Các kết hợp đồng tính: vì sao Đức Phanxicô lại đổ dầu vào lửa

129

Các kết hợp đồng tính: vì sao Đức Phanxicô lại đổ dầu vào lửa

lepoint.fr, Jérôme Cordelier. 2024-02-09

Mặc dù việc này đụng chạm đến đa số giáo dân nhưng ngài vẫn kiên trì chúc lành cho những cuộc kết hợp như vậy. Liệu có nguy cơ bị cắt đứt không? Đức Phanxicô đang làm gì? Những tuyên bố mới nhất của ngài về chúc phúc cho các kết hợp đồng tính tạo nhiều rắc rối thêm cho một Giáo hội công giáo đã bị chia rẽ sâu sắc về vấn đề này.

Kể từ ngày 18 tháng 12 khi bộ Giáo lý Đức tin công bố Fiducia supplicans thì sự chia rẽ vốn đã có giữa người bảo thủ và người cấp tiến lại tăng thêm. Một số giám mục, và không ít, trên khắp thế giới đã công khai bày tỏ họ không đồng ý với tài liệu cho phép chúc phúc cho các cặp đồng tính, nhưng cũng – điều chúng ta quên – chúc phúc cho các cặp vợ chồng trong tình trạng bất hợp lệ, đó là trường hợp của những người ly hôn.

Hội đồng Giám mục đầy quyền lực Phi châu – tính theo số lượng giáo dân – đã công bố một thông cáo chống lại quan điểm của la-mã. Hội đồng Giám mục Pháp dưới áp lực của một nhóm giám mục phương Tây, thành trì vững chắc của công giáo, thù nghịch với quyết định ban đầu của la-mã, đã giữ một khoảng cách nhưng vẫn khẳng định họ trung thành với giáo hoàng, với quyết định của ngài chúc phúc cho giáo dân chứ không cho kết hợp.

Đức Phanxicô vẫn kiên trì

Sự việc diễn ra nghiêm trọng đến mức ngày 4 tháng 1, Vatican dường như đã lùi bước, không còn nói cụ thể về “các cặp” nhưng là các cá nhân. Căng thẳng dường như được xoa dịu phần nào và giáo dân yên tâm hơn. Với đa số, điều này đụng đến bản chất thiêng liêng của hôn nhân – dù lời nói chưa bao giờ được nêu lên – vốn chỉ có thể là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.

Bài đọc thêm: Ở Vatican, Đức Phanxicô không buông gì hết

Và bây giờ giáo hoàng đang đổ thêm dầu vào lửa. Ngày 26 tháng 1 ngài tuyên bố: “Khi một cặp xin chúc phúc, chúng ta không chúc phúc cho sự kết hợp mà chúc phúc cho những người cùng xin được chúc phúc.” “Những người cùng xin”: uyển ngữ của Dòng Tên. Sau đó là những phát biểu của ngài ngày 8 tháng 2 với tạp chí Credere, một tạp chí được thành lập vào đầu triều của ngài và gần gũi với ngài.

 Tất cả chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau. Mọi người! Trọng tâm của tài liệu là đón nhận. – Đức Phanxicô

Đức Phanxicô – nổi tiếng bướng bỉnh, độc đoán, nóng nảy – mất bình tĩnh và khiêu khích đàn chiên của ngài, không phải là không có lý: “Sẽ không ai cảm thấy bị xúc phạm nếu tôi chúc phúc cho một doanh nhân mà người đó có thể là người bóc lột người dân: đó là một tội rất nghiêm trọng. Nhưng họ lại bị xúc phạm nếu tôi chúc phúc cho một người đồng tính… Đó là đạo đức giả! Tất cả chúng ta phải tôn trọng  nhau. Mọi người! Trọng tâm của tài liệu là đón nhận.”

Nhưng chuyện gì đã xảy ra cho ngài? Một nhà vatican học dày dạn kinh nghiệm phát biểu: “Đó là một sai lầm lớn. Ngài đụng vào một đường phân chia. Trước hết và trên hết, ngài tìm kiếm sự đồng ý của dư luận: như thế là ngài liều lĩnh, thậm chí là không trách nhiệm.” Một chuyên gia rành về ngõ ngách Rôma nhấn mạnh: “Một vấn đề gây chia rẽ trong Giáo hội. Có sự phân chia rõ ràng giữa miền Nam và miền Bắc. Ngài khơi lại những vết rạn nứt.”

“Một thời điểm hết sức nguy hiểm cho sự hiệp nhất Giáo hội”

Cuộc tranh cãi chung quanh Fiducia supplicans có đánh dấu một thời điểm rạn nứt sâu sắc trong Giáo hội không? Theo nhà sử học Giovanni Maria Vian, giám đốc danh dự nhật báo Vatican L’Osservatore Romano, “đây là thời điểm hết sức nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội”. Ông giải thích: “Một số vấn đề quan trọng đang được đặt lên bàn làm việc. Thông tin liên lạc giáo hoàng không phải lúc nào cũng có thể đọc rõ được. Và thường đối nghịch với những suy nghĩ về tình dục đã được các giáo hoàng tiền nhiệm từ Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II đến Đức Bênêđictô XVI suy nghĩ từ lâu, các ngài đều đã phát hành những tài liệu quan trọng về chủ đề này. Thậm chí Đức Gioan-Phaolô II còn phát triển một thần học về thân xác được giảng trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư trong những tháng cuối triều của ngài. Gần đây các giám mục Scandinavia đã phát hành một tài liệu đáng chú ý đánh giá cao truyền thống kitô giáo về tình dục con người.”

Với những người khác, suy nghĩ nóng lên hơi nhanh. Thêm nữa, những lời của ngài không mang tính trang trọng của Vatican, không được đọc trong buổi tiếp kiến chung hoặc trong vô số thông cáo mà Giáo hội công giáo công bố mỗi ngày.

Đây là những lời được nói ra một cách nhanh chóng – dù được đọc lại chính xác trong văn phòng giáo hoàng – trong sức nóng của một cuộc phỏng vấn phát ra từ một giáo hoàng có tính khí nóng nảy… Những người am tường nhất nhấn mạnh ngài kiên trì như vậy là để bảo vệ hồng y Victor Manuel Fernandez, người mà ngài đã bổ nhiệm đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin vào tháng bảy vừa qua. Chính hồng y thần học gia Argentina thân thiết của ngài là người chịu trách nhiệm xuất bản Fiducia supplicans, và kể từ đó hồng y là mục tiêu tấn công của những người bảo thủ. 

Cắt đứt, hay đơn giản là một biểu tượng?

Bản thân tuyên bố đó có đáng gây bão như vậy trong Giáo hội không? Với một số người, đây là một dấu hiệu thêm nữa cho thấy sự xuống cấp của một Giáo hội la-mã đang cố gắng ôm lấy sự hiện đại suy đồi khi cưa đổ những trụ cột đức tin. Với một số khác, theo một nhà vatican học, thì “đây là thứ trật của biểu tượng hơn là một rạn nứt sâu sắc: giáo lý về hôn nhân không thay đổi”. Và, người đối thoại của chúng tôi, người theo sát triều Đức Phanxicô cho biết thêm, cách tiếp cận “trong sự nhất quán của một giáo hoàng luôn muốn có một Giáo hội ở gần với cuộc sống của giáo dân càng nhiều càng tốt, chứ không phải một Giáo hội ló ra”.

Từ đầu tháng 10, ngay cả trước khi phát hành Fiducia supplicans, Đức Phanxicô đã gay gắt chỉ trích các hồng y bảo thủ về chủ đề này, với cách ngài hay làm để lay động hàng giáo sĩ của mình, ngài khuyên họ không nên là “những thẩm phán chỉ phủ nhận, bác bỏ, loại trừ”.

Ngay từ đầu triều năm 2013, trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium, ngài đã nhấn mạnh Giáo hội không phải là “trạm hải quan, nhưng là ngôi nhà của người cha, nơi có chỗ cho mọi người”. Ngài được bầu để cải tổ Giáo hội, và mặc dù đã lớn tuổi, đã yếu, đã bệnh nhưng ngài vẫn đảm nhận sứ mệnh của ngài. Vì thế ngài thường xuyên có những mũi chích nhỏ để nhắc nhở. Để gởi tín hiệu đến những người đang than thở về bầu khí cuối cùng của triều giáo hoàng, để họ được trấn an, hay còn có người lo, “cuộc cách mạng Phanxicô” vẫn tiếp tục. Cho đến hơi thở cuối cùng.

Marta An Nguyễn dịch

Chúc lành cho người đồng tính: các hồng y lộ rõ các khác biệt của họ