Tân hồng y Bustillo: “Một số người đã bắt đầu cử hành tang lễ cho Giáo hội Pháp!”

144

Tân hồng y Bustillo: “Một số người đã bắt đầu cử hành tang lễ cho Giáo hội Pháp!”

Tu sĩ Dòng Phanxicô từ đầu đến chân, giám mục giáo phận Ajaccio sẽ nhận mũ hồng y ngày 30 tháng 9, ngài không ngần ngại bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo hội.

Giám mục Bustillo trước vịnh Ajaccio ở Corsica, ngài nhận đảo này làm quê hương với  tính chất núi lửa của nó. – GILLES PEREZ

famillechretienne.fr, Samuel Pruvot, 2023-09-28

Trong văn phòng nhìn ra Đại lộ Jean-Baptiste Marcaggi ở Ajaccio, tân hồng y treo bản sao Giấc mơ của Innocent III, của danh họa Giotto vẽ Thánh Phanxicô giơ tay đỡ nhà thờ Lateran đang sụp đổ. Cả một chương trình! Với chiều cao 1 mét 9, với chiếc áo dòng Phanxicô màu nâu, François Bustillo tự nhiên nổi bật. Lời nói của ngài rất thẳng: “Tôi không nộp đơn! Giáo hội gọi một tu sĩ dòng Phanxicô.” Ngài nói, lung lay chiếc áo chùng: “Đây là người, ‘ecce homo’! Tôi không đẹp hơn hay tâm linh hơn người khác! Tôi nhận chức giám mục với di sản dòng của tôi, thế thôi…” Chỉ vậy thôi, nhưng không phải là không có gì khác biệt, 30 năm trong dòng tại trường Poverello. Sinh ở Pamplona, ở Xứ Basque của Tây Ban Nha, năm 1968, ngài nhận nước Pháp làm quê hương từ ngày vào chủng viện gần Espelette. Được đào tạo tại tập viện ở Padua, nước Ý, sau đó ngài theo học ở Học viện Công giáo Toulouse trước khi đồng sáng lập tu viện Thánh-Bonaventure ở Narbonne, và điều hành tu viện Thánh Maximilien-Kolbe ở Lộ Đức.

Còn bây giờ chiếc mũ đỏ hồng y thì sao? Ngài không thiếu tự trào: “Tôi sẽ thành  con tôm càng!”, ngài muốn nói đến phẩm phục hồng y màu đỏ, vẫn trung thành với ơn gọi dòng Phanxicô của mình, bác bỏ mọi lãng mạn vớ vẫn: “Chúng tôi, những tu sĩ Phanxicô, luôn đi giảng về tình huynh đệ, nhưng chúng tôi là vô địch chia rẽ giữa chúng tôi! Trong suốt lịch sử dòng, chúng tôi cố gắng là những người ‘chân thật nhất và nghèo nhất’…”

Sinh năm 1968 sinh tại Pamplona. 1985: vào dòng Phanxicô ở Pađua, Ý. 1997: thành lập tu viện Thánh-Bonaventure ở Narbonne. Ngày 9 tháng 7 năm 2021: làm giám mục của giáo phận Ajaccio. Ngày 30 tháng 9 năm 2023: được phong hồng y tại Rôma.

Tân hồng y François Bustillo: “Người phương Tây đã đánh mất GPS nội tâm”

Dáng dấp superman

Một số người đặt cho ngài biệt danh “hồng y đi dép” – vì đôi dép 100% dòng Phanxicô của ngài – ngài chỉnh, thói quen không làm thầy tu: “Sẽ luôn có người nói: ‘Cộng đồng này toàn những người ẻo lả!’ hoặc: ‘Bạn phải chân thực hơn: đi chân đất mùa đông, cạo trọc đầu quanh năm, để râu rậm, v.v.’ Nhiều người chú trọng đến hình thức, nhưng chính yếu là gắn bó với Chúa Kitô. Một số bạn trẻ muốn ‘làm trai cho ra thân trai’. Họ tưởng tượng ơn gọi tu trì như một thử thách thể thao. Cuối cùng khi đến với ơn gọi theo cách này, họ bị thất bại.” Ngài cảnh báo: “Nhiều gia đình công giáo muốn cứu Giáo hội, nhưng họ bị rơi vào tình trạng cứng nhắc, và cuối cùng Giáo hội phải cứu họ!” Hồng y có thể đóng vai superman của ngài, nhưng ngài biết rất rõ, mình không phải là người Cứu Rỗi. 

Tình huynh đệ Tin Mừng

Nỗi ám ảnh của ngài là giải thoát Giáo hội khỏi chính những con quỷ của mình. Được bổ nhiệm làm giám mục đảo Corse năm 2021, ngài ý thức mình ở trên hòn đảo có khí chất núi lửa. Ở lối vào tòa giám mục có treo khuôn giấy nến tượng trưng của Yvan Colonna, gợi lại mối quan hệ đau khổ với lục địa. François Bustillo than thở: “Chúng tôi cần đoàn kết. Chỉ cần nhìn vào tình hình chính trị hiện nay là thấy: căng thẳng và bạo lực khắp nơi! Chúng ta luôn buộc tội lẫn nhau.” Ngài nhắc đến Bastien Chalureau, cầu thủ đội bóng bầu dục Pháp buộc phải biện minh trước truyền thông vì bị cho là phân biệt chủng tộc của ông: “Vì sao phương tiện truyền thông tàn ác này lại phá hủy con người?”

Ngài muốn trở thành người dẫn dắt tình huynh đệ Tin Mừng: “Cẩn thận, tình huynh trước hết không phải là một giá trị của cánh tả! Chính Giáo hội đã mang lại cho thế giới cái nhìn khổ hạnh về tình huynh đệ. Thánh Gioan đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương.” Điều khó chịu nhất với ngài là câu xét đoán hủy hoại: “Chúng ta sống trong một xã hội không tin tưởng. Bất cứ ai khác tôi đều bị xem là mối nguy hiểm. Sự ngờ vực này tạo một thái độ huynh đệ tương tàn. Tôi cảm thấy xã hội Pháp bị chia rẽ, phân chia thành từng khu vực và bè phái…” Ngài mất bình tĩnh khi căn bệnh này tác động đến Giáo hội của Chúa: “Những xét đoán này đang làm Giáo hội thành phàm tục! Chúng ta cũng vậy, chúng ta sống theo logic của các nhãn hiệu: người này là “truyền thống”, người kia là “đặc sủng” hay “tiến bộ”… Thật thiếu trưởng thành về mặt thiêng liêng! Chúng ta ở trong thế giới của cảm xúc, giống như những em bé trong sân chơi.”

Hồng y Dòng Phanxicô… Đó không phải là một trường hợp vừa nghịch lý vừa hợp lý tuyệt vời đó sao? Trong quyển sách trao đổi mới nhất với tổng giám mục Edgar Peđa Parra (Trái tim không chia cắt), tân hồng y François Bustillo gợi lên một số thay đổi khi ngài làm giám mục. Người chỉ có một tịch cốc nhỏ với chiếc la-va-bô rửa tay trong phòng , cuối cùng lại có một phòng tắm lớn, phải mở tài khoản ngân hàng, nhận quà là chiếc xe để đi khắp đảo Corse. Nhưng nghèo khó luôn nhắc ngài qua nút thắt của chiếc dây thắt lưng dòng Phanxicô. Ngài trầm lắng tâm sự: “Thật nguy hiểm khi muốn có một chức vụ nào đó trong giáo hội. Một số người mơ, họ chỉ thấy mũ, trượng… Nhưng đời sống của một giám mục không phải chỉ có các thánh lễ giáo hoàng!” 

Công nghị: hai tân hồng y Pháp và nhiều tân hồng y châu Âu

21 tân hồng y, gồm ba tân hồng y không bầu cử trong trường hợp mật nghị, sẽ được phong trong công nghị ngày thứ bảy 30 tháng 9 tại Rôma, trước ngày khai mạc Thượng Hội đồng hiệp hành. Trong danh sách các tân hồng y có hai tân hồng y người Pháp, giám mục  François Bustillo, giáo phận Ajaccio, và tổng giám mục Christophe Pierre, sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, nâng tổng số hồng y cử tri Pháp là sáu người, hồng y Jean-Marc Aveline, hồng y Dominique Mamberti, hồng y Philippe Barbarin, hồng y Jean-Pierre Ricard. Công nghị này gia tăng số lượng hồng y châu Âu, nhưng con số này đã giảm từ triều giáo hoàng Phanxicô năm 2013.

Sự phong phú của ngài là trên địa bàn. Như người mục tử nhân hậu, ngày chúa nhật 10 tháng 9, ngài đến nhà thờ Notre-Dame-de-la-Serra. Hàng trăm giáo dân đã tập trung tại nhà nguyện ở Calvi để dự buổi làm phép bức tượng Đức Mẹ. Ngài nói: “Rất nhiều người đến đây. Bức tượng trước đó đã bị sét đánh! Giáo dân quyết định giúp để có một bức tượng bằng đá cẩm thạch Carrara trắng. Từ cái không đẹp thành cái đẹp. Kết quả: Notre-Dame-de-la-Serra còn đẹp hơn trước! Ở đảo Corse, tôi may mắn được sống trong bối cảnh của nguồn gốc công giáo.” 

Phanxicô một ngày, Phanxicô mãi mãi

Ngài không muốn ai làm biến dạng vẻ đẹp của Giáo hội: “Cám dỗ ngày nay là đặt mình vào vị trí thiểu số bị bách hại. Về chủ đề: “Tôi tồn tại”; “Tôi có quyền”… Đó là logic bộ lạc, nơi mọi người kêu gọi phân biệt đối xử. Chúng ta không thể chơi trò chơi này trong Giáo hội công giáo. Để làm gì? Vì chúng ta không phải là một thực tại thuần túy về con người và chính trị! Chúng ta có ít, chúng ta không thể chia rẽ được!” Ngài nhận xét hơi cay đắng: “Trong Giáo hội, chúng ta không cần kẻ thù bên ngoài để phá hủy mọi thứ: chúng ta có khả năng tự hủy diệt!”

Giám mục Bustillo bên cạnh linh mục Gaston Pietri: “Nếu giám mục không sống với Chúa, họ trống rỗng”. / Ảnh: G. Pérez

Tu sĩ Phanxicô một ngày, tu sĩ Phanxicô mãi mãi, ngài luôn đấu tranh cho tha thứ và hòa bình siêu nhiên: “Nếu tôi hủy hoại người khác với lý do họ chưa đúng là người công giáo, tôi phán xét, trong khi Tin Mừng xin tôi đừng phán xét. Chúng ta thường khắt khe, khắc nghiệt: chúng ta thiếu trong trắng trong phán đoán.” Là hồng y giản dị, hồng y Bustillo tôi luyện sự thanh đạm. Ngài không những không uống một giọt rượu nào, luôn sống đời sống cá nhân cầu nguyện sốt sắng, càng nhiều càng tốt. Trong quyển sách gần đây của ngài, ngài cảnh báo: “Nếu giám mục không sống với Chúa, họ trống rỗng.” Ngài nói với báo Gia đình kitô giáo: “Với tôi, những giờ cầu nguyện cá nhân rất quan trọng. Chúng ta không thể nhìn thấy rễ cây. Nhưng nếu cây không ăn chất vi dưỡng, nó sẽ chết! Nếu tôi giữ vững được cương vị giám mục là nhờ lời cầu nguyện vô hình này. ‘Lạy Chúa, con không nộp đơn để xin chức này chức kia, nhưng bây giờ con ở đây! Lạy Chúa, con đã thưa vâng như Đức Maria, trong niềm tín thác… Xin giúp con gánh vác mọi sự. Có một số việc con có thể xử lý được, có một số việc con không thể.’ Chúa ban sức mạnh. Nếu một hồng y tự giới hạn mình vào việc quản lý và điều hành thì họ sẽ trở thành một công chức!”

Một ứng dụng cầu nguyện bằng tiếng Ý

Tuy nhiên đừng nghĩ giám mục François Bustillo ẩn mình trong ẩn cốc ở Upper Corsica như Thánh Phanxicô ở ẩn thất Carceri. “Tôi tận dụng thời gian tôi có… Sáng nay, tôi rời Calvi lúc 6 giờ sáng. Phải mất ba giờ lái xe để đến Ajaccio. Tôi phải dậy sớm dù hôm trước tôi ăn tối với một thị trưởng ở Balagne cho đến khuya… Tôi phải chú ý đến sức khỏe. Ngày mai tôi sẽ về lại Corbara lúc bình minh…” Ngài nói thêm để trấn an chúng tôi: “Tôi đi xe cả ngày, nhưng tôi đã có ứng dụng cầu nguyện bằng tiếng Ý hát tất cả các buổi lễ trong ngày! Trong những chuyến đi một mình, tôi có thể theo dõi giờ kinh, kinh sáng kinh chiều bằng tiếng Ý!”

Mọi con đường đều dẫn đến Rôma và Ý. Tuy nhiên, trái tim của tân hồng y Bustillo ở Pháp. Ngài yêu đất nước của mình và muốn nó tỏa sáng: “Có một cái nhìn ô nhiễm về Giáo hội của những người cho rằng “mọi thứ đều bị hủy hoại”. Một số người đã bắt đầu cử hành tang lễ cho Giáo hội Pháp! Đó là cái nhìn phản phúc âm.” Ngài kết thúc bằng lời nói nhiệt tình: “Ở Pháp, có một thiên tài riêng, khả năng tái sinh giống như ‘một phần nhỏ còn lại’ trong Kinh thánh. Bất chấp những khó nghèo và số lượng ít ỏi của chúng tôi, vẫn có sự táo bạo của sứ mạng. Chúng tôi có một thông điệp mạnh mẽ muốn mang đến cho xã hội, không kiêu hãnh, không mặc cảm.” Không ít ư?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Quyển sách Trái tim không chia cắt (Le cœur ne se divise Pascal, François Bustillo, Edgar Pena Parra, Nicolas Diat, nxb. Fayard).