Hồng y Czerny: “Các cuộc cải cách đang được tiến hành”

49

Hồng y Czerny: “Các cuộc cải cách đang được tiến hành”

Hồng y Michael Czerny, bộ trưởng bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện tin chắc, Thượng hội đồng khuyến khích sự tham gia vào Giáo hội. Theo ngài, cần có những cách thức mới để phụ nữ có thể tham gia vào Giáo hội tốt hơn. Sự thay đổi đang được tiến hành.

cath.ch, Raphael Zbinden, 2023-10-16

Xin cha cho biết, tiến trình đồng nghị mang ý nghĩa nào?

Hồng y Michael Czerny: Với tư cách là Giáo hội, Thượng hội đồng là một thử thách lớn với chúng tôi. Đây không phải là bài tập dễ dàng, nhưng rất đáng để chúng ta cùng nhau học cách làm thế nào để có thể hoạt động tốt hơn trong tư cách Giáo hội, để hoàn thành sứ mệnh mà Chúa Giêsu Kitô đã giao phó cho chúng ta.

Hy vọng của cha là gì?

Tôi hy vọng chúng ta sẽ học được nghệ thuật lắng nghe, đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận trong cầu nguyện và tình huynh đệ. Tôi cũng hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau tiến tới đàng trước dù có nhiều vấn đề và những khác biệt.

Cha có nghĩ điều này có thể thay đổi cơ cấu của Giáo hội Công giáo về lâu dài không?

Chúng ta sẽ xem Thượng hội đồng sẽ mang lại những thay đổi gì. Nhưng những thay đổi này sẽ là thành quả của cách tiếp cận đồng nghị. Chúng ta cần thời gian. Kết quả sẽ không được nhìn thấy ngay lập tức.

Trước khi Thượng hội đồng họp tại Rôma, nhiều quốc gia kêu gọi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Cha nghĩ sao?

Điều này cho thấy vấn đề phụ nữ đang được cả thế giới quan tâm. Đây cũng là tiến trình đồng nghị đang diễn ra. Thượng hội đồng không được triệu tập để trả lời những vấn đề này. Thượng hội đồng được triệu tập để học làm thế nào để điều hành. Đó là một hình thức trải nghiệm.

“Truyền thống của chúng tôi là phụ nữ không thể trở thành linh mục. Nhưng truyền thống là động lực”

 

Cha có nghĩ Thượng hội đồng sẽ củng cố vai trò của phụ nữ trong Giáo hội không?

Tiến trình đồng nghị đã thực hiện điều này. Vì phụ nữ và nam giới được tham dự bình đẳng. Hơn nữa, phụ nữ và nam giới đều bình đẳng trong Giáo hội công giáo.

Vì sao phụ nữ lại không được chịu chức?

Bình đẳng giới trong Giáo hội không đến từ do việc được vào chức tư tế, nhưng qua phép rửa tội. Bí tích rửa tội làm cho chúng ta trở thành những thành viên bình đẳng của Giáo hội, bình đẳng trong mọi khía cạnh tham gia.

Nhưng phụ nữ không thể làm linh mục?

Tôi nghĩ vẫn còn một quan niệm lỗi thời cho rằng một linh mục hay giám mục thì cao trọng hơn những người khác. Câu hỏi của ông là câu hỏi xã hội học mà Giáo hội chỉ có thể đưa ra câu trả lời hạn chế và có thể sẽ không làm ông hài lòng. Chúng tôi xin lỗi. Nhưng tôi hy vọng càng ngày ông sẽ càng đánh giá cao cuộc sống thực sự, Giáo hội đích thực, trong đó người nam cũng như người nữ có phẩm giá như nhau và cộng tác trên cơ sở bình đẳng.

“Từ ‘công giáo’ hàm ý tất cả mọi người đều được bao gồm. Đó không phải là về sự đồng nhất”

Nhưng ơn gọi của người nam được Giáo hội xem trọng, còn của người nữ thì không. Đây là sự phân biệt đối xử về mặt cấu trúc.

Không, đó không phải là sự phân biệt đối xử về cơ cấu, mà là truyền thống của chúng tôi cho rằng phụ nữ không thể trở thành linh mục. Nhưng truyền thống là năng động. Nó liên tục. Nó không tĩnh.

Một quyển sách sẽ sớm được xuất bản ở vùng nói tiếng Tây Ban Nha, trong đó có nhiều phụ nữ kể lại ơn gọi linh mục của họ. Cha có bao giờ gặp phụ nữ nào cảm thấy mình được kêu gọi để thành linh mục không?

Có. Tôi đã gặp những người phụ nữ suy nghĩ về điều này hoặc họ tham dự vào một cuộc tranh luận này.

“Trước hết, điều quan trọng là phụ nữ cảm thấy họ ở trong Giáo hội như ở trong nhà họ” 

Thượng Hội Đồng có cho phép các giải pháp phi tập trung không?

Có, tôi nghĩ một số khác biệt mang tính địa phương sẽ được nêu bật. Chúng ta đã có những khác biệt lớn lao trong Giáo hội hoàn vũ. Chẳng hạn, tín hữu châu Phi cử hành bí tích Thánh Thể khác với tín hữu châu Âu. Từ “công giáo” hàm ý tất cả mọi người đều được bao gồm. Đây không phải là sự đồng nhất. Đây là việc bao gồm tất cả mọi người.

Làm thế nào có thể?

Chúng ta đang trải nghiệm chiều kích “công giáo”, đó là đa dạng trong hiệp nhất. Một số khác biệt có thể trở nên rõ ràng hơn trong tương lai và những khác biệt khác có thể giảm bớt. Thượng hội đồng có thể đưa ra các đề xuất hoặc đưa ra quyết định về chủ đề này.

Cha là bộ trưởng bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện, một nửa bộ của cha là phụ nữ. Tại sao điều này quan trọng với cha?

Những người phù hợp nhất cho chức vụ sẽ được tuyển dụng, không kể họ ở giới tính nào.

Bộ của cha lo vấn đề nhân quyền. Làm thế nào để cải thiện vai trò của phụ nữ trong Giáo hội?

Trước hết, điều quan trọng là phụ nữ cảm thấy họ ở trong Giáo hội như ở trong nhà họ.  Chúng ta cần tìm những cách mới và tốt hơn để họ tham gia vào tổ chức.

“Chương trình cải cách là sự tăng trưởng, là đời sống của chính Giáo hội”

Trong Tân Ước có nữ tông đồ Junia, vào thời Trung cổ lại bị biến thành đàn ông, Junas. Bà Maria Mađalêna được Giáo hội sơ khai gọi là “tông đồ của các tông đồ”, Đức Phanxicô đã công nhận bà như vậy và nâng cao bà về mặt phụng vụ. Nhưng đồng thời, Vatican lại cho biết không có nữ tông đồ nào. Điều này có ý nghĩa gì với phụ nữ ngày  nay?

Khi nói Maria Mađalêna là “tông đồ của các tông đồ”, đó là một thay đổi quan điểm được phản ảnh trong phụng vụ. Vì thế sự thay đổi đang được tiến hành.

Công đồng Vatican II mô tả Giáo hội là luôn cải cách (semper reformanda). Ngày nay nguyên tắc này có còn giá trị không?

Còn, Giáo hội vẫn còn cải cách. Chương trình cải cách không phải là thời điểm ai đó quyết định thay đổi một quy định. Chương trình cải cách là sự phát triển, là đời sống của chính Giáo hội, và điều này được phản ánh trong giáo huấn của Giáo hội. Cuộc cải cách vẫn chưa dừng lại, nó đang được tiến hành. Sẽ có kết quả mới. Nhưng khi chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một quá trình, chẳng hạn như Thượng hội đồng về tính đồng nghị, chúng ta không thể nói điều gì sẽ xảy ra sau khi kết thúc cuộc họp.

Cây thánh giá cha mang rất đặc biệt. Xin cha cho biết câu chuyện của cây thánh giá này.

Gỗ làm cây thánh giá được lấy từ một chiếc thuyền tị nạn bị vỡ nát mắc cạn trên bãi biển ở Lampedusa. Cây thánh giá nhắc tôi phải tập trung vào những người đang kêu cứu – giống như Chúa Giêsu đã làm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Thượng hội đồng, khi những tiếng nói ngược chiều vang lên