Chân dung hồng y Giorgio Marengo, nhà truyền giáo theo mẫu của Đức Phanxicô
cath.ch, I.Media, 2023-08 -29
Từ ngày thứ năm 31 tháng 8 đến ngày thứ hai 4 tháng 9 năm 2023, Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến Mông Cổ, vùng Trung Á. Mông Cổ chỉ có một nhóm nhỏ giáo dân công giáo khoảng 1.300 người do hồng y Giorgio Marengo người Ý, giám quản Tông tòa lãnh đạo, ngài là hồng y trẻ nhất thế giới.
Sinh năm 1974 tại Cuneo, vùng Piedmont, nước Ý, Giorgio Marengo chịu chức năm 2001, thuộc Hội dòng Truyền giáo Consolata, một giáo đoàn Ý được thành lập vào đầu thế kỷ 20 và chuyên đồng hành với các Giáo hội trẻ. Sau khi có bằng tiến sĩ về truyền giáo học tại Đại học Urbaniana ở Rôma, ngài là cựu hướng đạo sinh và nhà kiếm thuật, trong những năm 2000 ngài lên đường đi gặp một dân tộc chưa bao giờ nghe nói về Chúa Giêsu.
Chân dung nhà truyền giáo theo mẫu của Đức Bergoglio từ những năm 2000.
Chỉ vài năm trước đó, năm 1992, những nhà truyền giáo công giáo đầu tiên đến Mông Cổ ở một nước Phật giáo Tây Tạng là đa số. Lần đầu tiên, cha Giorgio Marengo được gởi đến đến Avayheer, một thị trấn nhỏ có 20.000 dân nằm ở trung tâm đất nước, tại đây ngài thành lập giáo xứ Mẹ Maria Thương Xót.
Trong lần lần đầu tiên ở với các anh em Hội dòng Truyền giáo Consolata, ngài hài hước tâm sự trong một buổi làm chứng ở một đền thánh Ý năm 2020: “Chúng tôi đến đây như người sao Hỏa đến sao Thổ. Tại nơi truyền giáo đầu tiên chưa có người công giáo nào, người dân xem chúng tôi như gián điệp hoặc như sứ giả của một quốc gia. Phải mất một thời gian dài để chúng tôi xây dựng được mối quan hệ, tin tưởng lẫn nhau, nhưng thật xứng công!”
Nhạc sĩ và là người thạo nhiều ngôn ngữ
Nữ tu Lieve Stragier – hiện là bề trên của Dòng Nữ tu Truyền giáo Trái tim Vô nhiễm Đức Maria – đã cùng làm việc bên cạnh hồng y Giorgio Marengo trong những năm đầu tiên truyền giáo, từ 2003 đến 2010, sơ kể về linh mục “rất trẻ” này: “Khi cha đến, tôi giúp cha tìm nhà ở. Cha rất giỏi âm nhạc, đàn guitar, hát rất hay và còn sáng tác bài hát. Cha rất siêng học ngôn ngữ và mất nhiều thời gian để tìm hiểu văn hóa người dân.” Không như người tiền nhiệm của mình, hồng y Marengo thông thạo tiếng Mông Cổ.
Năm 2020, sau hơn 15 năm truyền giáo, cha được Đức Phanxicô chọn làm giám quản Tông tòa Oulan-Bator và được hồng y Tagle, bộ trưởng bộ Truyền giáo các Dân tộc lúc bấy giờ – bây giờ là Thánh Bộ Truyền giáo, phong giám mục. Giám mục Marengo đã kiên nhẫn làm việc, ngài khéo léo và dịu dàng, đức tính mà các nhà truyền giáo được kêu gọi để “loan báo Tin Mừng giữa lòng châu Á”.
Hai năm sau, ngày 27 tháng 8 năm 2022, Đức Phanxicô phong giám mục Marengo làm hồng y, ngài là hồng y đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Mông Cổ. Sự lựa chọn bất ngờ này đã khơi dậy lòng nhiệt thành của giới truyền thông với nhà truyền giáo người Ý lúc đó 48 tuổi, là hồng y trẻ nhất Hồng y đoàn.
Ngài nói với truyền thông Vatican: “Tôi nhận được tin vào cuối buổi cử hành thánh lễ ngày chúa nhật ở Dòng Nữ tu Truyền giáo Consolata, đó là giây phút của tình huynh đệ và là cả một bất ngờ với tôi. Tôi biết ơn sự quan tâm của Đức Phanxicô dành cho một Giáo hội nhỏ bé và ở ngoại vi.”
Người dân Mông Cổ hân hoan chờ đón Đức Phanxicô đến thăm
Ngài nói với hãng tin I.Media một ngày trước công nghị, rằng việc bổ nhiệm này “cho thấy tầm quan trọng của kitô giáo ở châu Á” dù đây là một Giáo hội thiểu số. Ngài nhấn mạnh: “Quyết định của Đức Phanxicô cho thấy, thực tế Mông Cổ là một quốc gia, trong lịch sử của mình, đã có thể thúc đẩy hòa bình và hòa hợp giữa các dân tộc có nguồn gốc khác nhau. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng.”
Hồng y Giorgio Marengo sẽ là hồng y cử tri cho đến tháng 6 năm 2054, như thế ngài sẽ tham dự nhiều mật nghị và cũng có thể trở thành một nhân vật chủ chốt trong những thay đổi lớn lao của kitô giáo trong thế kỷ 21.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Mông Cổ, mô hình phát triển độc nhất ở Trung Á
Hồng y Marengo: Đức Phanxicô đi Mông cổ, một khích lệ lớn lao cho một Giáo hội non trẻ