Tại Vatican, dù họp kín, các ý kiến khác biệt vẫn lọt ra trong Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội công giáo

298

Tại Vatican, dù họp kín, các ý kiến khác biệt vẫn lọt ra trong Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội công giáo

lemonde.fr, Sarah Belouezzane, 2023-10-06

Những người ủng hộ những thay đổi sâu đậm và những người ủng hộ nguyên trạng bày tỏ quan điểm của mình trong các cuộc tranh luận, cũng như trên các phương tiện truyền thông, đi ngược với yêu cầu giữ kín của Vatican.

Thông tin được đưa ra ngày thứ năm 5 tháng 10, giữa cuộc họp báo của Tòa Thánh tại Vatican về Thượng Hội đồng do Đức Phanxicô triệu tập để suy ngẫm về tương lai của Giáo hội công giáo. Một trong những thành viên của hội nghị, hồng y rất bảo thủ người Đức Gerhard Müller được kênh bảo thủ EWTN của Mỹ mời tối hôm đó để nói về Thượng Hội đồng, mà Đức Phanxicô muốn thay đổi văn hóa trong Giáo hội, hội nhập hơn nữa, đưa mọi người vào tham dự và nói về các chủ đề chẻ thớ như vị trí của phụ nữ, bạo lực tình dục hay đón nhận người LGBT.

Tuy nhiên, từ nhiều tuần này, Đức Phanxicô đã nói rõ: về Thượng hội đồng và công việc của Thượng hội đồng, sẽ không có bất kỳ vấn đề nào được các thành viên tham dự nói ra công khai, từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10, giai đoạn đầu tiên của một quá trình sẽ kết thúc với cuộc họp lớn thứ hai vào tháng 10 năm 2024.

Nếu các thành viên không bị áp đặt vào bí mật giáo hoàng, một bí mật rất chặt chẽ thì họ được xin giữ “kín đáo”. Theo một người tham dự, điều này đủ để tạo khuấy động nơi các thành viên, họ lo lắng không biết hồng y sẽ nói gì. Ít nhất, không ai không biết quan điểm thận trọng của hồng y với một thượng hội đồng mà ngài cho là “cố gắng kiểm soát thù nghịch” của Giáo hội công giáo.

Sợ chia rẽ

Trong các cuộc thảo luận kín này của các giám mục, tu sĩ và giáo sĩ, có một bóng đen đáng sợ, đó là sự chia rẽ trong một Giáo hội công giáo bị phân cực giữa những người mong đợi nhiều thay đổi từ sự kiện này và những người, ngược lại, lo sợ trước những gì nó có thể tạo ra.

Vì sợ chia rẽ, một số người đã quyết định, như một người tham dự ẩn danh nói, họ “đóng cửa với những làn sóng” để không nhạy cảm với áp lực từ bên ngoài: “Chừng nào tôi còn ở trong phiên họp, tôi không đọc bất cứ tin gì xảy ra bên ngoài”. Tuy nhiên, sự chia rẽ và lập trường hoàn toàn khác nhau vẫn tồn tại cả bên trong lẫn bên ngoài.

Chắc chắn, với các đại biểu sẵn sàng phát biểu, “trao đổi diễn ra tốt đẹp và trong bầu khí anh em”, nhưng nhiều người trong số họ thừa nhận, có một số khuôn mặt vẫn còn khép kín, dấu hiệu phản đối quy trình hoặc tỏ dấu hiệu khó hiểu giữa các đại biểu. Một thành viên lưu ý: “Cũng phải nói có một số người không quen nhìn phụ nữ nói và càng không quen với việc phải lắng nghe khi họ nói…”.

“Kế hoạch thao túng”

Các tường trình viên phụ trách viết tóm tắt các cuộc thảo luận của mỗi nhóm công tác cũng được mời trình bày những quan điểm khác nhau này trong văn bản của họ. Nếu giáo hoàng áp đặt bí mật trên các cuộc thảo luận này, Vatican giải thích đó là để mọi người nói chuyện một cách tự nhiên. Nhưng các nguồn tin cũng cũng nghĩ rằng, đó là để ngăn chặn các thành viên thêm chất liệu vào cho cỗ máy chia rẽ.

Tối thứ năm 5 tháng 10, cuối cùng tỏ ra thận trọng hơn mong đợi, hồng y Müller nói với đài truyền hình Mỹ ETWN: “Tôi có… một dạng lạc quan nào đó. Nhưng cuối cùng phải chờ xem nó sẽ đi theo hướng nào và những quyết định nào trong hậu trường. Đó luôn là vấn đề.”

Hồng y Joseph Zen của Hồng Kông, người không phải là thành viên của Thượng hội đồng, đã không giữ thận trọng tương tự. Trong một lá thư gởi cho các giám mục đại diện được công bố vào ngày thứ năm, ngài còn viết tiến trình này như một “kế hoạch thao túng”: “Người ta bắt đầu nói phải lắng nghe tất cả mọi người. Dần dần, họ làm cho chúng tôi hiểu trong số những ‘tất cả’ này, có những người đã bị ‘loại trừ’. Cuối cùng, chúng tôi hiểu đây là những người lựa chọn một đạo đức tính dục khác với truyền thống công giáo.”

Người ủng hộ sự thay đổi

Bên phía cải cách cũng có những người biện hộ rất rõ ràng. Dĩ nhiên có những hiệp hội nữ quyền công giáo đã lên kế hoạch cho đủ loại biểu tình trong tháng 10 này, nhưng đó không phải là tất cả. Bên trong Hội trường Phaolô VI, nơi công việc đang diễn ra, nhóm đại biểu Đức, ngoại trừ hồng y Müller, được nhiều người xem đây là nhóm người ủng hộ nghiêm túc cho sự thay đổi.

Sau một loạt tiết lộ về bạo lực tình dục trong Giáo hội, các giám mục trên khắp nước Đức đã tiến hành suy tư riêng của họ từ năm 2019 đến năm 2023. Trong 4 năm, hàng giám mục và giáo dân đã thảo luận trên cơ sở bình đẳng, bỏ phiếu đặt ra các quyết tâm để mang lại cho Giáo hội của họ một hướng đi mới.

Các đại biểu Đức rút từ kinh nghiệm mạnh mẽ này, họ mong muốn thúc đẩy sự thay đổi trong thể chế ở cấp độ toàn cầu. Tổng giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã không ngần ngại nói chuyện với báo chí trước khi bắt đầu công việc và dự định sẽ làm như vậy một lần nữa. Ngài công khai bày tỏ sự dè dặt của mình với những nhận xét của Đức Phanxicô: “Nếu chúng tôi có thể trao đổi quan điểm như trong một nghị viện mở, thì chúng tôi đã thắng rất nhiều”, Đức Phanxicô luôn nói Thượng hội đồng không phải là một nghị viện.

Một nhà ngoại giao ở Rôma nói: “Không giống như những người khác, các giám mục Đức hiểu và chấp nhận sự thay đổi là cần thiết. Nhiều người sợ họ sẽ phá hủy bong bóng tồn tại giữa các giám mục.” Bị buộc phải diễn tả bằng các ngôn ngữ không phải ngôn ngữ của mình trong thượng hội đồng này, người Đức đã đồng ý trả tiền cho thông dịch viên để họ có thể phổ biến ý tưởng của họ. Tòa Thánh đã không có kế hoạch làm điều này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Dominique Wolton: “Việc truyền thông phải ‘nhịn thông tin’ không làm tôi sốc”

Một hồng y thách thức nguyên tắc giữ kín đáo, tạo chấn động ở Vatican với lời chỉ trích khi Thượng hội đồng diễn ra

Vì sao Đức Phanxicô giữ các nhà báo tránh xa các cuộc tranh luận của Thượng hội đồng