Thượng hội đồng, hướng dẫn sử dụng và các thách thức
Phiên họp toàn thể của Thượng Hội đồng hiệp hành sẽ nhóm ở Rôma ngày thứ tư 4 tháng 10 đến ngày chúa nhật 29 tháng 10, để suy nghĩ về tương lai Giáo hội.
la-croix, Loup Besmond de Senneville và Malo Tresca, 2023-09-28
Ngọn nến của Thượng hội đồng 2021-2023 trong thánh lễ Truyền Dầu tại Dinh thể thao ở Créteil, tháng 4 năm 2022. CORINNE SIMON/HANS LUCAS
Phiên họp mới này của Thượng Hội đồng hiệp hành sẽ diễn ra như thế nào?
Phiên họp toàn thể của Thượng hội đồng sẽ bắt đầu ngày thứ tư 4 tháng 10, cuộc họp này hứa hẹn sẽ mang tính quyết định cho tương lai của Giáo hội, nhưng đến nay các quy định nội bộ vẫn chưa được ban Tổng Thư ký công bố. Và không chắc sẽ được công bố trước khi công việc bắt đầu. Nhưng ngày 21 tháng 9, Vatican đã công bố chi tiết liên quan đến lịch trình của 365 nghị viên nam nữ của Thượng hội đồng, họ sẽ gặp nhau tại Hội trường Phaolô VI trong phiên họp toàn thể đầu tiên. Phiên họp lần thứ hai sẽ họp tháng 10 năm 2024.
Công việc của phiên họp toàn thể đầu tiên này được chia thành bốn phần. Tuần đầu là chủ đề về tính đồng nghị, trọng tâm của Thượng Hội đồng, tuần thứ hai là hiệp thông, tuần thứ ba là khái niệm đồng trách nhiệm với sứ mạng, và tuần cuối là quản trị. Bốn chu kỳ này, được tổ chức trong thời gian từ ba đến bốn ngày, sẽ bao gồm phần giới thiệu của tổng tường trình Thượng Hội đồng là hồng y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, trước khi các người tham gia chia thành từng nhóm nhỏ theo ngôn ngữ của họ. Trong các nhóm này, trong hai nửa ngày họ sẽ học phương pháp “đối thoại trong Chúa Thánh Thần” do các điều phối viên hướng dẫn, thường là các thần học gia.
Hồng y Grech: “Nếu chúng ta không tin Chúa Thánh Thần thổi sức thì thượng hội đồng sẽ thất bại”
Sau vòng đầu tiên, trong đó họ có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về chủ đề, 11 thành viên của mỗi nhóm sẽ phản ứng riêng với những nhận xét được nghe, sau đó họ sẽ phát biểu lần thứ ba để biết những điều cần giữ lại ở những cuộc trao đổi này. Giữa những lúc thảo luận xen kẽ thời gian cầu nguyện. Sau đó, cuộc trao đổi nhóm sẽ được tiếp nối trong bốn lần, bằng công việc tại phiên họp toàn thể và Đức Phanxicô dự kiến sẽ tham dự, kết hợp các báo cáo về các cuộc thảo luận nhóm và các can thiệp tự do. Tất cả những thảo luận này phải giữ theo quy tắc bí mật giáo hoàng. Trong số các điểm mới: các thành viên của Thượng Hội đồng sẽ tĩnh tâm ba ngày trước khi bắt đầu công việc và có một chuyến hành hương, dự trù vào ngày thứ năm 12 tháng 10. Ngày 19, họ dự buổi cầu nguyện cho những người di cư và tị nạn tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội: bí mật của giáo hoàng có thể che đậy các cuộc tranh luận
Ai sẽ tham dự?
Đây là lần đầu tiên Thượng hội đồng gây tiếng vang như một cuộc cách mạng nhỏ trong lịch sử Giáo hội: 54 phụ nữ có quyền bầu cử tham dự Phiên họp toàn thể này. Biểu tượng này rất cao, đặc biệt trước sự chứng kiến của 62 hồng y có mặt. Danh sách 364 người tham dự – cộng với Đức Phanxicô -, đã được Vatican chính thức công bố vào cuối tháng 7, tiết lộ điều gì? Không có gì đáng ngạc nhiên, một số nhân vật tiêu biểu có trong danh sách – như chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, tổng giám mục Georg Bätzing, hồng y Mỹ Timothy Dolan hay hồng y Luxembourg Jean-Claude Hollerich, tổng thư ký Thượng Hội đồng. Đây cũng chính là những người sẽ tham gia phiên họp tháng 10 năm 2024.
Thượng hội đồng về tương lai Giáo hội: danh sách những người tham dự tiết lộ điều gì
Ngoài các giám mục được chọn, tất cả các vị đứng đầu Giáo triều Rôma và đại diện của các Hội đồng công giáo Lục địa, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm 50 thành viên với tư cách cá nhân, một số gần gũi với quan điểm của ngài – như linh mục Dòng Tên người Ý Antonio Spadaro, linh mục vừa được bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Văn hóa Giáo dục, hay linh mục James Martin người Mỹ, người bảo vệ nhiệt thành cho quyền của người đồng tính. Thần học gia Arnaud Join-Lambert phân tích: “Sự hiện diện của giáo dân, cựu thành viên của các ủy ban quốc gia hoặc lục địa, cho thấy Rôma đã nhận biết phân định là nền tảng. Điều này chứng tỏ quyền tự trị của các Giáo hội địa phương được công nhận.” Ngoài ra Đức Phanxicô còn kêu gọi đến các nhân vật xa với đường lối của ngài, cho thấy ngài quan tâm đến sự đa dạng.
Có bảy người Pháp có thể bỏ phiếu; giám mục Alexandre Joly (Troyes), giám mục Jean-Marc Eychenne (Grenoble-Vienne), giám mục Matthieu Rougé (Nanterre), giám mục Benoỵt Bertrand (Mende), hồng y Jean-Marc Aveline (Marseille), bà Anne Ferrand, giáo dân thánh hiến, và nữ tu Nathalie Becquart, phó thư ký Thượng Hội đồng.
Các vấn đề cụ thể của phiên họp này là gì?
Tham vấn các tín hữu, quan tâm đến các vùng ngoại vi, quản trị, đấu tranh chống lạm dụng và văn hóa giáo sĩ trị, hội nhập người LGBT+… Được triển khai theo mọi hướng, các suy nghĩ – được trình bày dưới dạng câu hỏi mở trong Tài liệu làm việc mới nhất – báo trước sự nắm giữ chưa từng có những tranh luận ở cấp cao nhất của Giáo hội hoàn vũ. Mặc dù khó có thể đưa ra một cái nhìn tổng quát đầy đủ vì danh sách quá dài, nhưng đặc biệt thể hiện mong muốn thiết kế lại một thể chế chú ý hơn đến các tín hữu từ nền tảng và những người bên lề, có khả năng suy nghĩ lại cách nói với thế giới đương thời.
Hồng y Grech và Hollerich được Đức Phanxicô chọn để lãnh đạo một thượng hội đồng quyết định
Đối với các vấn đề được xem xét kỹ lưỡng, cần giải quyết vấn đề củng cố vị trí của phụ nữ – có mặt khắp nơi trong các phản hồi từ thực địa. Cũng như vấn đề có khả năng gây nhiều tranh cãi như việc truyền chức cho các ông đã lập gia đình. Không đề cập rõ ràng đến việc phong chức linh mục cho phụ nữ – điều mà Đức Phanxicô luôn phản đối – tài liệu chuẩn bị lại nêu lên vấn đề chức phó tế nữ. Cuối cùng, Vatican dự định đưa ra để tập thể suy tư một số câu hỏi nhất định xung quanh sự tiến triển trong vai trò của các linh mục và giám mục.
Trong khi những tiếng nói chỉ trích đặt vấn đề về khả năng của tiến trình “thay đổi về cơ cấu”, trong đó những người khác lo ngại rằng nó sẽ mở ra cơ hội “cho một cuộc cách mạng”, Một người tham dự giải thích với báo La Croix: “Đức Phanxicô muốn dành nhiều thì giờ để phân định: phiên họp này không phải là phiên họp trung gian, nhưng là phiên họp chuẩn bị cho lần tiếp theo. Nó sẽ phải vạch ra lộ trình. Cách thức tiến hành có mục đích mang tính thiêng liêng sâu đậm, nhưng phải có khả năng dẫn đến một điều gì đó rất cụ thể.”
Thiết kế một thể chế
Phiên họp toàn thể đầu tiên hứa hẹn mang tính quyết định với tương lai của Giáo hội công giáo sẽ diễn ra tại Vatican từ ngày 4 đến 29 tháng 10. Phiên thứ hai sẽ được tổ chức một năm sau, vào tháng 10 năm 2024.
365 nghị viên nam nữ của Thượng Hội đồng sẽ làm việc trong các nhóm nhỏ theo ngôn ngữ của họ, họ sẽ học phương pháp “đối thoại trong Chúa Thánh Thần” do các điều phối viên hướng dẫn, thường là các thần học gia.
Công việc sẽ được chia thành bốn chu kỳ, trước tiên là về tính đồng nghị, sau đó là hiệp thông, đồng trách nhiệm trong sứ vụ và cuối cùng là quản trị.
Đáng chú ý, 54 phụ nữ, có quyền bầu cử, sẽ tham gia hội nghị này, cùng với 62 hồng y.
Sự hiện diện của giáo dân cũng như nhiều địa bàn hoạt động chứng tỏ có một mong muốn thiết kế lại một thể chế quan tâm hơn đến các tín hữu từ cấp cơ sở và những người bên lề, đồng thời có khả năng suy nghĩ lại cách tiếp cận với thế giới đương đại.
Quyển sách. Tính đồng nghị qua cái nhìn của Đức Phanxicô. Lời và suy tư về tính đồng nghị (La synodalité vue par le pape François. Paroles et réflexions sur la synodalité. Pape François. Nxb. Salvator, 2022)
Hồng y Mario Grech viết lời tựa, nữ tu Nathalie Becquart, thư ký Thượng hội đồng viết lời giới thiệu, tập sách gom khoảng bốn mươi bài, dài ngắn khác nhau của Đức Phanxicô về tính đồng nghị. Bắt đầu từ tông huấn nổi tiếng tông huấn Niềm vui Tin mừng năm 2013, việc phân loại theo thứ tự thời gian giúp đo lường sự tiến triển trong 10 năm qua suy nghĩ của người kế vị Thánh Phêrô về chủ đề thiết thân này trong triều giáo hoàng của ngài. Theo ngài, những can thiệp gần đây có thể giúp nhận diện những nguy cơ chính của tiến trình thượng hội đồng đang tiến hành: “chủ nghĩa hình thức”, “chủ nghĩa trí thức” và “sự bất động”. Những cạm bẫy mà ngài kêu gọi tránh xa, để có thể trải nghiệm đầy đủ tiến trình này như một “cơ hội gặp gỡ, lắng nghe và suy tư (…), một thời gian ân sủng trong niềm vui Tin Mừng”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch