Giáo hội cần chuyên gia trong ngành truyền thông hơn bao giờ hết
Ba khách mời ở hội nghị bàn tròn về báo chí tôn giáo: bà Dominique-Anne Puenzieux, ông Paolo Mariani, bà Anne-Sylvie Sprenger © Lucienne Bittar.
cath.ch, Lucienne Bittar, 2024-05-15
Bằng cách tài trợ cho các phương tiện truyền thông có khả năng giải thích các sự kiện tôn giáo, các Giáo hội truyền thống Thụy Sĩ cung cấp dịch vụ không chỉ cho các giáo dân mà còn cho toàn xã hội. Họ góp phần vào các cuộc tranh luận dân chủ, xã hội và văn hóa. Đây là điều mà các chuyên gia báo chí tôn giáo Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp bảo vệ ngày 14 tháng 5 năm 2024 trong một hội nghị bàn tròn tổ chức ở Geneva.
Xã hội được cho là đã thế tục hóa, nhưng việc đi tìm đời sống thiêng liêng vẫn ở trong tâm trí của người đương thời và thực tế tôn giáo thì ở khắp mọi nơi, kể cả tính chính thống trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Các phương tiện truyền thông “thế tục” đầu tư vào những vấn đề này, nhưng đôi khi họ thiếu bí quyết của các nhà báo chuyên ngành. Đây có phải lãnh vực của những người có đức tin hoặc của thần học gia không? Họ có phục vụ cộng đồng tôn giáo mà không vướng vào việc chiêu mộ không?
Để trả lời các câu hỏi này, một số chuyên gia báo chí Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp đã họp ngày 14 tháng 5 năm 2024 tại Bảo tàng Cải cách Quốc tế ở Geneva. Cuộc họp có chủ đề “Vai trò của truyền thông tôn giáo ở Thụy Sĩ vùng nói tiếng Pháp” có khoảng năm mươi người trong Giáo hội và giới truyền thông tham dự.
Để phục vụ đức tin và thông tin
Cùng với nhà báo Lucas Vuilleumier, bà Isabelle Falconnier, giám đốc Câu lạc bộ Báo chí Thụy Sĩ CSP chủ tọa buổi họp, bà nhấn mạnh các phương tiện truyền thông có “mối liên hệ với một Giáo hội lịch sử chính thức và truyền thống tôn giáo, Tin lành, cải cách hoặc Công giáo”. Điều gì nổi bật trong bài viết của họ? Phục vụ đức tin hay phục vụ thông tin khách quan? Họ cho biết họ dung hòa cả hai.
Bà Anne -Sylvie Sprenger, chủ bút tờ Protesinfo chia sẻ: “Chúng tôi cần đến nhà báo Lucas Vuilleumier vì chúng tôi cần người giàu kinh nghiệm, hiểu biết các Giáo hội khác, người có đời sống thiêng liêng và hiểu ý nghĩa thế nào là một tín hữu.”
Nhà báo Bernard Hallet, tổng biên tập trang Công giáo Thụy Sĩ được thành lập 10 năm nay khẳng định: “Chúng tôi là những người có đức tin và cũng là nhà báo. Điều quan trọng là có thể giao tiếp, tổng hợp và truyền đi những gì là đời sống đức tin, một đời sống vô cùng phong phú và phức tạp.”
Các chuyên gia được công nhận
Ông Paolo Mariani, giám đốc Văn phòng Truyền thông Tin lành cho biết: “Chúng tôi được cơ quan công quyền kêu gọi nói về tôn giáo và tâm linh một cách trung lập, dù chúng tôi theo bất cứ tôn giáo nào. Không có mục tiêu truyền giáo mà chỉ có mục tiêu giải thích. Tuy nhiên, để có được kiến thức chuyên môn, các nhà báo phải quan tâm đến các vấn đề tôn giáo và kiến thức thần học cá nhân.”
“Chắc chắn chúng tôi là những người có đức tin nhưng cũng là những nhà báo. Điều quan trọng là phải tổng hợp và truyền tải đời sống đức tin, một đời sống vô cùng phong phú và phức tạp.” Bernard Hallet
Với Tạp chí hàng tuần Echo của kitô giáo, câu hỏi được đặt ra theo cách khác vì tờ báo luôn độc lập, dù về mặt lịch sử, báo luôn gần gũi với Giáo hội công giáo. Kể từ năm 2000, tạp chí được thúc đẩy bởi mong muốn cung cấp một khuôn khổ văn hóa và xã hội cho các giá trị mà kitô giáo truyền tải, luôn lấy gia đình là mục tiêu. Bà Dominique-Anne Puenzieux lập luận: “Vì thế tổng biên tập hiện tại của chúng tôi và một trong các nhà báo của chúng tôi được tuyển dụng dựa trên kiến thức về văn hóa kitô giáo và dấn thân của họ trong lãnh vực này.”
Các khách mời nhấn mạnh thách thức của việc phải đáp ứng mong đợi của một số đối tượng, về mặt thế hệ cũng như về các nền văn hóa không phải lúc nào cũng tương thích.
Theo nhà báo Bernard Hallet, không phải chúng tôi phục vụ trong cộng đồng công giáo mà sự đa dạng không tồn tại hoặc các tín ngưỡng và tôn giáo khác bị lãng quên: “Hoạt động báo chí của chúng tôi dần dần nhường chỗ cho phương tiện truyền thông mạng, xử lý tin tức công giáo dưới nhiều hình thức khác nhau, giải thích các sự kiện trong các bài báo và video cũng như sự hiện diện trên mạng xã hội. Điều này giúp chúng tôi gặp các bộ mặt khác nhau, thế hệ khác nhau và truyền những gì tạo nên truyền thống cũng như sự đa dạng của đạo công giáo.
Những người gìn giữ một truyền thống
Bà Anne-Sylvie Sprenger chia sẻ: “Chúng tôi là những người gìn giữ truyền thống, một truyền thống đã cùng đi với nhân loại trong hơn 2000 năm. Sự phong phú này đã dần dần mất đi vì việc truyền tải trở nên khó khăn. Chúng tôi không giỏi hơn các nhà báo khác, nhưng Giáo hội của chúng tôi giúp chúng tôi tập trung vào những chủ đề này. Nói cách khác, các Giáo hội tài trợ cho hoạt động báo chí chuyên biệt, tránh những sai sót mà chúng ta có thể thấy trên báo chí nói chung.”
“Chúng tôi không giỏi hơn các nhà báo khác, nhưng Giáo hội của chúng tôi giúp chúng tôi tập trung vào những chủ đề này.” Anne-Sylvie Sprenger
Ngoài ra, các nhà báo tôn giáo còn được hưởng lợi từ một mạng lưới mà những nhà báo khác thiếu. Bà Joël Burri lưu ý: Điều này giúp họ mở rộng quan điểm mà không phải lần nào cũng mời cùng một chuyên gia.
Phải làm gì khi đứng trước các tin thời sự tiêu cực?
Bà Isabelle Falconnier hỏi các đồng nghiệp cách họ giải quyết những chủ đề nhức nhối: “Thật khó để tìm một khoảng cách phù hợp, khi phải đào sâu vào những tin tức không may liên quan đến một Giáo hội mình có liên hệ như vấn đề lạm dụng trong các Giáo hội.”
Nhà báo Bernard Hallet của trang Công giáo Thụy Sĩ trả lời: “Chúng tôi chưa bao giờ chịu bất kỳ áp lực nào của Giáo hội. Và dù sao nó cũng không có tác dụng với chúng tôi. Chúng tôi giải quyết các vấn đề này dưới nhiều góc độ khác nhau. chúng tôi đăng các thông tin có tính cách thời sự ngay lập tức, sau đó chúng tôi có những bài đào sâu để tìm hiểu thêm. Mục đích để giải thích các hiện tượng lạm dụng, bản chất hệ thống của nó, kêu gọi các nạn nhân, các nhà xã hội học và các nhà thần học. Nhưng chúng tôi cẩn thận để không làm độc giả bị tràn ngập, công việc của chúng tôi là cần thiết và có lợi, cho phép chúng tôi thách thức với các giám mục, hỏi họ xem họ làm thế nào để phát triển Giáo hội.”
Bà Anne-Sylvie Sprenger của báo Protestinfo giải thích: “Với vụ nhà báo Gottfried Locher, bị kêu gọi từ chức sau cáo buộc lạm dụng tình dục, tâm lý và tinh thần của một cộng tác viên. Chúng ta cần biết điều gì sẽ có hại cho Giáo hội? Chúng ta phải tuân thủ các quy tắc đạo đức của nhà báo, đối chiếu các nguồn, bối cảnh hóa, cân nhắc tính hữu ích hay không, có nên tiết lộ thông tin hay không. Đối đầu với thế lực phản kháng trong Giáo hội đến lúc nào? Chính sức mạnh phản kháng này là điều các Giáo hội mong muốn.”
Tuy nhiên, một sức mạnh phản kháng bị xử lý sai do thực tế tài chính, do cách kể chuyện cá nhân và tất cả phản hồi tiêu cực của mạng xã hội. Bà Burri chia sẻ: “Nhưng tôi muốn giữ thái độ lạc quan. Chúng tôi tin một Trang Nhất đẹp, không những giúp độc giả đọc những gì họ muốn đọc mà còn bổ sung các điều khác có giá trị.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch