi nào tốt hơn Rôma để có thể ảnh hưởng đến các quyết định của Giáo hội hoàn vũ. Đây luôn là nơi phải đến. Cũng không có dịp nào tốt hơn vì có sự tham dự của giáo hoàng Phanxicô, lần đầu tiên ngài phát động tiến trình lịch sử này.”

Khoảng năm mươi thừa tác viên từ khắp vùng nói tiếng Pháp Romandie đến để nghe ba nhân chứng | © Lucienne Bittar

Tự do phát biểu

Khi đến đó, 54 phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới cùng khuyến khích nhau lên tiếng. Bà Jonard cho biết: “Tôi ngồi cùng bàn với tổng giám mục Ý Bruno Forte, ngài viết rất nhiều sách thần học. Bạn tưởng tượng, điều tuyệt vời về phương pháp làm việc của thượng hội đồng là mọi người đều có thời gian phát biểu bằng nhau, dù họ là hồng y, giám mục hay giáo dân.”

Bà Jonard là điều phối viên trong bàn của bà: “Mọi người đều được hướng dẫn để chia sẻ kinh nghiệm thần học của mình, Thiên Chúa nói với họ như thế nào qua thực tế mục vụ của họ, không ai có thể cho mình là chuyên gia giỏi hơn người khác, tất cả được tự do phát biểu và không sợ bị người khác phán xét.”

Gương mặt của Giáo hội hoàn vũ

Họ nhận ra họ có một kinh nghiệm chung khác, tốt đẹp và mạnh mẽ: kinh nghiệm “thực thể” về tính phổ quát của Giáo hội. Bà Helena Jeppersen cho biết: “Trong tiến trình Thượng hội đồng, chúng tôi đã thảo luận ở cấp cơ sở, ở các giáo xứ, giáo phận, trong các hội đồng giám mục, và cuối cùng chúng tôi thảo luận ở Vatican tháng 10 năm 2023 ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ. Tôi không nghĩ có tổ chức quốc tế nào lại lên kế hoạch cho tương lai của mình như thế này!” Bà trích lời của hồng y Áo Christoph Schưnborn, ngài cho biết, đây là Thượng hội đồng đẹp nhất ngài từng dự, vì “dân Chúa đã ở đó”.

Với bà Claire Jonnard, tất cả mọi nơi trên hành tinh đều có đại diện ở Thượng hội đồng: “Tôi rất ấn tượng. Chúng tôi thấy trước mắt thực tế của những quốc gia mà chúng tôi không biết, hoặc những lo ngại mà chúng tôi không hình dung được. Một giám mục Madagascar nói với tôi: ‘Tôi lo lắng vì người dân của tôi chỉ ăn hai ngày một bữa.’”

 Tóm tắt thực tế thế giới

Người điều phối nhấn mạnh, nhiều người dự hội nghị ở Rôma mang theo “nỗi đau người dân của họ”. Ít nhất 50% quốc gia trên thế giới có người dân phải chịu nạn đói hoặc chiến tranh và Giáo hội rất gần với những người này. Đã có nhiều bằng chứng về tác dụng này.

Từ trái sang phải: Giám mục Gmür, bà Isabelle Vernet, bà Helena Jeppesen và bà Claire Jonard | © Lucienne Bittar

Giám mục Gmür cho biết ngài đặc biệt xúc động trước Luca: “Anh làm việc với các nạn nhân ở biển Địa Trung Hải. Một người đặc biệt mà chúng ta không nhất thiết phải gặp ở nhà thờ ngày chúa nhật.” Ngoài ra còn có một giám mục phụ tá của Ukraine ở bàn của ngài: “Đôi khi ngài có vẻ hơi xa cách với giáo dân, gia đình, bạn bè vì quê hương ngài đang chiến tranh.” Giám mục Gmür cũng nói chuyện với các giám mục các Giáo hội Đông phương đang lo lắng về cuộc chiến vừa xảy ra ở Đất Thánh. Ngài nhận xét: “Điều này thách thức tôi về mặt truyền giáo. Làm thế nào để truyền thông điệp của Chúa Kitô trong một Giáo hội tư bản sang trọng của chúng tôi. Đôi khi tôi nghĩ việc mang Tin Mừng đến cho người nghèo sẽ dễ dàng hơn.”

Xây dựng cộng đồng bằng cách mở rộng tình huynh đệ

Một con đường đã được đưa ra để người công giáo Thụy Sĩ tham gia đầy đủ hơn vào việc truyền giáo: thành lập các cộng đồng đại kết và cả thế tục, trong đó Giáo hội sẽ là người tham gia cùng với người khác. Bà Helena Jeppesen biết rõ về Phi Luật Tân qua công việc của bà tại Lent Action: “Các cộng đồng giáo hội nền tảng rất phổ biến ở đó. Trong thời kỳ Covid, Giáo hội nhận ra điều này là chưa đủ để ứng phó với đau khổ. Các giáo phận ngày nay muốn xây dựng cộng đồng với tất cả người dân trong khu vực lân cận, không chỉ người với công giáo.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Ở đây, chúng tôi nghe thấy nhịp đập của trái tim Giáo hội”