Chủ nghĩa hòa bình của Đức Phanxicô có đúng không?

35

Chủ nghĩa hòa bình của Đức Phanxicô có đúng không?

fr.aleteia.org, Michel Cool, 2024-03-23

Lời kêu gọi thương thuyết giữa Nga và Ukraine của Đức Phanxicô làm dấy lên những hiểu lầm. Nhà báo Michel Cool của trang Aleteia đưa ra quan điểm của ông, thắc mắc về vai trò Giáo hội có thể mang lại địa bàn địa chính trị có bị virus chiến tranh làm ô nhiễm hay không.

Đức Phanxicô kiên trì. Tuần này qua tuần khác, ngài kêu gọi tất cả những kẻ hiếu chiến ngừng chiến và thương lượng. Người Nga và người Ukraine, người Israel và các chiến binh Hamas là những người đầu tiên trở thành mục tiêu lời kêu gọi của ngài, lời kêu gọi này hiện chỉ được đáp lại bằng hỏa tiễn và bom rơi. Nhưng ngài là người ở địa vị là người canh giữ hòa bình và đánh thức lương tâm. Ngài hoạt động theo Vatican II và các tiền nhiệm của ngài. Các giáo hoàng của thế kỷ 20 kiên quyết xóa bỏ hình ảnh hiếu chiến, thích gây gỗ mà Giáo hội đã có trong suốt lịch sử kitô giáo. Nhiều vị thánh có hình ảnh chiến binh có trong lịch gregorian của nước Pháp: như vua-Thánh Lu-i hay Giăng Đắc, đó chỉ là trong phạm vi nước Pháp. Thêm nữa, vũ khí hạt nhân và học thuyết răn đe hạt nhân đã làm bùng nổ lý thuyết về chiến tranh chính đáng. Quan niệm kế thừa từ thời Cổ đại đã được Giáo hội tiếp nhận dưới ảnh hưởng của Thánh Augutinô.

Chủ nghĩa hòa bình của Giáo hội

Giáo hội công giáo hiện đang đóng quân trên quan điểm “chủ nghĩa hòa bình”. Điều này dựa trên việc áp dụng nghiêm ngặt và không thể thương lượng điều răn thứ năm: “Chớ giết người.” Điều răn này của ông Môsê biện minh qua việc Giáo hội phản đối án tử hình, phá thai, hỗ trợ tự tử như các giám mục Pháp đã nhắc lại trong lần họp ở Lộ Đức vừa qua. Đường hướng này xứng với sự nhất quán về mặt học thuyết. Nhưng các phức tạp của thực tế có thể làm nó lung lay. Chẳng hạn, trên thực tế chiến tranh có thể loại bỏ lý tưởng này khi nó làm xói mòn sự cân bằng quyền lực, bản chất của các chế độ và tâm lý của các nhà lãnh đạo và những người liên quan. Chúng ta nhớ: trong Đại chiến 1914-1918, Đức Bênêđíctô XV không phải không có lòng quảng đại, nhưng nhân danh tình yêu cho hòa bình thiêng liêng, ngài từ chối chia tách người Đức và người Pháp. Ngài đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích và không được lòng dân ở cả hai nước, nơi người công giáo yêu nước đang chiến đấu và đau khổ. Ngài bị chế giễu vì thái độ chờ thời, đã thất bại trong việc ngăn chặn một trong những vụ tàn sát vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại.

Bất kỳ mọi cố gắng thương thuyết với một cường quốc có lợi thế về quân sự và có ngôn ngữ hai mặt đều là một thất bại được viết trước.

Khi vụng về gợi ý xin người Ukraine giương cờ trắng như một dấu hiệu đầu hàng quân xâm lược Nga, Đức Phanxicô cũng bị một làn sóng khó hiểu và phẫn nộ lấn áp như vậy. Cách thức đòi thương thuyết và hòa bình “bằng mọi giá” này không chống lại được sự bất công hằn sâu của  bên bị tấn công, hơn nữa lại là bên yếu về quân số và vũ khí; nó cũng không chống lại sự thật lịch sử ngoan cường này: bất kỳ mọi cố gắng thương thuyết với một cường quốc có lợi thế về quân sự và có ngôn ngữ hai mặt đều là một thất bại được viết trước. Các hiệp định Munich ký năm 1938 với Hitler hoàn toàn không tránh khỏi chiến tranh… Về vấn đề này, sự kiên quyết Đức Gioan-Phaolô II đã dùng để hỗ trợ người dân giải phóng khỏi ách cộng sản, bị cho là âm mưu của ma quỷ, một loại dấu ngoặc đơn trong chủ nghĩa hòa bình đã trở thành thông lệ trong Giáo hội công giáo.

Đức Phanxicô kêu gọi “thương thuyết” để “chấm dứt chiến tranh”

Thay đổi thời đại

Chủ nghĩa hòa bình này có thể đã có ích trong thời Chiến tranh Lạnh cho đến năm 1980. Nó góp phần “làm dịu” quan hệ Đông-Tây, đồng thời bảo vệ quyền tự do tôn giáo bị xâm phạm đằng sau “Bức màn sắt”. Vatican là một trong những bên ký kết có ảnh hưởng của Hiệp định Helsinki năm 1975, theo đó khoảng 30 quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ và Canada cam kết thiết lập một nền hòa bình lâu dài giữa họ. Nhưng chúng ta đang ở vào năm 2024. “Chúng ta đã thay đổi thời thế”, dùng lại lời của Đức Phanxicô. Hòa bình và thống nhất của châu Âu – từ lâu được xem như một chuyện tất nhiên và duy trì được nhờ những thể chế cộng đồng – một mặt bị đe dọa lâu dài, bởi chủ nghĩa đế quốc quân sự Nga và mặt khác, bởi chủ nghĩa biệt lập của Hoa Kỳ. Hệ thống dân chủ tự do của Âu châu cũng nằm trong tầm ngắm của các cường quốc bá quyền mới, trong đó Trung Quốc không phải là quốc gia không đáng lo ngại. Phòng thủ quân sự của Liên minh châu Âu không còn là một giả thuyết trong sách giáo khoa nữa. Nó đã trở thành vấn đề cốt lõi, cần có giải pháp cấp bách. Trong bối cảnh căng thẳng này, những lời kêu gọi đơn phương giải trừ quân bị, thương thuyết và hòa bình của Vatican có thể giống như một phương thuốc chẳng có hiệu quả gì.

Không ai có lý trí mà lại đi mong chờ tôn giáo chúc lành cho chiến tranh. Trừ khi tên của quý vị là Vladimir Putin. Ông không cần phải năn nỉ thượng phụ Kyrill để được Giáo hội chính thống Nga ủng hộ, người lãnh đạo Giáo hội này là cựu đặc vụ của cơ quan mật vụ Liên Xô. Những lời chỉ trích gay gắt của ông chống sự “suy đồi” đạo đức và thiêng liêng của phương Tây nhằm gán cho các mục tiêu đế quốc của ông chủ Điện Kremlin cái mác, đây là cuộc chiến văn minh và thậm chí là cuộc thánh chiến. Đây là một trong những khía cạnh thực tế và đáng gờm của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Liệu chúng ta có thể loại chủ đề này ra khỏi bàn thương thuyết giả định với lý do tìm kiếm hòa bình “bằng mọi giá” không?

Đức Phanxicô hay “sự thất bại của phương Tây”

Đánh giá lại quan niệm chiến tranh chính đáng

Vậy chúng ta có thể mong chờ điều gì chính đáng của Giáo hội trên địa hình địa chính trị bị virus chiến tranh làm ô nhiễm này không? Thứ nhất: việc đưa các loại vũ khí thông thường cổ điển trở lại chiến trường có thể là cơ hội để đánh giá lại quan niệm về chiến tranh chính nghĩa, dựa trên quyền tự vệ của kẻ yếu. Thứ hai, việc đọc lại thư Đức Phaolô VI gởi hồng y Roy năm 1971 có thể làm sáng tỏ. Sau khi thất vọng với Thông điệp Sự sống Con người (Humanỉ vitỉ), Đức Phaolô VI đã đặt câu hỏi về sự liên quan của việc tiếp tục ban hành các quy tắc đơn phương, buộc phải bỏ các tình huống cụ thể. Liệu phương pháp giải nghi học như vậy có thể áp dụng trong tình huống chiến tranh không? Cuối cùng, thứ ba, trước sự trở lại của bi kịch trong lịch sử của chúng ta, liệu chúng ta có thể phát triển một thần học về hòa bình, không còn “ở ngoài mặt đất”, nhưng gắn chặt vào các thực tại của thế giới này không? Chúng ta đã học đủ bài học thần học từ chứng tá kitô giáo của các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, những người nhân danh đức tin của mình đã không cầm vũ khí để chống lại áp bức và man rợ không? Chúng ta đã biến Giáo hội thành trường học bất bạo động và hòa giải, được công nhận và có uy tín do phong cách tồn tại của chính Giáo hội chưa?

Chỉ có hòa bình của Giáo hội mới có thể mang lại cho chúng ta sự sáng suốt và can đảm để đối diện một cách công bằng và chính xác với sự trở lại của bi kịch trong lịch sử chúng ta.

 “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14:27). Chắc chắn chúng ta chưa hiểu hết lời của Chúa Kitô. Hòa bình của thế giới sẽ không bao giờ nhận được từ Chúa Kitô. Điều này sẽ khuyến khích toàn thể Giáo hội, tất cả chúng ta, nghiên cứu ý Chúa Kitô hơn bao giờ hết. Trước hết vì chỉ có Giáo hội mới có thể hoán cải chúng ta về với hòa bình của Giáo hội. Vì chỉ có hòa bình của Giáo hội mới có thể mang lại cho chúng ta sự sáng suốt và can đảm để đối diện một cách công bằng và chính xác với sự trở lại của bi kịch trong lịch sử chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Phanxicô xin Ukraine giương cờ trắng: các giới hạn của “tôn giáo tình yêu”?

Giáo hoàng Argentina, châu Âu và chiến tranh