Một hồng y thách thức nguyên tắc giữ kín đáo, tạo chấn động ở Vatican với lời chỉ trích khi Thượng hội đồng diễn ra

421
Một hồng y thách thức nguyên tắc giữ kín đáo, tạo chấn động ở Vatican với lời chỉ trích khi Thượng hội đồng diễn ra
Hồng y người Đức, Gerhard Müller, đại diện cho phái bảo thủ của Giáo hội, đã không tuân theo quy định đòi hỏi 365 tham dự viên nên “dè dặt”, đã vượt qua giáo hoàng và hồng y Fernández.
lanacion.com.ar, Elisabetta Piqué, 2023-10-06
Hồng y Gerhard Müller, trả lời phỏng vấn dù Đức Phanxicô đã yêu cầu nên kín đáo. / Franco Origlia – Getty Images Europe
Để bảo vệ sự riêng tư của Thượng hội đồng bắt đầu ngày thứ tư 4 tháng 10 và sẽ kết thúc ngày chúa nhật 29 tháng 10, đây là lần đầu tiên phụ nữ và giáo dân có tiếng nói và có quyền bỏ phiếu, Đức Phanxicô đã xin các tham dự viên “nhịn nói trước công chúng”, nên im lặng và ưu tiên lắng nghe. Nhưng một số không tuân theo, như hồng y người Đức Gerhard Müller, ngài là người đầu tiên thách thức yêu cầu im lặng này.
Ngài là bộ trưởng danh dự bộ Giáo lý Đức tin, đại diện cho phái bảo thủ của Giáo hội, trong nhiều tháng qua, ngài là một trong những người phê bình mãnh liệt nhất về sự kiện lớn của Giáo hội, trong đó bản sắc của Giáo hội được thảo luận. Hôm qua, ngài đã có cuộc phỏng vấn dài 10 phút với kênh công giáo EWTN cực kỳ bảo thủ của Mỹ, điều này đã gây xôn xao và khó chịu trong các thành viên của Thượng hội đồng.
Nhà báo người Mỹ Raymond Arroyo – một người nổi tiếng gièm pha Đức Phanxicô – đã phỏng vấn hồng y Müller, dù cố kiềm chế nhưng ngài đã đã công kích nặng Thượng hội đồng, giáo hoàng và tân hồng y Víctor Manuel Fernández, bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin, người đồng hương và người tin cậy được Đức Phanxicô đưa về Rôma.
Những phê bình
Hồng y Müller dự Thượng hội đồng do Đức Phanxicô mời, để tất cả tiếng nói và tầm nhìn của Giáo hội có thể được trình bày, hồng y đã không giấu giếm, ngài thấy thật kinh hoàng khi thấy 54 phụ nữ và giáo dân – có quyền bầu cử – tham dự vào cuộc họp mà trước đây chỉ dành cho các giám mục. Ngài nói: “Không ai biết việc trao phiếu bầu cho giáo dân có ý nghĩa gì, vì bản chất của hội nghị này đã thay đổi.”
Theo báo La Nación được biết, để phản ánh lập trường phê phán của mình, hồng y người Đức, 75 tuổi đã không đi tĩnh tâm ba ngày ở ngoại ô Rôma trước hội nghị, những ngày tĩnh tâm chưa từng có mà mọi người được mời tham dự, cũng như ngài không đi trong đoàn rước trước thánh lễ khai mạc. Hơn nữa, trong một cuộc họp hoàn toàn khác biệt so với những cuộc họp trước đây không chỉ vì sự tham gia của phụ nữ và giáo dân, mà còn vì phương pháp làm việc mới – với 35 bàn tròn – ngài là người duy nhất mặc phẩm phục hồng y dù không đòi hỏi.
Đức Phanxicô đồng tế thánh lễ với các tân tân hồng y và Hồng y đoàn tại Quảng trường Thánh Phêrô /  VaticanEvandro Inetti – ZUMA Press Wire
Hồng y người Mỹ Raymond Leo Burke, lãnh đạo phe đối lập bảo thủ, ngài không tham gia cuộc họp, ngày thứ ba 3 tháng 10, trước khi Thượng hội đồng khai mạc ngày thứ tư, hồng y Burke đã tổ chức buổi hội thảo có tên “The Synodal Babel” (Thượng hội đồng Babel), ngài bày tỏ lo lắng, thượng hội đồng có thể “tiêu diệt” Giáo hội bằng những thay đổi về học thuyết.
Hồng y Müller cũng tấn công tân hồng y Fernández. Cụ thể ngài chỉ trích một số phát biểu mà hồng y Fernández nói trong cuộc phỏng vấn, cho rằng giáo hoàng có “một ân sủng sống động và tích cực”, dẫn đến “giáo lý của Đức Thánh Cha”. Hồng y Müller nhắc lại, “có giáo lý của Chúa Giêsu, các tông đồ và Giáo hội, và các giáo hoàng và giám mục là những người cổ võ giáo lý này, nhưng họ không có giáo lý riêng của họ (…). Dĩ nhiên giáo hoàng có thẩm quyền đặc biệt trong Giáo hội và đức tin công giáo, nhưng ngài không phải là người tiếp nhận những mặc khải mới. Đó là lý do vì sao ý tưởng của tân hồng y đưa ra là rất mới, một ý tưởng rất đặc biệt, tôi chưa bao giờ nghe điều gì giống như vậy, tôi đã là giáo sư giáo điều trong 16 năm, tôi chưa bao giờ đọc bất cứ điều gì về sức thu hút đặc biệt này.”
Hồng y thần học gia Müller, tổng giám mục Regensburg, năm 2012 được Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin. Được Đức Phanxicô phong hồng y năm 2014 và năm 2017, Đức Phanxicô bổ nhiệm hồng y Dòng Tên người Tây Ban Nha Luis Ladaria thay thế hồng y Müller, một loại bỏ bất ngờ, điều mà ngài không bao giờ hiểu được. Trong một quyển sách phỏng vấn với nhà vatican học Franca Giansoldati, được xuất bản vào đầu năm, hồng y nghĩ ngài bị Đức Phanxicô sa thải “mà không có lời biện minh nào” do ảnh hưởng của hồng y Fernández.
Hồng y Müller cũng tố cáo “thái độ kép” được cho là của Vatican, vì hồng y khoan dung với các giám mục tiến bộ và không khoan dung với các người bảo thủ. “Tôi đã công khai chỉ trích (và nói), thật xấu hổ khi bất kỳ giám mục chính thống tốt lành nào cũng bị gây hấn và những người khác đang làm nhiều điều sai trái, dị giáo, lại nhận được thái độ khoan dung từ Rôma”.
Hơn nữa, như trước đây, hồng y chỉ trích việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ trong một số trường hợp, theo chú thích trong tông huấn Amoris Laetitia, kết quả của Thượng hội đồng kép về gia đình năm 2015 và 2016.
Phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị / Vatican Media photo
Hồng y Müller phản đối: “Rõ ràng rằng theo Cựu Ước và Tân Ước và các Điều Răn, mọi hành vi tình dục ngoài hôn nhân hợp pháp đều là tội lỗi và không ai có thể thay đổi được, đó là lời Chúa (…) Giáo hoàng và hồng y Fernández nói rằng đó là những trường hợp ngoại lệ, nhưng trong một số trường hợp, đó không phải là ngoại lệ và Lời Chúa không thể bị cho là tương đối với cái gọi là ‘đạo đức trong hoàn cảnh’.”
Dù trong quá khứ, như người phỏng vấn nhắc lại, hồng y Müller nói rằng thượng hội đồng hiện tại – vốn bắt đầu cách đây hai năm qua cuộc tham vấn toàn cầu – đã “bắt cóc Giáo hội”, hồng y vẫn cẩn thận lặp lại thành ngữ này. Thêm nữa, khi được hỏi, ngài công nhận, kinh nghiệm của ngài trong các nhóm nhỏ, các cuộc họp nhóm, vào thời điểm đó dường như không tệ. “Trải nghiệm tại bàn của tôi rất tốt (…). Tôi có một lạc quan nào đó, nhưng cuối cùng chúng ta phải chờ xem Thượng hội đồng sẽ thực hiện hướng đi nào và những hướng dẫn đằng sau hậu trường, đó chính là vấn đề.”
Trong một cuộc họp ở Vatican, ông Paolo Ruffini, bộ trưởng bộ Truyền thông, người cũng tham gia Thượng hội đồng, khi được hỏi có thể phạt một người nếu họ không tuân lệnh bảo mật như hồng y Müller không, ông cười trả lời: “Đó là vấn đề phân định cá nhân về sự im lặng. ‘Cảnh sát’ sẽ không can thiệp, trừng phạt hay phạt vạ, chúng tôi là anh chị em, mỗi người đều có khả năng phân định của mình.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Dominique Wolton: “Việc truyền thông phải ‘nhịn thông tin’ không làm tôi sốc”